Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/11/2019 01:25
Di sản văn hóa ở Đường Lâm

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội chừng 50km vẫn giữ được hầu hết những né tiêu biểu của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng đồng… Cảnh quan đẹp, dáng vẻ cổ kính được giữ vẹn nguyên, người dân làng Đường Lâm rất tự hào về truyền thống văn hóa, ý thức gìn giữ và tô điểm cho nét văn hóa làng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi trân trọng giới thiệu những di sản văn hóa ở Đường Lâm qua bộ sách “Làng cổ Hà Nội” do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Trên địa bàn các làng trong xã Đường Lâm tính đến năm 2014 đã có 9 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng (7 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích cấp Tỉnh, 10 nhà cổ xếp hạng cấp Thành phố); ngoài ra còn nhiều công trình di tích và dấu tích lịch sử khác. Các nhóm di tích gồm: 5 đình, 1 chùa, đền, phủ, lăng mộ…; miếu, quán, điếm (làng Mông Phụ có nhiều miếu, điếm phong phú nhất); có hai ngôi nhà cổ niên đại 300 năm, một số ngôi nhà niên đại 200 năm (chiếm 5%); cổng làng Mông Phụ là điển hình nhất với tổ hợp cảnh quan cổng - cây đa - ao làng; giếng cổ vẫn còn ở các làng, chủ yếu là giếng đá ong; các kiến trúc cảnh quan tự nhiên có dấu ấn lịch sử như: vũng Hùm, đồi Hổ Gầm, rặng Duối cổ, đồi Vọng Cảnh… gắn với truyền thuyết về Vua Phùng Hưng và Vua Ngô Quyền.

Ngoài những di sản văn hóa tiêu biểu, Đường Lâm còn được biết đến là quê hương của các danh nhân với các giá trị tinh thần về lòng yêu nước và tài năng: vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, còn là quê của Nguyễn Thị Ngọc Liệu (bà Chúa Mía - Cung phi của Chúa Trịnh Tráng). Nơi đây còn mộ của mẹ bà Triệu Thị Trinh và nơi thờ các nữ tướng đã theo bà khởi nghĩa. Đường Lâm có kho tàng truyền thuyết, câu chuyện lịch sử, câu chuyện về đối nhân xử thế của người làng qua nhiều thế hệ. Lễ hội đình, chùa… được duy trì. Hiện còn khoảng 11 Gia phả được lưu giữ, dài nhất là phả hệ 400 năm. Thư tịch trên bia đá, khánh rất phong phú với hơn 2.000 văn bản Hán Nôm. Một số di tích lịch sử - văn hóa chính ở Đường Lâm.

Một trong số những di sản văn hóa ở Đường Lâm được nhiều người biết đến đó là đình Phùng Hưng. Đình được xây dựng từ lâu đời, sách “Việt điện u linh” viết việc thờ phụng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đã có ngay từ khi ông mất. Đền được lập ở phía tây thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Ở Đường Lâm không rõ đình được xây dựng thời gian nào, nhưng năm trùng tu thì được ghi rõ là năm Thành Thái nguyên niên (1889). Nhân dân ở đây vẫn truyền rằng đền thờ Phùng Hưng do Ngô Quyền xây dựng từ thế kỷ thứ X. Công trình này được xây dựng trên một quả đồi thoai thoải, nhìn về hướng nam. Bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị”, xung quanh có tường bao, hai bên sân có tả, hữu mạc, mỗi dãy gồm 5 gian nhỏ. Khám thờ trong Hậu cung có long ngai, bài vị và tượng chân dung mới tạc cùng một số đồ thờ rất trang nghiêm.

Đình Phùng Hưng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 03-01-1964.

Bên cạnh đình Phùng Hưng là đền và lăng Ngô Quyền, tương truyền được xây dựng từ thế kỷ thứ X.

Ngô Quyền xuất thân trong một gia đình quý tộc “Đời đời là hào trưởng”, cha là Ngô Mân giữ chức Châu mục châu Đường Lâm. Lớn lên, Ngô Quyền vào Thanh Hoa (Thanh Hoá ngày nay) theo Dương Đình Nghệ, được cử làm tướng tiên phong, cùng Dương Đình Nghệ kéo quân ra thành Đại La, đánh đuổi quân xâm lược Nam Hán. Ngô Quyền đã có công giúp họ Dương khôi phục quyền tự chủ và ông được Dương Đình Nghệ gả con gái làm vợ. Sau khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại, giặc Nam Hán lại sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã lãnh đạo quân dân ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, chấm dứt một ngàn năm đô hộ của bọn phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Sau khi Ngô Quyền mất, tại quê hương, nhân dân xây đền và lăng thờ ông. Trải qua nhiều lần trùng tu, lần tu bổ lớn nhất được ghi là năm Tự Đức thứ 11 (1858) quy mô đền gồm: Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Đại bái đền gồm 5 gian, tường hồi bít đốc. Hậu cung là một ngôi nhà dọc ba gian, tiền đao, hậu đốc. Đề tài chạm khắc là “Tứ linh” và hoa lá cách điệu. Trong đền có tượng Ngô Quyền, long ngai, bài vị và một số đồ tế tự. Bên ngoài Đại bái, trưng bày “phòng truyền thống”. Đáng chú ý ở đây có các cọc Bạch Đằng được mang về từ cửa sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận quyết chiến lịch sử năm 938.

Lăng Ngô Quyền được xây ở phía dưới đền theo hình thức 4 mái trên bệ cao, giữa là ngai rồng. Ở đây có tấm bia đá ghi “Tiền Ngô vương lăng” (lăng vua Tiền Ngô vương). Phía trước lăng là những rộc sâu, tương truyền xưa kia Ngô Quyền thường bơi lặn đánh trận giả dưới nước ở đây.

Đền và lăng Ngô Quyền được xếp hạng di tích cấp Quốc gia ngày 03-01-1964.

Ở Đường Lâm đình Mông Phụ là một di sản văn hóa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759). Đây là một ngôi đình rất lớn, được xây dựng ở trung tâm của làng. Đình nhìn về hướng tây nam, gồm 5 gian 2 dĩ. Đến năm Tự Đức thứ 12 (1859) dân làng làm thêm lớp đình ngoài và phần “ống muống” để tạo thành lối kiến trúc kiểu chữ “Công”. Đề tài trang trí rồng theo các tích “Rồng mẫu tử”, “Cửu long tranh châu”… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Các đầu đao trang trí “tứ linh” bằng sành nung già màu gan trâu rất độc đáo. Đại bái đình Mông Phụ còn hệ thống sàn đình và hàng lan can con tiện bằng gỗ. Ngoài các di vật như long ngai, bài vị thờ Phùng Hưng - Bố Cái Đại vương, ở đây còn chuông đồng, khánh đá vốn của văn miếu Sơn Tây, khi văn miếu bị phá vào những năm 60 của thế kỷ XX, các di vật này đã được chuyển về đình Mông Phụ.

Đình Mông Phụ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 20-05-1991.

Chùa Mía, không chỉ là một di sản văn hóa của Đường Lâm mà còn là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở nước ta. Chùa có tên chữ là “Sùng Nghiêm tự”, đặt trên đất thôn Đông Sàng nhưng từ xưa nhân dân trong, ngoài vùng vẫn gọi là chùa Mía. Chùa được bà Nguyễn Thị Ngọc Dao, phi tần của chúa Trịnh Tráng hưng công xây dựng trên nền chùa cũ vào năm Long Đức thứ 3 (1631) trên một quả đồi thấp rộng gần một hecta. Trước cổng chùa có chợ, gọi là chợ Tam Bảo hoặc chợ Mía.

Chùa Mía có Tam quan hai tầng tám mái, tầng trên là gác chuông. Sân ngoài có cây đa đã vài trăm năm tuổi. Chùa có hai toà Tiền đường, đó là một điều hiếm thấy ở chùa Việt. Toà Tiền đường ngoài là nơi có điện Mẫu, nơi dựng tấm bia Long Đức, nội dung nói về lịch sử dựng chùa với hoa văn trang trí thời Lê độc đáo. Từ toà Tiền đường trong trở vào, mặt bằng kiến trúc tạo thành kiểu “Nội công ngoại quốc” và các hạng mục kiến trúc này đã bài trí số lượng tượng Phật nhiều tới 287 pho lớn nhỏ. Trong số tượng đó có nhiều pho được tạc bằng gỗ vào thời Lê và một số pho bằng đất luyện, sơn thếp thời Nguyễn. Chùa Mía đã được xếp hạng di tích Quốc gia từ ngày 3-1-1964.

Ngoài hệ thống đình, chùa, lăng miếu thì nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638) toạ lạc ở giữa làng Mông Phụ, có tên chữ là “Giang Thám Hoa công tử” cũng là một di sản văn hóa quý của Đường Lâm. Ngôi nhà thờ này khá lớn, kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị”, gồm một toà Tiền đường năm gian, toà Hậu đường ba gian. Nội thất Tiền đường để thoáng, dành cho việc hội họp ngày giỗ tổ. Hậu đường là nơi thờ phụng tổ tiên họ Giang và Thám hoa Giang Văn Minh.

Giang Văn Minh sinh năm Quý Dậu (1573). Năm Mậu Thìn đời Vua Lê Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), ông dự thi Đình, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ Tam danh (Thám hoa). Năm Đinh Sửu (1637) niên hiệu Dương Hoà ông giữ chức Tự khanh, được cử đi sứ sang nhà Minh. Tương truyền người Minh ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” có ý nhắc việc Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Ông ung dung đáp: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”. Người Minh biết ông nhắc lại thất bại thảm hại của quân Mông - Nguyên trên sông Bạch Đằng để đối lại nên uất ức và khiếp phục. Vua Minh sai mổ bụng sứ thần ta, đổ thuỷ ngân vào và cho chở về nước. Triều đình vô cùng thương tiếc. Vua Lê đã than: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”, nghĩa là đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước, xứng là anh hùng thiên cổ và truy tặng ông chức Thị lang, tước Vinh Quận công.

Mộ ông chôn tại xứ Gò Đồng. Nhân dân quen gọi thành kính là mộ ông Sứ thần. Người ta cũng truyền khẩu câu ngạn ngữ: “Cờ họ Đỗ, giỗ họ Giang”. Hai họ này là những họ lớn ở Đường Lâm. Họ Đỗ Doãn có nhiều tay chơi cờ nổi tiếng, còn giỗ họ Giang chỉ vào việc giỗ Thám hoa Giang Văn Minh hàng năm được cử hành long trọng!

Nhà thờ Giang Văn Minh được xếp hạng di tích lưu niệm danh nhân cấp Quốc gia ngày 20-5-1991.

Dẫu cho tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, các làng quê Việt Nam đều có những đổi thay thì Đường Lâm vẫn giữ được vẻ đẹp thuần phác hòa quyện trong nhịp sống hiện đại. Với những cống hiến và thành công đáng ghi nhận, Dự án bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm đã chính thức được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, trao giải thưởng danh dự về Bảo ồn Di sản văn hóa năm 2013 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với bất kể ai khi bước chân đến làng cổ Đường Lâm, thăm những di sản văn hóa đều có chung một cảm xúc ấy là cuộc sống thành thị bộn bề dường như bị bỏ lại phía sau, trước mặt chỉ còn là những cánh đồng xanh mát, không gian trong lành với cây đa, giếng nước, sân đình… cho ta tìm về một góc văn hóa xưa của cha ông tự ngàn đời của một vùng văn hóa xứ Đoài.

Linh Ánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)