Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 08/11/2019 01:25
Nghề làng, người làng Bát Tràng

Nằm ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chừng 15km, Bát Tràng được biết đến là làng gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam. Bên cạnh gốm sứ nổi tiếng, Bát Tràng còn là làng công thương chuyên nghiệp với sự giao thương buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nghề buôn nước mắm, cau khô… Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về làng nghề, người làng Bát Tràng qua bộ sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Trước hết là nghề gốm sứ, để tạo ra các sản phẩm gốm, sứ phải trải qua nhiều công đoạn như chọn nguyên - nhiên liệu, sơ chế nguyên liệu, tạo dáng, trang trí, nung sản phẩm… Mọi công đoạn vừa đòi hỏi nhiều nhân lực, vừa phải có tính kỹ - mỹ thuật cao. Hầu hết, công nhân làm nghề đều đến từ các làng lân cận như Giang Cao, Khoan Tế, Đào Xuyên, Kim Lan, Xuân Quan… Họ chia thành các phường hội như: phường bổ củi, phường vớt bè, phường nung lò…  Người Bát Tràng làm chủ, vừa chủ lò vừa chủ về kỹ thuật. Phát huy lợi thế về mặt địa lý, sản phẩm của làng nghề sản xuất ra nhanh chóng được các thương lái đến thu mua, hoặc theo các gánh hàng đến các chợ nhỏ lẻ trong vùng, hoặc theo các chuyến đò dọc, đò ngang đến các chợ ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, có khi vào cả vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh… Vào thời kỳ hưng thịnh (thế kỷ XVII), gốm Bát Tràng còn được xuất sang các nước khác như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản.

 Làng Bát Tràng không có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, không có những người nông dân một nắng hai sương trên mảnh ruộng cấy cày mà với nghề gốm đã thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người làng. Qua điều tra hồi cố cho thấy, thu nhập của các chủ lò phụ thuộc vào quy mô nhà xưởng (liên quan đến vốn liếng, đến những người làm thuê...), chia thành nhiều mức khác nhau. Nghề gốm còn kéo theo nhiều nghề khác, tạo công ăn việc làm. So với người nông dân không có ruộng đất cày cấy, phải đi làm tô trong bối cảnh của xã hội nông nghiệp lấy hạt gạo làm chuẩn, thu nhập từ các công việc liên quan đến nghề gốm vẫn cao. Nhìn chung dân làng có cuộc sống khá giả so với các làng lân cận lúc bấy giờ.

Nghề làm gốm còn thu hút một lượng lớn người đến làm thuê, tạo ra nhiều dịch vụ ăn theo như, cung ứng nhân công làm thuê cho các nhà xưởng, cung cấp nguyên, nhiên liệu, phương tiện phục vụ cho nghề sản xuất gốm, phân phối sản phẩm, cung cấp các sản phẩm tận dụng từ lò nung (vôi, gạch), cung ứng gỗ cho những cơ sở sản xuất hàng mộc đến các làng lân cận. Đặc biệt, ở đây xuất hiện nghề ở vú, trông trẻ vốn chỉ có ở đô thị, đã tạo nên một nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người. Lượng dân nhập cư này đã tạo ra những mối quan hệ mới của người làng, nhất là giai đoạn hiện nay.

Từ những hòn đất tưởng như “bình thường” kết hợp với than củi và các vật liệu khác, dưới bàn tay khéo léo của người thợ gốm Bát Tràng, cùng với nhân công ở các làng, qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đã tạo ra những sản phẩm đa dạng, phục vụ các mặt đời sống, nhiều sản phẩm đã trở thành của quý hiếm, nổi tiếng cả nước; tạo cơ sở kinh tế khá giả cho người làng và cuộc sống ổn định cho những người làm nghề.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Long đình gốc Bát Tràng thế kỷ XVII là Bảo vật Quốc gia. Tại đình làng còn đôi câu đối ca ngợi nghề gốm:

Bạch Bát chân truyền nê tác bảo,

Hồng lô đào chú thổ thành kim.

     Nghĩa là:

Từ Bạch Bát, nhờ nghề, bùn thành vật quý

Lò rực hồng hun nặn, đất hóa nên vàng.

Đầu năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn 13 làng nghề có yếu tố có thể phát triển du lịch, trong đó đã phê duyệt Đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch 2 làng Bát Tràng và Vạn Phúc.

Bên cạnh nghề gốm, làng còn có hoạt động buôn bán từ rất sớm, tiêu biểu là nghề buôn nước mắm và buôn cau khô, thu hút phần đông phụ nữ tham gia. Theo đường thủy, người làng Bát đã mua nước mắm từ các vạn Thanh Hóa; cau mua ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An), hay một số làng ở thành phố Nam Định, Huế hoặc vào các chợ nội thành Hà Nội. Từ các sản phẩm gốc này, người Bát Tràng tạo ra quy trình bảo quản, sơ chế, cải biến để có những sản phẩm đạt chất lượng mang thương hiệu và đặc trưng riêng của Bát Tràng. Từ đây, sản phẩm được mang đi tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương lân cận dưới nhiều con đường khác nhau, thông qua các thương lái mua buôn mang đến không chỉ các chợ trong vùng, mà còn đến các nơi xa như Phả Lại, Chí Linh, Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình...; mang lại nguồn lợi kinh tế cao sau nghề gốm. Từ sau năm 1948, do ảnh hưởng của chiến tranh, nghề buôn nước mắm và cau khô của người Bát Tràng không còn được duy trì khi nguồn hàng từ Thanh - Nghệ không được chuyển ra, một số gia đình làm nghề buôn đã chuyển sang làm gốm sứ.

Ngoài nghề gốm, buôn bán, Bát Tràng còn nổi tiếng là làng có truyền thống học hành khoa bảng, từ đó có nhiều người am hiểu nho - y - lý - số, đặc biệt là y học. Nhiều gia đình, chi phái của các dòng họ có truyền thống làm lang y, dạy học và hành nghề ở nhiều nơi. Nhiều trường hợp, thầy thuốc cũng làm nhiệm vụ của ông đồ dạy học. Người Bát Tràng tổng kết: “Ở đâu có người Bát Tràng sinh sống, ở đó có người làng mở hiệu làm thuốc, kê đơn bắt mạch tại nhà”.

Nhờ kinh tế phát triển, người làng Bát Tràng có điều kiện cho con em ăn học và người làng cũng thật sự thành đạt trên con đường học vấn. Theo tài liệu “Bản xã tiên hiên, tiên nho lục” còn lưu ở đình, làng có 283 người đỗ đạt và làm quan. Những dòng họ có nhiều người đỗ đạt là họ Lê, Nguyễn Quan Giáp, Vũ Tả Đoài, Giáp, Vương, Trần Đông Hội.

Theo thời gian những nghề như buôn cau, buôn nước mắm của làng Bát Tràng đã mai một thì nghề gốm sứ của Bát Tràng vẫn duy trì và ngày một phát triển và hơn hết còn được biết đến là làng du lịch để mỗi du khách khi đến Thủ đô không thể không một lần ghé thăm Bát Tràng để biết về nghề làng, người làng Bát Tràng.

Ly Đàm

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)