Đôi nét về địa bạ huyện Thanh Trì
Địa bạ huyện Thanh Trì năm trong bộ Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội. Cũng giống bao bộ địa khác, địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng, xã trên cơ sở sự khám đạc và xác nhận của chính quyền. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Vua Minh Mệnh đã từng nhấn mạnh việc lập Địa bạ là để “vạch rõ bờ cõi cho hết mối tranh giành” . Trong lịch sử, các nhà nước phong kiến Việt Nam, để thiết lập quyền cai trị trên lãnh thổ của mình thì việc đầu tiên là phải quản lý dân số và đất đai bằng việc lập hai loại sổ là “sổ đinh” và “sổ điền”. Việc này đã được các đời nối tiếp noi theo.
Về nội dung, địa bạ ngoài giá trị thống kê về đất đai còn phản ánh rất nhiều khía cạnh của đời sống xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn như lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hoá, ngôn ngữ… Qua tài liệu địa bạ, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin như lịch sử các vùng đất, những biến đổi về địa danh, địa giới qua thời gian. Biến động về đất đai, về dân số qua các thời kỳ chế độ quản lý ruộng đất của từng giai đoạn lịch sử. Chế độ sở hữu ruộng đất giữa các giai tầng dòng họ, chế độ trưng thu thuế khoá, chế độ sử dụng ruộng đất và những vấn đề về làng xã Việt Nam… Vì vậy trong thực tế, địa bạ luôn là loại hình tài liệu thu hút được khá nhiều đối tượng độc giả khai thác sử dụng.
Giá trị của nó không chỉ dừng ở những nội dung thông tin, mà bản thân tài liệu trải qua thời gian đã trở thành những cổ vật vô cùng quý giá. Với kỹ thuật chế tác độc đáo trên giấy dó, ngôn ngữ thể hiện bằng chữ Hán và chữ Nôm cùng với cách trình bày và các dấu triện đặc trưng của thời Nguyễn… Địa bạ đã giúp các nhà nghiên cứu rất nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.
Việc biên dịch từ chữ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ và công bố toàn văn gần như trung thành tuyệt đối với nguyên bản sẽ làm thoản mãn nhiều đối tượng bạn đọc. Các nhà khoa học có thể nhìn thấy từ đây ở mỗi đơn vị xã thôn hay trên các cấp độ không gian rộng lớn hơn (một tổng, một huyện, một phủ…). Nhiều vấn đề căn bản và thú vị của đời sống xã hội. Một công dân binh thường có thể qua đây thấy lại hình ảnh làng quê mình hai trăm năm về trước với giáp giới đông tây nam bắc, một con đường, một dòng sông mà nay đã có nhiều thay đổi, tên mỗi xóm ngõ hay từng cánh đồng và hàng trăm tên tuổi gợi nhớ veef một quá khứ xa xăm… Từ đó, nhiều lĩnh vực khoa học, từ sử học, kinh tế học, đến văn hóa học, ngôn ngữ học, địa danh học, văn tự học…đều đó có thể thấy từ địa bạ nguồn dữ liệu phong phú và hứa hẹn nhiều khám phá, phát hiện có ý nghĩa.
Nhóm tác giả đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, cẩn trọng để đảm bảo độ chính xác của các tư liệu đặc biệt là phần chữ Hán và chữ Nôm. Đồng thời có sự khảo cứu, chú giải ở nhiều trang những thông tin bổ ích, trợ giúp nhiều nhất cho bạn đọc trong quá trình khai thác. Cuốn sách hy vọng sẽ đem đến cho độc giả những kiến thức về việc xây dựng hoạch định địa danh của các triều đại phong kiến mà chủ yếu là Gia Long khá hoàn chỉnh.
Văn phong dịch trôi chảy, dễ hiểu, có chú thích, chú giải rõ ràng, vừa có tính khoa học vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ bạn đọc rộng rãi. Ở phần sách dẫ co mục những địa danh, tên danh nhân đã sắp xếp cụ thể và chỉ rõ ở các trang nên bạn đọc có thể dễ dàng tìm địa danh hoặc nhân danh. Để từ đó có thể thấy sự cẩn thận chu đáo của nhóm tác giả quan tâm đến độc giả như thế nào. Hy vọng cuốn sách ra đời sẽ được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình và có ý kiến góp ý xác đáng để nhóm biên soạn chỉnh sửa hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Kho tư liệu địa bạ với dung lượng đô sộ như vậy không chỉ là nguồn tài liệu có giá trị to lớn trong nghiên cứu nhiều mặt của xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại, đặc biệt là ở nửa đầu thế kỷ XIX mà còn là một di sản văn hóa đặc biệt có giá trị của dân tộc.
Đặng Tình