Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/11/2019 10:33
Làng họa sĩ xứ Đoài của Hà Nội

Trên dặm dài đất nước hình chữ S của Việt Nam có nhiều ngôi làng nổi tiếng gắn với đặc sản, nghề truyền thống… còn với Cổ Đô được gọi một cái tên thân thương riêng biệt “làng họa sĩ”. Bởi một làng quê có tới 22 họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội… Sẽ có nhiều cách viết, nhìn nhận về làng Cổ Đô – làng họa sĩ, ở đây trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu về ngôi làng từ cách nhìn của một làng cổ Hà Nội qua bộ sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên, đã được xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Cũng như bao làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ khác, Cổ Đô mang trong mình những đặc trưng tiêu biểu với những nếp nhà cổ xưa, gốc đa, bến nước, sân đình… nhưng có lẽ cái đặc biệt hơn cả có lẽ ở vị trí của ngôi làng. Cổ Đô nằm ngay gần chân núi Tản Viên và nằm bên bờ sông Hồng, nơi tiếp giáp giao lưu giữa hai con sông lớn - sông Đà và sông Thao gặp nhau, chính vì vậy dòng sông ở đây rất rộng. Con đê phải đắp cao như dãy núi chạy dài mới đủ sức ngăn lũ. Mùa lũ đến, dòng sông như hóa phép, lúc thì một màu đỏ au, lúc thì bên trong bên đục, dòng sông như rộng thêm ra. Có nhiều khi con lũ lên nhanh, dòng sông trở nên dữ tợn, tạo thành những dòng xoáy lồng lộng, giống như con thú dữ... Có lẽ chính vì thế mà đã sản sinh ra truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Phải chăng một phần bởi Cổ Đô gắn với phong cảnh hữu tình, với những truyền thuyết cổ xưa, gắn với sông Đà núi Tản nên đã sản sinh ra những tâm hồn nghệ thuật, những đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú để vẽ lên màu sắc, thanh âm của cuộc sống mà dựng lên ngôi làng nổi tiếng vì có nhiều họa sĩ nhất cả nước.

Trải qua năm tháng của lịch sử, Cổ Đô đã có nhiều lần đổi tên khác nhau. Từ xa xưa, Cổ Đô đã có tên gọi là xã Cổ Cẩm thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây; tiếp đến là xã Yên Đô, huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây; rồi xã Cổ Đô, tổng Kiều Mộc; thời Pháp thuộc còn gọi là thôn Cổ Đô, tổng Kiều Mộc, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây… Đến cải cách ruộng đất, Cổ Đô lại hợp nhất với các thôn Kiều Mộc, Vu Chu, Viên Châu (của xã Tân Đức) gọi là xã Tân Lập, huyện Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Tiếp đến là xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Từ tháng 8 năm 2008, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội.

Cổ Đô hôm nay nổi tiếng không chỉ là một ngôi làng cổ mà nổi tiếng bởi “làng họa sĩ” mà nói đến giới họa sĩ Cổ Đô trước hết là nói về họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt (1919 - 2000), với những bức tranh nổi tiếng như: “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”... đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Họa sĩ Sỹ Tốt đã có gần 1000 tác phẩm cho đời, có những tác phẩm được đánh giá cao, được nhiều giải thưởng trong các kỳ triển lãm nghệ thuật. Nhiều bức tranh của ông hiện đang lưu giữ tại các Viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan...

Ngôi làng cổ của xứ Đoài trở nên yêu mến và được nhiều người biết đến hơn bởi những bức họa nổi tiếng của họa sĩ Sỹ Tốt, hơn thế còn bởi từ ông và do ông đã không ngừng dìu dắt lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định tài năng trong giới mỹ thuật. Nhận thấy việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật nên trong đời họa sĩ của mình, nhất là từ khi về hưu tại quê nhà, họa sĩ Sỹ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách nhiệm và lòng đam mê nghệ thuât sâu sắc. Hiện nay, Cổ Đô có một bảo tàng Mỹ thuật diện tích 200m2 được xây 2 tầng giữa làng quê, đó là “Bảo tàng Sỹ Tốt và Gia đình”. Bảo tàng trưng bày gồm 200 tác phẩm hội họa, bao gồm nhiều chất liệu và chủ đề khác nhau với các chủ đề thuộc từng giai đoạn của cố họa sĩ Sỹ Tốt đã sống và trải nghiệm. Tại bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm của con trai ông - họa sĩ La Vuông và của cháu ông - họa sĩ Minh Thông.

Các tác giả của bộ sách Làng cổ Hà Nội cho rằng tuy còn nhiều điều chưa được hiểu biết đầy đủ, song các hiện vật tư liệu trưng bày tại Nhà truyền thống của xã và qua các tài liệu được lưu giữ ở Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm... đã khẳng định: Cổ Đô là một địa danh nằm trong vùng đất cổ, vùng đất Phong Châu thời vua Hùng. Làng Cổ Đô được hình thành sớm nhất trong xã, do bốn dòng họ hợp thành là Phan, Trần, Đào, Nguyễn. Về sau có thêm các họ: Hoàng, Trịnh, Đỗ, Thân... Sau sự ra đời của làng Cổ Đô, lần lượt có thêm các làng Kiều Mộc, Tràng Châu (sau làng Tràng Châu kết hợp với làng Kiều Mộc), làng Vu Chu và làng Viên Châu.

Cổ Đô được biết đến không chỉ là làng họa sĩ xứ Đoài của Hà Nội mà còn là một điểm đến thích thú của nhiều khách du lịch khi có dịp ghé thăm thủ đô Hà Nội. Một làng cổ của Hà Nội nổi tiếng, người dân Cổ Đô đang mỗi ngày giữ gìn, phát huy và góp phần lan tỏa nghệ thuật hội họa của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Lê Đàm

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)