Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/11/2019 10:33
Nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ xưa và nay

 Hà Nội vốn có nhiều làng nghề, phố nghề tiêu biểu, đặc biệt hơn khi mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả xứ Đông, xứ Đoài thì làng nghề lại càng trở nên phong phú đa dạng với trăm làng nghề tiêu biểu trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Theo thăng trầm của thời gian nhiều làng nghề, phố nghề được giữ gìn, phát triển nhưng cùng với đó một số làng nghề, phố nghề bị mai một hoặc biến đổi. Với nghề truyền thống khảm trai ở Chuyên Mỹ xưa và nay cũng có nhiều thay đổi. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nói sự biến đổi của nghề khảm trai Chuyên Mỹ xưa và nay qua những trang sách của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến như Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển do ông Vũ Quốc Tuấn chủ biên và bộ sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên.

 Bên cạnh đồng ruộng thì khảm trai ở Chuyên Mỹ là một nghề phụ nhưng lại là công việc mang thu nhập chính cho người dân nơi đây. Nghề có từ hàng nghìn năm nay, nhưng khác với một số nghề, địa phương giấu nghề hoặc có làng nghề học được nghề từ một làng nghề khác truyền dạy. Ở Chuyên Mỹ là làng nghề truyền thống ít nhất có từ thời Lý do Trương Công Thành dạy dân. Những người thợ Chuyên Mỹ không giấu nghê mà luôn sẵn sàng truyền nghề lại cho người thập phương học nghề.

Trong chiến tranh chống Mỹ, xã có 4 hợp tác xã khảm trai, nay còn 1 hợp tác xã Ngọ Hạ. Các hợp tác xã cũng đào tạo, sử dụng nhân công người ngoài địa phương đến làm việc và học nghề. Hợp tác xã Ngọ Hạ bây giờ mỗi năm vẫn là nơi đào tạo nghề cho hàng trăm trẻ em khuyết tật, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và vùng phụ cận. Nhiều thợ có tay nghề cao đã mở cơ sở sản xuất ở các nơi xa như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh… Nghề khảm trai ở những địa phương này đều bắt nguồn từ làng nghề Chuyên Mỹ.

 Xã Chuyên Mỹ có 7 làng (Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ, Đồng Vinh, Bối Khê) thì cả 7 làng cùng làm nghề khảm trai, vậy nên dù vào làng nào thì ai cũng thấy cảnh người dân nơi đây làm việc cần cù, tỉ mỉ với đôi bàn tay khéo và thoang thoảng mùi cháy của vỏ ốc, vỏ trai đang được mài nhẵn để khảm lên đồ mỹ nghệ. Về vật liệu trai ngọc môi vàng, trai cửu khổng, trai cánh, diệp xù… cung cấp cho làng nghề xưa là nội địa hay của Trung Quốc nay mặt nguyên liệu cao cấp như ốc thường được nhập từ Singapore, Hồng Kông, Indonesia…

Từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân nơi đây cùng với công cụ chuyên biệt đã làm nên những sản phẩm thủ công tinh xảo. Với đồ thờ cúng có “núi thờ” là một hình khối chữ nhật, ở giữa cao, hai bên thấp bằng gỗ quý, khảm đường kỳ hà và tứ quý. Các hàng có kích thước lớn như án thư, hoành phi, câu đối, hòm sắt, ống quyển, bao kiếm… đều chạm khảm rồng, phượng. Với các đồ gia dụng như các loại đĩa, khay, hộp mỹ phẩm, lọ hoa, tranh chân dung, tranh phong cảnh… đều khảm rất đa dạng. Hình ảnh khảm trai như một bức tranh phản ánh sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân thôn quê với cảnh sắc núi non, lũy tre, con vật thân thương.

Nói về nghề không chỉ công phu ở đôi bàn tay khóe léo, óc sáng tạo mà với khảm trai còn ở ngay công cụ để chế tác vỏ trai, vỏ ốc qua gần nghìn năm ở làng nghề Chuyên Mỹ ngày càng hoàn thiện và độc đáo. Cũng là cái cưa nhưng lưỡi cưa chỉ dài khoảng 20cm, mặt lưỡi cưa chỉ khoảng 0,5 đến 2,5mm để lượn theo hình sẽ khảm. Rồi bàn dũa, bút tỉa để vẽ các hoạ tiết lên trai, ốc. Khi chế tác nền vóc sơn và cẩn (gắn) trai, ốc còn có thếp lông (bằng lông đuôi bò hoặc ngựa) thếp tóc (bằng tóc) dùng để quét sơn lên mặt sản phẩm theo độ đậm đặc của sơn để chọn bút thếp. Lại có mo sừng được làm bằng sừng trâu để bả sơn bó, sơn hom… Những công cụ “đồ nghề” này tuy đơn giản mà qua bàn tay và trí tuệ, tâm hồn người thợ đã tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ vừa đẹp vừa bền.

Trên mảnh đất hình chữ S, nghề khảm trai không chỉ riêng Chuyên Mỹ mới có nhưng điều làm nên thương hiệu tên tuổi của một làng nghề truyền thống nổi tiếng đó là sự tinh xảo thể hiện trên mỗi mặt hàng cũng như thế mạnh mà làng nghề đó có được. Với Chuyên Mỹ tranh chân dung là một trong những mặt hàng khảm độc đáo. Những người thợ khảm Chuyên Mỹ vẫn truyền nhau sự kiện năm 1902, Vua Thành Thái nhà Nguyễn từ Huế ra thăm Hà Nội được các quan đầu tỉnh tặng bức tranh chân dung nhà vua bằng khảm trai do thợ khảm Chuyên Mỹ làm.

Trước Cách mạng tháng Tám, Trường Mỹ nghệ Hà Đông được thành lập, các nghệ nhân nòng cốt và thợ thủ công của trường đa số là người Chuyên Mỹ. Đó cũng là cơ sở tiền thân của Trường Mỹ nghệ Hà Tây sau này. Ở trường này xưa có nghệ nhân người Chuyên Mỹ được nhà nước phong kiến phong tặng “Hàn lâm đại chiếu”. Về sau nhà nước ta phong tặng lớp nghệ nhân “Bàn tay vàng” đầu tiên về nghề khảm trai đều là người quê ở Chuyên Mỹ.

Theo xu thế nhiều đồ gia dụng hiện đại thu hút người tiêu dùng nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người tiêu dùng tìm đến mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ khảm trai, vậy nên nghề của Chuyên Mỹ không bị mai một mà được duy trì và phát triển. Ngày nay nhiều hộ gia đình ở Chuyên Mỹ mở xưởng, lập công ty với hàng chục mấy chục người lao động. Ngoài các sản phẩm truyền thống dân dụng, sản phẩm theo đơn đặt hàng… làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ thời nào cũng có những nghệ nhân làm được tranh chân dung, tranh các vị lãnh tụ trong nước và quốc tế. Tại các hội chợ triển lãm, nhiều năm sản phẩm làng nghề thủ công Chuyên Mỹ được tặng Huy chương Vàng. Ở đây phải kể đến nghệ nhân Trần Bá Dinh, nửa đời gắn với nghề. Ông đã vinh dự được làm ảnh chân dung Bác Hồ vào dịp ra mắt Hợp tác xã thủ công Mỹ Thịnh. Năm 1968, ông đã làm ảnh Chủ tịch Fidel Castrô… Nghệ nhân Trần Bá Dinh được Nhà nước tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng” hai lần, được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Làng khảm trai Chuyên Mỹ còn có nghệ nhân Nguyễn Văn Tố cũng được Nhà nước tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng”; ông đã cùng với con trai, nguyên là Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Hà Tây đào tạo, phát triển nghề khảm trai.

Người dân Chuyên Mỹ với bản tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, sáng tạo đã lưu giữ và ngày một phát triển nghề thêm đa dạng, phong phú và nay còn là một địa chỉ du lịch làng nghề của thủ đô Hà Nội.

Ánh Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)