Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/11/2019 10:33
Từ bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông

 Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ bao đời nay biên giới phía Bắc nước ta vẫn là nơi thường xuyên diễn ra nhiều giao tranh phức tạp. Trong đó vùng Đông Bắc là một trong những khu vực trọng yếu luôn nằm trong phạm vi mà các thế lực phong kiến phương Bắc qua nhiều triều đại không ngừng nhòm ngó. Việc canh gác miền biên ải trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với mọi thời đại của đất nước. Trong lịch sử nắm quyền, những người đứng đầu đất nước ở mọi giai đoạn lịch sử đều đưa ra những kế sách, quan điểm khẳng định chủ quyền đất nước. Với vương triều Lê, vua Lê Thánh Tông đã khẳng định với câu nói nổi tiếng “Một phân núi, một tấc sông của cha ông cũng không thể mất!”. Không chỉ với miền biên ải giáp ranh mà với lãnh hải đất nước cũng luôn là niềm trăn trở của vị vua toàn tài, anh minh. Mùa xuân năm 1468, trong một lần tuần du ở vùng châu An Bang (tức Vịnh Hạ Long ngày nay), say cảnh biển xanh, núi cao và cảm động trước vẻ đẹp của một vùng biển nước xung yếu là vùng trời non sông nước Việt. Không cầm được lòng mình, nhà vua đã ứng tác một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía Nam. Giá trị, ý nghĩa, tầm vóc của bài thơ được xem như “cột mộc mềm” biển đảo Việt Nam, dẫu chỉ một lát cắt được ghi lại trong cuốn sách “Vương triều Lê (1428-1527)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nhưng cũng đủ để thấy giá trị trường tồn của bài thơ cổ luôn có tính thời sự nóng hổi cho mọi thời đại.

Trải qua trên nửa thiên niên kỷ, kinh sương gội gió, nổi trôi trăm ngàn thế nước, bút tích của nhà vua khắc trên đá núi giờ nét còn nét mất. Rất nhiều nét chữ thuộc hệ thống bài thơ cổ nay đã phai mờ và không còn nguyên vẹn. Việc nhận dạng các nét chữ trở nên khó khăn. Hàng loạt bản dịch của các học giả, các sách báo và tạp chí cho kết quả khác nhau gây nhiều tranh cãi. Từng là điểm tiền tiêu mật báo những thông tin quan trọng về an ninh, quốc phòng, nhưng có lẽ núi Bài Thơ được biết đến nhiều hơn cả là do những bài thơ được khắc trên vách núi. Mà bài thơ đầu tiên và nổi tiếng nhất là tác phẩm của vua Lê Thánh Tông. Được ví như một bài thơ thần. Một thông điệp nóng hổi, mang tính thời sự về chủ quyền biển đảo Việt Nam, chuyển lưu từ cách đây hơn 500 năm.

Toàn văn bài thơ chữ Hán của vua Lê Thánh Tông có 2 phần là phần văn xuôi và phần văn vần. Phần văn vần là một bài thơ Đường được viết theo thể thất ngôn bát cú, với niêm luật chuẩn xác cao độ, cho thấy trình độ Hán học uyên thâm, ý từ sâu sắc, chiếu rọi cái tâm, cái tầm của người anh hùng văn võ kiêm toàn xuất trúng trị vì nước Nam ta một thuở:

“Quang thuận cửu niên, xuân nhị nguyệt, dư thân xuất lục sư, duyệt võ vu Bạch Đằng giang thượng, thị nhật phong hoà cảnh lệ, hải bất dương ba, nãi phiến Hoàng Hải, tuần An Bang, trú lục sư vu Truyền Đăng sơn hạ, ma thạch nhất luật vân.

Cự lẫm uông dương triều bách xuyên

Loạn sơn kì bố bích liên thiên

Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ

Tín thủ dao đề tốn nhị quyền

Thần bắc khu cơ sân hổ lữ

Hải Đông phong toại tức lang yên

Thiên nam vạn cổ sơn hà tại

Chính thị tu văn yển vũ niên”.

       Dịch rằng:

       “Tháng 2 mùa xuân năm Quang Thuận thứ chín, ta dẫn sáu sư tập trận trên sông Bạch Đằng. Những ngày đó gió yên trời đẹp, biển không nổi sóng. Ta bèn lướt thuyền trên Hoàng Hải đi tuần du An Bang, đến đóng sáu sư dưới núi Truyền Đăng, mài đá mà khắc bài thơ luật:

Trăm dòng triều cuộn ngập mênh mông

Bát ngát trời xanh, núi trập trùng

Chợt nghĩ tâm hùng nâng trí tuệ

Tầm xa, khiêm tốn, vững tâm đồng

Quân hùng tề chỉnh kinh thành Bắc

Khói lặng yên bình chốn biển Đông

Non nước Thiên Nam còn mãi đó

Chính thời chỉnh võ dựng văn phong”.

Bài thơ của đức vua Lê Thánh Tông nói lên rằng đức vua tập thủy trận từ sông Bạch Đằng rồi đi tuần du châu An Bang, tức là đến từ vùng Cát Bà Cát Hải cho đến Vân Đồn và sau đó nhà vua đóng quân tại núi Bài Thơ, thì bài thơ này có một ý nghĩa chính trị là nói lên rằng cái tinh thần hết sức chú trọng về mặt biển của đức vua, nhà vua đã diễn tập với 6 sư đoàn và nhà vua đã cho khắc vào vách núi là “trời Nam muôn thuở non sông còn tồn tại” nhờ theo đường lối văn trị mà giữ được yên bình đất nước trong nhiều năm.

Lê Thánh Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử ban hành các thế trận thủy quân, tất cả là 9 thế trận, và nhà vua đã có 6 lần diễn tập trên các sông như sông Ô Vi, sông thiên Phúc, Bạch Hạc, Thuận Hóa… Từ nội dung của bài thơ được khắc lưu lại có thể thấy tinh thần quật cường, tinh thần phải tự mình làm cho mạnh lên mới giữ được cái sự yên bình cho đất nước của vua Lê Thánh Tông là rất rõ nét.

Theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm thì bài thơ của đức vua Lê Thánh Tông được tạc vào vách núi Truyền Đăng năm 1468, những dấu vết còn lại trên vách núi và 2 bản dập, chúng ta đã khôi phục lại được tất cả đầy đủ dựa vào 2 bản dập, 1 bản dập lữu giữ tại bảo tàng Quảng Ninh, 1 bản dập lưu giữ tại sở văn hóa du lich Quảng Ninh, ngoài ra cũng tham khảo tất cả những các chữ còn lại trên vách núi và các bài thơ của các nhà học giả và các giáo sư đã nghiên cứu trước đây, 1 cái bản hoàn chỉnh như ngày nay là đủ 105 chữ.

Có thể khẳng định rằng, sự xuất hiện bản chuẩn xác nguyên tác bài thơ cổ đã mang lại những đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ hồn thơ, phong cách thơ và tầm nhìn thơ Lê Thánh Tông. Cảm hứng về sự hùng vĩ của núi sông đất nước trong thơ dường như càng đẹp hơn và lớn hơn khi nhà thơ là nhà vua thao bút. Ở Lê Thánh Tông, tình yêu nước, lòng tự hào về truyền thống anh hùng dân tộc luôn hòa quyện. Hơn nửa thiên niên kỷ trước vua Lê Thánh Tông đã cho chúng ta thấy biên giới lãnh hải là một vấn đề cần phải hết sức coi trọng. Điều này đến nay và mãi mai sau sẽ vẫn còn nguyên giá trị, là lời dặn dò, lời cảnh tỉnh quý hơn châu ngọc với dụng ý lớn lao cho tất cả chúng ta trong việc dựng xây và bảo vệ đất nước.

Lê Đàm

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)