Đôi nét về sự phát triển của nghề sản xuất gốm sứ thời Trần
Sau khi lên ngôi, để xây dựng vương triều hùng mạnh vua Trần Thái Tông và các vị vua kế vệ đã chú trọng phát triển mọi mặt của đất nước. Bên cạnh việc tổ chức quân đội, xây dựng chính quyền hùng mạnh, nhà Trần rất chú trọng phát triển kinh tế. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các nghành nghề thủ công. Trong đó một số ngành nghề được nhà Trần chú trọng phát triển là: sản xuất gốm, nghề rèn, nghề dệt, chạm khắc đá, nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, khai khoáng luyện kim... Trong số các ngành nghề thủ công ấy, có lẽ sản xuất gốm sứ được nhà Trần chú trọng phát triển hơn cả. Đây được coi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển của gốm sứ Việt Nam trong các triều đại phong kiến.
Thực tế nghề sản xuất gốm sứ đã có trong lịch sử nước ta từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên đến thời Lý thì sản xuất gốm sứ mới thực sự phát triển, và đạt đến đỉnh cao ở thời Trần. Nhà Trần đã thực thi nhiều chính sách phát triển sản xuất gốm sứ. Nhiều trung tâm sản xuất gốm mới ra đời và phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ như Bát Tràng (Thăng Long), Thiên Trường (Nam Định). Trong đó những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng thường xuyên được chọn làm đồ cống tiến cho Trung Quốc và buôn bán giao thương với nước ngoài. Bên cạnh hai trung tâm sản xuất lớn là Bát Tràng và Thiên Trường hàng loạt các làng nghề sản xuất gốm cũng được hình thành xung quanh kinh thành Thăng Long như làng gốm Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Những làng nghề này cùng với Bát Tràng đã tạo thành ba trung tâm sản xuất gốm hưng thịnh nhất vùng Kinh thành Thăng Long. Ngoài ra còn các trung tâm sản xuất gốm ở các vùng lân cận của kinh thành. Riêng ở Hải Dương có 7 làng chuyên sản xuất đồ gốm men, đó là Chu Đậu - Mỹ Xá (huyện Nam Sách), Ngói, Cậy, Láo, Bá Thủy, Hợp Lễ (huyện Bình Giang). Đầu những năm 90 thế kỷ XX, những nghiên cứu, khai quật các di tích gốm sứ ở Hải Dương đã góp phần khẳng định Chu Đậu, Cậy và Ngói là những trung tâm sản xuất gốm đặc biệt quan trọng dưới thời Trần phục vụ cho buôn bán và giao thương với nước ngoài. Bởi lẽ dưới thời nhà Trần (1226 - 1400), quan hệ giao thương giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Đông Á rất mật thiết. Các vị vua triều Trần đã nhận thấy tầm quan trọng trong hoạt động thương mại với các nước trong khu vực,do đó, cùng với việc thúc đẩy giao thương bằng đường biển, nhà Trần ban hành nhiều chính sách phát triển thủ công nghiệp phục vụ cho hoạt động buôn bán và giao thương, trong đó gốm sứ là mặt hàng được buôn bán trao đổi nhiều nhất trong danh mục các loại hàng hóa.
Không chỉ mở rộng phát tiển về quy mô sản xuất, sản phẩm phong phú về chủng loại, mẫu mã, các trung tâm sản xuất gốm và những người thợ gốm đã sáng chế ra nhiều loại men gốm chất lượng cao như men ngọc, men nâu, hoa nây, men trắng, gốm hoa lam... Gốm sứ thời kỳ này được đánh giá là tinh xảo, men dày mịn phủ kín, bám vào nhau rất chắc, màu gốm xanh ngọc còn được điểm thêm màu vàng chanh, vàng xám nhạt, vàng rơm. Họa tiết trang trí sáng tạo, độc đáo chủ yếu là hoa lá, chim thú, người... Các hoa văn đơn giản gắn liền với sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân Đại Việt. Có thể nói, từ thời Lý trở đi, sản xuất đồ gốm sứ không ngừng phát triển và có bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật sản xuất, trong loại hình sản phẩm và nghệ thuật trang trí hoa văn trên gốm. Bên cạnh việc sản xuất những đồ gốm phục vụ cho nhu cầu của triều đình, gốm sứ đã trở thành loại hoàng hóa được trao đổi buôn bán trong giao thương với nước ngoài bằng đường biển. Trong suốt bốn thế kỷ từ thời Lý sang thời Trần, đồ gốm đã đạt được những thành tựu rực rỡ và đây là thời kỳ vàng trong lịch sự phát triển gốm nước ta. Đồng thời khẳng định sức sáng tạo vượt bậc của người thợ gốm trên con đường phát triển của gốm sứ.
Ngày nay, nghề gốm đang ngày càng phát triển, tuy nhiên những di sản và tinh hoa gốm sứ thời Trần đã trở thành những giá trị văn hóa độc đáo trong tổng thể những di sản văn hóa Thăng Long.
Minh Vũ