Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 01:51
Thái thượng hoàng – chế độ độc đáo của vương triều Trần trong thực thi quyền lực nhà nước

Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của nhà Trần có công trong việc ổn đinh xã hội sau khi giành được quyền lực từ nhà Lý. Ông là người khai mở nhiều đường lối, chính sách và các quy định để xây dựng và ổn định đất nước như: chế độ Thái thượng hoàng, hôn nhân nội tộc, chế độ trọng dụng quý tộc, đắp đê quai vạc... Những chính sách khác biệt của ông đã góp phần quan trọng trong xây dựng củng cố quyền lực của vương triều Trần. Trong đó, chế độ Thái thượng hoàng được coi là chính sách xuyên suốt cả thời gian tồn tại của vương triều Trần. Cùng tìm hiểu khái quát về vấn đề này trong cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên.

Thái thượng hoàng là từ ngữ chỉ người cha của vua dù đang còn sống hay đã mất. Thái thượng hoàng được xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc thời nhà Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên năm 221 TCN , sau khi thôn tính các nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã truy tôn cha là Trang Tương vương làm Thái thượng hoàng. Còn ở nước ta, danh xưng Thái thượng hoàng được xuất hiện lần đầu tiên dưới thời vua Lý Thần Tông  (1128-1138). Tuy nhiên sự suy tôn này chỉ dừng lại mức độ là phong hiệu để tỏ lòng tôn kính. Đến thời Trần thì danh hiệu Thái thượng hoàng đã không còn chỉ là danh hiệu mà đi kèm với cả đó là quyền lực chính trị. Ngay từ khi mới ra đời, Thái thượng hoàng đã có một vị  trí đáng kể đóng vại trò lãnh đạo tối cao trong triều. Tháng 10 năm 1226 vua Trần Thái Tông đã tôn cha mình làm Thượng hoàng và quy định rõ các chức năng quyền hạn đó là: “Khi nào nước có việc lớn thì ở trong  mà quyết đoán”  (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nhà xuất bản khoa học xã hội, trang 267). Trên thực tế quyền lực của Thái thượng hoàng là vô thượng, bao trùm lên cả quyền lực của nhà vua đang tại vị, tham gia  trực tiếp hoặc gián tiếp các công việc triều chính, từ những việc trọng đại đại như kế sách đánh giặc, đối ngoại bang giao đến công việc hàng ngày. Ngày 24 tháng 2 năm Nguyên Phong thứ 8 (tức ngày 30 tháng 3 dương lịch năm 1258), Trần Thái Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, tức Hoàng đế Trần Thánh Tông. Trần Thái Tông lui về cung Thánh Từ làm Thái thượng hoàng, được Thánh Tông dâng tôn hiệu Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái thượng Hoàng đế. Từ đây, nhà Trần theo lệ truyền ngôi sớm cho thái tử, thứ nhất để tránh việc tranh giành ngôi báu giữa các con (do đã sớm được định đoạt), thứ nữa là rèn luyện cho vị hoàng đế mới cai trị đất nước càng sớm càng tốt. Từ đây chế độ Thái thượng hoàng được nhà Trần duy trì cho đến khi kết thúc vương  triều, với mục đích là để bảo vệ ngôi báu dòng họ. Thực chất của chế độ Thái thượng hoàng là đảm bảo quyền kế vị không tranh chấp, cũng là đảm bảo nền thống trị lâu dài của dòng họ. Trên cương vị là Thượng hoàng, Trần Thái Tông vẫn hỗ trợ, hướng dẫn vua trị nước, củng cố nền thống trị của họ Trần, mở mang giáo dục, kinh tế, văn hóa và quan tâm theo dõi tình hình giặc ngoại xâm, đồng thời Thượng hoàng Trần Thái Tông cũng “đích thân đón tiếp sứ bộ Mông Cổ do Trương Lập Đạo (Trương Hiền Khanh) làm Chánh sứ vào năm 1265”.. Trong thời gian này, hai vua Trần một mặt giao hảo với Nam Tống (năm 1262, Tống Lý Tông sắc phong Trần Thái Tông làm Kiểm hiệu Thái sư An Nam Quốc Đại vương, Thánh Tông làm An Nam Quốc vương, tặng thêm vàng và gấm vóc), mặt khác chấp nhận triều cống Mông Cổ ba năm một lần, nhưng cự tuyệt mọi yêu sách nhằm biến Đại Việt thành một thuộc quốc của Mông Cổ” (Theo: An Nam chí lược, trang 19-20). Có thể nói, dù đã nhường ngôi nhưng vai trò của Thái Thượng hoàng rất lớn, các công việc triều chính đều do Thái thượng hoàng quyết định. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: ‘Gia pháp nhà Trần... con đã lớn thì cho nối ngôi chính,còn cah thì lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông  coi chính sự. Thực ra là chỉ truyền ngôi để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do ở Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì Thái tử cả” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nhà xuất bản khoa học xã hội, trang 30). Những vị vua đầu tiên của vương triều Trần sau khi nhường ngôi cho con đều trở về nghỉ ngơi ở quê nhà Tức Mặc, nên nơi đây từng được coi là “kinh đô thứ hai” của nhà Trần. Ở Thăng Long thì Thượng hoàng ở cung Thánh từ, nếu về Thiên Trường thì Thượng hoàng ngự ở cung Trùng Quang. Phan Huy Chú viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường”. Mặc dù đã lui về Thiên Trường nhưng Thượng hoàng vẫn quan tâm đến chính sự và vẫn có quyền hành, kể cả quyền phế truất vua nọ, lập vua kia. Thượng hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ. Cũng có khi Thượng hoàng đột xuất lên kinh đô để kiểm tra công việc chính sự của vua.

Có thể nói, chế độ Thái thượng hoàng đã có tác dụng tích cực trên nhiều mặt  đối với vương triều Trần. Không chỉ đào tạo nên những người trị vì đất nước tài giỏi và có đạo đức trong việc cai trị và quan lý đất nước; mà Thái thượng hoàng cùng với vua đã trở thành trung tâm lãnh đạo đất nước, tạo nên sự thống nhất đoàn kết của cả chế độ triều chính. Sự tồn tại của chế độ này đã giúp cho vương triều Trần ổn định thịnh trị, đảm bảo sự thống trị của chế độ nhà nước trung ương tập quyền huyết thống.

Tống Dương

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)