Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Các văn bản tộc ước, gia quy của Thăng Long – Hà Nội có từ khi nào?

Việc nghiên cứu, tìm hiểu cũng như dịch giải các văn bản tộc ước, gia quy của Thăng Long – Hà Nội luôn là vấn đề được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đặc biệt là Hán Nôm, văn học trung đại để tâm. Như thêm một động lực, Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã tạo đà giúp các nhà nghiên cứu Hán Nôm, văn học trung đại thỏa mãn tâm nguyện thực hiện công trình nghiên cứu, dịch giải các văn bản tộc ước, gia quy thành sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên. Qua nghiên cứu, dịch giải các văn bản tộc ước, gia quy ngoài ý nghĩa nội dung, còn xác định được niên đại xuất hiện những văn bản này.

Tìm hiểu vấn đề niên đại của các văn bản tộc ước gia quy, các tác giả cuốn sách nhận thấy “hầu hết các văn bản tộc ước, gia quy mà đều thuộc giai đoạn từ thế kỉ XVII cho tới đầu thế kỷ XX. Số văn bản tộc ước, gia quy có niên đại thế kỷ XIX chiếm số lượng nhiều nhất.

Tộc ước, gia quy có niên đại cổ nhất là văn bản trên giấy được soạn vào năm 1697. Đó là tộc ước họ Nguyễn xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc (nay thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), được ghi trong cuốn , hiện lưu trữ tại Kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2577. Lập ngày 24 tháng Giêng năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

Còn về bản văn bia tộc ước, gia quy có niên đại sớm nhất là năm 1698. Đó là tộc ước được khắc trên bia vô đề của họ Hoàng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc làng Kim Nỗ, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh). Thác bản hiện lưu trữ tại Kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 52052 -55. Văn bia do Hoàng Ngọc Kiên soạn năm Chính Hòa thứ 19 (1698).

Văn bản tộc ước, gia quy trên giấy có niên đại muộn nhất được lập năm 1924. Đó là Tộc ước họ Đinh xã Cự Đà, tổng Tả Thanh Oai, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), được ghi trong cuốn Hạ giáp lệ bạ, hiện lưu trữ tại nhà thờ họ Đinh thôn Cự Đà. Phần Điều lệ nằm ở gần cuối Lệ bạ do toàn thể giáp Hạ bàn định vào ngày mồng 5 tháng Hai năm Khải Định thứ 9 (1924).

Bản văn bia tộc ước, gia quy muộn nhất được soạn năm 1946. Đó là tộc ước được khắc trên bia Đỗ Quang bi kí, hiện đặt tại nhà thờ họ Đỗ Quang xã Nghĩa Hảo, huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mĩ). Thác bản bia hiện lưu trữ tại Kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 36202-05. Bia do ông Vũ Gia Hương, hiệu Đông Khê, giữ chức Lãnh trưng của tòa Thổ Chính soạn vào ngày lành tháng Chạp năm Bính Tuất quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thứ 2 (1946)”.

Sau khi xác định được niên đại sớm nhất, muộn nhất của bản tộc ước gia quy bằng giấy cũng như văn bia, các tác giả của cuốn sách nhận định: “tình hình niên đại các văn bản tộc ước, gia quy thuộc cả hai nhóm văn bản viết trên giấy và văn bia, có thể thấy tới tận thế kỷ XVII, tộc ước, gia quy mới xuất hiện ở khu vực Thăng Long - Hà Nội. Trước thế kỷ XVII có thể đã có những bản tộc ước thành văn hoặc chưa thành văn đã xuất hiện, nhưng vì một lý do nào đó mà nó đã không được lưu truyền, hoặc chưa được phát hiện. Sự phán đoán này dựa trên căn cứ về ý thức gia tộc và nhu cầu củng cố gia tộc đã phát triển tương đối mạnh vào các thế kỷ thứ XV, XVI, khi Nho giáo đã thịnh và những dòng tộc đại khoa Nho học đã được hình thành tại một số khu vực, đặc biệt là tại Thăng Long - Hà Nội. Thời kỳ này, một số bản gia huấn đã xuất hiện, chẳng hạn như Giáo tử phú có từ đời Trần, hay Gia huấn ca tương truyền của Nguyễn Trãi cũng vào đầu thế kỷ XV”.

Với việc xác định niên đại văn bản tộc ước, gia quy xuất hiện trên đất Thăng Long – Hà Nội để thấy sự phát triển, khẳng định vị thế của các dòng tộc thời bấy giờ. Đi cùng với việc xác định niên đại thì việc nghiên cứu, dịch giải những văn bản này cũng trở nên cấp thiết. Trong khi phả học (nghiên cứu, gia phả, phả hệ) đã trở thành một ngành, một lĩnh vực nghiên cứu nhận được khá nhiều sự quan tâm đầu tư nghiên cứu thì nghiên cứu về tộc ước gia quy hầu như chưa được quan tâm đầu tư nhiều. Cho đến nay chưa có công trình nào ở dạng sách hay đề tài đã công bố, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực này. Từ những văn bản tộc ước gia quy được dịch giải, giới thiệu trong cuốn sách này dẫu rằng chưa phải là toàn bộ những văn bản tìm được, cũng như còn nhiều văn bản vẫn tiềm tàng chưa được tìm thấy nhưng nó sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, lĩnh vực tiên phong trong nghiên cứu văn hóa truyền thống. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về gia tộc và văn hóa gia tộc đang thu hút giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quan tâm, dần trở thành một vấn đề nghiên cứu lớn. Có thể nói nghiên cứu văn hóa gia tộc sẽ mở ra một góc độ nghiên cứu mới, một cách tiếp cận mới, một nguồn tư liệu mới trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ xác định niên đại của các văn bản xuất hiện.

Thu Hương

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)