Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Đa Sĩ, ngôi làng cổ của Thăng Long – Hà Nội

Ca dao có câu: “Ai về quê lụa Hà Đông/Ghé thăm Đa Sĩ, xuôi dòng Nhuệ Giang”. Đến thăm ngôi làng gắn với câu ca này có nhiều tới, nhưng bạn cũng có thể tìm hiểu nó qua những sách, tư liệu viết về ngôi làng hóa sắt thép thành tên như cuốn sách: Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển, Làng cổ Hà Nội… được xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Đông 1km là làng Đa Sĩ. Đa Sĩ xưa thuộc tổng Thượng Thanh Oai. Từ trung tâm thủ đô Hà Nội về đây chưa đến 10km. Sông Nhuệ chảy sát làng tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền” ở chợ Đa Sĩ, từ đó xuôi dòng xuống Thường Tín, Phú Xuyên, vào sông Châu xuôi Phủ Lý… Với một vị trí thuận lợi, nghề thủ công rèn sắt

Làng Đa Sĩ xưa vốn gồm 3 làng cổ là làng Huyền Khê, làng Hoa và làng Sẽ hợp thành. Thế kỷ XVI, làng có tên là Đan Sĩ. Giải thích về tên này, có tác giả cho rằng: Thuở ấy, ông Hoàng Đôn Hoà - người con của quê hương nổi danh với những bài thuốc lấy từ cây cỏ sao tẩm làm thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm, cứu sống được nhiều người nhất là vào những năm niên hiệu Nguyên Hoà (1533 - 1548). Ông được dân chúng khắp vùng biết đến và kéo đến lấy thuốc chữa bệnh rất đông. Tài danh của ông vang đến triều đình, rồi ông được triệu vào Kinh chữa bệnh cho con gái vua. Sau khi con gái vua khỏi bệnh, ông được vua gả con gái cho và giữ lại ở viện Thái Y. Ở trong triều một thời gian ông bà xin nhà vua cho về quê làm thuốc chữa bệnh cho dân. Làng Huyền Khê gọi là làng Đan Sĩ với nghĩa Đan là thuốc, Sĩ là đợi, là bến. Đan Sĩ là bến thuốc, bến đợi thuốc. Thời đó, người tứ xứ về bến đò này chờ đợi để được ông bà cho thuốc chữa bệnh. Tại bến này có chợ gọi là chợ Đan Sĩ thủa ấy chưa có chợ Đơ (tức chợ Hà Đông ngày nay), nên chợ Đan Sĩ là một trung tâm giao lưu buôn bán của cả vùng và nổi tiếng gần xa.

Theo các thư tịch cổ như Gia phả của một số dòng họ trong làng, cái tên Huyền Khê xuất hiện khá sớm. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ghi: Vùng đất này thời Trần có tên là Huyền Khê. Thời Minh vẫn gọi là Huyền Khê. Đến thời Lê sơ thế kỷ XV, đổi tên là Đan Sĩ. Đời Vua Lê Thần Tông (giữa thế kỷ XVII) đến đời Cảnh Hưng nguyên niên (1740) các bia đá hiện còn vẫn ghi tên làng là Đan Sĩ. Cuối đời Cảnh Hưng (1783) các văn tự hiện còn cho thấy làng Đan Sĩ đã đổi tên là làng Đa Sĩ.

Làng Đa Sĩ từ xưa đã nổi tiếng là làng khoa bảng với 10 vị đỗ Tiến sĩ và 1 vị đỗ Trạng nguyên đã tạo nên danh thơm nổi tiếng. Nổi bật trong số đó là Tiến sĩ Trình Thanh, tức Hoàng Trình Thanh (1411 - 1463), đỗ khoa Hoành từ, năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên 4 (1431) đời Vua Lê Thái Tổ. Hoàng Trình Thanh làm quan qua bốn đời vua thời Lê sơ; là người có công lập nên “Vườn học” ở làng Đa Sĩ - vườn học duy nhất ở nước ta dưới thời Lê. Ông Hoàng Nghĩa Phú (1480 - ?), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Vua Lê Tương Dực, người đời truyền tụng rằng ông dâng sớ 7 điều lên vua. Người ta cho rằng việc đổi tên làng từ Đan Sĩ (bến thuốc) thành Đa Sĩ (nhiều người đỗ đạt) là bởi sự hiển đạt về khoa bảng thời Lê của làng này.

Ngoài nghề làm ruộng, từ xa xưa người dân làng Đa Sĩ còn có nghề rèn. Sản phẩm nghề rèn ở Đa Sĩ gồm nhiều loại dao, kéo, tràng, đục, bào, liềm hái… kiểu dáng đẹp và chất lượng nước thép tuyệt vời tinh xảo.

Nghề rèn ở Đa Sĩ không ai nhớ rõ có từ bao giờ. Truyền thuyết dân gian kể rằng, xưa ở Đa Sĩ cứ đến vụ là thiếu nông cụ để phục vụ sản xuất, có một ông Trôi Vẽ về chợ Đa Sĩ ở nhờ làm nghề rèn. Sau đó có một vài nhà trong làng đến xin học nghề và mở lò rèn… Theo các vị cao niên trong làng và những tài liệu của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, thì nghề rèn ở Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó có những người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác… cung cấp cho các Lạc hầu, Lạc tướng giữ yên bờ cõi, và rèn các công cụ phục vụ cho sản xuất. Nhưng phải đến thời Trần thì Đa Sĩ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hóa truyền dạy bí quyết về nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo cho dân làng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đa Sĩ là nơi chuyên sản xuất và cung cấp giáo, mác, dao kéo, quân dụng phục vụ chiến đấu. Vậy là, thợ rèn ở Đa Sĩ từ xưa đến nay vẫn thờ Tổ sư là cụ Nguyễn Thuật và cụ Nguyễn Thuần. Ngày giỗ Tổ là 27 tháng Ba và 25 tháng Tám âm lịch. Ngày giỗ Tổ thợ rèn ra Lăng Tổ ở xứ Cổng Xi cúng lễ rồi về ăn uống với nhau theo từng nhóm. Họ bầu ra trùm trưởng, tại nhà trùm trưởng lập bàn thờ, có ngai và đồ thờ cúng. Thợ rèn nào khi đã học thành nghề thì làm lễ Tổ và xin làm thành viên của các lò rèn. Khi muốn mở lò riêng cũng phải lễ xin Tổ nghề cho phép, phù hộ cho có sản phẩm đẹp, đắt hàng ăn nên làm ra.

Thợ rèn Đa Sĩ làm được nhiều sản phẩm như: dao, kéo, tràng, đục, bào, liềm… và các vật dụng bằng sắt cầm tay. Sản phẩm của Đa Sĩ có kiểu dáng đẹp, nước thép bền, sắc. Các sản phẩm sắt thép của Đa Sĩ thường làm màu đen, không làm màu sáng. Vì thế nên có câu ca dao: Dao, kéo Đa Sĩ tuy đen/Nhưng mà sắc nước, sắc bền không trơ

Ngoài nghề chính là làm rèn, ở Đa Sĩ còn có các nghề khác như làm va-ly da, nghề làm đậu phụ nhưng không nổi tiếng như nghề rèn của làng.

Dẫu Đa Sĩ nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, diện mạo có phần đổi khác nhưng vẫn mang dáng dấp của một làng nghề xưa vẫn còn đó những lò rèn đỏ lửa với lớp thợ mới đang ngày đêm giữ gìn bảo tồn nghề rèn truyền thống của làng.

Cẩm Tú

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)