Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 02/12/2019 10:12
Tìm hiểu những thay đổi của hệ thống hành chính Triều Nguyễn thông qua cuốn sách “Ấn chương trên châu bản Triểu Nguyễn” (1802-1945)

Ấn chương là loại hình con dấu và hình dấu được đóng trên văn bản, thể hiện sự tín xác và khẳng định tính hợp pháp của văn bản được ban hành. Ấn chương Việt Nam xuất hiện rất sớm, nhưng do thời gian và chiến tranh nên tư liệu còn lại để nghiên cứu chủ yếu là ấn chương thời Nguyễn. Với mục đích giới thiệu cùng bạn đọc về một đóng góp mới cho việc khai thác giới thiệu ấn chương Việt Nam nói chung và Châu bản triều Nguyễn nói riêng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cùng với Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức thực hiện cuốn sách Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945). Cuốn sách đã giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử và các độc giả có một cái nhìn tương đối đầy đủ về các loại hình con dấu trên văn bản thời Nguyễn, qua đó, góp phần hình dung về những đặc điểm lịch sử, văn hoá, xã hội của một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn” được biên soạn dưới dạng sách ảnh, gồm 181 phiên bản được lựa chọn từ hơn 700 tập Châu bản triều Nguyễn. Sách có 5 chương: chương 1 giới thiệu khái quát về Châu bản và ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn. Các chương còn lại lần lượt giúp người đọc tìm hiểu về: Dấu tích Kim bảo của hoàng đế và ấn tín trong hoàng tộc; Ấn chương thuộc hệ thống các cơ quan trung ương, ấn Ấn chương thuộc binh chế quân đội; Ấn chương thuộc hệ thống chính quyền địa phương và dấu tên riêng của triều Nguyễn trên Châu bản.

Bìa cuốn sách Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945)

Những ấn chương được trình bày ở phần “Dấu tích Kim bảo của hoàng đế và ấn tín trong hoàng tộc” cho thấy: Nếu dấu ấn của Hoàng đế được ghi các dòng chữ "kinh viện” như: Quốc gia tín bảo, Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành... thì dấu tích ấn của phủ Tôn nhân (quản lý hoàng tộc) cho thấy có sự thay đổi khá lớn. Chẳng hạn, ở bộ ấn "Tôn nhân phủ ấn” (được cấp cho Phủ Tôn nhân, cơ quan đặc biệt trong tổ chức chính quyền triều Nguyễn, thay mặt nhà vua quản lý các vấn đề trong Hoàng tộc) đã có sự thay đổi. Ban đầu chữ "tôn” trong câu "Tôn nhân phủ ấn” có nghĩa là "tôn tộc”, sau này vua Thiệu Trị đổi thành nghĩa "tôn kính” và có thay đổi về kích thước, chữ khắc so với những phiên bản cũ.

Dấu Tôn nhân phủ ấn thường được đóng trên các tờ khải, tư, biểu hay những công văn của phủ Tôn nhân - cơ quan đặc biệt trong tổ chức chính quyền triều Nguyễn, thay mặt nhà vua quản lý các vấn đề trong Hoàng tộc. Trong lịch sử tồn tại, dấu ấn này đã có sự thay đổi về ý nghĩa. Ban đầu chữ Tôn trong ấn có nghĩa là tôn tộc, sau này vua Thiệu Trị đổi thành chữ Tôn với ý nghĩa tôn kính.

Ấn Hoàng thân tương đối phong phú, với 12 hình dấu của các Hoàng tử, Hoàng tôn nhà Nguyễn in trên 11 phiên bản tài liệu Châu bản. Mỗi hoàng tử, hoàng thân khi được phong tước đều sẽ được ban sách mạ vàng và ấn tín riêng để dùng. Mỗi ấn là của một vị hoàng tử công, hoàng thân công đại diện cho từng phủ đệ, nhưng vẫn phải tuân thủ  quy chế do Phủ Tôn nhân và hoàng đế ban hành, đặc biệt là đóng dấu trên văn bản.

Tìm hiểu dấu ấn của các cơ quan Trung ương và quân đội cũng thấy có sự thay đổi: từ 6 "Bộ” cơ bản thời gian đầu (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), ở giai đoạn cuối của vương triều Nguyễn đã có sự xuất hiện của những "Bộ” mới như: Bộ Học (thời Duy Tân), các bộ Tài chính, Kinh tế, Lễ nghi Công tác, Tư pháp (thời Bảo Đại). Những hình dấu mới này bên trong khắc hai chữ tên bộ bằng chữ Hán, riêng bộ Lễ nghi Công tác thì chỉ khắc hai chữ “Lễ Công”. Dấu được đóng bên phải ở cuối trang giấy và đóng lên trên chữ ký tên viên quan chịu trách nhiệm ban hành. Một điều đặc biệt là văn thư hành chính triều vua Bảo Đại không chỉ thuần tuý sử dụng chữ Hán mà xuất hiện thêm tự dạng tiếng Việt và tiếng Pháp. Bố cục và hình thức của văn bản tiếng Việt, tiếng Pháp cũng khác với hình thức văn bản chữ Hán. Do đó, vị trí đóng dấu trên Châu bản tiếng Việt và tiếng Pháp cũng có nhiều khác biệt so với vị trí đóng trên Châu bản bằng chữ Hán. Nếu trên Châu bản chữ Hán, dấu chính đóng dòng niên hiệu, đồng thời có thêm dấu kiềm đóng ở giáp trang và những vị trí quan trọng thì trên Châu bản tiếng Việt và tiếng Pháp, dấu đóng vào chữ ký, nhưng không đóng vào phần ghi ngày tháng.

Dấu Kinh tế là dấu của bộ Kinh tế lập thời Bảo Đại. Ấn có hình vuông, được đóng trên các chữ ký và châu phê của văn bản. Trên tài liệu châu bản có dấu ấn này chủ yếu được viết bằng chữ Quốc ngữ.

Về ấn của các cơ quan địa phương, nếu cuộc cải cách hành chính, chia lại lãnh thổ thành 30 tỉnh của vua Minh Mạng làm thay đổi dấu ấn cấp phủ, huyện, châu và chức quan tại các tộc người thiểu số thì dấu ấn của chánh tổng và lý trưởng trong thời vua Đồng Khánh lại được đúc cả bằng chữ Quốc ngữ hoặc chữ Pháp bên cạnh phần chữ Hán truyền thống. Tất cả những điều này đều cho thấy, loại hình văn tự giai đoạn này có những chuyển biến sâu sắc do ảnh hưởng từ điều kiện lịch sử, văn hóa và đời sống xã hội...

Dưới triều vua Gia Long, lãnh thổ được chia thành 23 trấn và 4 doanh, lập các chính quyền từ thành xuống phủ, huyện. Sau đó, vua Minh Mệnh đổi trấn, doanh thành tỉnh, trừ doanh Quảng Đức nơi đóng đô đổi thành Phủ Thừa Thiên, chia lãnh thổ thành 30 tỉnh. Vì vậy, ấn cấp tỉnh đổi từ chương thành ấn. Việc thay đổi ấn cấp tỉnh được phản ánh qua 12 dấu ấn lưu trên 6 phiên bản tài liệu.

Như vậy, cùng với việc nghiên cứu hệ thống các văn bản Châu bản triều Nguyễn nói chung thì việc nghiên cứu hệ thống ấn chương trên Châu bản nói riêng trong cuốn sách Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945) cũng đã góp phần giúp người xem hiểu được phần nào hệ thống hành chính của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Những ấn chương này thể hiện sự xác tín, khẳng định tính hợp pháp của văn bản được ban hành của các cấp chính quyền. Những dấu ấn được lưu giữ đến ngày nay có thể cho thấy sự thay đổi của hệ thống hành chính triều Nguyễn, mà rõ nhất là ở ngôn ngữ thể hiện. Mặt khác, nó cũng phần nào phản ánh các biến chuyển trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20./.

Đỗ Anh

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)