Lịch triều hiến chương loại chí - Công trình khảo cứu giá trị về văn hóa lịch sử Việt Nam
Bộ sách Lịch triều hiến chương các loại chí được coi là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam gồm 49 quyển, ghi chép lịch sử Việt Nam theo từng lĩnh vực: địa lý, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa cử, tài chính thuế khóa, hình luật, binh bị, sách vở, thơ văn, bang giao. Trong đó phần Văn tịch chí là một công trình thư mục học rất có giá trị, được xây dựng trên cơ sở Nghệ văn chí trong Lê triều thông sử của Lê Quý Đôn. Từ những phác thảo ban đầu trong phân loại của Lê Quý Đôn và dựa vào những chỉ dẫn của học giả họ Lê, Phan Huy Chú đọc lại tác phẩm, đánh giá cụ thể rồi phân loại lại và bổ sung những phần còn thiếu sót. Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn giới thiệu tất cả 115 bộ sách, còn Văn tịch chí của Phan Huy Chú giới thiệu 213 bộ sách. Có thể thấy bảng phân loại của Phan Huy Chú khác Lê Quý Đôn ở chỗ có sự tách biệt giữa văn với các loại sử ký, cương mục… là những loại mang tính chức năng cao; Trong Nghệ văn chí, Lê Quý Đôn chỉ nói tên sách, tác giả và một vài chỉ dẫn sơ sài; Còn ở Văn tịch chí, khi liệt kê tác phẩm truyện ký, bên cạnh những chỉ dẫn nhiều khi khá chi tiết, đối với phần lớn tác phẩm, Phan Huy Chú bao giờ cũng nêu lên một vài nhận xét, bình luận, đánh giá có tính khái quát về nội dung và cách ghi chép của từng tập. Cách đánh giá của ông ngắn gọn, nhưng khá sắc sảo. Trong Văn tịch chí phần Thi văn có giá trị đặc biệt, ở đó Phan Huy Chú không những đưa ra một danh mục dày dặn các thi văn tập của các thi văn gia Việt Nam qua các đời, bao gồm 106 bộ, mà còn cung cấp, nói đúng hơn là tinh tuyển khá nhiều tác phẩm thi ca thuộc loại đặc sắc nhất, là tinh hoa của văn học quá khứ và đương thời, trong đó có những tác phẩm không còn lưu ở những sách vở khác. Và chỉ với đôi câu chữ ngắn gọn, tinh tường và những dẫn chứng xác đáng, ông đã cho thấy phong cách thơ của từng tác giả, sự khác biệt khá rõ giữa những tài năng thi ca dân tộc. Có thể nói, với phần Văn tích chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta thấy được ở Phan Huy Chú một nhà thư tịch học nghiêm cẩn và một nhà phê bình có năng lực thẩm thơ thuộc loại hiếm có với những lời phẩm bình tinh tế, sắc sảo.
Ngoài phần thư mục học rất có giá trị dối với việc tìm hiểu văn hiến dân tộc, Phan Huy Chú còn khảo cứu công phu tình hình cụ thể về bộ máy quan lại qua các thời kỳ, các chức quan, việc thi cử và tuyển dụng quan lại (Quan chức chí); tìm hiểu khá kỹ lưỡng tiểu sử, công lao và đóng góp riêng của nhiều danh nhân văn hóa, nhiều nhà Nho có đức nghiệp, nhiều bề tôi trung nghĩa, nhiều nhà hoạt động chính sự có uy vọng; hơn nữa ông cũng đánh giá các vua chúa trên phương diện con người cụ thể, cả những mặt có đóng góp, cả những mặt hanjc hế về đạo đức, nhân cách cũng như tài năng thực (Nhân vật chí). Các sử gia cũng thường tra cứu Lịch triều hiến chương loại chí bởi đó là kho báu phong phú để tìm kiếm thông tin bị che khuất hay không thể có trong các loại văn bản chính thống hơn, là những hỗ trợ quan trọng cho lịch sử các triều đại và các tác phẩm khác về tiểu sử quan lại và Nho gia. Ngoài phần lưu trữ về các thi tập, các văn tập, các lời tựa bạt, trong Lịch triều hiến chương loại chí còn có nhiều dạng văn bản hành chính khác như các sắc chỉ vua chúa ban xuống, các điều trần dâng lên vua chúa của các sĩ phu (trong đó có điều trần của Lê Quý Đôn, Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Thì Sĩ…), các tư liệu về hành trạng của khá nhiều danh nhân của dân tộc về một số các cuộc đối thoại, cũng như quan hệ giữa các sĩ phu một thời từng có vai trò trên văn đàn hoặc trong chính giới.
Một phần không kém quan trọng trong công trình khảo cứu này là những khảo sát kỹ lưỡng về địa phương chí: địa danh, diên cách, phong vực, núi sông, danh lam thắng cảnh, phong tục, sản vật và danh nhân của từng địa phương… Ở phần Dư địa chí này, Phan Huy Chú vừa có những ghi chú khái quát về nhiều danh nhân văn hóa ở từng vùng miền đất nước, vừa đồng thời khảo cứu giai đoạn, ghi lại những bài thơ đặc sắc của nhiều thi văn gia đề vịnh thắng tích, những địa danh lịch sử,, khiến cho vùng đất “địa linh nhân kiệt”, các giá trị địa lý văn hóa nhân văn trong khu vực được khắc sâu thêm nhiều tầng bậc văn hóa. Ngoài ra là các khảo sát về Binh chế khí, Bang giao chí…
Tổng kết lịch sử văn hiến mười thế kỷ Việt nam, soạn Lịch triều hiến chương loại chí, cái đíc của Phan Huy Chú là xây dựng một nhà nước Việt Nam như dân tộc cần có để đi đến thịnh vượng.
Duy Trần