Nón làng Chuông đi vào những trang tư liệu Thăng Long ngàn năm văn hiến
Dẫu ngày nay có nhiều loại mũ nón cùng đa dạng về chất liệu nhưng không vì thế mà chiếc nón lá do người làng Chuông mất chỗ đứng của mình trong đời sống thường nhật của người dân quanh vùng. Nhìn chiếc nón tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng ẩn giấu trong đó là cả một nghệ thuật sắp đặt của những người thợ khéo tay. Để có được chiếc nón đẹp, mặt nón mịn và trắng nõn, phải qua nhiều công đoạn: xử lý lá (phơi, vò, hun và là lá); bứt vòng; quay nón (lợp nón, chằm nón); thắt nón (khâu nón); nức nón, luồn nhôi (lồng nhôi). Các công đoạn này được điều chỉnh khác nhau với từng loại nón khác trong nước, như nón Xuân Kiều, nón Huế, nón Quai thao.
Làng Chuông đất chật người đông, đồng ruộng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa mùa, thời gian dành cho nông nghiệp không nhiều, cho nên nghề làm nón như là một “cứu cánh” để giải quyết được thời gian nông nhàn và tăng thêm thu nhập. Hơn thế nghề làm nón có ưu điểm là có thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, ở mọi lứa tuổi chỉ cần người làm cần mẫn, chăm chỉ với công việc của mình là có được sản phẩm ra đời.
Trong các công đoạn của nghề làm nón, việc khâu nón giữ vai trò rất quan trọng, bởi nó quyết định vẻ đẹp về hình dáng của chiếc nón. Để khâu được một chiếc nón đẹp đòi hỏi một quá trình. Lúc đầu đường khâu thô, mũi kim khâu to. Dần dần thành thạo thì mũi kim nhỏ và thắt đều tay hơn. Người khâu nón đòi hỏi phải khâu liền một mạch. Với người làng Chuông thì người con gái có vai trò quan trọng trong việc giữ nghề và truyền nghề.
Việc tiêu thụ nón thời xưa chủ yếu thông qua chợ làng (chợ Chuông). Theo bia chợ lập vào niên hiệu Cảnh Trị (đã dẫn), ở thời điểm này, chợ Chuông gắn với chùa Chuông đã khá sầm uất, gắn với sự công đức của một vị võ quan trong triều đình Lê - Trịnh vào nửa sau thế kỷ XVII. Đây là một chợ lớn trong huyện Thanh Oai, mỗi tháng họp 18 phiên, gồm 6 phiên chính vào các ngày 4 và 10 cùng 12 phiên xép vào các ngày : 1, 3, 6, 8. Nghề làm nón đã quy định việc bố trí của chợ: có nhiều “cầu” (dãy nhà): cầu hàng lá, cầu hàng móc, cầu hàng nón, cầu áo tơi (dành cho làng Văn La bán áo tơi), ngoài các cầu bán lương thực, thực phẩm, đồ gia cụ, nông cụ.
Mặc dù thu nhập thấp nhưng người thợ thủ công vẫn cần mẫn làm nghề từ bao đời. Đó là vì, nó bổ sung cho thu nhập từ nông nghiệp, tạo cảnh đỡ nhàm chán trong thời kỳ nông nhàn – như P. Gourou đã từng chỉ ra: “Thu nhập thấp của người làm nón không làm hình thành trong làng một tầng lớp có thế lực kinh tế từ nghề, không chế được đời sống xã hội làng xã. Những người giàu có trong làng Chuông trước đây cũng như hiện nay trên thực chất lại là các chủ buôn nguyên vật liệu (lá, mo, nhôi). Ngoài những người đi thu gom nguyên vật liệu từ các địa phương, còn có đội ngũ người bán lẻ, bán xỉ các nguyên vật về sơ chế đem bán ở chợ hay đổ buôn cho người ở các nơi khác”.
Để gìn giữ và phát huy cũng như sống được bằng nghề thủ công truyền thống luôn là vấn đề trăn trở của những người thợ làm nghề nơi đây. Trước sự cạnh tranh của xu thế cũng như các sản phẩm khác, những người thợ nơi đây từ xưa đã đi tìm hướng đi riêng cho mình. Một trong những người có công lớn đối với chiếc nón làng Chuông là ông Hai Cát (tức Lê Cát). Vào giữa thế kỷ XX, nền kinh tế cả nước còn rất nghèo, do đó chẳng ai giàu được nhờ nghề làm nón. Hai Cát cũng bỏ làng như nhiều người khác đi ra chốn Hà Nội đem theo nghiệp làm nón quê nhà. Tuy vậy, nơi Hà thành, nón Huế được bán rất nhiều, nhất là ở phố Hàng Nón, Hà Nội; đến khi mốt cách tân áo dài thịnh hành lại càng làm cho nón Huế lên ngôi, nón Chuông khó tiêu thụ. Trước tình hình ấy, từ nón quai thao đến nón làng Chuông, từ lá gồi đến lá cọ và lá nón ngày nay là cả một quá trình mà Hai Cát trăn trở. Năm 1930, ở hội chợ Hà Đông, nón Hai Cát được đánh giá rất cao, được chính quyền sở tại cấp giấy hành nghề, hội hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn cả nón Huế. Thế là Hai Cát trở về bản quán với nghề làm nón mới cùng với 6 cái giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Những tưởng theo xu thế hiện đại không còn hình ảnh phụ nữ nào khi ra đường cũng phải có chiếc nón đội đầu như xưa nữa thì nghề làm nón bị mai một đi. Để theo kịp nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chiếc nón làng Chuông cũng được cách tân, đa dạng hóa, nhiều cỡ kích và mẫu mã phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và du khách nước ngoài. Nón làng Chuông còn được ưa chuộng ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Chiếc nón không chỉ đơn thuần đội đầu che nắng mưa mà còn là những tác phẩm nghệ thuật trang trí, biểu diễn. Trong mọi ca khúc, vũ điệu, trong tiềm thức của người dân cả nước và thế giới, vành nón luôn là hình ảnh đặc trưng của bản sắc văn hóa trang phục phụ nữ Việt Nam, lãng mạn, kiêu sa và bình dị. Nón làng Chuông còn mãi với thời gian từ trong những trang sách đến cuộc sống thường nhật của con người.
Thu Hương