Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/12/2019 02:56
Nghệ thuật sân khấu truyền thống trong con mắt người phương Tây

Khi những người phương Tây đặt chân đến Việt Nam họ không chỉ ấn tượng mạnh mẽ về phong cảnh, đất nước, con người nơi đây mà còn ở phong tục, tập quán cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm chất bản xứ đặc biệt là sân khấu dân tộc. Từ giữa thế kỷ XVII, khi người phương Tây có sự giao thương buôn bán với Thăng Long – Kẻ Chợ họ đã ấn tượng mạnh mẽ với loại hình sân khấu dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… của người bản xứ nơi đây, họ đã ghi chép lại với cảm nhận riêng biệt của người phương Tây. Sân khấu nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên đất Thăng Long – Hà Nội trong con mắt người phương Tây như thế nào? Câu trả lời có thể tìm thấy qua cuốn sách Nghìn năm sân khấu Thăng Long của tác giả Trần Việt Ngữ xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Một trong những người phương Tây tiêu biểu đó là Samuel Baron nhờ sinh sống lâu năm ở Kẻ Chợ, năm 1665 đã miêu tả chi ly hơn về hoạt động của những gánh hát lúc bấy giờ:

“… Người miền Bắc (Tonquinois) quen giải trí bằng những điệu múa kèm theo hát và diễn, thường tổ chức vào đêm kéo tới sáng. Điều mà ông Tavernier gọi là hài kịch, danh từ dùng rất không chính xác xét bất cứ phương tiện nào. Rằng những trò giải trí khó thể thiếu của công chúng được tô điểm bằng những cảnh trí đẹp, điều khiển rất thạo như ông nói là xem rất vui mắt do được thể hiện khéo, những cảnh biển, cảnh ruộng, mà ở đây xẩy ra những cuộc đánh nhau dưới nước đã do người ta viết về cuộc chiến năm 1588 giữa người Anh và người Tây Ban Nha.

Cũng không có trong những thành phố một nhà hát vui chơi nào, nhưng các sân của hầu hết dinh quan và một số nhà dân thì thường lấy làm địa điểm hát. Song trong các làng đều có tới 3, 4 nhà (hát) yêu cầu phải trả tiền, ở đấy, họ tổ chức những lễ lạt hát xướng, những tiệc tùng theo lệ tục. Mỗi nhà (hát) (maison) thường có 3, 4 hoặc 5 diễn viên (acteur) với thù lao từ hàng nghìn tiền (sapèques) đến 1 nén bạc cho một đêm hát. Nhưng nhiều khán giả hào phóng còn thưởng tiền mỗi khi được thưởng thức một điệu múa hát hay, diễn khéo. Các diễn viên thường vận dụng trang phục may bằng loại vải trong xứ như xa tanh hoặc thứ gì tương tự. Họ chỉ có vài bốn không hơn 5 điệu hát (air) khác nhau, nhằm khen tụng vua quan, chen vào những lớp tỏ tình (intécjections amoureuses) và những khổ thơ tao nhã (élégances poétiques).

Chỉ những diễn viên nữ mới múa. Họ vừa múa vừa hát. Cứ dứt mỗi trổ múa hát (couplet) họ lại bị ngắt quãng bởi một người làm trò hề, thường là những điệu bộ hóm hỉnh với những câu đoạn ứng tác làm mọi người bật cười.

Nhạc cụ của họ gồm trống, thanh la (cồng) đồng, kèn (haut bois), đàn nguyệt (guitare) và vài ba cây nhị hồ (violon).

Cuối cùng là một thứ (điệu) múa với chiếc mâm trên đặt những đĩa đèn thắp sáng do một diễn viên nữ đội trên đầu vừa múa vừa quay lượn nghiêng người qua những động tác duyên dáng khéo léo, không để rớt một giọt dầu nào. Điệu múa kéo dài hàng nửa giờ trước sự ngưỡng mộ của đông đảo người xem. Những diễn viên nữ này còn múa trên dây rất khéo, cũng được người xem hết sức tán thưởng”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ thì những gì mà Samuel Baron miêu tả là một phường hát vừa diễn loại trò nói mặt diễn tích với các vai đào, kép, hề, vừa diễn trò Tạp kỹ cùng với dàn nhạc đi đệm đã kể được 6 nhạc cụ nhưng còn bỏ quên loại khá quan trọng là cặp kè, hoặc phách. Khi ấy các “gánh hát” đua nhau hành nghề, len lỏi khắp nẻo; trong cung vua chúa cũng yến ẩm xướng ca tối ngày.

Sự nhận diện cũng như miêu tả khá chi tiết về loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam của S.Baron có lẽ không đơn thuần ông là người phương Tây nhưng trong huyết quản chảy trong ông là dòng máu của người mẹ Việt mà bởi ông yêu đất nước có những con người hồn hậu cũng như sự tài hoa của riêng người Thăng Long – Kẻ Chợ. S.Baron còn viết “trong các làng thường có tới 4, 5 nhà yêu cầu phải trả tiền, ở đấy tổ chức những lễ lạt hát xướng, những tiệc tùng theo lệ tục” thì đấy chính là đình làng, cũng để nói dạng sân khấu lộ thiên với người xem ngồi kín quanh ba mặt, và nếu lại hát diễn về đêm thì tất nhiên có thêm mấy cây “đình liệu”, mấy cây đèn cày hoặc mấy đĩa đèn dầu trám, dầu lạc.

Những người phương Tây khi đặt chân đến Việt Nam đã có những ấn tượng lạ lẫm với loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam, với những nghệ sĩ tài hoa của Thăng Long – Kẻ Chợ, trải qua hơn 350 năm thì loại hình sân khấu này vẫn luôn chiếm được sự hiếu kỳ của người nước ngoài. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, thăm Hà Nội đã tìm đến những rạp hát truyền thống để xem những buổi biểu diễn tuồng, chèo, cải lương đặc biệt là loại hình múa rối nước. Họ say mê không chỉ tích truyện hay, sự tài nghệ của các nghệ sĩ biểu diễn mà còn bởi sân khấu truyền thống đã truyền tải văn hóa, con người nơi đây. Với sự trích dẫn, giới thiệu những trang viết của S.Baron trong tác phẩm Nghìn năm sân khấu Thăng Long, nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ, người có tâm huyết với sân khấu dân tộc thêm một lần nữa góp phần lan tỏa cảm hứng với nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Cẩm Tú

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)