Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/12/2019 02:56
Kẻ Láng xưa nay là đâu?

Trước tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhiều làng của Hà Nội đã lên phố, thành phường, trong số đó có làng Láng xưa nay là phường Láng Thượng và Láng Hạ. Theo sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thì Kẻ Láng là tên nôm của Yên Lãng xưa. Đó là một vùng ngoại vi của Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây có mật độ di tích lịch sử văn hóa khá dày, mang dấu ấn của một vùng địa danh cổ với những đặc trưng văn hóa riêng biệt và độc đáo.

 Cũng theo sách Làng cổ Hà Nội viết về làng Láng thì ngay từ thời Lý - Trần, tên làng Láng đã được sử sách nhắc đến với việc vua Lý Thánh Tông được nữ thần Hậu Thổ phu nhân âm phù đi đánh thắng giặc Chiêm Thành, nay còn đền thờ ở phường Láng Hạ (đền Ứng Thiên). Đến thế kỷ XII, tương truyền vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng chùa Láng để thờ Từ Đạo Hạnh. Đến thời Trần, vua Trần Dục Tông (1341-1369) đã sai gia nô khai khẩn thêm ruộng đất ở dọc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi nên còn gọi là phường Hành Tỏi (Toán viên phường), vùng Láng đã trở thành một trong 61 phường của Thăng Long thời Trần và cũng được biết đến từ lâu với một đặc sản là húng Láng, một loại rau gia vị có mùi hương đặc biệt nổi tiếng khắp kinh thành mà không có nơi nào trồng được như ở đất làng Láng.

Đến thời Lê sơ, phường Toán viên thuộc huyện Quảng Đức, phủ Trung Đô, sau đổi thành phủ Phụng Thiên. Thời Lê, thế kỷ XVII, căn cứ vào tấm bia dựng năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) ở chùa Càn An (Nam Đồng) và bia Tao Lệ ở chùa Láng dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656), thì xã Yên Lãng thuộc huyện Thanh Trì, xứ Sơn Nam. Thế kỷ XVIII, Yên lãng gọi là trại và lại được cắt về huyện Quảng Đức của Kinh thành Thăng Long. Từ năm Gia Long thứ 4 (1905), Yên Lãng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Địa giới trại Yên Lãng theo sách “Địa bạ cổ Hà Nội, huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận” do Phan Huy Lê (Chủ biên) có viết: “Phía tây trải dài theo dọc sông Tô Lịch, qua các xã Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết, Kính Chủ, Hòa Mục của huyện Từ Liêm, Nhân Mục của huyện Thanh Trì; nam giáp địa phận trại Thịnh Quang và thôn Trung, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì; bắc giáp địa phận thôn Trung trại Giảng Võ và xã Thượng Yên Quyết của huyện Từ Liêm”.

Đến năm 1914, thực dân Pháp lập huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, xã Yên Lãng thuộc tổng Hạ, Đại lý đặc biệt ngoại thành, còn dân vẫn quen gọi là đại lý Hoàn Long. Địa danh gắn với tên gọi này tồn tại cho đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền tổ chức đơn vị hành chính mới. Ngoại thành có 5 khu: Lãng Bạc, Đống Đa, Đại La, Mê Linh, Đề Thám. Yên Lãng thuộc khu Đống Đa. Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội đã chia ngoại thành ra làm 5 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi, Văn Điển. Yên Lãng thuộc quận Ngã Tư Sở.

Cũng chính trên mảnh đất này hồi 20 giờ ngày 19/12/1946, pháo đài Láng đã nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành, mở màn cuộc kháng chiến của quân dân ta. Thực dân Pháp điều máy bay trinh sát để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu ném bom vào pháo đài Láng, song pháo ta phản kích trả. Ngày 21/12/1946, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay địch, xác rơi xuống phố Hàng Bột. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Ngày nay, pháo đài Láng đã trở thành di tích lịch sử cách mạng.

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong lòng địch, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, Đảng bộ Hà Nội đã chủ trương tổ chức lại Ủy ban hành chính kháng chiến trong nội, ngoại thành. Do đó, tháng 3/1947 Ủy ban hành chính kháng chiến khu XI đã sáp nhập khu Lãng Bạc với khu Đại La thành quận IV, khu Mê Linh với khu Đề Thám thành quận VI, khu Đống Đa trong đó có Yên Lãng thuộc quận V.

Trong tình hình kháng chiến chống thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ kháng chiến hoạt động cách mạng và phát triển lực lượng vũ trang, tháng 11/1949, Hà Nội đã tiến hành chia đơn vị hành chính thành 3 quận IV, V, VI sáp nhập thành quận ngoại thành. Toàn ngoại thành được chia thành 9 miền, từ miền E đến miền K. Vùng Yên Lãng thuộc miền E cho đến ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, Yên Lãng thuộc xã Thống Nhất, đến năm 1956 thuộc xã Trung Thành, quận VI. Năm 1961, thành phố Hà Nội mở rộng địa giới lần thứ nhất, Thủ đô có 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, theo đó xã Trung Thành thuộc huyện Từ Liêm.

Năm 1965, tên xã được trở về tên địa danh cũ là xã Yên Lãng. Năm 1973, xã Yên Lãng tách khỏi huyện Từ Liêm thuộc về quận Đống Đa, gọi là tiểu khu Yên Lãng. Từ năm 1981, thành lập 2 phường Láng Thượng và Láng Hạ cho đến ngày nay.

Kẻ Láng xưa thành phường đến nay đã gần 40 năm, nét cũ cảnh xưa của một vùng đất ngoại vi kinh thành Thăng Long nổi tiếng nay chỉ còn lại là những di tích lịch sử văn hóa, nhưng vẫn còn đó những câu ca được lưu truyền: “Ở đâu mà chẳng biết ta/Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau/Rau thơm, rau húng, rau mùi /Thì là, cải cúc, dậy mùi hành hoa/Mùng tơi, rau ghém, ớt cà/Bí đao, đậu ván vốn nhà trồng nên/Quang song tám dẻ cho bền/Chọn người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”. Nhưng Láng nổi tiếng nhất là rau húng: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. 

                                                                                                                                 Thùy Trang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)