Đôi nét về dòng sông Cà Lồ trong tư liệu cổ
Sông Cà Lồ có tên gọi khác là sông Nguyệt Đức. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì Nguyệt Đức là chi lưu của sông Bạch Hạc, chảy theo hướng đông bắc, qua các huyện Yên Lạc, Yên Lãng, qua 65 dặm đến Thịnh Kỷ rồi hợp vào sông Khả Do huyện Đông Anh. Sông Cà Lồ hay Nguyệt Đức có một phụ lưu lớn từ phía Bạch Hạc, chảy qua Yên Lạc, sau đó hợp lưu với nhiều nhánh khác của sông Cà Lồ, trong đó có một nhánh bắt nguồn từ sông Hồng tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội (các tư liệu của tỉnh Vĩnh Phúc thường ghi sông Cà Lồ bắt nguồn từ xã Trung Hà, huyện Yên Lạc - một cửa sông cổ phía tây sông Cà Lồ), chảy về phía đông, nhập vào sông Cầu. Một số tư liệu khác cũng bình luận rằng địa hình dọc sông Cà Lồ khá phẳng, dòng sông uốn khúc quanh co, lưu tốc dòng chảy không lớn, lưu lượng nước thấp, nhưng lại có tác dụng rất lớn là đã tạo nên rất nhiều vùng cư trú thuận lợi cho con người Việt cổ, đây là một yếu tố rất quan trọng để lý giải về việc dọc sông Cà Lồ cổ có nhiều di chỉ khảo cổ học, trong đó phần lớn là các di chỉ từ văn hoá Phùng Nguyên cho đến Đông Sơn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản Kỉ - quyển XVI) cũng chép lại rằng sông Cà Lồ đã được đào vét từ đời Lý (1010 - 1225); đến năm Thái Hoà thứ 7 (1449), vua Lê Nhân Tông cho đào vét thêm một đoạn: “Sai tư khấu Lê khắc phục đem người các cụ Bách Tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ Sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ, từ Lãnh Canh đến Phù Lỗ dài 2500 trượng (khoảng 10km) thông với sông Bình Than để tiện việc đi lại với trấn Thái Nguyên”.
Như vậy, Các sách xưa đều thống nhất sông Cà Lồ là dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, đoạn sông Cà Lồ từ khu vực cầu Khả Do (thị xã Phúc Yên,Vĩnh Phúc) đến Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) mặc dù chảy theo hướng khá thẳng, song tốc độ dòng chảy vẫn chậm chạp, khả năng thoát nước kém nên nhân dân ta từng phải đào vét phục vụ lưu thông.
Minh Tuệ