Phác thảo sơ bộ về nguồn gốc hồ ở Hà Nội
Theo PGS.TS Đặng Văn Bào, hồ ở Hà Nội được xếp vào 2 nhóm nguồn gốc là hồ tự nhiên và hồ nhân tạo. Các hồ tự nhiên có nguồn gốc rất phong phú, được hình thành nên qua những biến động địa chất hàng vạn năm của sông Hồng vùng hạ lưu, dòng chảy của những con sông khác qua địa phận Hà Nội bắt nguồn từ con sông này (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu v.v.) hoặc chảy vào con sông này. Nhóm hồ tự nhiên bao gồm: Hồ do biến động lòng sông, thường gọi là hồ móng ngựa; hồ do các vùng thấp trũng tự nhiên chưa được bồi đắp và hồ nguồn gốc karst - nét độc đáo của hồ ở ngoại thành Hà Nội. Ở nội thành Hà Nội, ngoài một số hồ mới được đào ở các khu du lịch, công viên, hầu hết là hồ tự nhiên, trong đó một phần đáng kể là di tích của các khúc uốn lòng sông cổ, được hình thành khi sông đổi dòng. Điển hình như cụm hồ Ngọc Hà, hồ Giảng Võ ở nội thành Hà Nội được xếp vào kiểu nguồn gốc hồ tự nhiên liên quan với các vùng đất thấp trũng, không được bồi lấp san phẳng
Nhóm hồ nhân tạo gồm các hồ do đắp đập chắn, thường gọi là hồ thủy lợi theo mục tiêu ban đầu của chúng và các hồ do khai đào, chủ yếu cho mục đích nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan trong các khu du lịch. Ở Hà Nội còn có hai vùng đất ngập nước thường xuyên hoặc theo mùa có diện tích khá lớn, phân bố ở vùng đất thấp thường được gọi là “ô trũng Chương Mỹ” và vùng đất thấp ở đầu nguồn sông Tích. Các hồ có nguồn gốc nhân tạo, được hình thành do đắp đập chắn tạo hồ chứa nước là khá phổ biến trên địa hình đồi núi ngoại thành Hà Nội. Điển hình cho hồ thuộc nhóm này là hồ Suối Hai, Xuân Khanh ở Ba Vì, hồ Đồng Mô ở Sơn Tây,… Một số hồ nhỏ khác được chặn dòng tạo cảnh quan cho các khu du lịch.
Sự phong phú về các loại hồ ở Hà Nội tạo nên bức tranh cảnh quan đô thị Hà Nội khá độc đáo, làm những điểm nhấn trong diện mạo và không gian đô thị của Thủ đô.
Thiên Bảo