Vai trò của các kiến tạo và hệ thống đứt gãy đối với sự hình thành và phát triển các thung lũng sông ở Hà Nội
Trong cuốn sách này, các tác giả đã chứng minh rằng các dòng sông lớn trên miền núi hoặc đồng bằng hầu như đều được định hình bởi các đứt gãy kiến tạo. Các hoạt động nâng hạ của địa hình, kết hợp với sự dao động mực nước biển sẽ làm mực xâm thực cơ sở, các điều kiện môi trường, thuỷ văn thay đổi liên tục. Các tác giả đã dẫn giải các ví dụ từ các dòng sông trong đồng bằng Hà Nội, đặc biệt là sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ... những dòng sông này đều đã được hình thành, phát triển trong thời gian lâu dài và cũng đã từng trải qua nhiều đợt nâng hạ, biến đổi địa hình lớn trong quá khứ. Qua đó, cấu trúc địa chất và thành phần vật chất đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự biến đổi lòng sông trong quá khứ.
Trong các hệ thống đứt gãy đó thì hệ thống đứt gãy sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên các dòng chảy nơi đây. Khi chồng xếp hệ thống dòng chảy hạ lưu sông Hồng với bình đồ kiến trúc hình thái của trũng Hà Nội thấy rằng, về căn bản các dòng chính của hệ thống sông Hồng có hướng tây bắc - đông nam, trùng với hướng của đứt gãy sâu sông Chảy; đoạn sông Hồng từ Sơn Tây tới Hà Nội và các chi lưu của hệ thống sông Hồng có hướng trùng với các đứt gãy á vĩ tuyến hoặc đông bắc - tây nam. Bản thân đứt gãy sông Hồng lại mở đường sinh dòng sông Tích và sông Đáy, đứt gãy sông Lô mở đường sinh thung lũng sông Cầu, là dòng chính của hệ thống sông Thái Bình. Mặc dù có sự định hướng của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, song ít có các dòng sông hay đoạn sông có sự trùng khít với các đứt gãy cùng hướng. Bởi vì các đứt gãy, nhất là các đứt gãy sâu và hoạt động kiến tạo sụt lún chỉ là tiền đề cho việc hình thành các dòng sông. Sự chuyển dịch của dòng chảy còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó, sự phát triển và tương tác giữa các kiến trúc tân kiến tạo liền kề nhau nhưng có dấu ngược chiều nhau đóng vai trò quan trọng.
Cũng trong cuốn sách này, PGS.TS Đặng Văn Bào cùng các cộng sự đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu địa chất của các nhà nghiên cứu trước đó để chứng minh rằng đồng bằng sông Hồng được hình thành trên cấu trúc sụt lún dạng địa hào, được lấp đầy bởi trầm tích chứa than Kainozoi. Đới địa hào trung tâm dọc theo đới đứt gãy sông Hồng và sông Chảy có biên độ sụt cao nhất, theo hướng tăng dần từ tây bắc xuống đông nam. Tại tây bắc Hà Nội, ở độ sâu 55 - 100m đã thấy đá gốc, thậm chí ở khu vực phía bắc sân bay Nội Bài, trên bề mặt địa hình gò đồi thoải đôi nơi đã có nơi bề mặt trơ đá gốc. Tại khu vực trung tâm Hà Nội, móng đá gốc nằm ở độ sâu 750m và chìm khá nhanh về phía đông nam.
Có thể nói, trên cơ sở tiếp thu và phát triển những kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu đi trước, các tác giả cuốn sách Sông hồ Hà Nội đã đưa ra những luận giải về sự hình thành các thung lũng sông từ các kiến tạo đứt gãy. Đây chính là cơ sở quan trọng để nghiên cứu tiếp về sự biến động các lòng sông của Hà Nội.
Hoàng Vũ