Công tác quản lý đất đai, thiết lập địa bạ dưới thời Nguyễn
Sau khi lên ngôi, nhận thức được tầm quan trọng của việc lập sổ ruộng đất, năm 1804 vua Gia Long xuống chiếu yêu cầu kê khai ruộng đất các tình từ Nghệ An, Thanh Hoá đến các trấn ở Bắc Thành “phải sức xuống cho các phủ huyện tổng xã trong hạt, chiểu theo ruộng chiêm, ruộng mùa, và ruộng chiêm mùa hai vụ trong xã, mà kê khai mẫu sào thước tấc, ở xứ nào và bốn bên…, cước chú rõ ràng, làm sổ để nộp”. Đồng thời nhấn mạnh: “Việc làm sổ ruộng này quan trọng, cần phải cố gắng làm cho cẩn thận chớ có sao nhãng”. Công việc được triển khai lập tức và sau một năm, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Trừ hai trấn Thanh Hoa (bấy giờ bao gồm cả Thanh Hoá và Ninh Bình) và Nghệ An (bấy giờ bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) chưa làm được và huyện Thọ Xương (khu vực trung tâm Hà Nội hiện nay) chưa làm được hết, còn tất cả các địa phương khác của Bắc Thành, tức là vùng Bắc Bộ, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, đều đã làm xong địa bạ. Địa bạ được lập theo quy định “… mỗi xã phải làm ba bản Giáp, Ất, Bính, làm xong gửi nộp lên, đóng ấn có các chữ “Hộ bộ đường ấn” ở dưới chỗ đề ngày, niên hiệu và đóng kiềm ở các chỗ giấy giáp nhau; bản Giáp để lưu chiểu ở bộ, bản Ất đưa về lưu chiểu ở thành trấn, và bản Bính cấp phát cho xã để giữ làm bằng”. Việc hoàn thành lập địa bạ Bắc Bộ là một thành công lớn của Gia Long trong điều kiện chính quyền vừa mới được thiết lập, việc kiểm soát đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là đối với vùng Đàng Ngoài - đất cũ của chính quyền Lê Trịnh.
Sau thành công của việc lập sổ địa bạ Bắc Hà, năm 1810 Gia Long quyết định cho lập địa bạ các địa phương từ Quảng Bình vào đến Khánh Hoà “… sức xuống cho các huyện, tổng, xã dân trong hạt, đều chiểu theo bốn bề… gia phận mình, phàm ruộng, đất, vườn ao, công và tư, đất mồ mả, ruộng quan điền, ruộng trang trại quan ở trong xã, thực nộp thuế hay bỏ hoang, và mẫu sào, đảng hạng, xứ sở bốn bên, cứ thực khai ra làm sổ địa bạ ba bản Giáp, Ất, Bính, nếu xã nào bỏ sót ruộng đất ra ngoài sổ, trót đã cày cấy mà không nộp thuế, thì cho làm đơn xin nộp thuế, biên vào tất cả, cước chú rõ ràng, làm xong cho bộ Hộ chuyển tâu lên; việc này nên nghiêm sức cho lại dịch đều căn cứ tờ khai, chiểu rõ cách thức, so đủ số mục ruộng đất thực nộp thuế, lập tức cho thu, nếu mượn có để khó khăn về sau thì phải tội”.
Công việc dang dở dưới thời vua Gia Long, đến năm 1831 vua Minh MỆnh mới tiếp tục thực thực hiện tiếp công việc này. Năm 1831 Minh Mệnh cho làm sổ địa bạ khu vực từ Ninh Bình vào đến Hà Tĩnh: “Về ba trấn Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình đã cho làm sổ từ năm Gia Long thứ ba, không biết vì sao giữa chừng lại thôi… Về sổ địa bạ của ba trấn ấy phải do các trấn ấy chuyển sức cho xã dân đều cứ địa phận xã mình có các hạng ruộng đất, rừng núi, hồ chằm công tư nộp thuế trước và thêm mới, đông tây bốn bề, ở xứ sở nào và ruộng đất đẳng hạng nào, mẫu sào thước tấc bao nhiêu, chỗ nào là ruộng chiêm, là ruộng mùa, chỗ nào hai vụ vừa chiêm vừa mùa, theo cách thức làm sổ…”.. Năm 1834 theo lời tâu chuẩn của các quan Bắc Thành xin cho: “Chung quanh thành Đại La và ven bờ sông Nhị ở ngoài thành thuộc tỉnh Hà Nội, đều là chỗ ở của dân hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, trong đó nơi có sổ địa bạ, chỉ có 37 thôn, phường, trại, còn thì không có sổ sách có thể tra cứu tựa hồ cũng chưa có giới hạn rõ ràng; nghĩ nên tra rõ địa thế, đo đạc rõ xã thôn phường nào số chỗ ở là bao nhiêu, làm thành sổ địa bạ ba bản Giáp, Ất, Bính đem nộp ở bộ”. Công việc hoàn thành vào năm 1837.
Đối với vùng đất Nam Bộ, dường như sự kiểm soát của nhà nước với đất đai, cũng như với nhiều mặt khác của đời sống xã hội, có phần còn lỏng lẻo, còn hạn chế. Do đó vua Minh Mệnh coi việc đo đạc lại ruộng đất ở Nam Kỳ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu: “… Mà việc ranh giới ruộng đất lại càng trọng yếu. Xưa nay ruộng đất đều có ghi rõ mẫu, sào, thước, tấc, đó là phép thường, không thay đổi. Các tỉnh trong khắp cả nước đều như thế cả, há có lý nào sáu tỉnh Nam Kỳ lại khác, riêng theo nếp cũ hay sao? Trong sổ ruộng ít thấy ghi mẫu sào và tầng bậc đẳng điền, mà cứ tính là một dây, một thửa, có đến 8,9 phần mười. Như vậy không những hầu như quê mùa, không phải là quy chế thống nhất, mà ranh giới không rõ ràng, lại dễ sinh ra mối tệ. Nếu xảy án kiện tranh giành thì đông tây tứ chí lờ mờ, không lấy đầu làm chứng cứ; quan lại giảo quyệt, cường hào điêu toa càng dễ xoay xoả, thì lấy gì mà xử án dứt khoát và dập tắt tranh giành” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, bản dịch, Tập Bốn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.879).
Như vậy, cho đến cuối đời Minh Mệnh, sau gần bốn mươi năm, nhà Nguyễn đã cơ bản hoàn thành việc lập sổ địa bạ trên phạm vi toàn quốc, trong đất liền cũng như ngoài hải đảo. Trên bất kỳ ý nghĩa nào, đây cũng là một thành công lớn của nhà Nguyễn. Nó là cơ sở cho quản lý ruộng đất - một chìa khoá của quản lý nông thôn, quản lý xã hội. Khối lượng địa bạ đồ sộ được lập dưới thời Nguyễn còn lại đến ngày nay có giá trị vô cùng to lớn để không chỉ hiểu về chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, mà còn là bức tranh sinh động về đời sống nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Đăng Khôi