Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 10:07
Vài nét tìm hiểu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật thôn Hạ

Trong cuộc sống có vô vàn những điều đáng được gìn giữ lưu lại cho thế hệ mai sau trong khi đó đình và chùa vừa là nơi tâm linh cũng là nơi lưu giữ lại những nét cổ kính của di tích lịch sử nghệ thuật của Thành phố. Chính vì vậy PGS. TS Vũ Văn Quân cùng cộng sự đã biên soạn bộ Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội gồm 10 tập nằm trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Trong tập 9 tác giả đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu quận Long Biên - huyện Gia Lâm - huyện Mê Linh tiêu biểu tìm hiểu về đình, chùa thôn Hạ thuộc xã Dương Hà, huyện Gia Lâm.

  Đình thôn Hạ (đình Hạ Dương) và chùa thân Hạ (Hiển Quang tự). Địa chỉ: Thôn Hạ, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Được xếp hạng: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố ngày 25/03/2003.

Đình thờ Điện Lợi Đại vương Hà Vi Uyên là danh tướng của Hai Bà Trưng. Thần tích và truyền thuyết địa phương cho biết: Sau trận chiến đấu quyết liệt với quân Hán do Mã Viện chỉ huy ở Lãng Bạc, theo lệnh của Trưng Nữ Vương, Hà Vĩ Uyên lui quân về doanh trại tại Hạ Dương để củng cố lực lượng, sau đó ông hoá ở đây. Nghe tin, Trưng Vương đã cho dân làng Hạ Dương sửa sang đền, chùa để phụng thờ. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã xuống chiếu cho làng Hạ Dương làm lại đình phụng thờ và phong sắc Nhất phong Hà Uyên tín quốc đại vương. Đến thời Đinh, ông đã âm phù giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

Các cụ cao niên trong làng cho biết đình xây dựng khoảng cuối thời Lê. Trước kia đình ở bên kia sông Đuống. Thời Tự Đức (1858 - 1884), việc khai sông Đuống làm cho dòng sông ngày càng mở rộng, ruộng đất lở xuống sông, dân làng chuyển dần về bên bờ bắc sông và chuyển đình, chùa theo. Năm 1896, sông Đuống tiếp tục lở, dân làng lại chuyển đình vào sát chân đê ở vị trí hiện nay. Năm 1958, ngôi đình bị hư hỏng nặng, dân làng trùng tu sửa chữa lớn. Năm 1993, nhân dân khôi phục lại hai dãy dải vũ trước đình, một bên làm nhà bia liệt sĩ, một bên làm nhà văn hóa.

Đình quay hướng tây nam, gồm nghi môn, tiền tế, trung tế, hậu cung, dải vũ. Nghi môn là hai trụ gạch xây kiểu lồng đèn. Nhà dải vũ mỗi dãy 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói tây, vì kèo bằng gỗ kiểu kèo suốt, quá giang vượt gối tường, hai trụ trốn tạo thành giá chiêng rường treo quá giang. Các vì kèo liên kết bởi hệ thống xà đai thượng hạ chạy suốt ba gian nhà, gian giữa đắp cuốn thư. Tiền tế 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Chính giữa bờ nóc đắp nổi rồng chầu mặt trời, hai đốc mái đắp hai con kìm ngậm bờ nóc. Hai bên tường hồi vươn ra, ngoài cùng đắp trụ biểu kiểu lồng đèn trang trí tứ linh, thân trụ hình vuông, đỉnh trụ đắp nghê. Trang trí nhà tiền tế tập trung ở hai bộ vì giữa, các xà chồng đấu chạm hình lá, hai quá giang chạm hình phượng, bốn đầu dư đỡ quá giang chạm nổi, chạm lộng rồng. Bốn cốn nách của hai bộ vì giữa chạm nổi, chạm lộng rồng ổ, long mã, trúc điểu, tứ linh, văn chữ triện, hoa lá xen kẽ nhau. Các đầu bẩy chạm mai hóa rồng, trúc hóa rồng. Trung tế nối với ba gian giữa tiền tế, gồm 2 gian, hai bộ vì đều theo kiểu chồng rường. Cốn mê vì ngoài trang trí rồng chầu mặt trời, các đầu rường trang trí hoa văn thực vật. Cốn vì trong chạm nổi đôi rồng chầu hổ phù, phần giá chiêng chạm lộng hoa văn thực vật. Hai bên vì nách, trên các thân rường phủ kín họa tiết rồng, phượng. Hậu cung 2 gian dọc nối liền với gian giữa trung tế. Gian giữa làm cửa bức bàn. Phía trên cửa chạm thủng hình rồng cách điệu. Vì nóc ngoài làm kiểu cốn mê, trên mặt cốn chạm nổi, chạm bong kênh hình đầu rồng cách điệu, văn triện. Hai vì nách làm kiểu chồng rường, trên các thanh rường, đấu kê chạm nổi văn thực vật. Vì nóc trong làm kiểu chồng rường con nhị, hai vì nách hai bên làm kiểu chồng rường. Trên các rường chạm hoa văn lá lật. Trang trí ở hậu cung mang dấu ấn thế kỷ XVIII - XIX.

Đình còn lưu giữ cửa võng, ngai thờ, kiệu long đình, sập thờ, bia đá có niên hiệu Vĩnh Hựu (1737), 17 đạo sắc phong có niên hiệu từ thời Lê đến Nguyễn.

Lễ hội đình thôn Hạ tổ chức từ ngày 9 - 11 tháng Hai âm lịch với nhiều nghi thức trọng thể tưởng niệm công đức của thành hoàng làng.

Chùa thôn Hạ (Hiển Quang tự) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, chùa ở vị trí bên kia sông Đuống. Thời vua Tự Đức (1848-1884), việc cho khai sông Đuống làm dòng sông mở rộng, ruộng đất lở xuống sông, dân làng chuyển dần về bên bờ bắc và chuyển cả đình, chùa theo. Đời vua Thành Thái (1896), sông Đuống tiếp tục lở, dân làng lại chuyển chùa vào sát chân đê, như vị trí hiện nay. Kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu vào thời Nguyễn và thế kỷ XX. Từ năm 2005-2009, chùa dựng tam quan, xây nhà tổ, nhà Mẫu, xây tường bao quanh.

Chùa gồm tam quan, sân vườn, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu. Chùa chính làm kiểu chữ Đinh gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền lát gạch hoa. Hai đầu tường hồi hiên xây hai trụ biểu lồng đèn, không trang trí. Bộ khung gồm 6 bộ vì theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ chuyền và quá giang gối tường. Các giá chiêng chạm hoa lá, còn lại bào trơn soi chỉ. Thượng điện 3 gian nối với tiền đường. Tượng Phật bài trí thành 5 lớp, đáng chú ý là bộ tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm, Di Lặc, Cửu Long… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Nhà Mẫu nằm phía sau thượng điện và cách một khoảng sân hẹp. Các vì kèo làm kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Hai vì hồi làm kiểu cốn mê, trang trí đơn giản. Nhà Tổ nằm song song với thượng điện và cách một khoảng sân hẹp.

Trang trí trên kiến trúc có niên đại vào thế kỷ XIX, các cấu kiện gỗ phần lớn bào soi, kẻ chỉ. Quá giang, con rường chạm nổi hoa văn thực vật với các họa tiết đơn giản, nét chạm sâu mềm mại tạo sự thanh thoát.Chùa còn lưu giữ văn bia, hoành phi, câu đối mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX, 1 lư hương thời Hậu Lê.

                                                                                                            Lê Ngân

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)