Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 10:13
Sự quan tâm của Đảng đến vấn đề gia đình được thể hiện như thế nào thông qua các văn kiện?

Thấy được tầm quan trọng của gia đình trong mỗi kỳ họp Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng luôn đề cập đến vấn đề gia đình theo từng giai đoạn cụ thể để thể hiện sự quan tâm của Đảng trong công tác xây dựng và phát triển của gia đình. Các vấn đề của gia đình mà Đảng quan tâm được GS.TS Lê Thị Quý thể hiện một cách chi tiết cụ thể trong cuốn “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản làm chủ đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và gia đình  là các nhiệm vụ trung tâm của Cách mạng Việt Nam. Gia đình luôn được đề cập đến trong các văn kiện đại hội Đảng trong những thập kỷ gần đây. Chẳng hạn, văn kiện đại hội đại biểu biểu toàn quốc lần thứ VIII (28/6/1996 -1/7/1996)  nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc truyền thụ những giá trị văn hoá  từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình”.

         Nghị quyết Trung ương V khoá VIII (7/1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng khẳng định gia đình có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hoá và phát triển mọi mặt của đất nước: “Phải giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam.”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (19-22/4/2001) đã gắn việc xây dựng gia đình với sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống văn hoá của đất nước. Văn kiện chỉ rõ: “Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá; xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá… Thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá”.

Trong những năm 2000, vấn đề văn hóa gia đình càng được nhấn mạnh trong các đại hội của Đảng như một yêu cầu cấp bách của đường lối xây dựng XHCN ở Việt Nam: “Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm ổn định, củng cố và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị số 49-CT/TT  ngày 21-2-2005 của BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đây là những chủ trương đúng đắn về gia đình. Có thể nói Hiến pháp và các Luật liên quan đến gia đình là tinh hoa của trí tuệ Việt Nam từ trong lịch sử tới nay đã thực sự là tư tưởng dẫn đường để đưa gia đình Việt Nam tới sự phát triển toàn diện.

        Nội dung các văn kiện cũng đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Việc làm cho mỗi người dân hiểu được vị trí của gia đình là vô cùng quan trọng với xã hội vì gia đình “Là tế bào lành mạnh của xã hội”. Xây dựng tế bào lành mạnh là trách nhiệm của mỗi thành viên đối với gia đình và xã hội. Sự no ấm, hạnh phúc của gia đình cũng là niềm vui và sự an bình của xã hội với tư cách là một gia đình lớn sẽ làm tăng mối quan hệ gắn bó, biện chứng và cùng phát triển giữa gia đình và xã hội.

Văn hóa là hồn cốt, là gốc của một nước. Trách nhiệm của gia đình còn được quy định trong việc xây dựng một nền văn hóa mới của Việt Nam. Ở đây, chức năng văn hóa của gia đình hay nói cách khác là giáo dục văn hóa gia đình đã ngày càng được khẳng định là một trong những chức năng quan trọng nhất của gia đình.

Con người là những hạt nhân cơ bản để tạo nên gia đình. Điều đáng ngạc nhiên là xã hội càng hiện đại thì dường như nhiều tính cách tốt đẹp của con người lại bị mai một. Tình thương  yêu, lòng vị tha trở thành của hiếm. Thói ích kỷ, lòng ham muốn hưởng thụ, muốn chiếm đoạt, sẵn sàng hại người khác để đạt tới lợi ích dù nhỏ mọn cho bản thân mình đã và đang xuất hiện trong nhiều nhóm người và gia đình.

Trên thực tế, trong những năm qua, chức năng văn hóa và giáo dục gia đình lỏng lẻo vì vậy đã xảy ra tình trạng tội phạm vị thành niên cao, bạo lực học đường, bạo lực gia đình đã diễn ra hết sức phức tạp với mức độ tàn nhẫn và quy mô khá rộng. 

Điều này cho thấy văn hóa ngày càng suy thoái trầm trọng, chính vì vậy cả xã hội, nhân dân và Đảng xây dựng một xã hội phát triển văn minh gia đình hạnh phúc. Các mối quan hệ trong xã hội, cộng đồng, bạn bè, họ hàng, làng xóm, trường học,.. ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách con người chính vì vậy gia đình càng phải có cơ sở giáo dục tốt thì các thành viên trong gia đình đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ vượt qua được những cám dỗ xấu đang ngày càng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại. Gia đình là nhà, là nơi tìm về của mỗi thành viên theo đúng nghĩa của nó. 

                                                                                                                       Lê Sơn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)