Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 10:13
Thực dân Pháp xây dựng lực lương Quân đội của chính quyền thuộc địa như thế nào?

Từ Thăng Long tới Hà Nội nơi đây luôn là trung tâm kinh tế chính trị trọng yếu của đất nước. Chính vì vậy Hà thành luôn là địa điểm nhòm ngó của những kẻ xâm lược. Để thiết lập chính quyền thuộc địa thực dân Pháp khi đã chiếm được Hà thành chúng đã nhanh chóng xây dựng một lực lượng quân đội tinh nhuệ với đầy đủ loại trung đoàn pháo binh, trung đoàn bộ binh, thủy binh, binh chủng thông tin…Để có thể hiểu một cách cụ thể về hệ thống chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp mời đọc giả tìm đọc cuốn “Lịch sử Hà Nội cận đại 1883 - 1945” của GS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa biên soạn. Cuốn sách thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản ấn hành.

 Hà Nội là một trong những trung tâm quân sự của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ. Quân đội Pháp bao gồm lính người Pháp, lính ở các thuộc địa của Pháp và lính người Việt Nam. Những lính Việt Nam đi theo quân Pháp tham gia các chiến dịch được gọi là lính khố đỏ. Họ mặc áo trắng, quần xanh, đầu đội nón chóp nhỏ, chân đi đất và thắt một dây lưng to bản màu đỏ. Những lính người Việt Nam canh gác công sở thắt đai lưng màu xanh được gọi là lính khố xanh.

Quân Pháp lúc đầu chủ yếu đóng ở khu Đồn Thủy, sau đó chuyển vào đóng ở trong thành. Lực lượng quân Pháp ở Hà Nội có lúc lên tới 3.000 người thuộc các đơn vị khác nhau. Quân Pháp được trang bị các loại vũ khí như súng trường, súng lục, đại bác, sơn pháo, khinh khí cầu, máy bay và một số trang thiết bị thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu. Sĩ quan Pháp được mặc những bộ đồng phục đẹp, cưỡi ngựa, và có lính đi theo hầu. Trong khi đó những người lính không có chức vụ gì thì đời sống thường nhật thường đạm bạc, thậm chí là nhếch nhác.

Khu quân sự của Pháp chủ yếu nằm ở phía đông thành Hà Nội. Bốn phố quanh khu quân sự là phố Carnot (nay là phố Phan Đình Phùng), phố Pièrre Pasquier (nay là phố Hoàng Diệu), phố Galliéni (nay là đoạn dưới của phố Trần Phú) và phố Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng). Ở khu vực phía bắc đường Cửa Đông có một khối nhà khép kín, bốn mặt đều có tường cao bao bọc. Trong khu vực này người Pháp xây dựng một ngôi nhà hai tầng lớn ở khu vực điện Kính Thiên và Hành cung, cho Sở pháo thủ. Ở phía bắc tòa nhà là khu lính thợ của pháo binh và đội cơ giới, có một số xe tăng nhẹ và ô tô bọc thép. Trong khu quân sự còn có trụ sở của Sư đoàn bộ Trung Bắc Kỳ và cơ quan làm việc của Bộ chỉ huy những đơn vị đóng ở thành, dinh của viên Trung tướng Sư đoàn trưởng chỉ huy các lực lượng Pháp ở Đông Dương. Ngoài ra còn có khu hậu cần của Sở binh lương, các khu nhà kho chứa pháo nặng 75 ly, sơn pháo 85 ly và 60 li; khu doanh trại của Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9, với cơ quan chỉ huy trung đoàn, trại lính, quân y và căng tin. Ở khu vực phía nam đường Cửa Đông là khu dành cho lính khố đỏ và thông tin. Khu lính khố đỏ có khoảng 10 ngôi nhà gác có tầng hầm, có tường rào ngăn riêng biệt là chỗ ở của các sĩ quan chỉ huy các đại đội và tiểu đoàn. Cột Cờ được sử dụng làm tháp đài truyền tin và vô tuyến. Dưới chân Cột Cờ là nhà làm việc của Binh chủng thông tin.

Ngày 7 - 7 - 1900, thực dân Pháp ra đạo luật về tổ chức quân đội thuộc địa bao gồm cả binh lính người Pháp và người Việt Nam. Chỉ huy quân đội thuộc địa ở Đông Dương là Hội đồng phòng thủ Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương làm Chủ tịch. Hội đồng có quyền huy động quân đội, lập các đạo quan binh, tuyển mộ binh lính và phân bố lực lượng. Trực tiếp điều khiển quân đội thuộc địa ở Đông Dương là một viên Tổng chỉ huy người Pháp.

Quân Pháp đóng ở Hà Nội có hai nơi quan trọng, đó là Đồn Thủy và thành Hà Nội. Từ năm 1882 đến năm 1894, khu vực đóng quân chính là Đồn Thủy. Bộ chỉ huy, các phòng ban của các binh chủng đều đặt ở đây. Thành Hà Nội là nơi chia quân để phòng thủ thành phố, lô cốt là điện Kính Thiên và Đoan Môn có tường xây kiên cố. Đội quân lính thủy đánh bộ đóng ở dọc tường Cửa Bắc để tiện liên lạc với tàu thủy đi lại trên sông Hồng. Từ năm 1894, Đồn Thủy là nơi đóng trụ sở Bộ Chỉ huy Quân đoàn của toàn Đông Dương. Trong thành là nơi đóng của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Trung Bắc Kỳ (gồm Bắc Kỳ, Lào, Bắc Trung Kỳ đến tận Đà Nẵng).

Người Pháp nhanh chóng xây dựng nhà cửa và trại lính trong thành. Trong thành có dinh viên tướng chỉ huy sư đoàn nên cơ quan tham mưu sư đoàn cũng làm việc ở trong thành. Sau khi bình định xong Việt Nam, kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp giảm bớt số quân Pháp ở Hà Nội. Năm 1926, Lữ đoàn Bắc Đông Dương có những nhiều đơn vị.Bộ binh thuộc địa số 9, Trung đoàn lính khố đỏ, Binh chủng thông tin…

Trong khu vực thành Hà Nội thường xuyên có:

- Lục quân: Hai tiểu đoàn lính Pháp và Lê dương của 9eRIC. Đây là hai tiểu đoàn quân cơ động, sẵn sàng đến những nơi xảy ra chiến sự.

- Hai tiểu đoàn lính khố đỏ của 1erRTT.

- Hai cụm pháo binh: cụm thứ nhất gồm 36 khẩu đội pháo 75 ly; cụm thứ hai có một khẩu đội pháo 105 ly. Cả hai cụm đều có xe kéo pháo.

- Không quân: 3 phi đội và lính thợ đóng ở trường bay Bạch Mai.

Số lính Tây (lính Pháp và lính Lê dương) thường xuyên có mặt ở thành Hà Nội là 1.500 người. Số sĩ quan chỉ huy không nhiều, chủ yếu là lính tráng. Hầu hết lính Tây trong thời gian đóng quân tại Hà Nội không có vợ con. Trong thời gian nhàn rỗi họ thường tụ tập uống rượu. Một số phụ nữ Việt Nam làm me Tây, một hình thức mãi dâm. Một số me Tây sau khi giải nghệ làm môi giới, dắt gái Việt Nam bán dâm cho lính Tây. Trong làng me Tây một số cô đã phất lên được như Tư Hồng và Laoa (vợ của Leroy). Một số me Tây lấy được chồng Tây là sĩ quan nên bỏ được lốt me Tây như vợ của Bouchet và Bonifacy.

Khu quân sự phía đông thành Hà Nội là nơi được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, ở đây đã xảy ra một số vụ ảnh hưởng đến sự nghiêm mật này. Năm 1908, lính khố đỏ ở Hà Nội đã phối hợp với nghĩa quân Yên Thế tổ chức vụ Hà thành đầu độc. Tuy kế hoạch không thành, một số chỉ huy lính khố đỏ bị bắt và bị xử chém đầu như Đội Nhân, Đội Cốc, Đội Bình và Cai Ngà, nhưng hơn 200 sĩ quan và binh lính Pháp bị trúng độc.

Năm 1940, quân Nhật tràn vào Việt Nam, quân Pháp ở trong thành Hà Nội phải đi ra tiền tuyến. Sau ngày 9/3/1945 Quân Pháp bị quân Nhật bắt làm tù binh. Quân đội Nhật vào chiếm đóng trong thành .

Hà Đông có một vị trí đặc biệt về quân sự do nằm ngay cạnh thành phố Hà Nội. Vì vậy thực dân Pháp đặt ở tỉnh lỵ Hà Đông một trại lính khố xanh gồm 200 người do người Pháp huấn luyện và chỉ huy.

                                                                                                              Kim  Sơn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)