Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 02:55
Đôi nét về chính sách phát triển kinh tế hàng hóa của Nhà nước phong kiến thời Lý - Trần - Lê sơ

 Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vương triều Lý - Trần - Lê sơ được đánh giá là ba vương triều mạnh và thịnh trị nhất trong lịch sử. Dưới sự trị vì của ba vương triều này, quốc gia Đại Việt đã có những phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, sự  phát triển kinh tế hàng hóa trở thành dấu ấn trong sự phát triển của quốc gia Đại Việt. Cùng điểm qua vấn đề này qua bộ ba tác phẩm Vương triều Lý (1009-1225), Vương triều Trần (1226-1400), Vương triều Lê (1428-1527). Ba ấn phẩm quý giá thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. 

 Với lòng tự hào dân tộc và tinh thần tự cường của Nhà nước phong kiến tập quyền, Vương triều Lý đã thực hiện những chính sách phát triển đất nước ngay từ đầu trên quy mô lớn. Thời Lý là thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước, là thời kỳ mà người dân nước ta “tự phát hiện chính mình”. ; thời Trần là thời kỳ tiếp nối để phát triển và thành công rực rỡ ở thời Lê sơ.

 Các triều đại thời Lý coi trọng kinh tế nông nghiệp: “Dĩ nông vi bản”, tư tưởng “trọng nông” được biểu hiện thành những biện pháp tích cực cho nông nghiệp, từ đó tạo ra nhiều nông sản hàng hóa để phục vụ giao lưu trong từng vùng và giữa các vùng. Hàng hóa của Đại Việt chủ yếu là thổ sản; hàng nhập khẩu bao gồm giấy, bút, tơ, vải, gấm. Các thương nhân Đại Việt thường mua trầm hương của Chiêm Thành để bán lại cho thương nhân người Tống. Hoạt động buôn bán trong nước được tạo điều kiện khá thuận lợi. Tuy nhiên, đối với ngoại thương, để bảo vệ an ninh quốc gia, nhà Lý chỉ cho phép thương nhân nước ngoài buôn bán ở một số điểm nhất định, chịu sự kiểm soát của triều đình – chính sách này tương tự như chính sách của nhà Tống. Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy tiền đã được sử dụng và phát hành nhiều trong thời Lý Thái Tổ. Cả lương bổng lẫn tô thuế đều có thể trả bằng tiền . Trên cơ sở hoạt động sản xuất và giao lưu hàng hóa bước đầu phát triển, vua Lý Thái Tổ đã đặt ra các loại thuế và coi đó là nguồn thu quan trọng của triều đình. Năm Thuận Thiên thứ 4 (1013) chính quyền Thăng Long đã “định các lệ thuế” trong nước, như: Ao hồ, ruộng đất; tiền và thóc về bãi dâu; sản vật ở núi; các quan ải xét hỏi về mắm muối, về sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão và các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn. Các loại thuế nêu trên có nội dung khá phong phú, thể hiện sự quan tâm của chính quyền Nhà nước đến việc phát triển kinh tế. Thuế thu bằng tiền cũng chứng tỏ trình độ phát triển kinh tế hàng hóa và lưu thông tiền tệ của xã hội. Nhà Lý rất chú trọng đến việc khai thác, quản lý nguồn lợi tự nhiên, phát triển ngành khai mỏ, các lâm thổ, hải sản và  giao thương với nước ngoài, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực trong nước.

          Sang thời Trần, triều đình đã trưng tập các thợ khéo về làm việc trong các quan xưởng để phục vụ cho nhu cầu triều đình và quan lại. Các thợ thủ công dân gian thì tích cực sản xuất và buôn bán trong các phường và ven đô. Thời Trần thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp nhân dân phát triển, các ngành nghề thủ công chủ yếu như: nghề gốm, rèn, đúc đồng, mộc, khai khoáng.  Thời Trần Thái Tông được các nhà nghiên cứu ghi nhận là lần đầu tiên sử sách phản ánh quan hệ giữa các đơn vị tiền tệ, Năm 1226, triều đình "xuống chiếu cho dân gian dùng tiền "tỉnh bách" (hay "tỉnh mạch) mỗi tiền là 69 đồng. Tiền nộp cho nhà nước (tiền "thượng cung") thì mỗi tiễn là 70 đồng" . Nhà Trần đã mở rộng việc mua bán ruộng đất bằng tiền, hay việc nộp tiền để lấy quan chức thì Nhà nước cũng có những điều khoản quy định cụ thể. Mặc dù triều đình ấn định tỷ lệ tiền tệ nhưng trong thực tế không hoàn toàn theo đúng như vậy. Giá trị đồng tiền và tỷ giá bạc vẫn giảm theo mức cung cầu của hai kim loại trên thị trường vào một thời điểm hay ở một khu vực. Càng về sau, tỷ lệ giá trị càng thấp.

         Dưới thời Lê sơ, chính sách nhất quán là tăng cường chức năng kinh tế của Nhà nước. Năm 1428, Lê Lợi đã lệnh cho các địa phương “kê khai đầy đủ, rõ ràng những sản vật do địa phương mình sản xuất, như đồng, sắt, dâu, gai, tơ, lụa, keo, sơn, nhựa trám, sáp ong, dầu, diêm tiêu, mây...”. Chính quyền còn quy định về giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, lưu thông tiền tệ và quy định chống hàng giả, hàng không đúng tiêu chuẩn.  Với chính sách “quân điền” ban hành năm 1429, triều Lê sơ đã tham gia vào việc phân chia ruộng công ở làng xã, góp phần đẩy nhanh quá trình phong kiến hóa cơ cấu kinh tế và xã hội. Việc ban hành nhiều sắc thuế thu bằng tiền cũng thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa và sự phát triển của xã hội.

Có thể nói, dưới thời phong kiến bắt đầu từ thời Lý, qua thời Trần đến triều Lê Sơ, kinh tế hàng hóa đã có một sự khởi đầu và phát triển qua nhiều nấc thang. Tuy nền kinh tế hàng hóa chưa phải là chủ yếu trong toàn bộ nền kinh tế nhưng đã phản ánh tư duy và tầm nhìn của những người đứng đầu nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến nước ta.

Thiên Bảo

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)