Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:12
Hình ảnh Hà Nội trong “Sương phố bóng người”

 

Hà Nội xưa nay vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho người sáng tạo văn chương, nhạc họa. Không chỉ mang dấu ấn riêng trong sáng tác, cảm quan của từng nghệ sĩ, thậm chí trong tác phẩm của cùng một tác giả, vẫn là mảnh đất ấy, cũng hiện lên với gương mặt muôn hình muôn vẻ. Đọc “Sương phố bóng người” - tác phẩm mới được xuất bản của nhà văn Trần Chiến trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, người đọc thấy Hà Nội hiện ra trong hình ảnh một thành phố đa sắc.

 

 

 

Trong tác phẩm của mình, nhà văn Trần Chiến dành một không gian khá lớn để tái hiện lại hình ảnh Hà Nội thời “sương phố” - một thành phố đã hiên ngang bước qua những cuộc chiến tranh, một Thủ đô đầy bản sắc truyền thống. Đó là Hà Nội gắn với khu hồ Hoàn Kiếm - nơi “đích thực Tràng An hơn bất cứ đâu”, nơi “mỗi bước đi đều gặp những dấu vết lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Hà Nội”. Những thắng cảnh nơi đây, từ những cảnh cũ như ngôi chùa trên đảo Ngọc sau đổi thành đền Ngọc Sơn, bút tháp đài nghiên, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong đến những cảnh mới như Tràng Tiền lộng lẫy, sang trọng, Nhà hát Lớn diễm lệ, Nhà thờ lớn uy nghi, phố Đinh Tiên Hoàng ồn ã bán mua, những hiệu ảnh lâu năm thấp thoáng trong bóng cây trên phố Hàng Khay… đều trở thành những điểm đến cho bất kỳ ai muốn tìm, muốn hiểu về Hà Nội. Hồ Gươm với Hà Nội như “lẵng hoa giữa lòng thành phố”, ở đó thiên nhiên và kiến trúc hòa hợp với nhau tạo ra một quần thể kiến trúc - mỹ thuật - văn học, vừa mang dấu ấn của lịch sử, văn hóa, vừa đầy tính nghệ thuật. Hà Nội có hồ Gươm mà có một vẻ đẹp rất riêng vì vậy.

Hà Nội xưa trong ký ức của nhà văn Trần Chiến còn hiện lên qua những thời khắc lịch sử đáng nhớ. Đó là hình ảnh Hà Nội của một mùa thu cách đây hơn 70 năm trước, là những ngày lịch sử sôi động, khi những người con dân Hà Nội đang chung tay góp sức “đem vàng cứu nước”, đóng góp vào ngân khố của chính quyền non trẻ, thiếu thốn sau ngày Độc lập. Đó là những ngày tết Đinh Hợi ngùn ngụt khí thế với “cuộc rút lui vĩ đại” mà quân dân Hà Nội đã khắc tạc vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc không thể nào quên.

Cũng không thể không nhắc đến Hà Nội với những nếp tục truyền thống một thời, những tục lệ ngày tết như đã in sâu trong ký ức của người cầm bút như một nét đẹp riêng của mảnh đất này. Đó là hình ảnh những đỉnh đồng, mâm bồng, hoành thư câu đối ngoài đình, trong nhà được “tắm táp” sáng trưng lên hay những lọ đào với nắm rơm cuộn tròn lót cổ. Tết Hà thành trong ký ức nhà văn Trần Chiến không thiếu những món ăn đã gắn với những người con nơi đây như bánh hoa cầu, bánh củ cải, ướp rượu cúc, rượu phật thủ, cũng không quên được hình ảnh những người phụ nữ “lo bếp núc, thọc tay vào nước giá đã đỗ, rửa lá gói bánh nó đỏ ước lên”. Những đứa trẻ xưa đón tết bằng cái vẻ “hồn nhiên an lành”, là niềm vui với tục xin tiền ngày đầu năm mới, háo hức xông vào nhặt pháo sót từ tràng pháo vừa đốt…

Đó là Hà Nội của rất nhiều năm về trước. Có những cảnh, những chuyện, những tục vẫn còn bắt gặp ở Hà Nội hôm nay nhưng cũng rất nhiều cảnh, nhiều chuyện, nhiều nếp sống đã không còn. Thay vào đó Hà Nội của ngày hôm nay mang những dáng vẻ khác, được tái hiện qua tạp văn Trần Chiến với hình ảnh một thành phố hiện đại, bề thế hơn nhưng cũng xô bồ, ồn ã và đầy những âu lo.Thành phố giờ đây có những khu đô thị mới, những tòa cao ốc hoành tráng mọc lên ngày càng nhiều, những đường phố được mở rộng khang trang, nhiều cây cầu lớn được xây dựng. Nhưng vẫn còn đó khu phố cũ “như chàng trai vạm vỡ, cơ thể phát triển quá khuôn khổ y phục”. Những cố gắng cơi nới tạo ra một gương mặt phố cũ đầy lấm lem, lắp ghép và chắp nối. Nhiều đường phố đã không còn giữ được vẻ đẹp xưa khi cây cối bị chặt hạ. Ở khu vực ngoại thành khu công nghiệp mọc lên san sát nhưng “cây cối trơ trụi, nhà cửa thô tháp điểm những họa tiết rất khác đời… đình - đền - chùa, quần thể giữ hồn cho làng, bị chia cắt hoặc chèn lấn do những khối “nhà công ten nơ” vuông chằn chặn vô hồn, những kiến trúc trọc phú sặc sỡ. Tấc đất đã thành tấc vàng nên ao hồ lấp đi, cống rãnh tắc, bụi xây cất lúc nào cũng ngập…”.

Thành phố ngày càng phát triển cũng là khi dân số của Thành phố không ngừng tăng lên do tình trạng nhập cư ồ ạt, kéo theo đó là sự xáo trộn trong bản sắc khi “Hà Nội là của ai hay chả là của ai”, từ đó mà “kẹt xe, ô nhiễm, úng ngập, văng tục, vứt rác thành quen”. Hai quá trình thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị “tồn tại song song và chả mạnh mẽ khiến cho thủ đô khó bề nhất quán, chẳng hạn quan hệ họ hàng, làng nước không dằng dịt, kéo níu như ở quê nhưng tính độc lập, ý thức pháp luật, sự năng động của thị dân lại kém”. Từ kiến trúc đến con người, đời sống hôm nay cứ đan xen, dang dở, Hà Nội như một “đô thị ngập ngừng”. Ngập ngừng giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại; ngập ngừng giữa nông thôn và đô thị; ngập ngừng trong những nếp tục ngàn đời với lối sống mới thời hội nhập và ngập ngừng trong cả lòng người.

Hà Nội trong “Sương phố bóng người” mang hình ảnh thành phố đa sắc cũng vì thế. Như chính nhà văn Trần Chiến đã từng nói, thành phố như một khối vuông rubic mà xoay mỗi mặt lại thấy một diện mạo khác nhau và đi cùng với đó là những góc nhìn, xúc cảm khác nhau của người viết. Có cả những hoài niệm, nuối tiếc, níu kéo lẫn cả những tiếng thở dài. Hơn cả, người đọc cảm nhận được ở từng câu chuyện cái nhìn thẳng vào hiện thực không hề né tránh, cũng như không ít những đề xuất, mong muốn để Thành phố ngày càng đẹp hơn. Điều đó xuất phát từ chính tâm huyết, tình yêu Hà Nội của một nhà văn, nhà báo cũng là một người con của mảnh đất này.

Ánh Tuyết

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)