Tuyển tập Tản Đà - công trình có giá trị về một nhà văn lớn của dân tộc
Gần ba mươi năm cầm bút, Tản Đà để lại một sự nghiệp văn chương trước thuật không quá đồ sộ về số lượng nhưng lại rất phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Mặc dù là một nhà văn ham du lịch, đi nhiều, cuộc sống nhiều phiêu bạt nhưng những chặng quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tản Đà là gắn với Hà Nội, ông cũng có nhiều đóng góp cho văn hóa Hà Nội nói chung.
Với vị trí quan trọng, đặc biệt của ông trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, đã có nhiều công trình tuyển tập thơ văn Tản Đà được thực hiện. Đặc biệt, năm 2002, "Toàn tập Tản Đà" (5 tập) đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, con trai ông, thực hiện một cách hết sức công phu. Tuy nhiên, vì ở dạng toàn tập thâu lượm tất cả những trước tác hiện còn của Tản Đà nên công trình có phần tản mạn, không cho thấy được những điểm nhấn, những tác phẩm (hoặc trích đoạn) tinh hoa tiêu biểu cho phong cách Tản Đà. Cùng với đó, "Tản Đà về tác gia tác phẩm" là tư liệu tham khảo cung cấp các bài bình luận nghiên cứu chính về Tản Đà, song vì chỉ tập hợp các bài viết nên soạn giả cuốn sách không trích tuyển các sáng tác tiêu biểu của Tản Đà. Một số công trình khác hoặc tập trung nghiên cứu một lĩnh vực sáng tác của Tản Đà, hoặc một đặc trưng của văn nghiệp ông hoặc tuyển lựa ngắn gọn một số tác phẩm và lời bình về Tản Đà... vì vậy không đưa ra được một hình dung đầy đủ về tác gia văn học này. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có một công trình công phu, đủ sức bao quát văn nghiệp và cuộc đời của thi sĩ Tản Đà. "Tuyển tập Tản Đà" do GS.TS. Trần Ngọc Vương (chủ biên) được ra đời chính là nhằm đáp ứng yêu cầu ấy.
Với kinh nghiệm hơn bốn mươi năm nghiên cứu văn học Việt Nam trung cận đại, GS.TS. Trần Ngọc Vương - chuyên gia hàng đầu về tác giả Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - đã cùng cộng sự khắc phục được những hạn chế của các công trình nghiên cứu trước đây như tính tản mạn, sự lựa chọn, trích dẫn các tác phẩm không tiêu biểu nên khó nêu bật được tính cách con người và tính điển hình trong sáng tác của Tản Đà. Đồng thời nhóm biên soạn đã đối chiếu, so sánh các công trình đã công bố, từ đó phân tích tổng hợp các tư liệu, chọn ra những trước tác chính yếu và tiêu biểu nhất của Tản Đà theo từng lĩnh vực cụ thể, ngõ hầu đưa đến cho người đọc một hình dung tổng thể về sáng tác của Tản Đà - người gạch nối giữa hai thế kỷ XIX - XX. Bên cạnh đó, với việc tuyển chọn những bài nghiên cứu, bình luận có giá trị nhất về Tản Đà của các văn sĩ cùng thời, công trình đã xây dựng được chân dung trọn vẹn về một tác gia văn học tiêu biểu của Hà Nội.
Cuốn sách được bố cục hợp lý với hai phần. Phần tổng luận "Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - Dấu nối của hai thời đại văn học" được viết rất quy mô, bao quát được tất cả các khía cạnh từ tiểu sử tác giả, niên biểu sáng tác cho đến sự nghiệp sáng tác, định vị tác giả trong thời đại và tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Đây là một công trình khoa học công phu và có giá trị nhưng lại được viết bằng một văn phong hấp dẫn và dung dị, phù hợp với số đông công chúng có tri thức, là một hướng dẫn quan trọng để đi vào sự nghiệp sáng tác của Tản Đà. Phần Tác phẩm tuyển chọn được thực hiện kỹ lưỡng và bao quát được hết các tác phẩm chính, quan trọng ở các lĩnh vực khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của Tản Đà (gồm: Thơ; Văn xuôi; Dịch thuật; Suy tưởng và bình luận văn học). Liều lượng tác phẩm được tuyển chọn trong các phần khá hợp lý, cung cấp cho bạn đọc tối đa những truyện, những tác phẩm chưa được giới thiệu ở các lần xuất bản trước. Qua những tác phẩm vừa bao quát vừa chi tiết về sáng tác của Tản Đà, người đọc có thể hình dung trọn vẹn về một tác gia văn học tiêu biểu của Hà Nội.
Cuốn sách được biên soạn cẩn trọng, có tính khoa học cao, có giá trị, một tập đại thành xứng đáng với vị thế và văn nghiệp của Tản Đà trong dòng chảy văn hóa, văn học Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách xứng đáng có vị trí trong "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến".
Châu Minh