Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:36
Rước vua - lễ hội độc đáo của làng Thụy Lôi

Theo sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Thụy Lôi không chỉ là một làng cổ của Hà Nội mà ở đây còn có lễ hội rước vua hết sức độc đáo.

Cũng theo sách Làng cổ Hà Nội, làng Thụy Lôi có tên Nôm là làng Nhội - theo người làng giải thích là tên một loài cây mộc, hoa đỏ thắm, mọc trong khu vực cư trú của dân làng từ xa xưa. Về sau được phiên theo âm Hán - Việt thành “Lôi” và tên làng là “Ma Lôi”. Chữ “Ma” có hai nghĩa. Một nghĩa là cây ma - một loại cây gai, vỏ có thể làm sợi để dệt vải. Một nghĩa khác là “ma quỷ”, phải chăng xuất phát từ câu chuyện về ma quỷ - tức Bạch Kê tinh quấy nhiễu An Dương Vương xây thành Cổ Loa mà gọi như vậy!

Thụy Lôi được nhiều người biết đến bởi có hội rước vua hết sức độc đáo được tổ chức hằng năm từ ngày mồng 8 đến 13 tháng Giêng. Chính hội là ngày 12, song các việc của lễ hội được triển khai ngay từ mồng 5 Tết.

Những ngày trước chính hội, nơi đây dân làng tưng bừng với các mâm cúng lễ để chuẩn bị cho ngày chính hội được tổ chức vào ngày 12. Tục rước vua trong lễ hội ở Thụy Lôi được truyền kể từ xưa kia, cứ đến tiết xuân, vua Thục lại cùng quan quân về bái yết đền Sái để cảm ơn công đức của Thánh Trấn Vũ đã giúp vua dựng thành Cổ Loa. Quân kiệu, xa giá rất hoành tráng. Dân làng Nhội phải bỏ công việc, tiền của để phục dịch, rất vất vả và tốn kém. Về sau, vua thấy xa giá đi lại như thế làm tốn phí sức dân nên giao cho làng Nhội thay mặt vua thực hành nghi lễ của Thiên tử, được cắt đặt quan tước làm lễ cảm ơn Thánh Trấn.

Trong lễ rước vua, vua mặc áo màu lam, thắt cân đai, đội mũ, đi hài, chễm chệ trên kiệu; cùng kiệu của chúa và võng các quan được rước, khiêng ra đình để hành hội; trong tiếng nhạc bát âm rộn rã.

Đình làng được trang trí lộng lẫy từ trong sân ra ngoài. Vua ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao. Bên phải thềm đình là dinh quan Đề lĩnh và dinh quan Tán lý; bên trái là dinh quan Thự vệ. Phía đầu hồi đình bên phải là dinh chúa; còn dinh quan Trấn thủ đóng ở khu “đồng Quan gọi”, cách đình một quãng.

Sau khi vua, chúa và các quan yên vị, chính thức khai hội. Tiếp đó là lễ mừng tựa, tức lễ bêu đầu gà, tượng trưng cho Bạch Kê tinh đã bị diệt để vua yên tâm xây thành ốc. Bốn giáp, mỗi giáp chuẩn bị làm một đầu gà để mang bêu trong lễ mừng tựa. Đầu gà được làm bằng tre (đẵn ở nơi sạch sẽ), lấy phần gốc đẽo thành đầu gà, phần dưới sơn trắng toàn bộ, phần trên cùng sơn màu đỏ giả làm mào chau chuốt. Chúa mặc áo thụng may bằng vải xô màu vàng, thắt lưng, mũ, giày, kiếm cũng màu vàng (màu của Thanh Giang sứ).

Nhạc bát âm nổi lên. Chúa xướng bài mừng tựa. Sau mỗi câu xướng của chúa, các quan viên giơ cao đầu gà chạy vòng quanh sân trong tiếng hú, hò reo của người dự hội. Bài mừng tựa không có một mẫu chung mà tùy thuộc người được làm chúa từng năm thảo; song phải đảm bảo được nội dung chính là chúa diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái, giúp Thục An Dương Vương xây thành. Tiếp đó, vua ban thưởng cho quân lính (tượng trưng) bằng “Bánh tiến vua” của dân làng.

Tan tiệc, chúa lên kiệu cùng quan Trấn thủ sang dinh vua yết kiến. Theo nghi lễ truyền thống, chúa phải đi bộ đủ ba vòng quanh đình, bốn vị xá nhân (quân của nhà vua) mới cho vào yết kiến.

Trống lệnh nổi lên, vua lên kiệu bát cống. Chúa cùng các quan lên kiệu, vòng theo sau, khởi hành đoàn rước. Sau hàng cờ, bát bửu, bát âm, đến võng của quan đề lĩnh, quan tán lý. Mỗi quan có nghi vệ riêng với võng đào sơn son thếp vàng, cờ ngũ hành, phường nhạc, lọng xanh che hai bên, anh em con cháu trong họ bưng tráp, điếu ống, khay trầu theo hầu; trống cái đánh nhịp với tiếng chiêng; trống khẩu hòa trong tiếng sáo, nhị và tiếng hò reo của dân làng.

Đám rước kiệu chúa thu hút nhiều người xem nhất, vì người khiêng kiệu vừa đi vừa chạy, nhảy, miệng reo hò. Người xem chạy theo reo hò, tranh nhau chen vào để cố giật được một chút mảnh áo lấy “khước”, đem về may đính vào áo của trẻ con cho trẻ hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe. Kiệu vua đi tiếp sau, cách kiệu chúa một khoảng khá xa. Đây là kiệu bát cống, có tám người khiêng. Theo sau là kiệu quan Thự vệ; cũng có đủ nghi vệ đi cùng như các kiệu khác.

 Điều hành cả đám rước là quan Tổng quản, mặc áo đoạn huyền, lưng thắt bao điều để múi cạnh sườn, tay cầm cờ lệnh và miệng thét loa.

Đám rước đi quanh đình ba vòng (thể hiện ba vòng thành ốc Cổ Loa) rồi rẽ sang dinh Trấn thủ ở phía sau đình. Cả đoàn rước dừng lại. Quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ đối thoại với nhau, kể về sự tích của hội. Sau đó, kiệu vua được rước xuống gò Vọng bái, thuộc cánh Đồng chầu ở phía sau đình, chính diện cửa đền Sái ở phía xa. Vua hướng về đền làm lễ, vừa để “thâm cảm công đức của Huyền Thiên Trấn Vũ” đã giúp vua xây xong Thành Loa; vừa ngụ ý vua cho phép dân làng thay mặt mình lễ tạ.

Vua cùng các quan trở về đình. Dinh vua đã được dỡ bỏ, quan Trấn thủ ngồi trên ghế, trước mặt trải một dãy chiếu đến chỗ đoạn rước dừng lại, được coi tượng trưng cho cổng thành.

Tiếp đó là lễ diễn xướng của quan Đô tướng và quan Trấn thủ trước khi mở cổng thành rước vua về. Đây là màn trình diễn thể hiện sự tôn nghiêm của nghi thức nhà nước; cũng ngụ ý nhắc nhở mỗi người dân phải đề cao cảnh giác. Quan Trấn thủ mở cổng thành rước vua về. Các quan cũng đi theo. Sau đó quan Trấn thủ đọc bài “Gọi tích” để kết thúc lễ hội rước vua.

Hội rước vua làng Thụy Lôi là hội lớn thứ hai trong huyện Đông Anh, sau hội Cổ Loa, song có các nghi thức, trò diễn sinh động, phản ánh đậm nét một phần lịch sử xây dựng kinh thành Cổ Loa, lịch sử dựng nước của cha ông ta. Đây là lễ hội độc đáo chỉ có ở Thụy Lôi, lễ hội tưng bừng náo nhiệt thu hút đông đảo thập phương về dự hội.

Mai Thu

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)