Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:36
Long Đỗ - ngôi làng cổ, tiền thân của kinh đô Thăng Long

Để lựa chọn được các làng cổ tiêu biểu đưa vào cuốn sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, các tác giả đã xây dựng Tiêu chí chung nhận diện làng cổ Hà Nội, trong đó cốt lõi là: làng được tạo lập từ 300 năm trở lên (từ đầu thế kỷ thứ XVIII), hiện còn bảo lưu được nhiều nét đặc sắc của văn hóa làng Việt. Với trên một nghìn trang in, các tác giả đã giới thiệu 70 làng cổ tiêu biểu và 8 cụm làng cổ điển hình (gồm các làng cổ trong một xã hay một phường). Ngoài những làng cổ tiêu biểu được giới thiệu trong sách thì trên mảnh đất ngàn năm văn hiến có truyền thuyết về ngôi làng đầu tiên của Hà Nội đó là Long Đỗ - tiền thân của kinh đô Thăng Long xưa.

 Truyền thuyết kể về ngôi làng đầu tiên trên đất Hà Nội ấy là từ thuở miền đất đai bát ngát do dòng sông Mẹ bồi đắp còn chưa bằng phẳng như ngày nay, đất thấp cao những ô trũng và đồi gò, đặc biệt là lầy lội. Ở chính giữa vùng châu thổ đang được bồi đắp đã có một điểm cao sừng sừng mọc lên, được dân gian mộc mạc gọi tên là núi Nùng – nghĩa là tươi tốt. Sử sách viết: đó là núi Long Đỗ.

Ông bà ta xưa cho rằng: núi Nùng có một đường huyệt ở chính tâm, thông sâu xuống tận âm ti địa phủ, miệng huyệt mở thấu đến thiên đường thượng giới. Vì vậy, họ đặt tên cho núi Nùng là Rốn Rồng, gọi theo tên chữ thì Rốn Rồng chính là Long Đỗ.

Vào khoảng đầu Công nguyên, một nhóm người Việt cổ đi dọc dòng sông Mẹ, tìm chỗ định cư giữa đồng bằng lầy lội. Nhìn từ xa, nhóm người đó đã nhìn thấy núi Rốn Rồng nhô cao, lại có một nhánh sông Mẹ uốn quanh chân núi, rất tiện lợi cho đi lại đường thủy, lại có nguồn nước trong mát để ăn uống, tắm rửa. Họ vô cùng mừng rỡ, quyết định dừng lại lập trại, dần thành làng. Nơi đây nghìn năm sau, Vua Lý Thái Tổ cũng sẽ tìm đến định đô Thăng Long, và viết chiếu, gọi đây là nơi “thắng địa”.

Ngôi làng cổ - tiền thân của kinh đô Thăng Long một nghìn năm sau - vì dựa vào “thắng địa” Rốn Rồng mà cắm đất xây dựng, nên có tên là “hương Long Đỗ”, tức là Rốn Rồng. Người già làng đầu tiên, đứng đầu hương Long Đỗ, họ Tô tên Lịch, là một lão trượng nhân đức, hiếu thuận, nên được dân làng Rốn Rồng rất yêu quý. Tiếng tốt của ông già vang xa đến tận phương Bắc. Các sử thần mặc áo thụng viết chữ nho ở đây bèn ghi vào sử sách Trung Quốc rằng: Tô Lịch ở hương Long Đỗ là người tử tế, sống “ngũ đại đồng đường” (5 thế hệ chung một mái nhà) mà vẫn êm ả, lại khi gặp cảnh mất mùa mà đói kém, còn đem hết của cải trong nhà ra giúp mọi người trong làng.

Dân ta từ lâu đã có câu rất hay “Sống khôn chết thiêng” và “Sinh vi tướng, tử vi thần” - cho nên già làng Tô Lịch ở hương Long Đỗ đã trở thành thần bảo hộ của ngôi làng trên núi Rốn Rồng trong tâm thức của nhân dân khi lìa đời mà về cõi vĩnh hằng. Tôn vinh thần làng, người ta cũng lấy tên ông đặt cho con sông chảy qua trước làng. Tên sông Tô Lịch vì thế mà có từ đây.

Sông Tô Lịch với núi Nùng, thành cặp biểu tượng sông – núi của miền “địa linh nhân kiệt” Thăng Long – Hà Nội, cũng giống như “sông Hương – núi Ngự” của Huế, hoặc “sông Lam – núi Hồng” của Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Còn về chức danh của thần núi Nùng, sông Tô thì sách cổ kể lại rằng, vào năm 823 sau Công nguyên, viên quan đô hộ của nhà Đường là Lý Nguyên Gia khi xây tòa La Thành làm chỗ cai trị nước Việt ở đúng vào chỗ núi Rốn Rồng, biết đấy là nơi ở của già làng Tô Lịch ngày xưa, nên đã khôn khéo chiều chuộng, làm lễ, tôn phong cho người trước đấy đã đứng đầu hương Long Đỗ là “thần Thành hoàng làng”. Đến năm 866, Tiết độ sứ Cao Biền sang cai trị nước Việt, xây thành Đại La làm chỗ đặt bộ máy đô hộ, tiếp tục nâng cấp thần lên làm “Đô phủ Thành hoàng thần quân”, tức là vị thần đứng đầu các Thành hoàng của phủ đô hộ. Nhưng cao quý nhất, thì phải chờ đến dịp định đô Thăng Long, từ năm 1010. Chính người định đô Lý Thái Tổ đã nâng thần lên hàng “Đại vương” với danh hiệu đầy đủ là “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”, tức là vị Đại vương làm thần bảo hộ cho cả kinh đô của đất nước là Thăng Long.

Lại nói về đất Long Đỗ - Rốn Rồng. Đây là tên gọi cổ truyền, thông dụng cho đến tận cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để chỉ chung miền đất Long Thành – Hà Thành, là nội đô – nội thành của Thăng Long – Hà Nội. Tên gọi chung này bắt nguồn từ một địa điểm cụ thể (là hạt nhân): quả núi đất, cao và thiêng, ở chính tâm nội đô (nội thành), nay ở chính tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, vì thế mà có tên gọi là Rốn Rồng – Long Đỗ (tức vùng núi Nùng – Nùng Sơn). Còn dòng sông chảy qua (chảy trước, chảy quanh) chỗ núi Rốn Rồng (Long Đỗ, Nùng Sơn) ấy, có cửa chính là “Hồ Khẩu” (Cửa Hồ) bên bờ hồ Tây, dẫn nước xuôi qua Láng, Cầu Giấy, Thanh Liệt… mà thông với sông Nhuệ ở Thanh Oai –Thanh Trì; và một cửa nữa là “Hà Khẩu” (Giang Khẩu – Cửa sông, chỗ này bây giờ là phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Chợ Gạo) dẫn dòng nước xưa thì vừa trong vừa mát, để cho “em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, còn bây giờ thì được “ngầm hóa” (cống hóa) dưới lòng các con đường Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược, Hàng Đường, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu… mà thông ra sông Hồng.

Với tiêu điểm – tọa độ là núi và sông như thế, có thể hình dung ra vị trí của ngôi làng Hà Nội gốc, do bậc “già làng” Tô Lịch đứng đầu là xa gần trên mạn: từ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (Thành cổ Hà Nội) ngày nay, ra tới quãng bờ tây nam hồ Tây bây giờ.

Chuyện về ngôi làng Hà Nội gốc được hình thành là như thế. Nói chung làng ở nước ta, trước khi thành hình mới, thì chỉ là một trại, một xóm chưa đông, sau dần tụ tự mới thành làng.

Lam Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)