Ngôi làng cổ xứ Đoài khắc tên trên bia đá ở chùa Tây Phương
Làng Yên trước thế kỷ XIX thuộc xã Nguyễn Xá, tổng Thạch Xá , huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Làng còn có tên là làng Triền. Địa danh này còn thấy khắc trên bia đá ở chùa Tây Phương, chùa Bảo Am và Quan Âm tự. Văn bằng, chứng chỉ thời Minh Mệnh thứ 18 (1838) vẫn ghi Triền thôn. Nhưng trong một đạo sắc phong cho Thành hoàng làng đời Thiệu Trị thứ 6 (1846) xuất hiện thôn An thôn (còn đọc là Yên thôn cũng được). Đây là đợt nhà Nguyễn đổi tên 300 làng xã ở 13 trấn Bắc Thành và phủ Hoài Đức “ dùng tên đẹp để lưu lại cho muôn đời sau”.
Đất làng Yên là một dải kéo dài từ phía nam là gò Nủ Rùa lên phía tây là núi Câu Lậu gồm 10 xóm, 7 liền trong làng và 3 xóm lẻ là Cầu Liêu, Đồng Sống và xóm Tây phương. Theo một tài liệu còn lưu gữ thì năm 1928, làng Yên có 1.634 nhân khẩu, ngày nay số nhân khẩu là 4.000 người (năm 2014), thuộc 12 dòng họ. Nhân dân ở dây sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa nước. Ruộng đất rất ít, sau Cải cách ruộng đất, bình quân đầu người chưa được một sào Bắc Bộ. Vì vậy, người dân phải tìm tòi nghề phụ để mưu sinh. Phần lớn đàn ông đều biết làm thợ xây (thợ ngoã) và có biệt tài xây tường đá ong. Ở huyện Thạch Thất, nhiều xã khi đào sâu xuống đất khoảng 60cm là thấy đá ong. Xưa nay nhà cửa của người dân và các công trình kiến trúc tôn giáo phần nhiều được xây bằng đá ong. Ưu điểm lớn của loại đá này không chỉ sẵn có tại địa phương mà khi xây dựng nhà ở thì ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Cũng từ nguyên liệu đá ong tiện dụng này đã hình thành ở đây những người thợ ngoã làng Yên giỏi việc xây tường đá ong ghép mạch kẻ chỉ. Việc đắp vẽ, trang trí bằng vôi vữa đời nào cũng có những hiệp thợ, những nghệ nhân nổi tiếng. Dấu ấn bàn tay vàng còn để lại trên những đầu đao, con giống ở chùa Tây Phương, đền Đỗng Hoa…
Từ những di chỉ khảo cổ học cũng như sử liệu ghi chép lại làng Yên có cư dân sinh sống từ lâu đời. Trải qua lịch sử biến thiên đến nay làng Yên có 12 dòng họ sinh sống, trong đó có 4 họ Nguyễn, 2 họ Đỗ, họ Khương, họ Phan, họ Lê, họ Đặng, họ Vũ… Trong làng hiện còn 4 ngôi nhà thờ họ cổ kính, có niên đại vài ba trăm năm trở lên. Họ Nguyễn Cả là họ lớn nhất với trên 600 suất đinh. Theo Gia phả, họ này đã ở làng trên 500 năm. Nhà thờ họ Nguyễn Đông trên câu đầu ghi dựng năm Bính Tuất, đời Vua Thành Thái (1886). Nhà thờ họ Khương không rõ năm xây dựng, nhưng còn ghi tu sửa năm Nhâm Thân (1924)…
Theo sách “Đăng khoa lục” và bia đá ở văn chỉ làng Yên, thời Lê có một vị đỗ đại khoa là Phùng Đốc. Ông sinh năm 1466. Khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiển Tông đỗ Hoàng Giáp, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Tiếp đó còn 4 vị đỗ Hương cống thời Lê và 3 vị đỗ Cử nhân thời Nguyễn.
Là một ngôi làng cổ còn lưu giữ được nhiều đặc trưng tiêu biểu của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Yên còn là điểm đến của du khách thập phương, phật tử mọi miền về chiêm bái Tây Phương. Du khách đến thăm chùa Tây Phương quanh năm hoặc trẩy hội chùa ngày mồng 6 tháng Ba âm lịch, khi dừng chân uống bát nước chè tươi ở Cầu Liêu trước khi vào chùa, từ xưa đã có hai món đặc sản là bánh tẻ và chè lam. Bánh tẻ làm bằng bột lọc, nhân mộc nhĩ và thịt chưng hành thì một vài nơi cũng làm, nhưng gói bánh bằng lá chuối. Ở đây bánh được gói bằng lá tre mai trên núi Câu Lậu. Khi bóc bánh thấy rất ráo nước, một mầu xanh trong hiện ra và phảng phất mùi thơm đặc trưng của lá tre mai. Cố thi sĩ Thế Mạc sinh thời viết về bánh tẻ Cầu Liêu có đoạn viết: “Du khách khi bóc cái bánh tẻ Cầu Liêu hướng vọng về núi Câu Lậu, cách đấy 1 km, mà trên đó, trong chùa Tây Phương các vị La Hán đang ngẫm nghĩ về sự thế. Có cụ già còn kể tôi nghe câu chuyện: Ấy là Phật Tổ thứ 8 Ananđề, thân thể béo mập, phanh áo hở ngực, bụng to tròn căng, cặp mắt nheo nheo, miệng cười. Người chủ trương tu hành theo con đường lạc quan, thanh thản phóng túng, không câu thúc… Trước khi thành Phật, Người còn tạt qua Cầu Liêu ăn vài cái bánh tẻ rồi mới nhập Niết bàn. Hoá ra dứt đường trần kể cũng khó vì sức quyến rũ của loại bánh tẻ này”.
Câu chuyện có vẻ khôi hài nhưng kể trên đất Phật, dưới núi Câu Lậu thì cũng rất dí dỏm, làm vui chân khi du khách leo hơn hai trăm bậc đá ong lên chùa Tây Phương và vùng thắng tích trên núi Câu Lậu.
Ngôi làng cổ có chùa Tây Phương nổi tiếng là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội đều muốn ghé thăm không chỉ tìm về miền đất Phật mà còn hưởng không khí trong lành, yên tĩnh của một ngôi làng cổ xứ Đoài xanh mát.
Linh Ánh