Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:36
Sự tích và sắc phong Thành hoàng làng Trinh Tiết

Làng Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội là một trong những làng cổ tiêu biểu của Hà Nội được giới thiệu trong sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Không chỉ là một làng cổ, Trinh Tiết còn nổi tiếng ngay bởi cái tên làng gắn với sự tích và sắc phong Thành hoàng làng.

 Qua những sử liệu được ghi chép lại kể rằng: Thuở ấy ở đất Ái châu (Thanh Hóa) có một thầy địa lý tên là Nguyễn Đức Minh, thường đi khắp nơi vẽ địa đồ những thế đất đẹp. Một hôm ông đến xã Trinh Tiết, huyện Hoài An (thôn Trinh Tiết ngày nay) thấy thế đất đẹp, ông bèn ở lại đó làm nghề và kết duyên cùng bà Trần Thị Thanh, ở nguyên địa ấp. Vợ chồng ăn ở với nhau được 5 - 6 năm mà chưa có con. Có người bảo: Muốn có con phải đi cầu mới được. Ông bà vội sắm sửa lễ vật để đến chùa Hương tích cầu tự. Về nhà ngay đêm hôm ấy, mới nằm thiu thiu ngủ, bà thấy một ông già, đầu, râu, tóc bạc mặc áo gấm, đội mũ hoa, người cao lớn, tay cầm một chiếc râu rồng, từ trên trời hạ xuống, đứng ở đầu giường bà, cười và nói rằng: “Vợ chồng nhà ngươi ăn ở phúc hậu, mà đường con cái thì muộn mằn. Nay lòng trời đã thấu, thương vợ chồng ngươi, khiến ta đem đến cho, một chiếc râu rồng, để đền đáp hậu tình của nhà ngươi”. Nói xong, ông trao râu rồng cho bà... rồi cưỡi mây bay về trời. Tỉnh lại, bà biết mình đã nằm mơ. Sau đó bà thấy trong người khang khác, biết đã có thai. Mãn hạn bà sinh được một người con trai (ngày mồng 8 tháng 6 năm Giáp Thìn - 524). Ngày tháng qua đi, khi lên 5 tuổi, cha mẹ đặt tên là Bảo Công, người trông tuấn tú, mặt mũi khôi ngô, cằm vuông, trán rộng, tay dài quá gối, dưới gót có long. Đi đứng khác thường. Khi Bảo Công 6 tuổi thì bố mất, bà làm ma, mai táng chồng chu tất. Sau đó mẹ con bà lâm vào cảnh nghèo túng không nơi nương tựa. Bà đem con đi tìm đến những nhà giàu ở làng Trinh Tiết làm thuê để kiếm kế sinh nhai. Một hôm, có vị Phú ông ra cổng thấy Bảo Công khôi ngô tuấn tú, dung mạo khác thường, ông hỏi chuyện mới biết mẹ con bà gặp nhiều khó khăn, không biết làm cách nào cho đủ sống. Ông xin bà trao con cho ông nuôi nấng sau này ắt được cậy nhờ. Thấy Bảo Công 13 tuổi đã biết hái củi trên non, ngày ngày chăn trâu trên bãi cỏ ven làng, vui nhìn đàn cá tung tăng đáy nước. Bảo Công thường vui chơi cùng hơn chục trẻ chăn trâu trên khu đất có hình con Phượng. Ngắm trước nhìn sau thấy có Hổ phục, Long Chầu, trước có kim tinh soi rọi, sau lại có con lạch nhỏ nước chảy tuôn trào. Bảo Công rất thích chẳng ngày nào không ra chơi ở đó.

Năm Bảo Công 15 tuổi. Thú dữ thường ra bắt người và giết hại gia súc của dân. Bảo Công liền tập hợp một đám trai làng, được hơn ba chục người, vào rừng lùng diệt hổ beo, giúp dân yên ổn làm ăn. Người đời đều khâm phục và yêu quý ông là người có mưu trí, lại có sức khỏe phi thường và tấm lòng nhân hậu... Bảo Công liền tuyển mộ binh được hơn 200 người, luyện tập võ nghệ giữ yên một vùng.

Thuở ấy, ở xã Như Nguyệt, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, sứ Bắc Ninh có nhà họ Trương sinh hạ được hai người con trai, anh là Trương Khiếu, em là Trương Hát, tài năng đức độ nổi tiếng một vùng; hai người đã chiêu hiền mộ sĩ, tích lũy lương thực đem quân đến giúp, cùng Bảo Công như anh em ruột thịt, nguyện cùng chung việc nước non. Bảo Công được hai anh em họ Trương giúp, uy tín càng cao, tiếng tăm lừng lẫy một vùng, khiến các anh hùng hào kiệt bốn phương kính phục.

Biết Bảo Công là một vị tướng tài thao lược, trí dũng hơn người, Triệu Quang Phục đích thân đến mời Bảo Công cùng hai Trương tướng đem quân giúp Triệu Vương đánh đuổi giặc Lương. Một hôm, Bảo Công vào chầu xin vua cho về thăm mẹ. Việt Vương cho phép, lại cấp cho gấm vóc và một trăm thỏi vàng bạc  (ngày 15 tháng 8), nhân dân (Trinh Tiết) mổ trâu bò đón mừng Bảo Công, lại làm nhà cho Bảo Công ở. Bảo Công về kinh được mấy năm thì Thái bà mất (bà sinh ngày mồng 7 tháng 3 năm Mậu Thân, mất ngày 12 tháng 9). Bảo Công xin vua cho về chịu tang và mai táng mẹ.

Khi Bảo Công về quê vui thú điền viên, hưởng tuổi già, một hôm vào ngày 24 tháng 10, Bảo Công cùng ba, bốn người nhà đi thăm mảnh đất xưa có hình long chầu, hổ phục, khi đến trươc mảnh đất - ông định lấy làm sinh phần - thì gió mây từ mặt đất bốc lên, hồng hồng bạc bạc, vây quanh ông, một lúc sau ông hóa (sinh ngày mồng 8 tháng 6 năm Giáp Thìn 524, mất giờ Thân ngày 24 tháng 10  năm Giáp Ngọ, hưởng thọ 51 tuổi). Người nhà hô hoán lên, dân làng chạy đến, đã thấy mối đùn thành mộ, lại có rắn lớn nằm khoanh mộ. Dân làng thấy vậy đều sợ hãi, vội làm lễ tạ. Rồi lập đền thờ ngài tại nơi hóa, đến nay vẫn còn (đền Cầu Giếng).

Sau này, Bảo Công mất, được dân làng Sêu tôn thờ làm Thành hoàng làng. Ngôi đền được xây dựng lại vào năm 892, vào thời Tiền Lê. Sau đó đền còn được tu sửa nhiều lần mới được khang trang như ngày nay. Tuy trải qua nhiều năm tháng, các câu đối sơn son thếp vàng và ngai của đức ông Bảo Công vẫn còn được lưu giữ cho đến nay đã hơn một ngàn năm.

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông có dịp du thuyền trên sông Đáy và dừng chân bên nương dâu của làng Sêu. Hay tin, các bô lão chọn những tấm lụa đẹp nhất của làng dâng tặng, làm vua Lý Thánh Tông cảm động. Người hỏi chuyện, mới hay tướng tài của làng là Bảo Công, có người mẹ thủ tiết thờ chồng nuôi con có chí khí đánh giặc ngoại xâm. Cảm động trước tấm lòng của người mẹ đã làm gương cho bao phụ nữ khác của làng cũng một mực thủy chung son sắt với chồng con, nên vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.  

Đến thời Lê Đại Hành (980 - 1005) đem quân đánh Tống (qua đất Trinh Tiết) cũng lệnh cho quan quân phải vào đền cầu ngài: âm phù cho tổ quốc, quét sạch bóng thù, hứa phong tặng. Quả nhiên, nhà vua thấy rất linh ứng (quân ta đánh đâu thắng đấy, đất nước được thanh bình). Vua Lê Đại Hành bèn phong tặng: “Vạn Cổ huyết thực hương hỏa vô cùng, giai bất dẫn ứ tích dã!”. Và ban sắc: “Thánh đức thông minh, bảo thiện cư sĩ, phong thần phổ lược, phù vận anh linh, tuy lộc đại vương!”. Và cho xã Trinh Tiết thuộc huyện Hoài An lập đền chính phụng thờ ngài.

Về sau, các triều Lý - Trần - Lê đều biết đến công lao to lớn của ngài: Cứu nước, giúp dân, hiển hách, linh ứng, lại ban khen: “Tứ thời hương hỏa, huyết thực, dẽ quốc, đồng hưu. Vĩnh vi hằng thức, thịnh hỹ tai”. Lại ra phong: “Trung đẳng phúc thần”.

Sự tích Thành hoàng làng Trinh Tiết không chỉ được ghi chép trong sử sách, lưu truyền trong dân gian, sắc phong được khắc ghi, lưu giữ tại đền, đình của làng Trinh Tiết.

Thuận Thịnh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)