Tinh hoa nghề đúc đồng trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến
Ngũ Xã của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội nằm bên hồ Trúc Bạch xưa kia thuộc thôn Ngũ Xã, tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh Thuận, phía tây thành Thăng Long. Khi chưa có đê Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), hồ Trúc Bạch thông với hồ Tây, tạo nên một vùng hồ nước mênh mông, bao bọc xung quanh làng Ngũ Xã, chỉ có con đường độc đạo dẫn vào làng. Chính vì vậy, có thể hình dung về địa thế làng Ngũ Xã như một bán đảo. Đây là điều kiện phù hợp để phát triển làng nghề, thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy trong hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu và trao đổi, mua bán sản phẩm.
Khi kể đến các làng nghề đúc đồng nổi tiếng trên cả nước, không thể không nói đến làng đúc đồng Ngũ Xã. Làng Ngũ Xã có lịch sử hình thành khá lâu đời, tính đến nay khoảng 500 năm. Tên Ngũ Xã của làng được gắn liền với lịch sử hình thành làng. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời nhà Lê sơ (1428 - 1527) triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở năm xã của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Hưng Yên, gồm các xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã. Theo đó, người dân ở năm xã đã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã.
Trong nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã được đánh giá có tay nghề bậc cao. Những sản phẩm của họ làm ra trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng mà không xưởng đúc đồng nào trong cả nước bì kịp. Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay đã khẳng định tài năng đặc biệt của họ, bên cạnh sự thông minh sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo và đức tính cẩn trọng, người thợ thủ công còn có bí kíp nghề nghiệp và kinh nghiệm từ lâu đời.
Điều làm nên sự khách biệt trong các sản phẩm của làng Ngũ Xã chính là ở kỹ thuật đúc liền khối. Việc đúc liền khối những sản phẩm nhỏ đã không hề đơn giản, nên đối với những sản phẩm có kích thước lớn thì khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Để đúc thành công một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với sản phẩm thuộc loại vừa và nhỏ thì mất khoảng ba đến bốn tháng mới hoàn thành, còn với các sản phẩm lớn như chuông, tượng thời gian có thể tính bằng năm.
Ở làng Ngũ Xã hiện nay, phổ biến là loại khuôn hai mảnh, là khuôn được đắp hai lần, mỗi lần đắp một nửa, sau đó ghép lại với nhau, khuôn liền cũng có khi được sử dụng, nhưng chỉ sử dụng với các sản phẩm cầu kì hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
Nấu đồng là khâu thể hiện tài năng của người thợ. Để có một nồi nước đồng tốt, người thợ phải lựa chọn loại than già để đảm bảo khi nấu đồng không bị khê. Các nguyên liệu đồng, thiếc, chì sẽ được cho vào nấu chung theo một tỉ lệ bí mật. Theo kinh nghiệm của người thợ khi thấy nước đồng có màu vàng sáng bốc lên thì khi đó cho tiến hành rót đồng. Trước khi rót đồng, cần phải nung khuôn đủ nóng để đảm bảo đồng chảy đều trong khuôn. Việc rót đồng phải đều tay tránh ngắt quãng, tất nhiên phải biết ngừng nghỉ đúng lúc.
Sửa nguội là phần quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm đồng. Các sản phẩm sau khi được dỡ từ khuôn ra sẽ được cắt bỏ phần thừa, vá hoặc hàn những bộ phận còn khuyết. Người thợ sẽ tiến hành mài, giũa các sản phẩm trước khi chúng được chuyển sang khâu chạm khắc, là nơi người thợ trau chuốt lại các đường nét, hoa văn, họa tiết trên mặt sản phẩm. Đánh bóng bằng giấy giáp mềm và sau đó tiến hành lên màu là những khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm lên đến trình độ nghệ thuật.
Các sản phẩm đồng của làng Ngũ Xã làm ra luôn tạo được sự khác biệt với các sản phẩm nơi khác. Đó là “màu mắt cua” của đồng mà không nơi nào bắt chước được. Đây là kết quả của việc kết hợp đồng, nhôm, chì theo một tỉ lệ chuẩn mực và bí truyền. Chính vì thế sản phẩm đồng Ngũ Xã không bị rỗ, bị phai, để hàng trăm năm vẫn bền vững như vậy.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng có lúc thịnh, lúc suy. Các sản phẩm đúc đồng của Ngũ Xã nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến người dân Ngũ Xã làm nghề một cách ăn đong, nhà nào làm nhà đấy theo kiểu "sáng sửa cưa, trưa mài đục", nên thợ đúc rất nghèo. Chỉ đến năm 1952, khi Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã bấy giờ chủ trương đúc một pho tượng lớn Phật Di Đà, cần trưng dụng tất cả thợ giỏi trong làng, thì làng nghề mới nhộn nhịp. Sau khi đúc pho tượng, làng Ngũ Xã lại trở về không khí trầm lắng. Năm 1954, giải phóng thủ đô Hà Nội, nghề đúc chỉ còn lại chút dư âm vì chuyện thờ cúng bắt đầu bước sang giai đoạn mới, mọi người không mua nhiều đồ thờ như trước nữa. Mặt khác, đất nước đang có chiến tranh, nguyên liệu đồng rất cần thiết cho quốc phòng nên Nhà nước quản lý chặt chẽ, không cho buôn bán tự do bên ngoài. Không có nguyên liệu, lại ít người mua, người thợ Ngũ Xã không thể tiếp tục làm nghề. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải chuyển sang công việc khác. Nghề đúc đồng Ngũ Xã cứ thế mai một dần.
Làng bây giờ đã lên thành phố, nhà nối nhà san sát, không còn những bãi đất rộng để các xưởng đúc có thể đặt lò nung tại làng như xưa. Mặc dù làng nghề Ngũ Xã không còn giữ được vị trí số một trong các làng nghề đúc đồng ở Việt Nam, nhưng kỹ thuật và cách thức đúc đồng vẫn giữ được những sắc thái tinh hoa vốn có.
Thanh Vân