Ước Lễ - làng cổ Hà Nội nức tiếng với món giò chả
Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước là một trong 21 xã và thị trấn của huyện Thanh Oai hiện nay. Về lịch sử làng, theo sách Làng cổ Hà Nội thì vùng đất này có lịch sử tạo dựng làng từ rất lâu đời, nhân dân tôn vinh Tể tướng Lữ Gia thời nhà Triệu nước Nam Việt làm Thành hoàng làng. Làng trước kia là xã Ước Lễ, tổng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên. Tổng Ước Lễ có 7 thôn: Ước Lễ (Kẻ Chảy Nội), Thượng Thụy, Phúc Lâm, Tri Lễ (Kẻ Chảy Ngoại), Quế Sơn, Châu Mai, Từ Châu (Kẻ Từ). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 (khoảng năm 1945 - 1947), Ước Lễ là một thôn của Liên Ước và đến năm 1956 lại tách thành hai xã Tân Ước và Liên Châu như hiện nay.
Làng Ước Lễ có tên là làng Chảy (Chảy Ước) hay người ta còn gọi là Kẻ Chảy Nội, Chảy Chợ (vì ở đây có chợ Chảy) nằm trong hệ thống “Ba làng Chảy, bảy làng La” với truyền thuyết về vị Thành hoàng làng Lữ Gia. Theo truyền thuyết dân gian thì Tể tướng Lữ Gia là một người đã anh dũng chống lại quân nhà Hán để bảo vệ nhà Triệu khi quân Hán sang xâm lược Nam Việt với lực lượng hùng hậu và có nội gián. Do thế yếu, nên Ngài đã bị chém đứt đầu và cứ như vậy vừa ôm đầu vừa cho ngựa chạy về phía nam, chạy mãi tới Bãi Gấu trước cổng làng Ước Lễ ngày nay thì gặp một bà bán nước. Tể tướng hỏi: “Người bị chém đứt đầu thì có cứu được không?”. Bà bán nước không ai khác chính là Phật Bà Quan Âm đã trả lời rằng: “Đã bao đời nay tôi chỉ thấy rau muống bị ngắt ngọn thì mọc ngọn khác. Còn chưa thấy người bị chặt đứt đầu lại mọc đầu khác mà sống bao giờ”. Nói rồi Phật Bà biến mất. Tể tướng cũng lập tức hóa theo về trời. Đầu Ngài lúc này mới lìa khỏi cổ. Dân làng Phúc Lâm ra trước đã nhặt đầu Ngài đem về chôn ở thềm đình làng, còn dân làng Thượng Thụy nhặt được mình của Ngài chôn ở miếu Minh bây giờ. Dân làng Ước Lễ ra sau chỉ vét được ít máu của Tể tướng đem về vẽ thành bức chân dung Ngài treo trên tường trong Hậu cung của đình làng để thờ. Bởi máu Ngài chảy khắp trên đất ba làng, nên dân gian gọi là “ba làng Chảy”. Ba làng Chảy này là: Chảy Ước, Chảy Minh, Chảy Phúc. Hai làng Chảy Minh và Chảy Phúc bây giờ là thôn Phúc Thụy (cạnh làng Ước Lễ) và trước đây còn gọi là Chảy Lượt, hay Chảy Bùng. Hiện nay cả ba làng Chảy đều thờ Tể tướng Lữ Gia làm Thành hoàng làng.
Còn con ngựa của Tể tướng, sau khi Ngài hóa đã lồng chạy khắp bảy làng La. Dân các làng đổ ra giữ lại nuôi đến hết đời, nên cũng có chung tích này.
Với truyền thuyết trên đây về vị Thành hoàng làng và với những di tích văn hóa còn giữ lại được ở Ước Lễ, mà điển hình là chiếc trống đồng Đông Sơn loại Hêgơ I được tìm thấy trên cánh đồng Eo Cờ của làng vào năm 1987, đã phần nào khẳng định được rằng làng Ước Lễ có lịch sử từ khá lâu đời. Dân làng Ước Lễ luôn tự hào rằng làng mình có từ thời Hùng Vương và là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng.
Người Ước Lễ tỏa đi khắp các trung tâm, các chợ, thành phố, thị xã… trong cả nước và ra cả nước ngoài với nghề cổ truyền của cha ông, mà chủ yếu là nghề giò chả. Những khi nông nhàn ở Ước Lễ có tới 80% dân số ra ngoài làm ăn. Bởi vậy, khi vào làng ta thấy có nhiều nhà cửa vắng bóng người ở; có những gia đình đang xây dở, chưa cất mái cũng bỏ đi làm ăn…
Những người dân Ước Lễ ở khắp nơi trong cả nước và nước ngoài, (dù được sinh ra ở làng hay chỉ có nguồn gốc ở đây) họ luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại và họ luôn muốn xây dựng quê hương Ước Lễ ngày thêm giàu đẹp. Với nghề truyền thống của cha ông khi làm ăn phát đạt và trở nên khá giả, họ đã đóng góp những khoản tiền lớn để xây dựng xóm làng, tu tạo đền chùa…
Ước Lễ vốn là một làng nông nghiệp truyền thống. Nhưng lại là làng nằm trong vùng đất trũng, đồng lầy rất xấu, hay gặp thiên tai, lũ lụt nên trước kia chỉ cấy được một vụ lúa. Cũng như các làng quê truyền thống khác, do việc sản xuất nông nghiệp không đảm bảo đời sống, cho nên ở Ước Lễ có thêm những nghề phụ để bổ trợ. Nghề thủ công đóng vai trò quan trọng trong lúc nông nhàn, những khi việc cấy cày không gặp thuận lợi cứ vụ được vụ mất… Bởi vậy dân gian mới có câu “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”. Ở Ước Lễ ngoài nghề giò chả được phát huy đến tận ngày nay, trước kia làng còn có nghề dệt và nghề may.
Vào thời kỳ phong kiến, nghề may ở Ước Lễ phát triển hơn cả. Người Ước Lễ đem nghề ra ngoài làm ăn và tập trung đông nhất là ở Hà Nội. Với kỹ thuật cắt và khâu tay khéo léo, người thợ may Ước Lễ đã làm vừa lòng những người khách hàng ở đất Kinh kỳ vốn thanh lịch, ăn mặc đẹp có tiếng. Hiện nay, nghề may của người Ước Lễ không còn phát triển như trước nữa. Nghề may đã hòa vào cùng xã hội với những mốt thời trang, những loại kỹ thuật mới… nghề may không còn là điểm riêng, điểm đặc trưng của làng Ước Lễ. Do vậy, số người Ước Lễ bây giờ còn làm nghề may chiếm phần rất nhỏ.
Ở Ước Lễ trước kia ngoài làm nông nghiệp, làm nghề thủ công, còn có hoạt động trao đổi buôn bán rất phát triển. Làng có chợ ở đầu làng gọi là chợ Chảy. Chợ có từ bao giờ thì không ai biết, chỉ biết rằng xưa kia chợ Chảy là chợ nổi tiếng trong vùng. Hiện nay, khi nhiều làng xã trong vùng đã mở chợ, những người dân Ước Lễ ra ngoài làm ăn nhiều, dân số trong làng còn ít, thì chợ Chảy dần dần teo đi. Chợ Chảy bây giờ vẫn còn những quán chợ cổ kính, in dấu thời gian, nhưng quy mô của nó rất nhỏ.
Dẫu cho tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhưng nét xưa, mái đình, cổng làng cổ vẫn còn đó để mỗi người dân Ước Lễ dẫu có phiêu bạt bốn phương vẫn hướng về quê hương bản quán, về ngôi làng cổ của Thăng Long – Hà Nội. Nghề truyền thống làm giò chả của Ước Lễ vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển tạo nên thương hiệu mạnh trong và ngoài nước.
Thu Thủy