Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:44
Vị thế của Thăng Long – Kẻ Chợ thời Mạc –Lê Trung Hưng

Từ khi được chọn là kinh đô của nước  Đại Việt, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, cùng những biến động của lịch sử đất nước, Thăng Long đã phát triển thành một đô thị lớn, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ buổi đầu thời phong kiến tự chủ, Thăng Long - Hà Nội luôn có một vị trí rất trọng yếu. Từ mùa thu năm Canh Tuất, 1010  vua Lý Thái Tổ đến đời vua Lê Chiêu Thống (tháng 2 năm 1789), Thăng Long là Kinh đô, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước, nơi các cơ quan đầu não của Nhà nước phong kiến Đại Việt đóng qua các triều: Lý - Trần - Lê Sơ - Mạc và Lê - Trịnh. Dưới triều Mạc và Lê Trung hưng, Thăng Long vẫn giữ vị thế là trái tim và linh hồn của quốc gia, đặc biệt lúc này mảnh đất kinh đô này khoác lên mình một cái tên dân gian đầy ý nghĩa – “Kẻ Chợ”. Cùng tìm hiểu về vị thế của Thăng Long – Kẻ Chợ qua ấn phẩm “Thăng Long – Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

Trong thế kỷ XVII –XVIII mặc dù đất nước bị chia cắt thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài nhưng Thăng Long vẫn là kinh đô của cả nước, là biểu tượng chung của đất nước, các chúa Nguyễn vẫn dùng các niên hiệu chính thức của triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Về đối ngoại lúc này Thăng Long - Kẻ Chợ  không còn lệ thuộc vào Trung Hoa như các thời kỳ trước mà đã có những mối quan hệ kinh tế giao thương với các nước trong khu vực và Phương Tây như Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Về chính trị, tuy trên danh nghĩa Thăng Long vẫn là biểu tượng chung của đất  nước nhưng nó không còn là trung tâm độc quyền về quyền lực của nhà nước Lê - Trịnh trong cả nước. Tình hình thực tế không cho phép nơi đây duy trì một quyền lực duy nhất như những triều đại trước. Trong khi đó, ở Đàng Trong sau hơn nửa thế kỷ của những cuộc phân tranh không phân thắng bại nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm đô thành. Điều này cho  thấy vị thế địa chính trị của Thăng Long đã có sự thay đổi, bớt đi tính tập trung để thích hợp với hoàn cảnh và xu thế mới của đất nước.

Về kinh tế, dưới thời Mạc – Lê Trung hưng, Thăng Long-  Kẻ Chợ đã vượt lên thành một đô thi trung đại lớn nhất đất nước, một trung tâm kinh tế vùng quan trọng và bước đầu trở thành một thương cảng mang tính quốc tế và là trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất của vương quốc Đàng Ngoài. Chính sách tương đối cởi mở của triều đình Lê – Trịnh cho phép người ngoại quốc được phép lập thương điếm lưu trú và kinh doanh, tạo điều kiện để quá trình giao lưu văn hoá, kỹ thuật, tôn giáo… được diễn ra một cách chủ động hơn. Đáng kể nhất vẫn là những hoạt động của các thương nhân thuộc hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh. Họ đã được phép thành lập những thương điếm ở Kẻ Chợ, xây dựng bên ngoài lũy Đại La. Chính sự hiện diện của hàng trăm người ngoại quốc đã tác động đáng kể đến sự chuyển biến kinh tế - xã hội Đàng Ngoài, đặc biệt là hoạt động thương mại của Thăng Long – Kẻ Chợ thời kỳ Lê-Trịnh. Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa – thị trường có nhiều hưng khởi, cùng với những điều kiện tự nhiên thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên và con người, Thăng Long – Kẻ Chợ đã trở thành một đô thị theo đúng nghĩa của nó với sự phát triển đồng bộ của các thành phần “thành” Thăng  Long và “thị” Kẻ Chợ, giữa thủ công nghiệp và thương nghiệp, giữa yếu tố nhà nước và dân gian. Cấu trúc kinh tế của Thăng Long – Kẻ Chợ do đó là một phức hợp bao gồm những xưởng thủ công nộ thị ven đô và mạng lưới chợ và hệ thống cảng, sông như sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc... Chính vì thế Thăng Long  - Kẻ Chợ đã trở thành trung tâm kinh tế, giao thương giữa vùng lân cận và các vùng miền trong cả nước.

Cùng với sự phát triển của hoạt động buôn bán, thương mại, Thăng Long –Kẻ Chợ thời kỳ này cũng bắt đầu mang những yếu tố của một cảng thị quốc tế. Từ  Thăng Long – Kẻ Chợ có nhiều tuyến đường thủy giao thương sang vùng Vân Nam –Trung Quốc, tuy nhiên những tuyến đường thủy giao thương với các nước khác trong khu vực qua biển Đông thì còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Thăng Long – Kẻ Chợ vẫn chủ yếu là một cảng nội địa, vừa là một cảng mạng lưới đường thủy, vừa là trung tâm vùng. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự hưng khởi của nền mậu dịch đối ngoại của Đại Việt với các nước phương Tây thời kỳ  này.

Về văn hóa xã hội, Thăng Long –Kẻ Chợ thời kỳ này đã  xứng đáng với vị thế “thứ nhất kinh kỳ”. Nơi đây vẫn luôn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ những dòng người từ khắp nơi hội tụ về đây để làm ăn sinh sống, học tập, thi cử.  Do đó ngoài tầng lớp quan lại, nơi đây  tập trung tầng lớp văn nhân, nho sĩ,  tài tử của xã hội như Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích, Lê Quý Đôn...

Có thể nói, dưới thời Mạc – Lê Trung hưng, Thăng Long – Kẻ Chự vẫn giữ vị thế đứng đầu trên tất cả các phương diện chính  trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và có tác động đến khắp cả vùng Bắc Bộ, trong đó sự chuyển dịch đan xen giữa cái cũ với cái mới, giữa truyền  thống và hiện đại,giữa phương Đông và phương Tây  bắt đầu lộ diện dưới những dấu hiệu khác nhau trong đời sống chính trị,văn hóa, tư tưởng của nơi đây.

 

Anh Tuấn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)