Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:44
Đôi nét về tư tưởng Phật giáo thời Trần

Triều đại nhà Trần là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Trên nhiều lĩnh vực và phương diện, nhà Trần đều có những thành tựu đáng tự hào. Thời Trần còn được biết đến là một trong những giai đoạn mà đạo Phật được coi là quốc giáo, Phật giáo thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc từ hình thức đến nội dung. Cùng tìm hiểu khái quát về nội dung này trong cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên.

Sau khi thành lập vương triều, nhà Trần quan tâm đến việc xác định hệ tư tưởng của quốc gia, trong đó Phật giáo được coi là hệ tư tưởng chính yếu. Phật giáo chiếm đị vị chủ đạo trong đời sống xã hội, có hảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc.  Phật giáo với giáo lũ Ngũ giới và thập thiện, thể hiện tư tưởng bình đẳng, từ bi bác ái đã được đông đảo nhân dân đón nhận. Không những thế nó thật sự ăn sâu bám rễ vào tầng lớp vua quan, quý tộc nhà Trần. Dưới triều trần, chùa chiền được xây dựng khắp nơi “phân nửa thiên hạ đi tu”. Ngôi chùa trở thành “không gian thiêng” trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đạo Phật đã trở thành một giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam dưới thời Trần.

Thời kỳ này, còn được gọi là thời kỳ Phật giáo nhất tông tức là thời đại của một phái Phật giáo duy nhất. Nếu như trước đó, tồn taị ba Thiền phái là Tỳ ni đa lưu chi, vô Ngôn thông và Thiền Thảo Đường thì đến thời Trần, trước nhu cầu  thống nhất hệ tư tưởng, cùng với việc lựa chọn Phật giáo làm  trung tâm thì Thiền học đã đi đến thống nhất thành một Thiền phái duy nhất là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dòng Thiền Đại Việt mang đậm dấu ấn dân tộc. Các thiền sư một mặt đề cao tính thiền, một mặt đề cao tinh thần nhập thế . Vua Trần Nhân Tông - ông tổ của dòng thiền Trúc Lâm đã đưa ra quan điểm “cư trần lạc đạo” trong tác phẩm “cư trần lạc đạo phú” nghĩa là sống giữa cõi trần mọi sự tùy duyên mà vui với đạo. Không những thế, các vị vua nhà Trần cũng là những người sớm mộ đạo và biết vận dụng sức mạnh của Phật giáo vào công cuộc trị nước. Trần Thái Tông đến với đạo Phật từ rất sớm, ngay khi nhà vua lên ngôi đã có tham cứu đạo Thiền và đã đạt được những thành công nhất định. Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cũng là những ông vua mộ Phật.

Nếu như Phật giáo nguyên thủy đề cao vấn đề cứu độ chúng sinh, giải thoát khỏi những đau khổ trần thế thì Phật giáo thời Trần  khuyến khích mọi người tu thiền, “săn hỷ xả, nhuyễn từ bi”, “tích nhân nghì, tu đạo đức”, “cầm giới hạnh, đoạn ghen tham” nhưng lại không chấp nhận “trì giới và nhẫn nhục” , không chấp nhận cúi đầu làm nô lệ cho ngoại bang. Đây chính là nét đặc sắc của tư tưởng Phật giáo thời Trần. Phật giáo mang cảm thức nhập thế, chứa đựng những dấu ấn Đại Việt rất riêng.  Có thể nói, nhà Trần là thời đại mà Phật giáo thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc từ hình thức đến nội dung, yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của đạo Phật là không tách rời với sự phát triển của dân tộc. Tôn giáo lúc này không thuần tuý chỉ là một bộ phận của xã hội, tôn giáo cũng không đứng độc lập bên ngoài chính trị mà nó ẩn chứa bên trong của những đối sách, những chủ trương của vua quan nhà Trần. Đạo Phật trí tuệ tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết một lòng mọi người với ông Bụt từ bi, với Quan Âm cứu khổ và giáo lý thực tiễn không tách rời cuộc sống bằng thân, khẩu, ý.

Trong sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà quân dân nhà Trần có được, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định có tư tưởng của đạo Phật, mà các vị vua Trần là những phật tử thuần thành, đồng thời cũng là những thiền sư, đã sống và điều hành đất nước bằng tinh thần Phật giáo. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, biết đồng tâm đoàn kết. Tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật đã là cơ sở cho sự đoàn kết nhân tâm, đoàn kết tôn giáo, được kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam, rõ ràng không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Không chỉ ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị xã hội, Phật giáo còn ghi dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật, mỹ thuật thời kỳ này với sự nở rộ của các thể loại văn học như: truyện ký, chính sự, sử học, thơ văn, phú, hịch, v..v… trong đó có nhiều sáng tác có nguồn gốc hoặc liên quan đến các thiền sư. Vua Trần Nhân Tông, nhà sư Huyền Quang đã để lại những tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm như: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo phú, Vịnh Vân Yên tự phú. Tác phẩm của Trần Thái Tông gồm có: Kim cang tam muội kinh tự, Thiền tông chỉ nam tự, Khoá Hư lục; Tuệ Trung Thượng Sĩ còn năm mươi bài thơ, kệ; Pháp Loa có Đoạn sách lục và một chương thiền đạo gồm bốn bài luận thuyết... Sự xuất hiện của nhiều ngôi chùa, tượng Phật, tháp chuông với những kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của dân tộc quốc gia Đại Việt.

Có thể nói, dưới thời Trần, Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên tất cả mọi mặt của đời sống chính trị, tư tưởng, văn hóa xã hội của Đại Việt. Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo thời Trần để lại những dấu ấn riêng biệt còn lưu lại đến ngày nay.

Thiên Bảo

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)