Ba vị Phúc thần họ Nguyễn Quý ở làng Đại Mỗ
Nguyễn Quý Đức tên húy là Tộ, tên tự là Thể Nhận, tên hiệu là Đường Hiên. Từ nhỏ, ông đã nổi danh là người thông minh, dĩnh ngộ. Lớn lên, ông nổi tiếng về văn chương, ham đọc sách, viết văn. Theo truyền lại, năm 1656, khi đó Nguyễn Quý Đức mới 8 tuổi, ông học ở nhà chú họ là Tri huyện Vọng Doanh. Nguyễn Quý Đức đang chăn trâu, có vị Tri phủ Quốc Oai đi qua thấy cậu bé trông vẻ thông minh bèn ra vế đối Khoai Đơ xanh tốt nhờ ơn phủ, ý nói khoai làng Đơ quê ông ta tốt vì có rơm phủ lên, đồng thời có ý nhờ ơn quan phủ. Nguyễn Quý Đức đối lại là Lĩnh Mỗ vàng trơn bởi có nghè, nghĩa là lĩnh trơn làng Mỗ vàng do lấy chày nghè, đồng thời làng cũng có ông nghè. Viên Tri phủ khen Nguyễn Quý Đức là thần đồng. Năm 28 tuổi, Nguyễn Quý Đức đỗ đầu kỳ thi Đình (nên được gọi là Đình nguyên), Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Thìn (1676) đời vua Lê Hy Tông. Ông làm quan trong triều đình Lê - Trịnh đến chức Thượng thư Bộ Binh, Tham tụng, tước Liêm Quận công. Năm 1690, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được phong làm Phúc thần. Ông là người thẳng thắn, không xu nịnh, được người đời kính trọng. Lê Quý Đôn trong "Toàn Việt thi lục" viết: "Tính ông nghiêm nghị, cẩn trọng và độ lượng. Ở ngôi tể tướng hơn 10 năm, sửa sang noi theo pháp độ, cất nhắc kẻ hiền tài, là một tể tướng giỏi thời thái bình". Dân gian có câu đồng dao ngợi khen ông "Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức" (Tể tướng Quý Đức làm thiên hạ yên vui). Đó là những phần thưởng vô giá mà bao giờ cũng cao hơn chức tước bổng lộc. Sử thần Phan Huy Chú nhận xét: “Ông là người khoan hậu, trầm tĩnh. Ngày thường, thì tiếp ai thì dễ dàng, vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chá, việc gì chưa thoả đáng, ông cố giữ ý kiến mình, bàn đến ba, bốn lần, không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn, phần nhiều do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu…”.
Nối tiếp truyền thống khoa bảng, hiếu học của gia đình, Nguyễn Quý Ân, con trai Thượng thư Nguyễn Quý Đức, rất thông minh, mới 7 tuổi đã hiểu được Thi, Thư, nổi tiếng một thời. Năm 25 tuổi đỗ Tiến sĩ, được vào cung dạy Thái tử, đã từng viết sách giảng dạy trong cung và làm thơ xướng họa với chúa Trịnh. Ông thi đỗ khoa Sĩ vọng, đến năm 43 tuổi lại thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Mùi (1715) đời vua Lê Dụ Tông. Ông làm quan đến chức Đề hình Tả tư giảng. Ông nổi tiếng về đạo đức, có nhiều công lao giúp nước giúp dân. Sau khi mất, ông được gia phong là Phúc thần.
Con trai Nguyễn Quý Ân là Nguyễn Quý Kính thi đỗ Hương cống, làm quan với triều đình Lê - Trịnh đến chức Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ. Ông là người có công đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Sau khi mất, ông được phong làm Phúc thần. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép về Nguyễn Quý Kính: “Ông người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm [Hà Đông] là cháu nội Thám hoa Nguyễn Quý Đức, con Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân. Ông do chân hương cống được làm quan ở phiên. Đến đời Long Đức được tiến vào triều, nhưng cho làm chức Tự khanh, coi việc Hộ phiên, vào giảng học cho em chúa là Ân công (...) Trong việc gỡ rối trấn định tình thế, ông có nhiều công lao. Ít lâu sau chúa cho ông vào làm Tham tụng, thăng lên Thượng thư Bộ Binh, Thống Quận công.Năm Tân Dậu đời Cảnh Hưng [1741], ông kiêm chức Đốc phủ ở Sơn Tây, thống lĩnh việc quân. Bấy giờ bốn phương nhiều giặc giã. Triều đình lấy quan tước để thưởng những người có công, đám ưu binh yêu sách quá mức, ông bác đi không nhận. Họ bèn rủ nhau đến phá nhà ông. Ân vương sai tra xét bắt bọn cầm đầu giết đi, từ đó ông hết sức giấu tài kín tiếng ẩn náu, giả có bệnh, xin thôi chức Tham tụng. Chúa không nghe, vẫn cho hưởng lộc và địa vị như cũ. Lại sai làm việc ở Bộ Lại. Ông cố từ nhưng không cho từ (...) Năm 75 tuổi ông mất, được tặng Đại tư đồ, Huyên Trung công, truy phong Phúc thần”.
Ba đời được phong làm phúc thần. Lê Quý Đôn đã khái quát cô đọng trong bức trướng mừng Tướng công Nguyễn Quý Kính: “Ba đời làm giảng quan, hai đời làm phụ tướng như tướng công [Nguyễn Quý Kính] kể từ Tiên công Quốc lão đến tướng công nền giáo dục về Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Hiếu - Đễ - Trung - Tín một mạch truyền xa”. Dòng họ Nguyễn Quý đã làm rạng danh làng Đại Mỗ, làm sáng lên truyền thống khoa bảng đất Thăng Long – Hà Nội.
Đỗ Giang