Những biến đổi to lớn của xã hội - Sự giao thoa văn hóa Việt Nam và Pháp
Những biến động lịch sử to lớn và dồn dập đã khiến cho gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chiến tranh làm gia đình ly tán, công việc làm ăn đứt quãng. Nhiều gia đình đã phải tản cư ra khỏi Hà Nội trong chiến tranh. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn minh Pháp vào Việt Nam. Những ảnh hưởng này đã tác động trực tiếp đến gia đình, góp phần tạo ra những biến đổi về cả hai phương diện kinh tế và văn hóa. Gia đình Việt Nam không còn thuần nhất là gia đình nông nghiệp chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo như trước. Hình thức gia đình thay đổi do nghề nghiệp đa dạng hơn. Ngoài những hình thức gia đình truyền thống trong các thời kỳ trước, trong thành phố đã xuất hiện tầng lớp thương nhân đông đảo, công chức của các cơ quan hành chính Pháp. Gia đình nông dân, thợ thủ công và các nhà nho bị thu hẹp. Trong các gia đình thương nhân, vai trò của đồng tiền cũng khác với gia đình nhà nho. Họ sử dụng đồng tiền có hiệu quả, họ yêu tiền hơn tư tưởng” Trọng nghĩa, khinh tài” của các nhà nho giữ gìn đạo đức trong bất kỳ tình huống nào “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Gia đình công chức tạo ra một phong cách sống mới rất độc đáo, vừa không quá cổ hủ như nhà nho nhưng vẫn giữ gìn gia phong theo nếp cũ, vừa không quá yêu tiền như thương nhân nhưng cũng không đến mức không biết giá trị của đồng tiền. Họ biết kết hợp lối sống văn minh Pháp với truyền thống gia phong, gia giáo trong gia đình. Có thể nói đây là những gia đình thể hiện rõ nét nhất sự giao thoa văn hóa giữa phương Tây và phương Đông trong thời kỳ này. Con người xuất thân từ loại gia đình nào thì mang phong cách của gia đình ấy rất rõ nét.
Giá trị văn hóa gia đình cũng thay đổi. Nho giáo suy tàn không còn chiếm địa vị độc tôn trong xã hội, đặc biệt là đầu thế kỷ XX và điều này đã phản ánh trong gia đình. Sự phản kháng của tầng lớp trí thức hướng theo trào lưu phương Tây, chống lại thói cổ hủ của xã hội phong kiến ngày càng lớn mạnh đặc biệt là trong các gia đình trí thức, nhà buôn giàu có, gia đình công chức, quý tộc thuộc tầng lớp trên của Hà Nội. Trong nhiều gia đình đã xuất hiện nhu cầu về quyền tự do của con người trong đó là quyền yêu đương của thanh niên, bình đẳng nam nữ, giảm bớt những tục lệ khắt khe trói buộc con người, chống các lễ giáo phong kiến, tôn trọng quyền cá nhân.
Những năm đầu thế kỷ XX đã có những trường học dành riêng cho nữ sinh như trường Trưng Vương, Mari Quyri. Lần đầu tiên, phụ nữ được đi học, được giao tiếp rộng rãi. Các phong trào lối sống mới rầm rộ ở Hà Nội, Sài Gòn như phong trào thể thao, phụ nữ mặc quần sooc đua xe đạp quanh Hồ Hoàn Kiếm, phụ nữ đi nhảy đầm, học tiếng Pháp, đặc biệtnhững phụ nữ tiên phong bắt đầu được tham gia hoạt động xã hội.
Một sự kiện lớn thời kỳ này là sự ra đời của tờ báo “Nữ giới chung” tại Sài Gòn, do bà Sương Nguyệt Anh( con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) chủ trương năm 1918. Lần đầu tiên các vấn đề nữ giới được đưa ra bàn luận, mổ xẻ công khai trên văn đàn mở đầu cho những cải cách quan trọng về thân phận và cuộc sống của họ trong gia đình và xã hội. Rồi tờ báo thứ hai“ Phụ nữ tân văn” (1929 - 1935). Người sáng lập báo là bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Đức Nhuận. Chủ bút đầu tiên của báo là Đào Trinh Nhất. Đây là tờ báophụ nữ tư nhân xuất bản tại Sài Gòn và được sự cộng tác của nhiều nhà chính trị, nhà nghiên cứu, nhà báo có tên tuổi như Tản Đà, Phan Khôi, Trịnh Đình Thảo, Hồ Biểu Chánh, Thiếu Sơn, Vân Đài, Nguyễn Thị Kiêm, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim…Tờ báo đã có nhiều ảnh hưởng về văn hóa, xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội nửa đầu XX. Những câu chuyện về gia đình, xung đột giữa hai tư tưởng hủ nho và lối sống mới được đăng tải hàng ngày. Chủ trương của báo là đấu tranh cho Nữ quyền, vận động mạnh mẽ cho việc học và viết chữ quốc ngữ, khuyến khích giới trẻ thoát khỏi xiềng xích vô lý của gia đình. Nhiều bài báo đã viết bằng chữ quốc ngữ để truyền bá tinh thần dân tộc cho người Việt. Nhiều cư dân Hà Nội đã đọc và bằng cách này, luồng gió Nữ quyền đã thổi vào Việt Nam cùng với các trào lưu tiến bộ khác.
Tuy ra đời chậm hơn Sài Gòn, nhưng báo chí Hà Nội cũng nhanh chóng chiếm vị trí cao trong nước: Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Phong Hóa, Ngày nay, tiểu thuyết thứ bảy. Phong trào thơ mới, tân nhạc rất sôi nổi. Trường mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội đào tạo những họa sỹ tài danh mở đầu cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung…
Phim truyện đầu tiên ở Việt Nam là bộ phim Kim Vân Kiều làm năm 1921 do các diễn viên rạp Quảng Lạc thủ vai quay ngoại cảnh ở làng Bưởi là một tiến bộ lớn trong nghệ thuật ở Việt Nam. Từ 1869 Hà Nội đã có hiệu ảnh ở gần Ô Quan Chưởng ( Nguyễn Vinh Phúc, 2005). Hiện nay, nhiều tấm ảnh gia đình và chân dung chụp từ những ngày đó vẫn giữ được với chất lượng tốt, tạo ra những hoài niệm quý giá cho nhiều gia đình.
Lê Sơn