Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương qua các tư liệu khảo cổ học
Đó là lý do vì sao vua Lý Thái Tổ chọn nơi đây làm kinh đô của nước Đại Việt từ năm 1010. Dường như Lý Công Uẩn đã thấu hiểu trời đất và nghe được tiếng của cổ nhân từ hàng vạn năm trước vọng về, bởi lẽ, chính nơi đây cũng đã từng là kinh đô của nước Việt thời Hùng Vương - An Dương Vương - thời điểm mà khắp nơi trên đất nước ta còn vang vọng tiếng trống đồng Cổ Loa. Với mong muốn dựng lại một bức tranh sống động về đời sống vật chất và tinh thần của con người thời Hùng Vương - An Dương Vương trên đất Hà Nội, PGS. TS Trịnh Sinh – người có bề dày hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, đã cố gắng tách biệt ra một khoảng thời gian trong chuỗi dài hàng vạn năm của lịch sử con người Thăng Long - Hà Nội để tái hiện chân thực nhất bức tranh này. Đó chính là nội dung của cuốn sách Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương vương.
Với kết cấu 5 chương và các phụ lục là các tiểu luận nghiên cứu về một số vấn đề lịch sử, bản đồ, bản vẽ, bảng thống kê… trong đó có một số tư liệu lần đầu tiên được công bố sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước. Cuốn sách này là sự tổng hợp và chắt lọc từ nhiều tư liệu lịch sử của ngành khảo cổ học và các khoa học liên ngành khác, trong đó có cả sự đóng góp của nhiều học giả nước ngoài. Xuất phát từ những dấu tích có thật, một nền văn minh rực rỡ có thật tác giả đã dựng lại một giai đoạn hào hùng của Thăng Long – Hà Nội nói riêng của cả đất nước ta nói chung mà ở đó thời Hùng Vương - An Dương vương đã đi vào lòng con dân nước Việt hàng ngàn năm, đã trở thành góc tâm linh, thành biểu tượng truyền thống, tâm hồn và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt. Có lẽ vậy nên Thăng Long - Hà Nội không chỉ dừng lại ở cột mốc lịch sử ngàn năm mà còn từ xa xưa hơn nữa.
Trong chúng ta, có lẽ không ít người còn đang mơ hồ về thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc ta, bởi thế hệ sau chỉ biết đến thời kỳ này qua những truyền thuyết, những câu chuyện dân gian… mà không hiểu rằng đó là cả một thời kỳ hào hùng của dân tộc, là gốc rễ của hàng ngàn năm lịch sử. Cuốn sách này sẽ giới thiệu với độc giả bức tranh toàn cảnh thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương mà ở đó những nền tảng đầu tiên của văn hóa Việt được hình thành và được lưu giữ cho đến ngày nay (Chương 1). Những giá trị văn hóa truyền thống đó đã được lưu truyền trong sử xanh của dân tộc ta và các bộ sử của nước ngoài, được đông đảo các học giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu. Bên cạnh đó, tác giả còn mang đến cho độc giả những cái nhìn chân thực nhất về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương dựa trên những dấu tích thật còn lưu lại qua hàng ngàn năm lịch sử của các nền văn hóa như: văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun; hay những làng cổ, khu mộ cổ trên địa bàn Hà Nội… (Chương 2).
Đặc biệt trong cuốn sách này độc giả sẽ được biết đến một “bộ sưu tập” các di vật thời Hùng Vương – An Dương Vương từ công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt trong đời sống vật chất và tinh thần đến các vũ khí trên các chất liệu đồng, gốm, gỗ, vải sợi… Đáng chú ý nhất ở đây chính là những chiếc trống đồng Đông Sơn, trong đó có những trống đẹp hiếm có, thuộc loại quốc bảo của nước Nam như trống đồng Cổ Loa, Hoàng Hạ (Chương 3). Đó cũng là biểu hiện của đức tính cần cù, tính sáng tạo và sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân người Việt nói chung, cư dân Hà Nội nói riêng.
Mặt khác, bộ sưu tập này cùng những giải mã ở góc độ vi mô, có tính “thâm canh” hơn đã phần nào hé mở cho chúng ta thấy một phần của đời sống vật chất và tinh thần cư dân Hà Nội thuở sơ khai trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, thương nghiệp, luyện kim; hay vấn đề ăn, mặc, ở cùng lối tư duy, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán của cư dân thời xưa (Chương 4, Chương 5).
Đọng lại trong độc giả ngoài những nội dung trên còn là phần phụ lục với những giải mã, những nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau về thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương của các nhà khoa học khác qua thư tịch cổ, qua các truyền thuyết, và các di tích còn lại trên địa bàn Hà Nội. Đó là những bằng chứng đích thực để cho đời sau biết và tự hào về một quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đọc xong cuốn sách này không chỉ tôi mà đông đảo bạn đọc phần nào hiểu được cái gốc rễ làm nên bề dày văn hiến của Hà Nội ngàn năm qua từ một chiều sâu lịch sử xa hơn nữa và nó sẽ là nguồn cội cho một Thăng Long hàng ngàn năm văn hiến mà ở đó bản sắc đế đô, bản sắc dân tộc ngày càng được củng cố bền vững qua thời gian.