Tạo bứt phá cho thị trường sách tinh gọn
Những bước tiến đáng ghi nhận
Thị trường sách tinh gọn (sách ngắn dưới 200 trang, sách tóm tắt, sách tinh lược, sách cẩm nang) ở nước ta tuy mới hình thành khoảng hơn một năm, nhưng đã cho thấy tiềm năng đóng góp cho sự phát triển chung của ngành. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên nhận định, sách tinh gọn sẽ phát triển mạnh trong tương lai vì đáp ứng được nhu cầu của đối tượng độc giả bận rộn, muốn tiếp cận tri thức, thông tin với thời gian tiết kiệm nhất. Đối tượng này ngày càng gia tăng trong đời sống hiện đại.
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện có 10 đơn vị trong ngành Xuất bản thực hiện xuất bản, phát hành sách tinh gọn, với 973 tựa sách; gần 400.000 bản in và hơn 100 triệu lượt đọc, nghe sách điện tử. Các loại sách tinh gọn cũng đa dạng, gồm sách in, sách nói, sách điện tử, sách hình, podcast, infographic, sách truyện tranh tương tác... Nội dung được triển khai thành sách tinh gọn thường là kỹ năng, chính trị, lịch sử, tài chính, kinh doanh hay văn học…
Là đơn vị tích cực tham gia mảng sách tinh gọn, thời gian qua, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật thực hiện bộ sách “Thường thức chính trị” gồm 10 nhóm vấn đề lý luận phổ thông về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới đất nước, đang được đông đảo các đối tượng độc giả đón nhận. Ngoài ra, đơn vị đã xuất bản nhiều sách tinh gọn như: “Giới thiệu tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” của Ph.Ăngghen”, “Giới thiệu tác phẩm “Bút ký triết học” của V.I. Lênin”… và đang triển khai thực hiện bản sách tinh gọn những tác phẩm giá trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhà Xuất bản Nông nghiệp hiện có gần 100 tựa sách tinh gọn, trong đó hầu hết là rút gọn từ những cuốn sách, bộ sách lớn có nội dung hướng dẫn kỹ thuật để hỗ trợ nâng cao kiến thức cho bà con nông dân.
Công ty cổ phần Sách điện tử Waka - đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp ứng dụng đọc sách điện tử trả phí tại Việt Nam, triển khai sách tinh gọn từ tháng 6-2022. Hiện đơn vị đã có trên 600 tựa sách điện tử tóm tắt, hơn 1.000 tựa sách nói tinh gọn. Trong năm 2022, đơn vị này ghi nhận có 2.541 người dùng phát sinh lượt đọc trả phí sách điện tử tóm tắt và 10.567 người dùng có phát sinh lượt nghe trả phí sách nói tinh gọn. Khởi động dự án sách tóm tắt từ 10 năm trước, đến nay, Công ty cổ phần Sách Alpha có 700 tựa sách tinh gọn và kinh doanh trên nền tảng trực tuyến… Công ty cổ phần Fonos với ứng dụng sách nói Fonos cũng đang có 215 cuốn sách tóm tắt phục vụ độc giả, trong đó có 71 cuốn có đồng thời cả bản đầy đủ và bản tóm tắt…
Qua trải nghiệm một số hình thức sách tinh gọn, chị Vũ Thanh Thúy (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Chỉ dành 10-15 phút với sách tinh gọn, tôi có thể nhận được những thông tin giá trị từ một cuốn sách, hoặc giúp tôi biết được nội dung sách có phù hợp với mình hay không trước khi quyết định mua cuốn sách gốc. Hình thức trải nghiệm đa dạng như đọc, nghe, xem khá sinh động và thuận tiện trên nhiều thiết bị cũng tăng sự lựa chọn để độc giả tiếp cận tri thức”.
Đầu tư nhân lực, công nghệ
Phát triển thị trường sách tinh gọn là xu thế tất yếu của ngành Xuất bản, tuy nhiên, đây là hướng đi mới, còn nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sách điện tử Waka Đinh Quang Hoàng cho biết, qua thời gian triển khai có thể thấy, thị trường sách tinh gọn đang tiến triển rõ rệt, ngày càng nhiều đọc giả có nhu cầu đọc và nghe thể loại này. Song, các đơn vị vẫn lo ngại sự phát triển sách tóm tắt sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán sách in và sách điện tử bản đầy đủ. Một vấn đề nữa được các đơn vị xuất bản quan tâm là bản quyền sách tinh gọn còn nhiều bất cập, cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý về sách tinh gọn chưa được quy định cụ thể.
Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật Nguyễn Hoài Anh đánh giá, trong tương lai, sách tinh gọn sẽ đem lại nguồn thu khả quan cho ngành và không ảnh hưởng, thậm chí hỗ trợ cho các loại sách khác, nếu được phát triển chuyên nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, để tạo nên những sản phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn…
Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, định hướng của ngành Xuất bản trong thời gian tới là ưu tiên phát triển sách tinh gọn và thị trường cho loại sách này. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị của ngành cần hoàn thiện thể chế, công tác quản lý để thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển sách tinh gọn. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, tiến tới thành lập Trung tâm bản quyền trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam; phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm này và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam để bảo vệ bản quyền sách tinh gọn; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện giao thông công cộng” để tạo thị trường cho sách tinh gọn. Các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành hợp tác xuất bản sách gốc kèm theo bản tinh gọn trên nhiều nền tảng. Các đơn vị xuất bản, phát hành cần đầu tư công nghệ để đáp ứng đa dạng nhu cầu của độc giả trong thời đại số…
(Theo An Nhi/hanoimoi.com.vn)
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1064159/tao-but-pha-cho-thi-truong-sach-tinh-gon