Văn học tiếng Tây Ban Nha và cơ hội cho người dịch trẻ
Ở Việt Nam, những tác phẩm văn học đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha quen thuộc nhất có lẽ là “Don Quixote de la Mancha - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” của Miguel De Cervantes (Tây Ban Nha) và “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Márquez (Columbia). Nếu hiệp sĩ Don Quixote đã “làm quen” với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam bởi từng được giới thiệu trong chương trình ngữ văn phổ thông, thì câu chuyện về dòng họ Buendia trong “Trăm năm cô đơn” được độc giả tìm đến qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức.
Tên tuổi của dịch giả Nguyễn Trung Đức gắn bó với nền văn học Mỹ Latinh với khoảng gần 40 đầu sách, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Sự tráo trở của phương pháp”, “Ngài đại tá chờ thư”, “Mùa thu của vị trưởng lão”... Theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: “Văn học Mỹ Latinh được giới thiệu nhiều ở Việt Nam là trong thời kỳ bao cấp với tiêu biểu là dịch giả Nguyễn Trung Đức. Có thể coi thời bao cấp là quãng thời gian hoàng kim của văn học dịch, trong đó có văn học Mỹ Latinh, bởi được “bao” đầu ra nên rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển, thậm chí khó đọc, đều được dịch và giới thiệu tới độc giả Việt”.
Một trong những khó khăn trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học Tây Ban Nha cũng như văn học Mỹ Latinh ở Việt Nam, ngoài những vấn đề “muôn thuở” về bản quyền, về “đầu ra”, thì quan trọng nhất vẫn là thiếu đội ngũ dịch thuật. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho biết: “Hiện NXB Kim Đồng chỉ có khoảng 10 đầu sách dịch của Tây Ban Nha và các nước châu Mỹ nói chung, chủ yếu do hạn chế về lực lượng dịch thuật”.
Còn theo chị Trần Lê Thùy Linh, dịch giả, Trưởng phòng Bản quyền của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam: “Chúng tôi không có cán bộ chuyên trách tiếng Tây Ban Nha, do đó phải dựa nhiều vào dịch giả trong các khâu “ngoài văn chương” như là mua bản quyền”. Theo chị Linh, hiện có một số nhà xuất bản của Tây Ban Nha hỗ trợ khá nhiều trong dịch thuật, thậm chí chuẩn bị sẵn sàng những bản dịch tiếng Anh để các đối tác dễ dàng dịch lại, song đa số chỉ dành cho những sáng tác thiếu nhi, sách có nội dung đơn giản. Các tác phẩm văn chương hay, nổi tiếng nếu không mời được dịch giả để có thể dịch từ ngôn ngữ gốc, các đơn vị xuất bản sẽ tổ chức dịch qua ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh, Pháp, Nga.
Tuy nhiên, việc dịch qua một ngôn ngữ khác khiến tác phẩm ít nhiều có sự thay đổi về văn phong, cách xưng hô... so với tác phẩm gốc. Bởi vậy, độc giả mong muốn được tiếp cận với tác phẩm nguyên gốc, không phải dịch qua nhiều ngôn ngữ, không lược dịch hay dịch phóng tác. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm văn học Tây Ban Nha tiếp tục được giới thiệu tới độc giả Việt Nam, như “Tốc độ ánh sáng” của Javier Cercas, “Bóng hình của gió”, “Trò chơi của thiên thần” của Carlos Ruiz Zafón, “Hachiko chú chó đợi chờ” của Luis Prats, “Con lừa và tôi” của Juan Ramón Jiménez... song chủ yếu là được dịch qua các ngôn ngữ khác.
Thiếu đội ngũ dịch tiếng Tây Ban Nha là khó khăn hiện thời, song cũng chính là cơ hội dành cho những bạn trẻ học ngôn ngữ và yêu thích công việc dịch thuật. Đại diện NXB Kim Đồng chia sẻ, đơn vị luôn sẵn sàng đón nhận bản thảo gửi đến. Để có được những bản thảo tốt, phù hợp để xuất bản tại Việt Nam, người dịch có thể tìm kiếm cơ hội từ những tác phẩm được đánh giá cao trong các hội sách, trên các trang thương mại điện tử như Amazon, eBay Books...
Bản quyền cũng là một rào cản, do đó, người dịch trẻ có thể chọn thử sức với những tác phẩm kinh điển đã hết hạn bản quyền theo Công ước Berne. Song, theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, để có một bản thảo dịch tốt thì giỏi ngoại ngữ mới chỉ là một yếu tố, người dịch trẻ cần phải đọc nhiều để mở rộng phông văn hóa, nâng cao và nhuần nhuyễn vốn từ tiếng Việt. Khi bước chân vào lãnh địa dịch, hãy đảm bảo dịch đúng trước, hay sau.
Ngôn ngữ Tây Ban Nha giờ đây đã là ngành được đào tạo chính thức trong một số trường đại học tại Việt Nam. Đại sứ quán Tây Ban Nha cũng có nhiều hoạt động để đẩy mạnh phát triển ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam như tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học với chủ đề “Học tiếng Tây Ban Nha và tận hưởng cuộc sống”, giới thiệu tác giả - tác phẩm hay tổ chức các buổi tọa đàm về dịch thuật, ngôn ngữ... Do đó, độc giả yêu thích văn học Mỹ Latinh hoàn toàn có thể hy vọng, những tác phẩm văn học của các quốc gia này sẽ được dịch sang tiếng Việt ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn.
(Theo Hạ Yến/hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/van-hoc-tieng-tay-ban-nha-va-co-hoi-cho-nguoi-dich-tre-623706.html