Sự phát triển của một đô thị bên cạnh kinh tế còn là văn hóa và xã hội và lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tụ hội được đông đảo người tham gia. Lễ hội còn là cách để người sau tưởng nhớ tới những người xây dựng và lập nên khu dân cư. Chính vì vậy bao giờ một lễ hội cũng bao gồm phần “lễ” và phần “hội”. Hơn thế, Hà Nội không chỉ có những lễ hội dân gian, mà còn các lễ hội mang tính chất cung đình, do là nơi tập trung của nhiều triều đại phong kiến. Hà Nội cũng là nơi thu hút về đây nhiều tinh hoa văn hóa bốn phương, lại nữa, trong xu thế phát triển của đất nước, vốn là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế nên Hà Nội có sự giao lưu rất sớm với nước ngoài, điều đó cũng thể hiện qua việc du nhập các lễ hội của thế giới. Đồng thời, với những lễ hội mới của Hà Nội cũng trở thành nơi đại diện cho cả nước như lễ hội văn hóa các dân tộc toàn quốc. Để làm rõ hơn cho sự đậm đặc và phong phú lễ hội ở Hà Nội, theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) năm 2008 Hà Nội và Hà Tây (cũ) có 1.070 lễ hội chưa kể một số lễ hội của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bằng việc điểm qua môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của Hà Nội, chương I - Môi trường địa lý của Hà Nội cung cấp thông tin có giá trị khái quát cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về lễ hội ở Hà Nội. Còn ở chương II. Những lễ hội cung đình qua các tài liệu lịch sử, các tác giả đã hệ thống hoá, khái lược những thông tin còn lại không nhiều trong chính sử như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư. Sự soi rọi mang tính chính thống này giúp bạn đọc biết được cái nhìn thoáng về các nghi lễ, hội hè cung đình ở Thăng Long thời phong kiến xưa.
Đi từ ngoại cảnh với môi trường địa lý rồi nhìn về quá khứ lịch sử ở chương III. Lễ hội dân gian trong đời sống xã hội hiện đại, tác giả có cách tiếp cận điền dã để cụ thể hóa lễ hội dân gian trong đời sống xã hội hiện đại bằng một số lễ hội tiêu biểu ở Hà Nội như hội đình Ứng Thiên, hội gò Đống Đa...
Hà Nội – nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” và không chỉ dừng lại ở đó nó còn là nơi đầu tiên tiếp nhận các yếu tố, các hiện tượng văn hóa mới. Tuy mới được du nhập và tổ chức trên đất Hà Nội như ngày lễ Tình yêu, ngày lễ Giáng sinh..., nhưng các lễ hội mới du nhập này đã có vị trí và tác dụng nhất định trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp cư dân Thủ đô, trước hết ở đô thị rồi lan về nông thôn. Sự du nhập cũng như những lễ hội mới ở Hà Nội đã được thể hiện trọn vẹn trong chương IV. Một số lễ hội du nhập từ nước ngoài và mới được tổ chức tại Hà Nội.
Sang đến chương V. Một số vấn đề về lễ hội ở Hà Nội, các tác giả đã sử dụng các phương pháp điền dã dân tộc học để thu thập tư liệu, phương pháp phân tích và phương pháp hệ thống để giải mã các hiện tượng diễn ra trong các lễ hội và đánh giá các giá trị của lễ hội ở Hà Nội.
Với một cái nhìn tổng thể các tác giả đã làm nổi bật những đặc điểm, giá trị của lễ hội vùng đất này như nó được hình thành trên một môi trường của thiên thời, địa lợi, nhân hòa; Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung của kho tàng lễ hội; Do tính chất là Kinh đô của cả nước trong một thời gian dài nên Thăng Long có lễ hội cung đình; Lễ hội của những người anh hùng có công đánh giặc giữ nước; Lễ hội của các vị thần bất tử; Lễ hội phố nghề, làng nghề - nét tinh túy của văn hóa Hà Nội...
Dựa trên các tư liệu khảo sát thực tế dày công đã thể hiện từ chương I đến chương V giúp cho người đọc hình dung rõ nét và cảm nhận được những cái hay, nét đẹp, sự độc đáo của lễ hội Hà Nội. Ở phần phụ lục, các tác giả giời thiệu ba bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng và Nguyễn Thụy Loan như Hội Phù Đổng (Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam); Một “tuyên ngôn giữ nước”... bằng lễ hội ở đầu thời Lý... Mỗi người, mỗi bài có những phát hiện riêng và cho người đọc những góc nhìn khác nhau về một hiện tượng văn hóa và đây cũng là những cách giải mã các lễ hội ở Hà Nội. Với 400 trang in đã mang đến cho người đọc những thông tin cơ bản, sát thực nhất về nền cảnh xuất hiện, diễn trình, những đặc điểm và ý nghĩa của các loại hình lễ hội ở Hà Nội xưa và nay.
Sự thành công của cuốn sách không chỉ thể hiện ở mục đích mà PGS.TS. Lê Hồng Lý muốn nghiên cứu một cách cơ bản lễ hội ở Hà Nội nhằm tìm ra những nét đặc trưng của lễ hội Hà Nội, phân tích vai trò của nó trong đời sống chính trị, xã hội và văn hoá cũng như tâm lí của con người sinh sống ở đây mà nó có những đóng góp mới vào việc tìm hiểu kho tàng lễ hội ở Hà Nội. Đồng thời để thấy vai trò lễ hội của Hà Nội trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.