Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Giao lưu trực tuyến
Thứ năm, 12/12/2013 06:37
Phim ảnh Việt chưa giúp giới trẻ yêu lịch sử

 Buổi giao lưu trực tuyến Tuổi trẻ với sử Việt đã diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Đây là hoạt động hướng đến Ngày hội Thanh niên thành phố với sử Việt do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng TTO tổ chức.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Qua những ngày lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy một điều "Lòng tự hào dân tộc và lòng yêu quê hương, đất nước" trong người dâng chúng ta không hề phai. Có phải hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bài học lịch sử sống động mà chúng ta cần phải phát huy và nhân rộng theo chiều hướng này? (Lưu Tấn Tài - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), 25 tuổi, minhlocgocong@...
Ca sĩ HÀ ANH TUẤN: Xin chào Tấn Tài, đã lâu lắm rồi cả nước và đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta mới cùng rung động và đồng lòng hướng về một sự kiện mang tính chất lịch sử sâu sắc đến như vậy. Rõ ràng không có một bài học lịch sử nào sống động mà mang tính ảnh hưởng mạnh mẽ như hình ảnh của đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP và xen lẫn trong sự tiếc thương là một niềm tự hào to lớn. Tôi nghĩ đó chính là lịch sử
* Qua những ngày lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chúng ta thấy một điều "Lòng tự hào dân tộc và lòng yêu quê hương, đất nước" trong người dân chúng ta không hề phai. Có phải hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bài học lịch sử sống động mà chúng ta cần phải phát huy và nhân rộng theo chiều hướng này? (Lưu Tấn Tài ( ĐH KHXH&NV TP.HCM), 25 tuổi,minhlocgocong@...
- Bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM:Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gây xúc động lớn trong nhân dân và đặc biệt là giới trẻ.
Hình ảnh Đại tướng là niềm tự hào lớn lao của dân tộc và sống mãi trường tồn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Ông là hiện thân của trí tuệ, bản lĩnh và là một nhân cách lớn - "văn võ song toàn". Chúng ta cần phải quan tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu và học tập tấm gương đạo đức, phong cách của Đại tướng để sống sao có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với gia đình và bản thân.
* Chào anh Hà Anh Tuấn! Rất vui khi anh cùng tham gia chương trình giao lưu hôm nay. Cho em dành 1 câu hỏi với anh nhé! Em thấy các bạn trẻ hiện nay dường như quan tâm đến các vấn đề thời sự hơn là tìm hiểu về lịch sử, về quá khứ. Anh nghĩ gì về điều này? Theo anh, chúng ta cần làm gì để các bạn yêu sử Việt hơn để yêu nguồn cội mình hơn? Em cám ơn anh! Chúc anh luôn là thần tượng trong lòng các bạn trẻ! (Minh Thy, 20 tuổi,minhthy202013@...)
Ca sĩ HÀ ANH TUẤN: Chào Thy, theo Tuấn nghĩ việc quan tâm đến thời sự cũng là một phần quan trọng trong tình yêu đối với lịch sử. Quan trọng là cách để thu hút giới trẻ tiếp cận với lịch sử và nền tảng quá khứ, đó là nhiệm vụ của những thế hệ đi trước. Có thể chúng ta nên nghĩ đến cách thay đổi hình thức dạy và học môn lịch sử ngay từ trong ghế nhà trường để những thế hệ sau này luôn tìm thấy niềm vui chứ không phải chỉ là một bài học thuộc lòng quên ngay sau kỳ kiểm tra.
* Anh Lâm Đình Thắng ơi! Từ lâu em thấy Thành Đoàn tổ chức rất nhiều hoạt động hay nhưng em thấy việc tổ chức các hoạt động gắn với việc học sử không nhiều cho lắm. Dù cuộc vận động "Dân ta phải biết Sử ta" được thực hiện khá lâu nhưng năm nay mới tạo được dấu ấn với hội thi "Tự hào Sử Việt". Em nghĩ Thành Đoàn nên tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động về giáo dục lịch sử, đặc biệt là các đơn vị nên phát huy các hành trình đến với bảo tàng, địa chỉ đỏ. Anh có thể cho em biết định hướng sắp tới của Thành Đoàn trong việc giáo dục lịch sử cho thanh thiếu nhi hiện nay. Em cám ơn anh!(Hồng Anh, 25 tuổi, honganh2013@...)
- Anh Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư Thành Đoàn: Chào bạn. Không chỉ Thành Đoàn mà tất cả các cơ sở Đoàn của thành phố chúng ta hàng năm đều tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, ví dụ như hành trình đến với bảo tàng, địa chỉ đỏ; các chương trình về nguồn, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức... Nhưng đúng như bạn nói cũng một thời gian khá lâu Thành Đoàn chưa có những hoạt động cao điểm sáng tạo mới liên quan đến việc học Sử.
Do đó, Thành Đoàn năm nay đầu tư tổ chức một hoạt động lớn là Hội thi Tự hào Sử Việt. Tuy là lần đầu tiên tổ chức cũng còn nhiều điểm cần phải rút kinh nghiệm, nhưng về mặt ý tưởng, Hội thi được đánh giá khá cao. Thành Đoàn sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức những hoạt động như thế này trong thời gian sắp tới.Chúng tôi nghĩ hoạt động giáo dục lịch sử của tổ chức Đoàn trong thời gian tới nên phát triển theo hướng trực quan sinh động, phát huy sự sáng tạo của đoàn viên thanh niên, gắn liền trực tiếp với cơ quan, đơn vị và chú trọng giá trị người thanh niên thu được sau khi tham gia hoạt động đó.
* Thưa thầy Hồng, theo em được biết trên các trang thông tin báo chí hiện nay đề cập đến vấn đề cải cách nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử. Vậy thầy có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Nếu góp ý sửa đổi nội dung sách giáo khoa môn lịch sử hiện nay, thì thầy góp ý cho những nội dung nào? Kính chúc thầy sức khỏe! (Hà Ngọc Doãn, 22 tuổi, hangocdoan1991@...)
- PGS.TS Hà Minh Hồng – Nguyên trưởng khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM: Xin trả lời chung cho các câu hỏi liên quan đến sách giáo khoa môn Lịch sử bậc phổ thông, rằng trong thời gian tới sẽ có thay đổi lớn trong bố cục và cách tiếp cận các vấn đề lịch sử của sách giáo khoa phổ thông. Sự tích hợp kiến thức giữa lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được tích hợp trong sách lịch sử bậc phổ thông cơ sở còn bậc phổ thông trung học sẽ theo hướng chuyên đề để đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể của khoa học lịch sử.
Trong cách tiếp cận và hình thức trình bày những vấn đề lịch sử dù ở bậc phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học, các nhà biên soạn sách giáo khoa sẽ tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các chuyên gia và những giáo viên giảng dạy (kể cả giáo viên phổ thông) về những cách hiểu lịch sử những sự kiện lịch sử, nhân vật lích sử, đặc biệt là câu chuyện lịch sử như vậy sẽ không sa đà vào sự kiện lịch sử, nặng nề và chính trị hóa lịch sử như sách giáo khoa hiện nay.
Chắc chắn khi đó sách giáo khoa lịch sử sẽ có hình dáng như những sách tham khảo mà các bạn thích đọc hơn là sách giáo khoa. Chắc chắn nữa là bài giảng lịch sử của thầy cô giáo sẽ được chủ động để giúp cho người học hiểu lịch sử chứ không phải là thuộc lòng lịch sử như sách giáo khoa.
Tiêu chí chung (như tôi đã từng nêu ý kiến) dạy sử để hiểu sử, biết sử, từng tận gốc tích nước nhà Việt Nam; do đó tôi hi vọng có sự thay đổi lớn trong những trang sách giáo khoa không phải là giảm bớt số trang, không phải là giảm tải như chúng ta hiểu hiện nay, mà là hiện thân của lịch sử được nhận diện một cách đầy đủ khách quan. Vì thế tôi cũng tin rằng tuổi trẻ học đường sẽ bớt sự nhàm chán khi đọc những trang sách giáo khoa, bởi những trang sách ấy đích thực là những trang sử chứ không còn là trang giấy giáo khoa đơn điệu nữa. Tôi cũng là một giảng viên thuần túy và chúng ta cùng chờ đợi, hi vọng nhé!
* Khi nói về ước mơ, trẻ em Việt Nam hầu như không có đứa trẻ nào mơ ước về công việc liên quan đến ngành sử như nhà sử học hay một giáo viên dạy sử. Còn trẻ em nước ngoài thì ngược lại chúng lại mơ ước trở thành nhà sử học. Tại sao lại có những suy nghĩ khác biệt như vậy? Qua câu chuyện học sinh ở một trường phổ thông xé đề cương tài liệu môn sử khi môn sử không thi tốt nghiệp chứng tỏ các bạn không thích thú khi học môn sử. Tại sao các bạn trẻ Việt Nam không thích học môn sử? (BÙI THI PHƯƠNG QUYÊN, 25 tuổi, quyenbuithiphuong@...)
- Ca sĩ HÀ ANH TUẤN: Xin chào Quyên, điều đó thể hiện rõ hình ảnh của môn lịch sử không phát huy đúng vai trò của nó đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, hay nói cách khác nó đang trở thành sự ám ảnh trong các kỳ thi. Nên chăng chúng ta hãy ngừng việc xem học và nhớ thuộc lòng làm tiêu chí vượt qua các kỳ thi. Ở nước ngoài đôi khi họ vẫn cho sử dụng sách tham khảo tư liệu trong các kỳ thi môn lịch sử bởi vì quan trọng là bạn hiểu gì về sự kiện ấy chứ không phải là nhớ ngày tháng năm. Đó là điểm khác nhau mà chúng ta có quyền hy vọng để xóa bỏ trong thời gian sắp tới.
* Thưa cô Phạm Phương Thảo, tôi thấy hiện nay việc giảng dạy môn lịch sử, nhất là ở vùng nông thôn thì phương tiện, cơ sở vật chất không được tốt như ở các thành phố lớn (có máy chiếu, phòng học, lại có nhiều bảo tàng..)
Như vậy, ngoài những kiến thức lịch sử, sự kiện được giáo viên giảng giải một cách khô khan, học sinh không có hình ảnh trực quan, hiện vật để khắc sâu kiến thức. Vậy theo cô, có cách nào để khắc phục điểm hạn chế này không ạ? (Đinh Tiên An, 21 tuổi,dinhtienansp@...)
- Cô Phạm Phương Thảo: Đồng ý với việc dạy Sử ở vùng nông thôn thì còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà môn học Sử khô khan. Quan trọng là người dạy có truyền được những tri thức lịch sử đến với các em học sinh hay không!
Ở nông thôn thì cũng có thể tổ chức những sân chơi lịch sử, những "trận đánh giả", những cuộc thi tìm hiểu hoặc là gặp gỡ những nhân chứng lịch sử tại địa phương để học qua câu chuyện, lời kể... qua đó làm cho các tiết học trở nên sống động, gần gũi và nhớ lâu. Và thực tế, trong các kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, cũng đã có nhiều học sinh giỏi Sử từ các tỉnh, vùng nông thôn đạt thành tích cao.
* Em đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử, cô giáo dạy em đưa đề cương cho học, bảo rằng tất cả những câu hỏi trong đề cương sẽ đưa ra trong đề thi. Mà vấn đề là em học không nổi vì trong tờ đó có rất nhiều câu hỏi và câu trả lời vừa dài vừa khó thuộc. Em xin được tư vấn để em có thể học thuộc dễ dàng? Xin cảm ơn! (Đường Gia Khánh, 14 tuổi, duonggiakhanh2107@...)
PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Em có thể học thuộc những gì thầy cô giáo cho với hai điều kiện: một là hiểu được những điều (những nội dung lịch sử) trong bài đó; hai là biết diễn đạt những điều hiểu biết đó bằng suy nghĩ của mình. Đề cương đưa ra trong đề thi nằm trong khuôn khổ sách giáo khoa, nhưng là thi học sinh giỏi nên kiến thức sách giáo khoa chỉ là cơ bản và mang tính khái quát cao. Vì thế cần phải đọc thêm sách tham khảo để hiểu rộng vấn đề nhằm mục tiêu hiểu vấn đề. Chúc em sắp xếp thời giờ phù hợp (nhất là thời giờ đọc sách tham khảo, chuyện lịch sử...) để có thêm kiến thức phục vụ cho đề cương.
* Tôi có con đang học tiểu học. Tôi cũng rất muốn dạy cho con tôi về các kiến thức lịch sử tại nhà. Các chuyên gia có thể hướng dẫn cho tôi không?(NGUYỄN CẨM HÙNG, 40 tuổi, hung693@...)
- Huỳnh Thế Nhã - GV trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh - Quận 5
Xin chào anh Hùng!
Với quan điểm của anh là cùng với nhà trường dạy các kiến thức lịch sử cho các con tại nhà thì tôi cảm thấy rất tâm đắc. Vì học lịch sử không phải là chỉ học trên sách vở, học tại lớp mà học sử là học ở mọi nơi, mọi thời điểm. Có thể đi trên một con đường, anh có thể dạy cho các cháu về tên nhân vật lịch sử được đặt tên cho con đường hoặc nghe một bài hát sử ca, một bài hát cách mạng, anh cũng có thể kể cho các cháu nghe về các giai đoạn lịch sử ấy. Rồi cũng có thể qua các quyển truyện tranh về lịch sử, anh cũng có thể kể cho các em nghe như là một trong những câu chuyện kể trước lúc các em đi vào những giấc mơ đẹp.
Và mình hi vọng anh cũng như còn nhiều, rất nhiều bậc phụ huynh sẽ tâm huyết về việc giáo dục con em mình "yêu" lịch sử nước nhà, tự hào về những trang vàng rạng rỡ của dân tộc. và những câu chuyện lịch sử cũng chính là những câu chuyện giáo dục tâm hồn của các em từ  bé.
* Là giáo viên Tiểu học, anh Nhã nhận thấy sự quan tâm của học sinh tiểu học đối với các tiết học sử như thế nào? Theo anh, giáo viên tiểu học cần phải đổi mới phương pháp như thế nào để học sinh yêu thích môn sử. Ngoài ra,a nh đánh giá như thế nào về sách giáo khoa môn sử dành cho các em học sinh tiểu học. Cám ơn anh! (Thảo Trang, 27 tuổi, thaotrang@...)
- Huỳnh Thế Nhã - GV trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh - Quận 5
Thân chào bạn Thảo Trang!
Sau những giờ học Toán và Tiếng Việt thì đối với các em học sinh tiểu học, phân môn Lịch sử chính là tiết học mà các em mong chờ nhất. Bởi sự thú vị của tiết học nằm ở việc các em được nghiên cứu, trải nghiệm về một giai đoạn mà các em chưa được sinh ra, các em không thể cảm nhận bằng cuộc sống hiện tại. Nên đối với các em, mọi kiên thức điều rất mới mẻ và thú vị.
Học sử chính là tái hiện lại quá khứ. Vì thế để học sinh cảm nhận thì cần lắm những phương pháp dạy - học thích hợp. Và một trong những phương pháp hiệu quả là việc ứng dụng phương tiện nghe - nhìn vào trong bài dạy. Vì những gì các em nghe thì các em biết nhưng những điều các em nhìn, các em sẽ nhớ.
Còn vấn đề Sách giáo khoa mà các em đang được học tập mang tính "thông sử". Các sự kiện lịch sử mang tính dàn trải theo thời gian. Nên đối với các em học sinh đặc biệt là các em học sinh tiểu học thì vô cùng khó khăn. Vì các em không thể tiếp nhận quá nhiều kiến thức. Nên việc áp dụng phương pháp trò chơi học tập vào trong tiết dạy sẽ giúp các em tiếp thu bài, tải hết kiến thức sách giáo khoa một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, phù hợp với mục tiêu của việc dạy trẻ tiểu học là "vừa học, vừa chơi".
* Tôi nghe câu nói “Học lịch sử là để biết chứ không phải để trả bài” tôi thấy rất phù hợp. Không biết các nhà giáo dục và bạn có nghĩ tới quan điểm này không? (Vân, 26 tuổi, beiubeiu@...)
Ca sỹ Hà Anh Tuấn: Xin chào Vân, cá nhân Tuấn cũng ủng hộ suy nghĩ này, vì rút ra từ chính bản thân mình. Ngày còn đi học với khả năng học thuộc lòng rất nhanh, chưa bao giờ Tuấn có điểm lịch sử thấp cả, nhưng nhìn lại đến bây giờ những điều còn đọng lại trong đầu thì không đáng kể. Đa số những sự kiện và kiến thức lịch sử mà mình hiểu và nhớ sâu sắc lại gắn liền với những nhân vật và sự kiện cụ thể. Điều đó thể hiện rằng chúng ta có 1 vấn đề lớn trong cách giáo dục lịch sử tại Việt Nam.
Thật lòng, nếu chúng ta hỏi các bạn trẻ ai yêu thích môn lịch sử, Tuấn nghĩ sẽ có phần trăm rất thấp trả lời "Có". Hãy nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi nếu chúng ta muốn xây dựng một tình yêu đối với lịch sử của các thế hệ tiếp theo. Hiểu quá khứ lịch sử để sống xứng đáng cho hiện tại và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, chẳng phải đấy chính là điều mà chúng ta cần phát huy vai trò của lịch sử, hơn là biến lịch sử thành nỗi sợ hãi của giáo dục? 
* Lớp 12 tôi được học với thầy Việt Hùng - nay là chuyên viên môn Sử Sở GD&ĐT nên nắm được kiến thức căn bản của lịch sử VN. Nhưng giờ hỏi lại chiến tranh chống Mỹ có bao nhiêu chiến dịch, ngày tháng năm từng chiến dịch, quân ta tiêu diệt bao nhiêu địch… thì đúng là bó tay! May mà thầy Hùng dạy dễ hiểu, thú vị nên còn ráng học! Tôi học ban C, yêu thích Sử từ cấp I nhưng hồi đó lẫn bây giờ cầm cuốn sử 12 dày cộm thật ngán ngẩm (tôi chỉ thích đọc sách tham khảo)! Thật sự học 12 năm trời tôi vẫn chưa biết học Sử để làm gì? (Mỹ Tiên, 23 tuổi, mytien2010vn@...)
- Cô Phạm Phương Thảo: Nói thế thôi, chứ những điều học được trong môn học Lịch sử vẫn còn "đọng lại" một cách tự nhiên trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Nếu học Sử ở bậc phổ thông tốt thì sẽ thuận lợi hơn khi học các môn đại cương ở bậc Đại học. Tuy nhiên, nếu thầy, cô giáo viên có cách dạy phù hợp, thì những bài học lịch sử sẽ thấm sâu hơn và giúp các bạn trẻ có thêm năng lực tư duy, nền tảng tri thức giúp ứng xử phù hợp với môi trường sống hiện đại.
Từ những bài học lịch sử, giúp các bạn có cách nhìn nhận thấu đáo và qua đó cùng nhau giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, cùng nhau giữ nước và phát triển đất nước mạnh giàu.
* Cán bộ Đoàn các cấp là những người trực tiếp làm công tác giáo dục lịch sử cho thanh thiếu nhi. Vậy giải pháp nào để tăng cường kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này (đặc biệt đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở)(Lâm Nguyên Bảo, 31 tuổi, xadoanttd@...)
 - Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn. Tôi rất thích câu hỏi của bạn. Nhiều cơ sở Đoàn hiện nay quan tâm nhiều đến việc tổ chức hoạt động giáo dục lịch sử cho Đoàn viên, thanh niên thế nào nhưng lại chưa quan tâm trang bị kỹ năng, kiến thức đến đội ngũ cán bộ đang thực hiện những công tác đó. Điều này dẫn đến một số hoạt động diễn ra khô cứng, không sinh động, không thu hút đoàn viên, thanh niên nên những bài học và giá trị lịch sử người đoàn viên, thanh niên nhận được là chưa lớn. 
Theo suy nghĩ cá nhân tôi, phải tổ chức tập huấn thường xuyên, chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ Đoàn về phương thức tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử một cách sáng tạo, hiệu quả. Phải tạo nhiều cơ hội cho cán bộ Đoàn được giao lưu, tiếp xúc gặp gỡ nhân vật lịch sử, tham quan trực tiếp những địa danh lịch sử để có cảm xúc và niềm yêu thích đối với lịch sử. Chẳng hạn như: Thành Đoàn chúng tôi đang dự kiến tổ chức những chuyến hành trình xuyên Việt trong năm 2014 đến những địa danh lịch sử suốt chiều dài đất nước để giúp đội ngũ cán bộ Đoàn có thêm chất liệu, động lực và cảm xúc trong công việc của mình.
* Quan niệm "Phú quý sinh lễ nghĩa" và "Lễ nghĩa sinh phú quý" đã có ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa Việt Nam nói chung và dạy học môn lịch sử nói riêng? (Lê Võ Sơn Quân, 25 tuổi, sonquan1421988@...)
 - PGS. TS Hà Minh Hồng: Tôi chỉ thích một vế của quan niệm "Phú quý sinh lễ nghĩa", bởi nó là chiều thuận của truyền thống văn hóa Việt. Thực tế là sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội sẽ tác động trực tiếp đến kiến trúc thượng tầng, trong đó đời sống văn hóa, lịch sử - những ứng xử có văn hóa của người có tri thức lịch sử, sẽ phản ảnh trung thực yêu cầu phát triển của đát nước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc mà mỗi thần dân yêu nước phải biết đáp ứng.
Dạy học môn lịch sử cần phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được nhiệm vụ lịch sử của đất nước trong mỗi thời kì phát triển, mỗi công dân có đạo đức phải biết "lễ nghĩa" cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử của đất nước, phải biết phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
* Ca sĩ là những người gián tiếp hướng đến những điều tốt đẹp cho công chúng và phần nào để lại ấn tượng tốt cho thanh thiếu nhi. Bạn có nghĩ vậy không? Vậy giải pháp nào để tăng cường kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này? Bảo Nguyên, 31 tuổi,xadoanttd@...)
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Bảo Nguyên, khái niệm "thần tượng" là điều ảnh hưởng mạnh mẽ đến đối tượng khán giả trẻ bây giờ, và trong đó đa phần là do ảnh hưởng của những người nổi tiếng. Tuấn là một người của công chúng nên ý thức rất rõ vai trò của mình. Sự giáo dục đến ý thức, kiến thức và văn hóa ứng xử cho giới trẻ là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó những "thần tượng" đóng vai trò rất quan trọng.
Nhìn riêng về lịch sử, điều mà những người của công chúng có thể làm ngay được đó là thể hiện những hành vi ứng xử có văn hóa và tôn trọng tuyệt đối trong những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Vì ở đó, những thế hệ kế cận chịu ảnh hưởng sẽ nhìn vào và có riêng những bài học cho mình.
Bạn nhắc đến "kỹ năng", Tuấn hiểu trong trường hợp này đó chính là văn hóa ứng xử, điều không dễ dàng nhất là trong thời đại cuộc sống "online" và tương tác trên mạng xã hội cực mạnh. Chúng ta cần trang bị kỹ năng cho chúng ta trước, trước khi định hình 1 cách gián tiếp cho giới trẻ. Tuấn nghĩ đó là một điều thiết thực.
* Theo tôi tìm hiểu, đa phần các bạn học sinh, sinh viên đều rất thích học và tìm hiểu lịch sử của các nước nhiều hơn là học và tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Vậy cho tôi hỏi tại sao lại như vậy? (Trần Văn Bi, 26 tuổi, tranvanbi.ntsp@...)
 - Thầy Huỳnh Thế Nhã: Xin chào bạn Trần Văn Bi! Với những điều mà bạn tìm hiểu thì mình rất vui và cảm nhận được một điều là bạn và cũng như rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang dần ý thức, quan tâm đến vấn đề tìm hiểu lịch sử nước nhà.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa của các nước là một điều tất yếu. Điều đó giúp cho các bạn trẻ tự trang bị hành trang kiến thức cho bản thân để giao lưu với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, lịch sử nước ngoài là một những vấn đề "lạ" và thú vị với các bạn trẻ tìm hiểu nghiên cứu.
Theo mình nghĩ thì vấn đề thích tìm hiểu lịch sử "nhiều hơn" hay "ít hơn" không phải là các bạn quay lưng với lịch sử nước nhà hay không hứng thú với lịch sử Việt Nam mà vấn đề là làm sao để cho các bạn hứng thú với việc nghiên cứu lịch sử Việt.
Thật sự, khi nói đến lịch sử Việt Nam không những là có 90 triệu người dân Việt tự hào, mà hàng tỷ người dân trên thế giới ngưỡng mộ. Nên việc đổi mới phương pháp dạy, thay đổi cách khai thác các vấn đề lịch sử theo hướng tích cực thì sẽ giúp các bạn yêu thích hơn với lịch sử nước nhà. Hi vọng, trong một tương lai gần, sẽ có nhiều, rất nhiều bạn trẻ tự hào về lịch sử Việt Nam và mang lịch sử Việt Nam giới thiệu đến tất cả bạn bè quốc tế - một nền lịch sử vĩ đại hơn 4000 năm.
Rất cám ơn về cuộc tìm hiểu của bạn, chúc bạn thành công!
* Tôi thấy một số trường tiểu học có cách giới thiệu về các nhân vật lịch sử rất hay tại sân trường, trong các lớp học. Nhưng tôi thấy nó không hợp lý là hình ảnh các nhân vật lịch sử vẽ không giống hình ảnh người Việt Nam chúng ta mà mang âm hưởng truyện tranh của các nước khác. Tôi thấy như vậy sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em, các ông bà thấy sao về vấn đề này? (Minh, 25 tuổi, minhquoc@...)
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Minh, Tuấn nghĩ đơn giản hơn một chút. Muốn xây dựng sức hút của môn lịch sử, trước hết chúng ta cần làm cho nó hấp dẫn trong mắt của trẻ nhỏ. Hình tượng của những nhân vật lịch sử (tất nhiên là không quá biến dạng) nếu được hư cấu một chút trong các tác phẩm cụ thể thì chắc cũng không phải là vấn đề lớn.
Có lần trò chuyện với những người bạn nước ngoài và nói về vấn đề này, chúng tôi đã bàn về việc tại sao nhiều người Việt Nam thuộc Tam Quốc Chí hơn là lịch sử Việt Nam, đơn giản vì điện ảnh của họ làm quá tốt nhiệm vụ thu hút và giải trí đối với công chúng. Điều mà Tuấn muốn chia sẻ ở đây chính là sự sống động và hấp dẫn qua nhiều phương tiện giải trí tại Việt Nam là quá thiếu. Hãy thu hút trước khi muốn truyền tải những thông điệp!
* Làm sao để học sinh thích học môn Sử? Hiện tại em rất chán Sử 11 ạ? (Nhung Tuyết, 17 tuổi, dochuyencamvn@...)
PGS. TS Hà Minh Hồng: Vì học để thi nên thường chán học, nhất là học thuộc lòng những gì nặng nề trong sách giáo khoa. Do đó, em cần tìm một động cơ khác khi học môn sử, học không chỉ để thi mà cần học để biết để thấy những thú vị, những kì bí, những huyền ảo trong lịch sử... từ đó có thể tìm thấy những niềm vui và sự thích thú của một khoa học.
* Trong sách Tự nhiên - Xã hội lớp 5 tiểu học có bài nào, chi tiết nào ca ngợi công lao của ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP?  (nguyễn tấn khoa, 42 tuổi, nguyenkhoa445@...)
- Anh Huỳnh Thế Nhã: Với nội dung trong sách Lịch sử - địa lý 5 thì ít đề cập đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có chăng chỉ là nội dung trong tiết dạy Trận chiến Điện Biên Phủ, học trò được xem một hình ảnh họp bàn chuẩn bị cho trận chiến Điện Biên Phủ của đại tướng. Tuy chi tiết ca ngợi công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được đề cập đến trong kênh chữ của sách nhưng giáo viên khi dạy đến bài này luôn lồng ghép tích hợp nội dung ca ngợi về Vị Đại tướng tài ba của đất nước qua việc khai thác hình ảnh và rút ra bài học lịch sử cho trận chiến. Và qua bài học này, Học sinh cảm nhận được chân dung Đại tướng - vị thống soái lỗi lạc tài ba đã chỉ huy trận chiến với "Quyết định lịch sử".
* Thầy có bí quyết nào để nhớ lâu và chính xác chi tiết lịch sử? (Nguyễn Thái Hà, 20 tuổi, Virgonguyen99@...)
PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Không có bí quyết nào để nhớ lâu và chính xác chi tiết lịch sử được, trừ khi em muốn thực sự hiểu những vấn đề lịch sử, những chi tiết lịch sử. Sự lặp đi lặp lại những sự kiện những nhân vật lịch sử với những chi tiết lý thú của nó được thể hiện qua sự quan tâm theo dõi các thông tin về vấn đề đó, thường xuyên ghi chép những điều cần nhớ... Thói quen đó cũng có thể là một bí quyết đấy.
* Chào cô Thảo, cháu biết cô là người rất quan tâm đến giới trẻ, xin cô cho biết việc học sử ngày nay có bị tác động gì đến  học ngoại ngữ tràn lan không ạ? Với tư cách là người mẹ, cô đã nói gì với con của mình để giáo dục lòng yêu nước và lịch sử dân tộc? (Hà Nam, 25t, namha@...)
- Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Vậy, theo em, việc học Ngoại ngữ có làm hạn chế việc học Lịch sử hay không? Ngày nay, việc học Ngoại ngữ là cần thiết nhưng cần phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Nếu học Ngoại ngữ tốt thì cũng giúp chúng ta tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại trong đó có tri thức Lịch sử. Đây cũng là điều kiện thuận để giao lưu và "quảng bá" hình ảnh, văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Với tư cách người mẹ, cô thường khuyên các con đọc thêm những sách, báo và tài liệu Lịch sử để nâng cao tầm nhìn, trách nhiệm, để sống tốt và cống hiến tốt.
* Thưa anh Nhã! Theo em được biết thì anh đã đạt giải nhất bảng A phần thi tiết học lịch sử hiệu quả, sáng tạo Hội thi "Tự hào Sử Việt" lần I – năm 2013. Với kết quả đáng tự hào như thế thì anh sẽ làm gì tiếp theo để truyền cảm hứng và truyền lửa cho các đồng nghiệp của anh? (Trương Gia Huy, 19 tuổi, giahuysgu@...)
- Anh Huỳnh Thế Nhã:  Thân chào Huy! Với kết quả của tiết dạy tham gia hội thi "Tự hào Sử Việt", anh rất vinh dự khi được mang những kiến thức lịch sử - niềm tự hào dân tộc đến với mọi người và càng vinh dự hơn khi chứng minh được một vấn đề là những người trẻ tuổi như anh, như Huy luôn quan tâm và hướng về bản sắc Việt qua những kiến thức lịch sử vĩ đại, những huyền thoại sống của người Việt. Và anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm với nhiều phương pháp dạy học, cách thức khai thác bài hiệu quả và ấn tượng hơn nữa để giới thiệu đến đồng nghiệp của anh. Và từ đó, hội thi không dừng lại ở việc là một cuộc chơi mà điều quan trọng là vấn đề dạy - học sử sẽ lan rộng đến tất cả giáo viên, cổ vũ phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả và tích cực.
* Hiện nay khâu ra đề thi của các trường chủ yếu là cho học sinh thuộc bài, viết giống tập ghi chép là các em có thể đạt 9 điểm. Vậy có cách ra đề như thế nào để phát huy tính thực hành, không phụ thuộc vào việc học thuộc, mà chủ yếu cho các em tư duy hay không? (Đỗ Công, 25 tuổi, phicong08@...)
PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Một số môn khoa học xã hội ở trường phổ thông đã có những câu hỏi mở trong các kì thi tốt nghiệp hoặc thi đại học, đó là xu hướng mới tích cực có thể làm cho việc dạy và học thoát ra khỏi phương pháp đọc chép, học thuộc lòng như hiện nay. Câu hỏi mở còn có khả năng giúp cho học sinh quan tâm đến vấn đề của xã hội và hiện thực cuộc sống, học sinh có thể rèn luyện tư duy độc lập. Chỉ tiếc là câu hỏi mở chưa chiếm tỉ lệ đáng kể trong các đề thi, thậm chí có khi chưa xuất hiện ở một vài môn thi.
* Các nước trong khu vực tuyên truyền lịch sử bằng phim ảnh rất hay. Nước ta cũng đã thực hiện nhưng bản thân tôi nghĩ các phim hiện nay có chất lượng không cao, không đi vào lòng người như giai đoạn đầu thập niên 80 của thể kỷ trước. Hơn nữa, nhiều phim tình cảm của nhân vật không chân thật nên ít thu hút người xem. Ca sĩ Hà Anh Tuấn nghĩ gì về nhận xét này? (Thao Linh, 23 tuổi, thaolinhpham@...)
Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Linh, Tuấn là người mê điện ảnh chắc cũng giống như bạn vậy. Đã có rất nhiều bài báo phân tích về tồn tại hạn chế trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Nhìn ra các nước lân cận, họ đã phát triển dòng phim lịch sử rất mạnh mẽ và có sự đầu tư bài bản mang tính quốc tế, không chỉ xây dựng tình yêu cho thế hệ trẻ trong nước mà còn quảng bá ra thế giới.
Tuấn vẫn nghĩ chìa khóa chính đó là chiến lược bài bản và đầu tư đúng tầm cho dòng phim này. Nước mình còn nghèo và đang trên đường phát triển nhiều lĩnh vực, nên sự hạn chế của điện ảnh là có thể lý giải được, nhưng Tuấn cũng hy vọng những nhà quản lý sẽ bắt đầu khởi động những chiến lược mới phát triển dòng phim này, như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc xây dựng lòng yêu nước thông qua lịch sử của dân tộc.
* Qua lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta rút ra được bài học gì? (Trần Thị Bích Vân- NSG, 28 tuổi, bichvan@...)
- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn. Qua lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài học lớn nhất về lịch sử mà từ góc nhìn của những người làm công tác thanh niên chúng tôi rút ra được là lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của thanh niên Việt Nam và thanh niên thành phố Hồ Chí Minh không hề phai nhạt mà ngược lại còn rất mạnh mẽ.
Có thể trong đời sống xã hội hàng ngày với nhiều hiện tượng tiêu cực nhất là có liên quan đến thanh thiếu niên, chúng ta có một phần mất niềm tin vào người trẻ. Nhưng khi có những động lực đủ lớn, thanh niên thành phố sẽ thể hiện đầy đủ giá trị quý báu đó của mình.
Vấn đề là hiện nay chúng ta chưa có nhiều những "cú hích" đó để thanh niên thể hiện tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của mình bằng những công trình giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa làm vinh danh Việt Nam trên trường thế giới. Đây là điều rất đáng suy nghĩ cho những người quan tâm đến công tác thanh niên trong thời gian tới.
* Xã hội chúng ta chưa thật sự trân trọng những nhà làm lịch sử, chỉ có một số vị được biết đến còn lại thì rất ít được quan tâm. Theo ông, bà giải pháp nào để tránh được tình trạng trên. (Nguyen Thi Thuy Dung, 22 tuổi, dungthuy22@...)
- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn. Theo tôi, cần phải có rất nhiều giải pháp từ toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội để có thể đội ngũ làm công tác lịch sử được trân trọng hơn từ đó có thể phát triển việc nghiên cứu, dạy và học Sử. Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng thiết thực và hiệu quả hơn cho đội ngũ này.
Những cơ chế này phải giúp cho họ sống được bằng nghề và phát triển được về năng lực, vị trí trong nghề. Những chính sách này hiện nay chưa thật sự mạnh mẽ nên chưa thu hút được nhiều người, đặc biệt là những người trẻ muốn làm công tác liên quan đến Sử. Ngành giáo dục cũng phải đổi mới chương trình dạy và học sao cho lịch sử là môn học chính và có thể được thực hiện rất sinh động để học sinh, sinh viên có nhiều cảm hứng tìm tòi, khám phá.
Truyền thông cũng có một phần trách nhiệm vì rất nhiều tờ báo chúng ta chạy theo những sự kiện, thông tin câu khách, nhất là của giới văn nghệ sĩ mà bỏ quên những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, những nhà giáo tận tâm trên bục giảng hoặc những công trình lịch sử không nhiều người còn ngó ngàng đến. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng phải tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử sinh động, sáng tạo, hấp dẫn hơn để người trẻ ngày càng yêu thích lịch sử, truyền thống nước nhà.
* Thưa cô Phạm Phương Thảo, hiện nay một số phim lịch sử của Việt Nam đã giúp giới trẻ tiếp nhận lịch sử dễ hơn và nhanh hơn, vậy theo cô các nhà quản lý văn hoá nên tiếp tục như thế nào để phát huy hiệu quả trên? (sinh vien dhsp, 21 tuổi,thanhminh@...)
- Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Việc giáo dục lịch sử Việt Nam qua phim ảnh khá hấp dẫn, đây là một loại phương tiện dễ truyền tải và cũng dễ gây hiệu ứng trực tiếp đến đông đảo người em nhất là giới trẻ. Phim ảnh có thể tái hiện được cả một giai đoạn lịch sử, các chiến dịch, các trận đánh, các sự kiện tiêu biểu và các nhân vật lịch sử, anh hùng,... Qua đó, các bài học lịch sử được thấm sâu, được nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, kinh phí dựng phim thường tốn kém; Nhà nước phải có chính sách đầu tư và thu hút các nhà đầu tư tham gia. Các bộ phim phải vừa đảm bảo tính khoa học, tính lịch sử và hấp dẫn.
* Qua lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta rút ra được bài học gì? (Trần Thị Bích Vân- NSG, 28 tuổi, bichvan@...)
- Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Qua Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi, bài học lớn nhất rút ra được là "lòng dân". Đối với một con người có công lao và tầm vóc, luôn vì dân thì lòng dân bao giờ cũng biết ơn, ngưỡng mộ và tưởng nhớ. Qua đây cũng là một sự nhắc nhở đối với những người cán bộ, công chức đương nhiệm phải luôn luôn phấn đấu và rèn luyện, hết lòng vì dân để tạo dựng niềm tin vững chắc nơi dân.
* Môn sử có rất nhiều con số (như ngày tháng năm, các con số về số người bị thương,...) hôm học bài có thể nhớ nhưng khoảng một thời gian sau có thể sẽ quên. Vậy có cách nào để có thể nhớ được những con số này? (Bạch Tôn Hiền Vương, 27 tuổi, hienvuonga2@...)
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Vương, Tuấn không nghĩ việc quên những con số quá chi tiết như thế là một điều tệ hại. Sẽ buồn hơn nếu chúng ta vì những con số như thế mà quên sự kiện cơ bản của lịch sử nước nhà. Mỗi người trong chúng ta sẽ giữ lại trong đầu những thông tin thật sự ý nghĩa đối với bản thân mình. Câu hỏi của bạn cũng là câu hỏi của Tuấn nhiều năm trước đây khi mình vẫn còn hoang mang về những giá trị của môn lịch sử đem lại. Bây giờ mỗi ngày đọc những tin tức thời sự chúng ta sẽ cảm nhận thật đầy đủ ý nghĩa mà quá khứ lịch sử đã tạo nên. Tuấn nghĩ đó là điều quan trọng và thiết thực đối với cuộc sống của mình.
* Em xin phép được hỏi anh Huỳnh Thế Nhã một câu hỏi. Em biết là anh đã đạt giải nhất hội thi Tự hào Sử Việt do Thành Đoàn tổ chức. Sau cuộc thi này, anh nghĩ giáo viên có thể sử dụng những phương pháp giống như anh đã thực hiện trong cuộc thi được hay không? Hay là có những khó khăn thực tế về kinh phí, cơ sở vật chất thì theo anh cần giải quyết như thế nào? Giáo viên liệu có đủ thời gian để đầu tư vào dụng cụ học tập như một hội thi để đầu tư vào một bài dạy thực tế hay không?(Phan Thị Mỹ Ngọc, 24 tuổi, hong_xanh206@...)
- Anh Huỳnh Thế Nhã: Thân chào bạn Mỹ Ngọc! Để tham gia một hội thi lớn thì công tác chuẩn bị đồ dùng dạy học rất cần được đầu tư tuy nhiên vẫn không xa rời thực tế giảng dạy tại trường của Nhã. Những đồ dùng dạy học này không phải chỉ dành riêng cho 1 tiết dạy mà đây là những dụng cụ để thực hiện các trò chơi mà chúng ta có thể áp dụng cho nhiều tiết sử khác một cách linh hoạt. Và với việc chuẩn bị đồ dùng dạy học mà có thể dạy nhiều tiết, thực hiện tại nhiều lớp và lưu giữ để giảng dạy qua nhiều năm thì vấn đề kinh phí hay áp dụng thực tế không phải là một điều khó khăn.
Còn về phương pháp giảng dạy vẫn là những phương pháp mà giáo viên vẫn thường sử dụng trong các phân môn khác để khai thác bài. Nên Nhã nghĩ rằng những giáo viên trẻ luôn đủ nhanh nhạy và khả năng để thực hiện các phương pháp một cách linh hoạt, phù hợp. Và các tiết dạy dự thi của Nhã và của các bạn thí sinh khác luôn hướng đến sự tự nhiên và thực tế, hạn chế tối đa việc "Trình diễn" sáo rỗng.
Nhã hi vọng tất cả giáo viên sẽ có thể áp dụng tại lớp để giúp các em tiếp thu tốt kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.
* Kính thưa PGS.TS Hà Minh Hồng, với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, bác có thể chỉ dạy cho tụi cháu là thế hệ giáo viên sau này làm sao có thể giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề không ạ? Năm 2015 là thời điểm chúng ta tiến hành thay SGK ớ tất cả các môn, vậy theo bác Hồng, chúng ta sẽ trông chờ sự đột phá gì từ đợt thay sách này? (Trần Thái Sơn - Đại học Sài Gòn, 25 tuổi, thaisontran34@...)
- PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Về đại thể, ngọn lửa không thể bùng cháy trên mặt nước lạnh cũng như trên những vật liệu không dễ bắt cháy; giống như tôi có thời chưa tìm thấy sự đam mê. Tôi tin rằng ai cũng sẽ có sự đam mê khi tìm thấy một niềm tin để kiên trì theo đuổi. Tôi chưa có niềm tin váo sự đột phá gì đó ở thời điểm 2015, cho nên tôi cũng chưa đam mê về sách giáo khoa, trước hết là sách giáo khoa lịch sử; nhưng tôi tin rằng sự thay đổi đã bắt đầu không thể cưỡng lại được.
* Xin hỏi anh Hà Anh Tuấn. Các nước trong khu vực tuyên truyền lịch sử bằng phim ảnh rất hay, nước ta cũng đã thực hiện nhưng bản thân tôi nghĩ các phim hiện nay có chất lượng không cao, không đi vào lòng người như giai đoạn cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thể kỷ trước vì theo dõi nhiều phim mà tình cảm của nhân vật không thật nên ít thu hút người xem. Lý do có phải là do nền điện ảnh của chúng ta chú trọng khai thác yếu tố mang tính xã hội, thời đại mà quên đi trách nhiệm giới thiệu các giá trị lịch sử của dân tộc đến công chúng? (Vo Dinh, 27 tuổi, trongdinhvo@...)
- Ca sỹ Hà Anh Tuấn: Xin chào Dinh, mỗi thời điểm khác nhau sẽ tạo ra những nhu cầu giải trí khác nhau. Lịch sử là nền tảng vì vậy không bao giờ là hết hấp dẫn trong cuộc sống chúng ta. Vấn đề là chúng ta sử dụng ngôn ngữ nào và mức độ đầu tư như thế nào đẻ điện ảnh hóa đề tài này. Những bộ phim lịch sử trước đây luôn luôn hấp dẫn vì chúng được đầu tư bằng tâm huyết và xương máu cùng sự tự hào của thế hệ ngày ấy. Do đó Tuấn nghĩ chúng ta nên đầu tư từ trong ra và bắt đầu từ chính suy nghĩ và nhu cầu của chính giới trẻ ngày nay.
* Có ý kiến cho rằng truyện "Thần đồng đất việt", hoặc các áng văn học đã thể hiện được sự thu hút của tuổi trẻ với sử Việt hơn sách giáo khoa, chương trình dạy. Theo PGS. TS Hà Minh Hồng, ý kiến đó như thế nào?(Nguyễn Hoàng Thu Oanh, 19 tuổi,nguyenhoangthuoanh@...)
PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Truyện "Thần đồng đất Việt" hay bất cứ một câu chuyện về những nhân vật, con người lịch sử nào khác dễ được tiếp nhận với nhiều tầng lớp xã hội nhất là tuổi trẻ, đặc biệt là những câu chuyện về cuộc sống và đặc điểm nhân thân của con người. Từ xa xưa cho đến nay, dã sử, huyền sử, thần thoại, thần tích... là những cách sinh động nhất, hiệu quả nhất để con người tiếp thu lịch sử. Do đó sách giáo khoa và chương trình giáo dục (bậc phổ thông) nên khai thác hướng tiếp cận lịch sử như các áng văn học đã thể hiện.
* Hiện nay, các phim tài liệu về lịch sử, các video clip về sự kiện lịch sử đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ về sử Việt, liệu đây có phải hướng cho bộ môn lịch sử của nước ta? Sống động hơn, thực tế hơn so với sách giáo khoa? (Nguyễn Hoàng Thu Oanh, 19 tuổi, nguyenhoangthuoanh@...)
- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn. Tôi đồng tình với bạn về việc các bộ phim, đoạn phim về lịch sử có rất nhiều ưu điểm trong việc giúp bạn trẻ chúng ta tiếp cận lịch sử một cách sống động, thú vị và hiệu quả. Nhưng tôi không cho rằng hình thức này có thể thay thế sách giáo khoa.
Mỗi loại hình đều có những giá trị riêng của nó. Ngay như những nước có nền điện ảnh rất phát triển có thể thực hiện những bộ phim lịch sử hoành tráng nhưng họ vẫn không từ bỏ sách giáo khoa trong trường học. 
Tuy nhiên, việc đầu tư những đoạn phim minh họa sinh động cho chương trình sách giáo khoa và việc Nhà nước tiếp tục đầu tư thực hiện những bộ phim lịch sử, dĩ nhiên phải hay, là việc rất đáng khuyến khích.
* Thực trạng giới trẻ hiện nay nắm lịch sử thế giới và các lĩnh vực giải trí văn nghệ nhanh và rất rõ ràng nhưng lịch sử Việt Nam các bạn không nhớ thậm chí không biết gì. Có phải môn lịch sử hiện nay chưa thật sự thu hút các bạn cả về nội dung, phương pháp và nguợc lại các bạn trẻ chưa nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học lịch sử? (Trương Tiến Đạt, 26 tuổi, truongtiendat2102@...)
Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Đạt, chúng ta vẫn thuộc và nhớ như in những sự kiên lịch sử nhưng hình như chỉ trong các kỳ thi. Nhìn thẳng vào vấn đề đối với đa số các bạn trẻ học lịch sử là để đối phó. Sức hấp dẫn và ý nghĩa thật sự của vấn đề đó chưa tìm được đến các bạn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là câu chuyện chung của toàn xã hội.
Cả bạn và tôi đều có thể tự hỏi và trả lời một cách thành thật về vấn đề này. Cả một thời gian dài người lớn đã biến môn lịch sử thành một gánh nặng trên vai trẻ nhỏ và chúng ta cần phải thay đổi ngay. Có nhiều cách để làm lịch sử hấp dẫn nhưng về cơ bản đừng biến nó thành nỗi sợ hãi.
* Phim ảnh Việt Nam cũng bắt đầu có những thay đổi và đầu tư cho các dòng phim lịch sử. Tôi thiết nghĩ các phim lịch sử nên được các kênh truyền hình chiếu vào khung giờ vàng thay cho các phim chỉ mang tính chất giải trí. Nhưng tình trạng bây giờ chỉ thấy phim tình cảm tràn lan từ nước ngoài du nhập vào. Phải chăng chúng ta nên có sự cân nhắc để nâng cao việc giáo dục sử qua phim ảnh? (nhu nguyet, 24 tuổi,nhunguyet892005@...)
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Nguyệt, Tuấn nghĩ đó là quy luật cung cầu. Tất nhiên cần có sự định hướng về giải trí nhưng không thể đi ngược lại quy luật này. Dòng phim lịch sử trước hết phải được làm tốt và hấp dẫn rồi dựa trên sự khuyến khích hỗ trợ của xã hội để có thể thu hút số đông công chúng. Chúng ta không nên áp dụng những biện pháp hành chính trong định hướng giải trí mà hãy làm tốt trong việc khai thác những đề tài lịch sử trong điện ảnh như mảnh đất màu mỡ sáng tạo.
* Trong thời gian vừa qua, cũng có những ý kiến cho rằng một nhân vật huyền thoại như Đại tướng Võ Nguyên Giáp của dân tộc Việt nên được nền giáo dục đưa vào trong những nội dung dạy và học ở các cấp. Vậy cho em xin được biết ý kiến của các quý khách mời về vấn đề này ạ? (Lê Thái Sơn, 19 tuổi, le.son110294@...)
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Xin chào Sơn, hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy chưa được đưa vào giảng dạy sâu sắc trong môn lịch sử của chúng ta, nhưng Tuấn tin là tất cả thế hệ trẻ đều biết đến và tự hào về những đóng góp của đại tướng đối với nước nhà. Việc đưa vào tư liệu giảng dạy chắc chắn sẽ là một đề tài mà những nhà quản lý giáo dục Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh trong thời gian sắp tới, và như tất cả chúng ta đều mong muốn, môn lịch sử sẽ vì thế trở nên gần gũi mang tính ảnh hưởng mạnh mẽ hơn với các bạn trẻ sau này. Cá nhân Tuấn hoàn toàn đồng ý với bạn và mong muốn sự thay đổi nhiều hơn trong quá trình dạy và học môn lịch sử, bắt đầu từ những nhân vật cụ thể và mang tầm vóc vĩ đại như đại tướng Võ Nguyên Giáp.
* Hiện nay, tại một số trường THPT hiệu quả của việc học môn học Lịch sử của học sinh chưa cao, theo PGS.TS Hà Minh Hồng, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nào? (minh, 21 tuổi, thanh minh)
* Hiện nay, tại một số trường học đã có nhiều thay đổi trong phương pháp giảng dạy môn lịch sử nhằm giúp cho học sinh hiểu và nắm bắt rõ hơn về lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số theo phương pháp "đọc và chép" vô tình ảnh hưởng đến tư duy của học sinh, các em cho rằng đó là môn học nhàm chán, đôi khi không quan tâm mà chỉ cần học để đối phó điểm. Cho em xin được hỏi: trong tương lai, chúng ta đã có kế hoạch gì để giảm tối đa tình trạng "đọc và chép" trên, giúp cho môn lịch sử thật sự trở thành môn học yêu thích của học sinh không? Trân trọng cám ơn. (Nguyễn Thúy Diễm, 1987 tuổi, thuydiem_nguyen87@...)
PGS. TS HÀ MINH HỒNG: Có nhiều nguyên nhân của tình trạng học không hiệu quả môn lịch sử, chẳng hạn như chương trình nặng nề, thời lượng dạy và hoc ít, phương pháp chậm được cải tiến do "cái khó bó cái khôn", do sách giáo khoa... buộc các giáo viên vẫn phải giữ phương pháp truyền thống đọc và chép. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ nhận thức và quan niệm của xã hội, của phụ huynh và bản thân học sinh...
Tôi cho rằng việc học để thi mới là mấu chốt của vấn đề. Vì thi thế nào nên học như vậy, học theo yêu cầu của thi do đó phải bám vào sách giáo khoa. Mọi cải tiến, thay đổi trong phương pháp giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay đang diễn tiến khá mạnh mẽ, nhưng đều bị vấn đề thi cử chi phối, vô hình chung làm vô hiệu hóa những cải tiến và thay đổi trên (yêu cầu thi những gì thì học như thế, không thi thì không học). Việc thay đổi chế độ thi, hình thức và nội dung đề thi sẽ góp phần cải thiện tình hình trên.
Buổi giao lưu đã kết thúc, TTO  chân thành cám ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi.
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)