Khắc hoạ bức tranh về lễ hội Hà Nội
Trong cuốn “Tìm hiểu về lễ hội Hà Nội” của mình do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, PGS.TS Lê Hồng Lý đã hệ thống một cách chi tiết nhất giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về các lễ hội qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn được duy trì cho tới nay.
Hiện nay, lễ hội ở Hà Nội diễn ra quanh năm, bắt đầu từ lễ hội chuyển mùa - Tết Nguyên Đán. Đây là lễ hội mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đây là “thời điểm mạnh” của sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết các điểm thờ tự tôn giáo – tín ngưỡng, người dân đều đắm mình vào một “không gian thiêng trong khoảnh khắc thời gian thiêng”. Khi được ghi lại trong sử sách khá chi tiết và lễ nghi như cúng tế, nghi lễ trong triều đình, lễ chùa, tản bộ…. Tại các gia đình, nhà thờ họ, các đình, lăng, miếu, chùa, hội quán… đều có lệ cúng suốt 3 ngày Tết. Các gia đình đều có lễ cúng ông Táo (đêm 23 tháng Chạp) cúng đất (đêm giao thừa). Các di tích thờ tự cộng đồng có lễ dựng lên. Các làng xã ngoại thành, các phường nội thành đều có trò diễn, trò chơi: hô bài chòi, chơi du tiên, hội đua thuyền,… được ghi lại khá chi tiết qua nhiều triều đại. Ở mỗi thời kì, các lễ tiết và các sinh hoạt có sự đa dạng và phong phú khác nhau nhằm duy trì các lễ hội, góp phần không nhỏ giúp duy trì văn hóa và tín ngưỡng dân tộc.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Hồng Lý còn hệ thống lại hàng loạt các lễ hội hiện nay vẫn còn được lưu giữ và phát huy trên địa bàn thành phố Hà Nội và tập trung chính vào bốn trấn: Đông, Đoài, Bắc, Nam (tương ứng với bốn huyện lân cận Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm). Lễ hội dân gian thường được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị thần hoàng làng, người có công dựng làng, những vị tướng hay người có công với đất nước. Theo đó còn có các sự tích li kì, câu chuyện kể dân gian kèm theo và được truyền từ đời này sang đời khác… Ví dụ như: Hội Dóng gắn liền với sự tích Thánh Dóng (Sóc Sơn), Lễ hội Hai Bà Trưng tưởng nhớ công ơn của Trưng Trắc, Trưng Nhị (đền Đồng Nhân), hội đền Bà Tấm thời Nguyên Phi Ỷ Lan... Đặc biệt, hàng năm tại các địa phương còn tổ chức hội làng như: Làng Triều Khúc (Thanh Trì – Hà Nội), hội làng Đăm (Từ Liêm – Hà Nội) với hàng loạt các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ diễn ra trong suốt quá trình lễ hội như bắt vịt, đua thuyền, thi kéo rước… Tại mỗi làng lại có những đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa riêng biệt của từng làng. Xung quanh sự náo nhiệt, chật chội của Thủ đô, thì những lễ hội hàng năm vẫn diễn ra đều đặn tại các đình làng cổ kính, như một cách nhằm lưu giữ tinh hoa văn hóa, một cách giáo dục thế hệ trẻ nhằm nhớ về cội nguồn, quê hương.
Tuy nhiên, do không gian sống ngày càng bị thu hẹp, con người Hà Thành sống vội hơn nên nghi lễ trong các lễ hội cũng đã được giản thể nhiều, thời gian cũng được thu hẹp lại chỉ từ 1- 3 ngày. Ngoài ra, đã có một số hoạt động mê tín dị đoan lợi dụng các lễ hội để hoạt động làm mất bản sắc vốn có. Như vậy có thể khẳng định lễ hội ở Hà Nội đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian, tiếp biến, giao hòa đều có xu hướng “dân gian hóa” mạnh mẽ và ngược lại các yếu tố ngoại sinh cũng phải “dung hợp, tích hợp” với xu hướng này để tồn tại và diễn biến trong không gian và thời gian hiện tại.
Bên cạnh những lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt thì người Hà Thành còn du nhập thêm một số lễ hội mới của các nước phương Tây được tổ chức đều đặn hàng năm và biến nó thành thông lệ. Bỏ qua rào cản ngôn ngữ, chúng ta tiếp nhận văn hóa của các nước một cách tự nhiên cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ của nước ta với cộng đồng thế giới và sự tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới vào Việt Nam như một sự tất yếu làm giàu có và phong phú cho nền văn hóa dân tộc. Tiêu biểu như: ngày lễ tình yêu (14/2), ngày Quốc tế lao động (1/5), lễ hội hoa anh đào, ngày nhà giáo Việt Nam (20/11)…
Những lễ hội này thật sự có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hóa của Người Hà Nội thời gian qua và sẽ tiếp tục phát tiển và được duy trì. Tuy được xem là mới du nhập nhưng những lễ hội mới dần được định hình trong cuộc sống đương đại. Tất nhiên, vì là những lễ hội của thời đại mới nên nó mang vóc dáng của con người ngày nay, chứa đựng tâm tư, suy nghĩ, khao khát của con người thời đại mới qua việc họ thể hiện những nghi thức, lễ vật và các hoạt dộng trong lễ hội ấy.
Thông qua cuốn sách“Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” đã cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về lễ hội Hà Nội xuyên suốt nhiều giai đoạn lịch sử cùng những biến động của đất nước nhưng đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội không chỉ là văn hóa mà còn là điều tất yếu thể hiện đời sống tinh thần của con người. Việc phục hồi và phát triển các sinh hoạt lễ hội trong những năm qua vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh - tín ngưỡng, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của tầng lớp nhân dân. Thông qua sinh hoạt lễ hội, ý thức trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa ngày càng được nâng cao trong các tầng lớp nhân dân. Và hơn nữa, qua những dịp sinh hoạt lễ hội là điều kiện tạo mối dây gắn kết tinh thần nhân ái, tính đồng cảm, cộng cảm của cộng đồng trong duy trì, phát huy và bảo tồn di sản văn hoá tinh thần của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Kim Anh