Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội
Phong trào Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.
Tác giả: PGS. Trần Nghĩa (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 860 trang
Kích thước: 16x24cm
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Phong trào Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.

Đối tượng phục vụ của công trình là giới nghiên cứu về Tây Sơn, về Thăng Long - Hà Nội… Bạn đọc thông thường cũng có thể từ công trình này lý giải vì sao tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ lại được dựng lên tại gò Đống Đa trên đất Thủ đô.

Để có một tập sách mang ý nghĩa “tồn cổ” và góp phần làm sống lại nhiều mặt mà triều Tây Sơn đã cung hiến cho đất nước, công trình trước hết quan tâm đến các văn bản khắc trên bia, chuông khánh… nguồn tư liệu có độ tin cậy cao nhưng lại dễ hư hỏng, mất mát. Thứ đến là mảng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị… trong nhóm “trí thức Bắc Hà” đã đồng hành cùng phong trào Tây Sơn, thể hiện qua các bài biểu, thư, thơ, phú, văn tế… của họ. Và cuối cùng là những bài dụ, chiếu, sắc của các vua Quang Trung, Quang Toản liên quan đến con người, sự việc… ở “Bắc Thành”. Từ đây, ta hiểu được mối quan hệ hai chiều giữa Tây Sơn và Thăng Long - Hà Nội.

Sách cùng chuyên mục

Hà Nội - Danh thắng và di tích

Nghiên cứu tổng quan văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nhằm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, và di tích cách mạng kháng chiên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2100 trang
16x24 cm

Gia đình Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc cơ cấu cả Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II”. Sách do GS.TS Lê Thị Quý, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài gia đình, tổ chức biên soạn.

Lê Thị Quý
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
456
16x24

Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội

Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong nhiều năm qua. Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội, tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.
PGS.TS Lê Hồng Lý
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
400 trang
16x24 cm

Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội

Tập sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội thời Lý, Trần, Lê.
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1384 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách “Kinh đô Rồng từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”

 Nói đến văn hiến Thăng Long, một trong những truyền thống mà chúng ta không thể không nhắc đến là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Với nguồn tư liệu phong phú cùng cách viết mạch lạc, khúc triết, cuốn sách đã tổng kết truyền thống thượng võ từ thời cổ đại đến nay, đồng thời phác họa mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. 

Nguyễn Khắc Phục - Bằng Việt
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
604
16x24
Ý kiến bạn đọc
PGS. Phan Văn Các (24/08/2011)
Bản thảo biên soạn công phu nghiêm túc, gồm 925 trang Tổng luận: 28 trang. Di văn: 810 trang chia ra 3 phần: Phần 1: Văn kiện triều đình (dụ, chiếu, sắc): 35 trang. Phần 2: Thơ văn giới cầm bút: 375 trang. Phần 3: Di văn trên thực địa: 395 trang. Phụ lục: 80 trang. 1. Tổng luận viết gọn mà súc tích đủ ý, sáng rõ. 2. Sưu tầm công phu, tỉ mỉ, tuyển chọn xác đáng. 3. Phiên âm, dịch nghĩa, chú thích cơ bản chính xác, gọn rõ, một số bài dịch có chất văn. Nhìn chung đã bám sát đề cương được duyệt có tiếp thu những góp ý của Hội đồng nghiệm thu đề cương ngày 8 - 5 - 2009. Tóm lại là một bản thảo tốt, đề nghị nhóm tác giả rà soát kĩ để sửa một số lỗi chi tiết thì có thể xuất bản. Ví dụ: ở “Hoành phi câu đối ở công quán triều Tây Sơn”, bức Hoành phi số 2 “Bát hoang vi thát” dịch là “cửa vào xa lắc” đánh thành “cửu vào xa lắc” là vô nghĩa. Thật ra: “Bát hoang” là một khái niệm “tám cõi” không gian, như thế giới rộng lớn, vì trong bát hoang có tứ hải, trong tứ hải có cửu châu. Hay như câu số 4 “Vạn thuỷ triều tông” dịch “Muôn sông về biển” là chưa đúng ý. Nên dịch là “muôn sông chầu về” vì “triều” và “tông” đều là động từ. “tông” cũng nghĩa là chầu, triều và tông là cận nghĩa. Chầu mùa hạ gọi là “triều”, chầu mùa xuân gọi là “tông”. Nên soát kỹ phần dịch hoành phi câu đối. Phần 2 định tên mục “Thơ văn giới cầm bút” e cũng chưa ổn. Vì tất cả di văn có cái gì không phải của giới cầm bút. Đề nghị thay là “Tác phẩm của văn nhân” (khoanh lại trong khái niệm tác gia văn học) có lẽ thích hợp hơn chăng. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (24/08/2011)
Bản thảo công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội dày 925 trang đánh máy vi tính, gồm hai phần chính là bài Tổng luận 27 trang và phần tuyển chọn dịch giới thiệu các văn bản Hán Nôm viết về thời kỳ này lấy ở kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và trong kho thác bản do Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội lưu giữ. Sau khi đọc xong bản thảo, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến nhận xét đánh giá như sau: 1. Vương triều Tây Sơn có nhiều đóng góp cho nhà nước Đại Việt, song những tài liệu viết về giai đoạn lịch sử hào hùng này còn lại không nhiều. Ý thức được vấn đề này các học giả lớp trước như Hoa Bằng, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn… đã rất quan tâm sưu tầm giới thiệu. Đặc biệt là những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Ban lãnh đạo của Ban Hán Nôm lúc đó đã ưu tiên hàng đầu cho việc nghiên cứu khai thác tư liệu loại này, để chúng ta biết đến hàng loạt công trình nghiên cứu và dịch thuật các văn bản Hán Nôm thời Tây Sơn như Dụ Am ngâm lục, 3 tập do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhuận thực hiện, Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn do NCV Nguyễn Tuấn Lương thực hiện, Thơ văn Ninh Tốn do NCV Hoàng Lê thực hiện, Thơ văn Nôm Nguyễn Bá Xuyến do NCV Nguyễn Cẩm Thúy thực hiện, Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh do NCV Hà Thúc Minh thực hiện… Các công trình trên xuất bản đã phần nào khỏa lấp sự thiếu vắng tư liệu nghiên cứu về phong trào Tây Sơn trước đó, và người đọc vẫn mong mỏi chờ đợi thêm, thì nay công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội do PGS Trần Nghĩa thực hiện được xem là hiện tượng cập thời vũ. Nói cách khác, công trình này có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao. 2. Bài Tổng quan được tác giả thực hiện rất công phu, mạch lạc. Từ việc trình bày lý do cần thiết phải có tập sách giới thiệu di văn Hán Nôm trên đất Thăng Long đến việc phân tích đầy đủ các giá trị đích thực của các tư liệu đó. Tác giả đã bỏ ra rất nhiều công sức để tìm tòi nghiên cứu tư liệu và thực sự đã làm chủ hoàn toàn khối tư liệu Hán Nôm gồm hàng chục cuốn sách, hàng trăm thác bản văn bia văn chuông thời Tây Sơn trên đất Thăng Long, nhờ đó mà các lập luận đánh giá có đủ sức thuyết phục người đọc. Chỉ với hơn hai mươi trang đánh máy, bạn đọc đã có thể hình dung tổng quan về tập sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội sắp được giới thiệu ở phần 2. 3. Phần phiên âm dịch nghĩa được thực hiện rất khoa học chính xác. Ngôn ngữ văn phong trong sáng mạch lạc. Đặc biệt là phần chú thích tỉ mỉ tường tận đã làm tăng thêm giá trị của bản dịch. Người đọc có thể kiểm chứng đánh giá chất lượng của bản dịch nhờ vào phần chữ Hán được các tác giả đưa vào công trình. Đây là phần chính của bản thảo công trình, cho thấy chất lượng tốt của bản thảo. 4. Ở cuối phần Di văn trên thực địa tác giả đã tóm tắt nội dung các thác bản văn bia văn chương thời Tây Sơn trên đất Thăng Long. Phần này cũng được các tác giả thực hiện nghiêm túc đầy đủ, nên người đọc chưa cần đọc vào chính văn cũng có thể lĩnh hội được nội dung chính có trong các văn bản đó. 5. Công trình có bố cục thực sự hợp lý khoa học. Các mục lớn được sắp xếp theo thứ tự từ trung ương đến địa phương, từ cao đến thấp. Ngay ở từng mục cũng được các tác giả sắp xếp có trật tự rất tiện lợi cho việc tra cứu tìm hiểu. Chẳng hạn như phần giới thiệu các đạo sắc phong được các tác giả sắp xếp theo niên đại vua như Quang Trung, Quang Toản, Bảo Hưng. Ở một niên hiệu vua có nhiều sắc phong cũng được các tác giả xếp theo trật tự thời gian trước sau. 6. Ngoài những nhận xét khẳng định hoàn toàn như trình bày ở trên, chúng tôi xin mạnh dạn hưởng ứng lời kêu gọi của các tác giả “Rất mong bạn đọc vui lòng chỉ cho những chỗ còn thiếu sót”, những mong làm tăng thêm chất lượng của công trình. 6.1. Có một số trường hợp địa danh đã thay đổi, song bản thảo chưa sửa lại kịp. Ví dụ: – Tr.316 ghi: “làng Bảo Triện huyện Gia Bình trấn Kinh Bắc, nay là thôn Phương Triện xã Nhân Thắng huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh”. Trường hợp này không cần chú lại, bởi lẽ huyện Gia Lương bây giờ lại tách thành huyện Gia Bình và Lương Tài rồi. Tr.602: “chuông hiện treo ở chùa Thượng Cát xã Thượng Thanh huyện Gia Lâm”. Nên sửa: hiện là phường Thượng Thanh quận Long Biên Tr 828: “Chuông đặt tại chùa Văn Quán Thị xã Hà Đông”. Trường hợp này nên chỉnh lại theo trang 853 (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). 6.2. Có một số trường hợp cùng một văn bản mà lời khác nhau: Ví dụ: Bài minh ở chuông số 54 (trang 827) Bốn câu chữ Hán đầu tiên là: Chung chi vi chung Địa trung viên quả Thiên hạ mĩ đồng Kỳ khí dã trọng. Được dịch là: Chuông gọi là chuông Quả tròn trên đất Đồng tốt dưới trời Vật ấy rất quý. Đến trang 853 ở phần lược thuật, lại dịch là: Nay đúc thành chuông Vựn tròn đất quý Thiên hạ góp đồng Trọng thay pháp khí. Không rõ bản dịch nào đúng? Về trường hợp này, chúng tôi thấy có hai lỗi: Một là, văn bản Thiên Phúc tự chung, đã đưa vào phần dịch toàn văn, lại đưa vào phần lược thuật, như thế có sai nguyên tắc “mục lục những bài văn bia không tuyển vào sách” không? Hai là, ở nguyên bản bài minh có câu thứ không thấy tác giả nhắc đến, có lẽ bản dập mờ chăng? 6.3. Còn một số trường hợp phiên âm, dịch thuật cần xem xét lại: Ví dụ: Tr. 79: cái cử bao phong chi điển. Đề nghị phiên là hạp cử bao phong chi điển, theo cách ghi ở trang 78. Tr. 675 chùa Đồ Lê Nên sửa là chùa Xà Lê, là từ gốc tiếng Phạn, chỉ vị cao tăng. Kết luận: Bản thảo công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội do PGS Trần Nghĩa chủ biên là một công trình khoa học đạt chất lượng tốt. Các tác giả đã bỏ ra nhiều công sức, làm việc nghiêm túc cẩn trọng, do vậy tôi xin trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu công trình thông qua.
TS. Nguyễn Hữu Mùi (24/08/2011)
Bản thảo công trình “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội” do PGS. Trần Nghĩa làm chủ biên đến nay đã hoàn thành, gồm 925 trang. Căn cứ vào bản thảo này, chúng tôi có một số nhận xét sau đây. Trước hết cần khẳng định rõ, đây là một công trình mới, không trùng lặp với bất kỳ công trình nào đã xuất bản trước đây nên có giá trị khoa học và thực tiễn, đáp ứng được sự mong mỏi không chỉ cho giới nghiên cứu mà còn cho đông đảo bạn đọc. Về kết cấu, ngoài phần Tổng luận, công trình chia làm ba phần: Phần 1, là Văn kiện triều đình (gồm Dụ, Chiếu, Sắc); Phần 2, là Thơ văn giới cầm bút (gồm các tác phẩm của các tác giả, như tập thể triều quan Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn…); Phần ba, là Di văn trên thực địa (gồm Bia, Chuông, Khánh, Cột hương), cuối cùng là phần Phụ lục (gồm Thư mục những bài Văn bia, Văn chuông). Đối chiếu phần kết cầu này so với đề cương trình bày trước đây, chúng tôi thấy nhóm tác giả công trình đã có sự gia công sửa chữa rất lớn. Chẳng hạn như tại phần Tổng luận, với sự điều chỉnh bằng việc không chỉ đánh giá thiên về chiều hướng ca ngợi đối với thời đại Tây Sơn mà còn đưa vào đây cả những ý kiến trái chiều của người đương thời, do tính chất phức tạp của thời đại tạo ra, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, đánh giá khách quan và trung thực về vương triều Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội. Hoặc như định danh lại cho đề mục ở phần 2 (tên cũ là Tác phẩm danh nhân, nay thay bằng Thơ văn giới cầm bút; Phần ba (tên cũ là Di văn phường xã, nay thay bằng Di văn trên thực địa) cùng hàng loạt các chỉnh sửa về nội dung bản dịch, đặc biệt là ở phần Di văn trên thực địa, vốn do nhiều người trước đây cùng tham gia dịch thuật, nay quy về một phong cách chung. Tất cả những sự chỉnh sửa đó cho thấy nhóm tác giả đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng đưa ra trước đây, thực sự bỏ nhiều công sức để hoàn thiện công trình đạt chất lượng cao hơn. Hơn nữa, trong bản thảo lần này cũng đã đề cập một số lượng di văn thời Tây Sơn rất phong phú và đa dạng, với đủ các loại hình văn bản Hán Nôm, từ văn kiện của triều đình cho đến những bia đá, chuông đồng hiện đang lưu trữ trên thực địa, cho thấy công trình đã bao quát được diện mạo chung của di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội. Bản dịch trong công trình đều do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Hán Nôm trước đây thực hiện, nay lại được nâng cấp nên chất lượng có thể nói là rất tốt. Với tất cả những lý do như thế, chúng tôi coi đây là một công trình có giá trị khoa học cao. Tuy nhiên để công trình khi xuất bản đạt chất lượng khoa học cao hơn nữa, chúng tôi xin góp một số ý kiến. Trong phần dịch Sắc phong (thuộc Phần 1), cần thống nhất về cách thức dịch đối với loại hình văn bản mang tính chất công văn sự vụ của triều đình. Vì trước đây do nhiều người cùng dịch, mỗi người dịch một kiểu, nay mặc dù đã tập hợp và được chỉnh sửa theo một hành văn thống nhất nhưng chưa triệt để. Ví dụ, trong nguyên bản sắc phong thời Tây Sơn thường có ba chữ “Khả gia phong”, tất cả các bản dịch trong phần này đều dịch với nghĩa: “Xứng đáng phong thêm” là dễ hiểu, được nhiều người chấp nhận. Nhưng vẫn ba chữ đó, ở trang 86, lại dịch là “Khá gia phong” thì sẽ gây khó hiểu cho độc giả. Cũng tại phần này, các cặp mỹ tự khi được phong thêm cho thần: có chỗ in nghiêng, có chỗ vừa in nghiêng, vừa gạch chân; có chỗ cứ hai chữ thì dùng một dấu phảy, có chỗ đến bốn chữ mới dùng một dấu phảy. Nên chăng ở đây, cứ hai chữ (tức một cặp mỹ tự) thì dùng một dấu phảy để phân biệt. Hoặc cũng cần có chú thích để giải thích về một số chỗ mà chúng tôi thấy cần thiết, giúp độc giả hiểu thêm về tiền tệ ở thời Tây Sơn, như về cổ tiền và sử tiền, trong các bản dịch về Văn bia, thuộc phần 3 (Phần Di sản trên thực địa). Ngoài ra còn một số lỗi chính tả do chế bản vi tính thấy rải rác ở một số trang. Tựu trung, đây là một công trình thực sự có giá trị khoa học, mang ý nghĩa thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi đánh giá rất cao công trình này và đề nghị sớm được xuất bản để phổ biến rộng rãi đến công chúng.
PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ (24/08/2011)
1. Thời Tây Sơn tồn tại trong một thời gian ngắn từ 1788 đến 1802 nhưng có thể nói đây là một thời điểm sáng trong lịch sử nước ta. Phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung đã tạo nên những ký tích làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Điều đó thể hiện ở việc đánh đuổi ngoại xâm và 2 phương diện đối nội và đối ngoại. Nhưng đáng tiếc vua Quang Trung mất quá sớm, vua nối nghiệp còn nhỏ nên cơ đồ mau chóng bị suy vong. Các thế lực thù địch tìm mọi cách trả thù một cách đê hèn nhằm xoá hết các dấu vết của thời Tây Sơn. Những di sản văn hoá phong phú của một thời cũng bị phá phách, thiêu đốt phần lớn. Cũng bởi vậy mà di văn thời Tây Sơn còn lại rất ít. Đã có một số công trình khai thác , công bố về di văn của thời Tây Sơn nhưng do thiếu tư liệu nên chưa có được những công trình có tầm cỡ bao quát hoặc tập trung giới thiệu về di văn thời Tây Sơn. Đến nay, nhân dịp thực hiện cơ cấu đề tài của tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến", công trình "Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội" do PGS. Trần Nghĩa chủ biên được thực hiện là một công trình rất có ý nghĩa khoa học trong việc làm sống lại và khẳng định nhiều giá trị văn hoá đã bị mai một của thời Tây Sơn. Công trình cũng giàu ý nghĩa thực tiễn , đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu và giảng dạy về Tây sơn và Thăng Long - Hà Nội một thời. 2. Công trình được biên soạn dựa trên những nguồn tư liệu đáng tin cậy đó là các tư liệu Hán Nôm trong kho thư tịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm như : 19 văn bản tác phẩm Hán Nôm, 400 đạo sắc phong tặng cho các vị Thần thờ ở Hà Nội và hơn 100 thác bản văn khắc. Ở kho thác bản văn khắc của Ban Quản lý di tích Hà Nội cũng có trên 100 thác bản, phân bố ở các quận huyện. Với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm nghiên cứu như trong danh sách nhóm biên soạn và các cộng tác viên nên bản thảo đã được thực hiện khá hoàn hảo cả về nội dung, hình thức và chất lượng . 3. Việc phân chia các di văn thời tây Sơn ra làm 3 mảng lớn là: Văn kiện triều đình, Thơ văn của giới cầm bút, Di văn trên thực địa là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Mỗi mảng lại được trình bày một cách khái quát tình trạng khối lượng văn bản, tác phẩm, giá trị và đặc điểm về nội dung và hình thức... cùng những nhận xét, nhận định khá xác đáng của tác giả bản thảo. Riêng tên gọi của mảng thứ 2: thơ văn của giới cầm bút nên chăng đổi là: Thơ văn của các tác gia Hán Nôm. 4. Trong các phần phiên khảo giới thiệu di văn như: Phần thứ nhất: Các văn kiện triều đình gồm: chiếu, dụ, sắc phong. Phần thứ 2: Thơ văn của giới cầm bút bao gồm: thơ, văn, văn tế, thơ vịnh, tiểu thuyết... Phần thứ 3: Di văn trên thực địa, bao gồm: văn bia, văn chuông, các bài minh, bài tựa trên chuông, các bài ký trên bia, khánh... đều được thức hiện nghiêm túc từ các khâu viết giới thiệu đến phiên âm, dịch nghĩa, chú thích tác phẩm. Nhìn chung các mảng di văn đều được khảo cứu tình hình văn bản, viết giới thiệu, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích rõ ràng; chất lượng dịch tốt. 5. Phần phụ lục giới thiệu thêm 105 đơn vị tư liệu chưa được tuyển chọn, kèm theo các thông tin mô tả rõ tình trạng văn bản của từng đơn vị. Đây là những thông tin rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu kỹ về thời Tây Sơn trên đất Thăng Long, cũng là những đóng góp, gợi mở những hướng nghiên cứu mới về việc nghiên cứu, khai thác di văn thời Tây Sơn. 6. Kết luận : Bản thảo "Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội" được thực hiện nghiêm túc, công phu, đạt chất lượng cao hoàn toàn có thể đưa xuất bản để giới thiệu rộng rãi cho độc giả trong và ngoài nước./.
PGS. Phan Văn Các (22/08/2011)
1. Đề tài rất hay, rất cần thiết, và có thể nói không thể thiếu được trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đề tài mới, không trùng lặp. 2. Nguồn tư liệu phong phú: Với khoảng 30 văn kiện triều đình (dụ, chiếu, sắc…), khoảng 50 tác phẩm của danh nhân (biểu, thơ, phú, văn tế…) và khoảng 80 bài di văn phường xã (bia, chuông, khánh, trụ hương…) khai thác từ kho sách Viện Hán Nôm, kho thác bản của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội…, bản thảo này sẽ phản ánh trung thực vốn di văn quý giá thời Tây Sơn, một thời hiển hách sôi động của Thăng Long - Hà Nội, và cũng là một bằng chứng quý giá của mối quan hệ cả nước với Thủ đô. 3. Nhóm tác giả đáng tin cậy do PGS. Trần Nghĩa làm chủ biên, gồm các thành viên có bề dày nghiên cứu Hán Nôm có thể đảm bảo hoàn thành tốt công trình. 4. Tóm lại, tôi hoàn toàn ủng hộ bản đề cương này và hy vọng Ban Quản lý Dự án “Tủ sách” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đề cương này được thực hiện.
TS. Nguyễn Hữu Mùi (22/08/2011)
Triều đại Tây Sơn (1788 - 1802) là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nước nhà, chỉ trong vòng 14 năm đã làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại bằng việc dẹp yên nội loạn, đánh đuổi quân Xiêm và Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, khôi phục chủ quyền dân tộc, tập trung xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa. Do chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, về sau lại bị sử gia triều Nguyễn coi là “Ngụy Tây”, tìm mọi cách xuyên tạc, nhằm xóa bỏ mọi thành tựu, dẫn đến tình trạng có quá ít tư liệu để nghiên cứu về triều Tây Sơn. Trong nhiều năm qua, bằng nỗ lực của giới nghiên cứu, một số bài viết hoặc chuyên luận, kể cả luận văn luận án nghiên cứu về triều đại này lần lượt được công bố, nhưng chưa ai đặt vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện, mang tính hệ thống về triều đại Tây Sơn thông qua số di văn của triều đại đó. Công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội do GS. Trần Nghĩa làm chủ biên chính là nhằm khỏa lấp cho vấn đề đang còn để trống, mặc dù đây mới chỉ sử dụng tư liệu thu thập trên địa bàn của đất Thăng Long - Hà Nội. Đề cương bản thảo cuốn sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội với cấu trúc gồm 4 phần: Phần 1 là Tổng quan, phần 2 là Di văn, phần 3 là Phụ lục, phần 4 là Sách và tài liệu tham khảo. Cấu trúc như vậy thực chất chỉ gồm 2 phần, là phần Tổng quan, giới thiệu về các nguồn tư liệu (gồm ba mảng Văn kiện triều đình, Tác phẩm danh nhân, Di văn phường xã), nội dung và giá trị của tư liệu, và phần Thao tác, đề cập đến các kỹ năng phiên âm, dịch chú cùng các vấn đề văn bản đang đặt ra. Với cấu trúc này là hợp lý và mang tính khoa học trong điều kiện tư liệu hiện tồn. Nó sẽ giải quyết được hai yêu cầu cơ bản của một công trình nghiên cứu là gắn lý luận với thực tiễn, tức bên cạnh lý luận, người ta có thể kiểm tra các kỹ năng giải mã văn bản thông qua việc dịch thuật. Đây là điều cần thiết của việc nghiên cứu di sản Hán Nôm nói chung, của việc nghiên cứu di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Hơn nữa những tư liệu Hán Nôm dùng trong công trình này hầu hết còn ở dạng nguyên bản, chưa được dịch và công bố nên càng có giá trị giúp tìm hiểu nhiều mặt trong đời sống xã hội của thời đại thời Tây Sơn. Chúng tôi được biết nhóm công trình đã để nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và đều là những người có chuyên môn cao của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trước đây tham gia thực hiện nên tính khả thi của công trình sẽ cao, chất lượng khoa học sẽ được đảm bảo. Tóm lại đây là Đề cương đảm bảo tính khoa học cho một công trình nghiên cứu về di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội, thật sự có ý nghĩa trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để công trình thêm hoàn thiện, chúng tôi xin góp hai ý kiến nhỏ sau đây: Thứ nhất, công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội mặc dù đã xác định rõ đối tượng nghiên cứu là di văn của thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội, song thấy vẫn cần phải giải thích rõ hơn Thăng Long - Hà Nội ở đây tương xứng với những quận huyện nào của thành phố Hà Nội hiện nay, vì mới đây thôi (2008), thành phố Hà Nội đã mở rộng địa bàn hành chính, bao gồm cả huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, toàn bộ tỉnh Hà Tây, bốn xã của tỉnh Hòa Bình đều cắt về Hà Nội. Nói như vậy là bởi sau khi công trình này xuất bản, ngoài phục vụ đối tượng giới nghiên cứu vốn am hiểu vấn đề, còn cần phải tính đến số lượng đông đảo là độc giả phổ thông. Thứ hai, minh văn trên đá, trên đồng của thời Tây Sơn đang tồn tại hiện tượng bị đục niên đại, mang tính chất nhỏ lẻ. Trước đây mỗi nhà nghiên cứu đưa ra mỗi cách lý giải khác nhau, tựu trung là chưa thống nhất. Đề nghị nhóm công trình đưa ra kiến giải của mình về vấn đề này. Hai ý kiến nhỏ này chúng tôi chưa thấy đề cập đến trong Đề cương chi tiết của đề tài nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (22/08/2011)
1. Vương triều Tây Sơn được lịch sử ghi nhận chỉ tồn tại trong thời gian ngắn Đầu cha lấy làm đuôi con; mười bốn năm tròn hết số thì thôi. Thế nhưng đối với đất Thăng Long thì nhà Tây Sơn còn để lại dấu ấn dài hơn mấy năm bằng sự kiện Bắc Bình Vương đem quân ra Bắc năm 1786 lật đổ chính quyền Lê Trịnh, tạo điều kiện quan trọng để non sông thu về một mối. Sau đó lại lập kỳ tích đánh tan 29 vạn quân viễn chinh nhà Thanh được các sĩ phu Bắc Hà soạn thảo tại Bắc Thành, rồi quá trình tái thiết đất nước... Những việc làm, những thành tựu lớn lao ấy đều được ghi lại bằng chữ Hán chữ Nôm. Do vậy một công trình khảo cứu sưu tầm dịch thuật giới thiệu Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội do nhóm tác giả đề xuất là một việc làm thực sự cần thiết. Công trình sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm những đóng góp quan trọng của vương triều Tây Sơn đối với đất nước nói chung và đối với vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nói riêng. 2. Đề cương công trình đã đề cập đến số lượng di văn đời Tây Sơn trên đất Thăng Long rất phong phú và đa dạng bao gồm đủ các loại hình văn bản Hán Nôm là sách Hán Nôm (văn kiện ngoại giao, chiếu sắc của triều đình, tác phẩm thơ văn của các danh sĩ đương thời nhiều đến 50 tác phẩm): Văn khắc Hán Nôm (bao gồm các loại bia đá, chuông đồng, khánh đồng, câu đối hoành phi, biển khắc ...) cả thảy gồm 80 văn bản. Những số liệu văn bản Hán Nôm ghi trong đề cương cho thấy nhóm tác giả đã bỏ ra nhiều công sức lục tìm khảo cứu để thu thập được hầu hết các di văn đời Tây Sơn trên đất Thăng Long. Số tư liệu Hán Nôm phong phú này cũng là để khẳng định thêm tính bức xúc và tính khả thi của đề tài. 3. Đề cương đã giới thiệu cơ cấu cuốn sách giới thiệu Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội hết sức hợp lý. Tập sách hoàn thành sẽ bao gồm ba phần chính là: - Bài tổng quan với các nội dung: lý do viết sách, nguồn tư liệu biên soạn và nội dung chính có trong các tư liệu. - Phần chính văn là bản dịch có chất lượng được sắp xếp vào ba nội dung là văn kiện của triều đình, thơ văn của các danh nhân và bi ký. - Phần phụ lục Với những nội dung chính như trình bày ở trên, chúng tôi tin tưởng rằng tập sách hoàn thành sẽ được đông đảo bạn đọc trong cả nước hoan nghênh. 4. Nhóm tác giả tham gia công trình gồm PGS.Trần Nghĩa, TS. Phạm Văn Thắm, TS. Nguyễn Doãn Tuân, NCV chính Nguyễn Văn Bến đều là những người có bề dày kinh nghiệm và đặc biệt là có nhiều công trình khoa học đã công bố được giới nghiên cứu khoa học xã hội trong nước và quốc tế đánh giá cao. Họ đều là các nhà nghiên cứu Hán Nôm có uy tín khoa học, đồng thời lại thu hút được đội ngũ cộng tác viên có chất lượng. Nhận xét đôi điều về tác giả công trình cũng là để khẳng định tính khả thi của công trình này. 5. Đề nghị bổ sung thêm nguồn tư liệu. 5.1. Tác phẩm danh nhân. - Ninh Tốn (có thơ đề ở núi Sài Sơn, 1 bài chữ Nôm, 1 bài chữ Hán). - Nguyễn Gia Phan (có 8 bài thơ Nôm) - Nguyễn Du (người Ứng Hòa đỗ Tiến sĩ là tác giả bài văn bia chùa Phổ Tế). 5.2. Thần tích (ví dụ thần tích làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm thờ Đô đốc Võ Văn Dũng). 5.3. Hương ước 5.4. Văn học dân gian - Văn tế (ví dụ bài Cúng Thiên triều văn, tế các vong hồn quân Thanh tử trận ở Đống Đa). - Ca dao Nôm (xem Ca dao Hà Nội...) 6. Kết luận Công trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội do PGS. Trần Nghĩa làm chủ biên đề tài là một công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Bản đề cương chi tiết viết rất công phu, cho thấy công trình có thể thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đề nghị Ban lãnh đạo các cấp ở thành phố Hà Nội phê duyệt tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai thực hiện.
PGS.TS. Trần Ngọc Vương (22/08/2011)
1. Về mục đích và ý nghĩa của đề tài: Nghiên cứu và đánh giá phong trào và triều đại Tây Sơn là công việc chung của nhiều ngành khoa học, từ trước tới nay vốn cũng đã có nhiều điều thành định luận. Gần đây, với nhận thức về yêu cầu đổi mới quan niệm và phương pháp luận sử học, mới có một số ý tưởng của một số nhà nghiên cứu vốn đã có tính độc lập tương đối cao đề nghị xem xét lại một số vấn đề liên quan đến một số bình diện thuộc phong trào và triều đại này. Có một số ý kiến đã đề nghị tách Quang Trung – Nguyễn Huệ ra thành vấn đề độc lập. Ai cũng có thể nhận thức được rằng Tây Sơn với tư cách một triều đại thì ngắn, trước sau chỉ 14 năm (1788 – 1802), nhưng với tư cách một phong trào thì rộng lớn hơn, thời gian tồn tại cũng dài hơn. Nhìn tổng thể, tính tích cực lịch sử của phong trào sâu rộng hơn tích tích cực lịch sử của triều đại. Do chỗ sự nghiệp kiến tạo chế độ chỉ mới khai triển ở những bước mở đầu, bộ máy chính quyền còn xa mới hoàn thiện, các thiết chế lẫn triều nghi còn thô phác, phong khí của triều đại chưa kịp nổi đã lụi tàn, rồi nữa, sự trả thù khốc liệt và triệt để của vương triều Nguyễn đã khiến cho diện mạo đời sống tinh thần và văn hóa của phong trào/ triều đại Tây Sơn cơ hồ bị tận xóa. Vẫn có thể phục dựng lại trên cơ sở một số đường nét, mảnh miếng, phiến đoạn để làm phát lộ những thành tựu và đặc điểm của đời sống tinh thần và thành tựu văn hóa của triều đại này. Một số nhà nghiên cứu có tâm huyết vốn đã nỗ lực làm công việc phục dựng đó thừ thập kỷ thứ tư của thế kỷ XX cho tới nay. Có một số bộ phận của công việc này gặp thuận lợi. Về khách quan, nói gì thì nói, triều Nguyễn vẫn là vương triều còn để lại nhiều di sản văn hóa nói chung, trước thuật nói riêng cho chúng ta ngày nay, nhiều hơn so với bất cứ triều đại nào trong lịch sử quốc gia – dân tộc. Các bộ sử (cả quốc sử lẫn “tư sử”), các bộ vựng biên, hội điển, sự lệ, ký chí, tang thư, soạn lục đã góp công rất nhiều cho sự nghiệp phục chế diện mạo thời Tây Sơn. Nhiều gia tộc lớn từ thời Lê mạt trải qua vô số thăng trầm biến lọan vẫn hồi sinh và phatá triển khá mạnh mẽvào giai đoạn Nguyễn sơ rồi ra hơn nữa đã cung cấp cho người nghiên cứu ngày nay cả chứng tích vật chất lẫn di sản tinh thần tạo thêm nhiều thuận lợi cho công việc mà ta đang bàn tới. Đặc biệt cần lưu ý rằng không ít các cá nhân “trải thờ mấy triều đại đối nghịch”: thành danh thời Lê mạt, phụng sự cho Tây Sơn, vẫn có địa vị trọng thần thời Nguyễn sơ. Với những tài liệu, thư tịch từ đó, từ những tác giả như thế, việc tìm kiếm, biên soạn các công trình trở nên không quá khó, vì thế, ngót 80 năm nay không quá ít những công trình biên khảo về Tây Sơn đã được công bố, không ít công trình có giá trị. Nhưng đối với những tác giả hoặc là người thuần túy phụng sự Tây Sơn, hoặc chỉ từng hiện hữu trong thời Tây Sơn, hoặ kém may mắn không xuất sinh từ nơi thế gia vọng tộc, đối với những tác phẩm có nội dung liên quan theo chiều hưởng khẳng định tích cực đối với phong trào / triều đại Tây Sơn hoặc đích thị làm nên thành tố của văn hiến triều đại ấy, thì công việc sưu khảo lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Sau một thế kỷ rưỡi không chỉ bị bỏ bẵng mà còn bị tàn phá, vùi dập hủy hoại, thid dù mới chỉ xét về lượng, hẳn nói như người xưa “ mười phần không còn nổi một vài”. Các soạn giả của công trình này thật hưữ lý khi định danh những tác phẩm mà họ định hướng tìm kiếm là “Di văn thời Tây Sơn”. Cũng cần nhắc thêm rằng, tuy với Tây Sơn, Thăng Long không phải là “đế kinh”, nhưng chắc chắn đây vẫn là địa danh vô cùng quan thiết với triều đại. Rất nhiều “đại sư”, “đại sự kiện” của phong trào và triều đại đã diễn ra “trên mảnh đất này”, về tầm quan trọng mà nói, có lẽ chỉ thua kém đôi chút những gì tứng diễn ra trên đất Bình Định và đất Phú Xuân. Vì những lẽ đó, cho phép tôi bày tỏ lập trường hoàn toàn ủng hộ và sốt sắng mong chờ một vựng tập “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội”. 2. Góp đôi lời về nội dung, kết cấu, quy mô và điều kiện thực hiện công trình: 2.1. Trước hết, bàn về nội dung: Chắc chắn là các soạn giả với nguồn tài liệu cụ thể hiện có đủ lý do để phân loại di văn thời Tây Sơn làm 3 mảng như đã dự kiến (văn kiện triều đình, tác phẩm danh nhân và di văn phường xã) . Tôi chỉ muốn lưu ý thêm một vài tiểu tiết. Về “văn kiện triều đình”: Nên cố gắng bổ sung những văn kiện của triều đình (hoặc của các lãnh tụ phong trào) liên quan tới Thăng Long chứ không chỉ chằn chặn “trên đất Thăng Long”.Lý do của yêu cầu bổ sung này là những văn kiện ấy đã tác động, gây ảnh hưởng tới số phận của vùng đất , vùng dân cư này một cách trực tiếp, thứ nữa, những văn kiện ấy sẽ giúp người độc, người nghiên cứu hình dung về quan điểm, thái dộ , cách ững xử của giới lãnh đạo Tây Sơn đối với Thăng Long nói riêng, Bắc Hà nói chung. Về bộ phận “tác phẩm danh nhân”: Có lẽ định danh bộ phận này bằng ngôn từ khác thì xác đáng hơn. Theo tôi, khi biên soạn phần này, các soạn giả có quyền, nhưng không nên chỉ tự giới hạn trong khung khổ phải là “tác phẩm của danh nhân”, khi mà việc phán bảo ai là danh nân vào thời buổi ấy hẳn vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Vậy thì có thể đưa cả những tác phẩm có giá trị mà tác giả có thể chưa được, không được coi là danh nhân , trong đó có những tác giả ẩn danh, khuyết danh… vào phần này. Thậm chí, theo sở kiến của tôi, cần tuyển cả tác phẩm của những người “ngoài vòng”, “trùm chăn”,“người ở phía bên kia”, của cả những người cho đến thời điểm này theo quán tính của sự phán xử truyền thống vẫn bị coi là “phản nhân vật” nữa. Lý do thật dễ hiểu” người nghiên cứu ngày nay cần lắm những tài liệu phản ánh đầy đủ và khách quan, trung thực mọi loại “phản ứng xã hội” của người đương thời đặng có thể hình dsung thực tranmgj của lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Với những tác giả đã được công bố văn thi tập, tuyển tập hay toàn tập, thì việc lục tuyển lại tác phẩm của họ vào tập sách này xét ra không mấy cấp thiết, thậm chí từ góc độ nào đó mà nói, làm giảm giá tính chất “di văn” mà ta chọn để nhấn mạnh nội dung.Ý kiến tôi ở điểm này là rõ ràng: Cần hạn chế số lượng tuyển chọn của những tác giả này, đưa vào càng ít càng tốt (chỉ tuyển loại văn bản quý hiếm, inédite hoặc có giá trị nhiều mặt). Tôi hiểu rằng việc tước bớt bộ phận này dường như sẽ “làm khó” thêm cho các soạn giả đôi chút, nhưng đành vậy. Với bộ phận “di văn phường xã”, tôi chỉ nêu một thắc mắc nhỏ: không có di văn nào liên quan đến cấp “trên phường xã” hay trái lại, ở cấp gia đình, họ tộc nào thời này có giá trị sao? Kết cấu của tập sách theo tôi như vậy là ổn. Còn về dung lượng, dự kiến 700 trang có cả nguyên văn Hán Nôm liệu có hơi ít chăng? Nên để co giãn “từ 700 đến 800 trang” thì dễ xoay xở hơn mà không thành tùy tiện được. Như bản đề cương đã cho biết, công trình này vốn dĩ đã được tổ chức biên soạn từ trước, nay chỉ bổ sung và hoàn chỉnh, nên tính khả thi cao, không bị đe dọa vỡ kế hoạch. Vì các soạn giả không đề xuất kinh phí cụ thể nên tôi cũng chưa thể có ý kiến gì. Với sự đồng thuận cao của Ban quản lý dự án và Tổng giám đốc – Tổng biên tập của NXB Hà Nội, tôi nghĩ rằng các soạn giả sẽ có được thuận lợi lớn khi tiến hành thực hiện công trình này. Tôi muốn có thêm đôi lời về bài viết Tổng quan. Đã đành là tập sách nằm trong dòng sách “Dự án kỷ niệm”, nhưng cũng như điều từng xảy ra đối với nhiều bộ sách khác, không nên định hướng một cách tiên nghiệm thái độ chi phối cách thức biên soạn lẫn sự nghị luận nghiêng một chiều theo hướng “ngợi ca”. Đã đành là đổi mới tư duy, nâng cấp nhận thức không có nghĩa là cần phải nói ngược lại tất cả những gì trước đây từng khẳng định và tin tưởng, nhưng trong trường hợp cụ thể này, đã đến lúc đưa ra những lờikhẳn định và ca ngợi có chừng mực đối với phong trào và nhất là đối với triều đại Tây Sơn.Vương triều Nguyễn đã đành là gây ra những bất công to lớn đối với phong trào và triều đại “tử thù chính trị” của mình. Nhưng cũng nên lưu ý rằng ngót một thế kỷ nay, những bất công mà người hiện đại tạo ra đối với vương triều Nguyễn thế cũng là quá đủ. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, đã có thể ứng xử công bằng và “bình đẳng” đối với cả hai triều đại họ Nguyễn này. Thiên tài của Nguyễn Huệ, võ công chống ngoại xâm oanh liệt khẳng định vị thế của quốc gia – dân tộc (cả ở “trời Nam”, cả và nhất là trên “cõi Bắc” ) là những hằng số thể hiện những đóng góp lịch sử của phong trào và triều đại Tây Sơn, đó là những giá trị bất biến, nhưng còn bao nhiêu điều khác nữa cần được phản tư về phong trào và triều đại này. Nay đã tới lúc cần phải tính đến. Mà nhìn nhận lại những cái đó, xét cho cùng không phải chỉ là sự công bằng đối với những thực thể đã “quá vãng”, mà chủ yếu là “khai nhãn” đối với cái nhìn của người hôm nay, góp phần định hướng đúng cho sự chuyển động xã hội thời nay.Bộ sách dự kiến này sẽ có giá hơn, nếu được định hướng – cho cả sự biên soạn cho cả người thưởng thức – theo tinh thần khách quan hóa như thế. Trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua đề cương chi tiết này và triển khai ngay việc thực hiện để bảo đảm tiến độ.Đó cũng là một cách giảm áp lực cho cả các soạn giả và cho cả những nhà quản lý dự án.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (22/08/2011)
1. Đây là một đề tài tốt, khá độc đáo. Trong các đề tài về mảng văn hóa - xã hội của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” chưa có đề tài nào khai thác vấn đề này, vì vậy, nếu công trình này được triển khai tốt sẽ đem lại một nội dung mới, hiếm cho Tủ sách. 2. Việc sưu tầm, “tồn cổ”, khai thác, phân tích, nhận xét thông qua các di văn thời Tây Sơn, qua đó góp một tiếng nói khẳng định những đóng góp của thời Tây Sơn - tuy ngắn ngủi - đối với nước ta là một công việc đáng làm, có ý nghĩa khoa học và chính trị. Công trình tự hạn chế công việc đó trực tiếp liên quan tới Thăng Long - Hà Nội là cần thiết, phù hợp với dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và với mục đích của Tủ sách Thăng Long - Hà Nội. 3. Tôi tán thành các nội dung chính của công trình với hai phần: Phần Tổng quan và phần Phiên âm, dịch nghĩa di văn gồm ba loại chính là văn kiện triều đình, tác phẩm danh nhân và di văn phường xã. Việc nhóm tác giả dự kiến đưa cả phần nguyên bản chữ Hán vào công trình là cần thiết cho công tác nghiên cứu, đối chiếu… 4. Lực lượng tham gia công trình này là đáng tin cậy, đồng thời đã có một số kết quả trong đề tài tiến hành trước đây cũng của các tác giả của công trình mới này nên khả năng hoàn thành là hiện thực. 5. Xin đề nghị: Cùng với việc sưu tầm, khai thác theo diện rộng, cần chú trọng những tài liệu mới, có giá trị, có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, ngoại giao… của thời đại Tây Sơn.
GS. TS. Nguyễn Xuân Kính (22/08/2011)
1. Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học, là một đề tài mới. Đề tài này cũng rất phù hợp với tiêu chí của tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nếu công trình (với nội dung như được thể hiện trong bản đề cương) được xuất bản sẽ góp phần nâng cao chất lượng học thuật của tủ sách. 2. Bản đề cương được biên soạn nghiêm túc, khoa học. Điều này không có gì lạ. PGS. Trần Nghĩa là một cây bút quen biết, một nhà khoa học có uy tín trong ngành Hán Nôm, trong giới nghiên cứu văn học Trung đại. Những cộng sự trong nhóm biên soạn đều là những người được đào tạo về Hán Nôm, đã dịch, đã giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học về lĩnh vực này. 3. Hiện nay, những danh từ Phó giáo sư, Giáo sư được gọi là chức danh khoa học, những danh từ Thạc sĩ, Tiến sĩ được gọi là học vị. Do lịch sử phát triển khoa học ở nước ta, trong thời gian đầu, có một số vị do có thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học và tự đào tạo là chính, được phong chức danh khoa học. Vì những lý do chủ quan hoặc khách quan, có một số vị không viết và không bảo vệ luận án. Trường hợp nhà khoa học Trần Nghĩa là như vậy. Vì thế, trong công văn của Nhà xuất bản Hà Nội, việc ghi cả học vị của PGS. Trần Nghĩa là không chính xác. Ở đây, tôi chỉ quan tâm đến vấn đề chính xác trong thông tin, không có ý đánh giá thấp những người không có hoặc chưa có học vị. 4. Bản thuyết minh đề tài sáng rõ, tính khả thi cao. Đề nghị Nhà xuất bản thông qua đề tài này và ký hợp đồng với nhóm biên soạn càng sớm càng tốt.
TS. Nguyễn Đình Nhã (22/08/2011)
Sau khi đọc và nghiên cứu đề cương chi tiết công trình “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội”, tôi có một số ý kiến nhận xét sau: Đây là một đề tài chưa có trong cơ cấu chung của mảng sách Văn hóa – Xã hội, phù hợp với tiêu chí của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nên có thể khuyến khích cho triển khai sớm. Dấu ấn ngắn ngủi của triều đại Quang Trung để lại trên đất Thăng Long - Hà Nội không nhiều, chưa được khai thác một cách đúng mức, cho nên có thể cho đây là một đề tài tốt, không trùng lặp với các công trình đã công bố. Đội ngũ những người thực hiện dự án là những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và có khả năng tiếp cận khai thác các kho tài liệu quý. Cấu trúc của công trình gồm 3 phần: Tổng quan, Di văn và Phụ lục của các tác giả nêu ra là phù hợp. Các phương pháp nghiên cứu được lựa chọn khi thực hiện đề tài như giám định văn bản, chỉnh lý văn bản và giải mã văn bản là phù hợp với đề tài nghiên cứu này. Tuy nhiên, tôi cũng có một số băn khoăn sau khi nghiên cứu đề cương chi tiết công trình “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội”: - Thời gian tồn tại thời Tây Sơn không lâu, nếu không nói là quá ngắn ngủi so với các triều đại khác, các di văn để lại không nhiều, lại bị nhà Nguyễn triệt phá, vì vậy dung lượng của cuốn sách khá khiêm tốn. - Vì tư liệu không nhiều, nên các tác giả đưa vào đây khá nhiều loại hình tư liệu, di văn khá tản mạn, ví dụ: Sắc phong cho thần ở các xã (phần Văn kiện triều đình), phần văn bia, chuông, khánh, trụ hương (Di văn phường xã). Đương nhiên không ai nói đó không phải là tư liệu quý, nhưng dạng như thế thì các triều đại khác ở Hà Nội rất nhiều. - Từ công trình này, người ta có thể đặt câu hỏi: Di văn các triều đại khác đồ sộ và phong phú hơn nhiều đã khai thác và công bố ở đâu? Tại sao chỉ làm thời Tây Sơn? Dù có thể có ý kiến như vậy nhưng thời Tây Sơn có đặc thù riêng, tư liệu gắn với Thăng Long - Hà Nội ít nên quý hiếm. Theo tôi, nếu độ dày dặn đạt mức độ theo yêu cầu của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” thì chủ dự án có thể cho triển khai, nhưng lưu ý quan tâm hoặc giới hạn phạm vi khai thác tài liệu giữa Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng trong phần tổng quan.
TS. Nguyễn Viết Chức (22/08/2011)
Thời Tây Sơn không dài, vua Quang Trung cũng không đóng đô ở Thăng Long, nhưng dấu ấn của ông trên đất Long thành và trong lịch sử có nhiều điều cần được viết và xây dựng thành sách. Tôi không hiểu về Hán Nôm nên không biết giá trị của các di văn đến đâu, nhưng xét về thời và nhân vật tiêu biểu cho Tây Sơn, tôi nghĩ rằng có một cuốn sách về đề tài này sẽ làm phong phú thêm nội dung của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Xét về lịch sử nghiên cứu vấn đề đặt ra, theo ý kiến của nhóm biên soạn thì đến nay chưa có có công trình nào trùng lặp với đề tài mà nhóm nghiên cứu. Bản thảo “Sưu tập di văn thời Tây Sơn trên đất Hà Nội” cũng do chính nhóm tác giả này nghiên cứu thì việc nghiên cứu tiếp theo là thuận lợi. Về lý do biên soạn sách các tác giả đề cập có tính thuyết phục. “Về phương diện đối nội, phong trào này (Tây Sơn) đã làm được một điều không dễ là “ chuyển loạn thành trị”, đưa một đất nước trong tình trạng trì trệ, rối ren, khủng hoảng sang một cục diện mới đầy năng động, sáng tạo, mở đường cho dân tộc phát triển”. Tây Sơn đánh thắng quân Thanh xâm lược với người Anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Những di văn về Tây Sơn và người Anh hùng Nguyễn Huệ, nhà vua Quang Trung trên đất Thăng Long thực sự là những tài liệu cần được nghiên cứu và công bố rộng rãi. Về các nguồn tư liệu, tôi cho rằng có thể tin cậy được vì đều có gốc từ hai cơ quan chuyên môn sâu về đề tài cần nghiên cứu đó là Viện nghiên cứu Hán Nôm và Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội. Các tác giả là các nhà khoa học công tác nhiều năm tại các cơ quan này. Nhìn chung tư liệu, tài liệu sẽ được sử dụng cho công trình là có cơ sở đáng tin cậy. Về nội dung phản ánh được các tác giả chia làm 3 mảng lớn : Văn kiện triều đình, Tác phẩm danh nhân, Di văn phường xã, để tiện nghiên cứu và trình bày. Tuy nhiên về thuật ngữ tôi nghe chưa quen lắm không biết có cần xem xét lại không?! Ví như Văn kiện triều đình?! Hay Di văn phường xã?! Nội dung các phần này khá phong phú, nếu biết khai thác và trình bày, biên soạn, sắp xếp hợp lý chắc sẽ hấp dẫn người đọc. Phần phụ lục và phần sách tham khảo nhóm tác giả đã có công bố. Nói tóm lại, sách nằm trong nhóm có thể cơ cấu hợp lý trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu chuyên về di tích, danh thắng Hà Nội, và có vốn kiến thức về Hán Nôm. Nguồn tư liệu đáng tin cậy. Nội dung phù hợp với yêu cầu của Tủ sách và khả năng triển khai trong thực tế. Có thể chỉnh sửa và cụ thể hơn trong biên soạn để kịp cho xuất bản.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ (22/08/2011)
Tôi đã nhận được đề cương chi tiết (9 trang) cuốn sách “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long” do PGS. Trần Nghĩa chủ biên. Tôi xin có một vài ý kiến như sau: 1. Tôi nhất trí với đánh giá đây là đề tài tốt, phù hợp với tiêu chí của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và chưa có trong cơ cấu của đề tài. Cuốn sách sẽ góp phần “làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất ở nước ta cuối thế kỷ XVIII”. 2. Về cơ bản tôi tán thành với cấu trúc của cuốn sách. Tuy nhiên, tôi xin nêu thêm một số điểm để các tác giả tham khảo. 2.1. Cuốn sách cần có lời mở đầu - Đã là phần Tổng quan của cuốn sách thì có lẽ mục a. (Lý do biên soạn sách) nên để ở Lời mở đầu. - Đối tượng của cuốn sách cần được viết rõ hơn 2.2. Trong phần tổng quan nên chăng cần có thêm một mục ý nghĩa hoặc những bài học kinh nghiệm cho ngày hôm nay từ 3 mảng văn bản lớn nhất là văn kiện triều đình, tác phẩm danh nhân, di văn phường xã thời Tây Sơn. Cần dự kiến cụ thể số trang cho từng phần, từng mục.
NNC. Nguyễn Vinh Phúc (22/08/2011)
1. Đề tài hiện chưa có ai làm, mà khối Di văn này không ít và rất có giá trị về chính trị cũng như về văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Trước đây mới có một tác phẩm của Hoa Bằng là “Quốc văn đời Tây Sơn” nhưng đó là nói chung cả Việt Nam. Nay nói riêng về Thăng Long - Hà Nội là cần thiết. 2. Những người làm đều am hiểu Hán ngữ Hán văn, nhất là chủ biên là một nhà Hán học đầu ngành của ta hiện nay thì đề tài sẽ thực hiện thuận lợi và dễ hoàn thành. 3. Hiện ở Thủ đô chỉ có Viện Hán - Nôm là nơi lưu giữ đại bộ phận di văn Hán - Nôm, vậy mà nhóm biên soạn đều là các “chức sắc” ở đó thì càng là điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành tác phẩm (đề tài). Với 3 lẽ đó, tôi rất vui và tán thưởng đề xuất, bởi đó là đúng việc, đúng người. Nếu cần góp đôi ý thì tôi đề xuất về nội dung: Do nội dung chia ra 3 phần: văn kiện triều đình, tác phẩm danh nhân và di văn phường xã và có lược kê một số tư liệu. Đây là lược kê sơ lược vì còn dấu v.v… nên chưa rõ là sẽ khai thác thêm những tư liệu nào cho nên tôi chỉ gợi ý là: 1. Ở bộ phận “Văn kiện triều đình” nên chú ý đến cái gọi là “Đại Việt quốc thư” do Quốc Vụ Khanh Sài Gòn in thời Ngụy. Tuy sách không có xuất xứ nhưng tôi tin là thật và trong đó rất nhiều điều, sự việc, nhân vật liên quan đến Thăng Long - Hà Nội. Đề nghị các tác giả lưu ý mảng này. Có thể làm văn bản học luôn bộ sách này để xác định chân giá trị của nó. 2. Về bộ phận “Tác phẩm danh nhân” thì do có dấu v.v… nên tôi cũng chưa biết sẽ dẫn những gì, của ai, song cứ đề nghị là mảng thơ văn của Ngô Khuê ở La Khê, cũng như thơ Ninh Tốn, Đoàn Nguyên Tuấn viết thời Tây Sơn là rất nên nghiên cứu. 3. Về bộ phận “Di văn phường xã”, xin lưu ý đến bia chùa Cầu Đông, khắc năm 1800 có ghi rõ “An Nam quốc, Phụng Thiên phủ…” và tấm hoành phi của gia đình họ Nguyễn Phan ở Canh dài 1,5m, rộng 0,8m khắc nguyên văn 1 sắc phong của Quang Trung của ông tổ của họ. Tóm lại, tôi hoan nghênh đề tài, rất mong sớm cho thực hiện để góp phần vào việc xây dựng Tủ sách Thăng Long - Hà Nội.
Tìm việc (22/08/2011)
những quyển sách đáng được để trên kệ trong nhà. chúng ta cần lưu giữ lại những chiến tích lịch sử hào hùng cho con cháu đời sau.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)