Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Câu đối Thăng Long - Hà Nội
Câu đối (Đối liên, doanh liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 948 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Câu đối (Đối liên, doanh liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
      Ngay từ khi xuất hiện, câu đối đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp, điêu khắc và sơn thếp để trở thành một sản phẩm “văn học - nghệ thuật” đặc sắc, phát huy hiệu quả trong đời sống và đặc biệt là trong trang trí của các công trình kiến trúc như: Nhà cửa, đình chùa, đền miếu, cung điện… những sinh hoạt văn hoá và đời sống hội hè, hiếu, hỉ…
      Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, học tập và khoa cử, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, đã để lại trên đất Kinh kỳ nhiều di tích văn hoá, lịch sử; gắn với các di tích là hệ thống câu đối - hoành phi có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.
      Sách chuyên khảo Câu đối và Hoành phi Thăng Long - Hà Nội, tinh tuyển hệ thống câu đối tại các di tích hoặc đã từng có tại các di tích văn hoá, lịch sử Thăng Long - Hà Nội là chủ yếu và ở chừng mực trong các sử sách về Hà Nội. Trong số sáng tác đó, có một phần đáng kể là do các tác giả Hán Nôm, các nhà Khoa bảng thứ bậc cao sáng tác, nó tiêu biểu cho chuẩn mực, của văn học biền ngẫu.
      Qua sách chuyên khảo và tinh tuyển câu đối - hoành phi này, nhóm biên soạn ngoài việc chuyển tải tới độc giả giá trị nội dung chuẩn xác, thưởng thức cái hay cái đẹp của văn từ, còn thưởng thức vẻ đẹp của văn tự Hán Nôm qua thư pháp và nghệ thuật điêu khắc sơn thếp.

 
 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Mười giá trị tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội. Ẩm thực

Cuốn sách “Mười giá trị tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội. Ẩm thực” là một trong năm tập của bộ sách “Mười giá trị tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội triển khai tổ chức xuất bản. Bản thảo sách đã được Hội đồng nghiệm thu của Tủ sách thông qua.

Nguyễn Viết Chức
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
88
16x24

Dân cư Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách Dân cư Thăng Long thuộc mảng sách Địa lý trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của hai tác giả GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức và GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh. Họ là những nhà khoa học đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về địa lý dân cư Việt Nam nói chung và địa lý dân cư thành phố Hà Nội nói riêng.

Đỗ Thị Minh Đức - Nguyễn Viết Thịnh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
332
16x24

Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
424

Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội

 Gia đình là tế bào của xã hội, cơ thể muốn khỏe mạnh thì từng tế bào phải khỏe mạnh. Mà phụ nữ là hạt nhân quyết định sự ổn định của gia đình. Mỗi người phụ nữ phải đảm nhiệm rất nhiều trọng trách trong gia đình. Họ vừa là con dâu, vừa là người vợ, người mẹ, người thầy của các con và cũng là người thầy thuốc của gia đình. Họ chăm lo, nuôi dạy con cái, sản xuất kinh doanh và tái tạo giống nòi để đảm bảo sự duy trì và phát triển xã hội.

Nguyễn Ngọc Mai
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
408
16x24

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành, kinh đô, thủ đô của nước Việt Nam từ năm Canh Tuất (1010), đây không chủ là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước mà còn là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
GS.TS Đỗ Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
360 trang
16x24 cm
Ý kiến bạn đọc
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (22/08/2011)
1. Nhóm tác giả đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp tích cực của Hội đồng nghiệm thu đề cương Công trình Câu đối và Hoành phi Thăng Long- Hà Nội để chỉnh sửa và sắp xếp lại đề cương cho hợp lí, chuẩn xác và khoa học hơn, thuyết phục người đọc nhận thấy công trình có đầy đủ tính khả thi. 2. Việc thay đổi và bổ sung thêm một số thành viên mới vào nhóm công trình cũng là lý do quan trong để đảm bảo Công trình Câu đối và Hoành phi Thăng Long- Hà Nội có thể thực hiện đạt chất lượng cao và đúng tiến độ, thời gian đã đề ra trong Đề cương. 3. Đề nghị Ban chỉ đạo Dự án Dự án tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chấp nhận tiến hành kí hợp đồng với nhóm tác giả để công trình có thể triển khai kịp thời.
PGS.TS Chương Thâu (22/08/2011)
1. Sau cuộc họp góp ý ngày 11/3/2009 của Hội đồng nghiệm thu đề cương tại Nhà xuất bản Hà Nội, nhóm biên soạn đề tài “Câu đối - hoành phi Thăng Long - Hà Nội” đã chú ý chỉnh sửa đáng kể về nội dung, kết cấu của công trình này (như đã thể hiện trong đề cương mới, gồm 15 trang gửi đến Ban Dự án hôm 02/4/2009). 2. Nội dung khoa học của đề tài được thể hiện bằng một tập sách chuyên khảo lấy tên là “Câu đối - hoành phi Thăng Long Hà Nội tinh tuyển” là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề “tiêu chí” để tuyển chọn câu đối hoành phi là khó nhất, cần thống nhất ý kiến trong nhóm biên soạn và cần được thẩm duyệt bởi Hội đồng nghiệm thu (sau khi hoàn thành bản thảo) để có thể tinh tuyển được một tập sách “Câu đối - hoành phi Thăng Long - Hà Nội” tiêu biểu nhất cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 3. Về không gian Hà Nội (đã mở rộng) việc sưu tập tuyển chọn phần câu đối hoành phi (mới bổ sung) sẽ không kém phần phức tạp. Nhóm biên soạn cần có sự “giới thuyết” về các phần “bổ sung” này. Nên tận dụng những gì đã có của các công trình sưu tập câu đối hoành phi của tỉnh Hà Tây cũ (của các tác giả Nguyễn Tá Nhí, của Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây v.v…) 4. Trong phần nội dung câu đối hoành phi sẽ bổ sung qua nguồn thư tịch (chọn từ các sách đã xuất bản của các danh nhân, danh sĩ) cũng cần thiết phải có một danh mục về các tác gia (người Hà Nội, người các nơi từng sống ở Hà Nội và viết về Thăng Long - Hà Nội trong cả tiến trình nghìn năm lịch sử vừa qua) để tiện theo dõi và chọn lựa được những câu đối hoành phi tiêu biểu. - Nhóm biên soạn cũng cần kiểm kê, rà soát lại số lượng câu đối, hoành phi rất phong phú, đa dạng ở các nhà thờ các tộc họ, các đại gia, các hội quán… khắp ở Hà Nội, Hà Tây để chọn được thêm nhiều câu đối, hoành phi có giá trị cao và tiêu biểu cho đất Thăng Long ngàn năm văn hiến (hiện có ở gia đình các vị đại khoa, các nhà thờ, điện, khám ở Hà Nội và các vùng phụ cận, có nhiều câu đối, hoành phi chưa được công bố). 5. Trong đề cương biên soạn mới này, nhóm biên soạn có ghi thêm tên tôi (Chương Thâu) vào “những người biên soạn”, nhưng tôi chưa được trao đổi ý kiến gì, chưa được phân công, phân nhiệm gì, nên bàn thảo sau vậy. Nếu còn có cuộc họp của Hội đồng ở Nhà xuất bản, tôi sẽ phát biểu cụ thể thêm. Nếu không có cuộc họp chung, thì đề nghị chủ nhiệm đề tài dành thì giờ trao đổi ý kiến với tôi để có kế hoạch làm việc. Thời gian dành cho thực thi đề tài này còn ít lắm! Khẩn trương, tranh thủ thời gian hơn… thì mới kịp tiến độ.
TS. Nguyễn Thúy Nga (22/08/2011)
Sau khi nhận được bản nhận xét từ các thành viên của hội đồng, nhất là sau buổi góp ý đề cương, Chủ nhiệm đề tài - PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã sửa chữa bản đề cương chi tiết đề tài Câu đối và hoành phi Thăng Long - Hà Nội. Đọc bản đề cương, tôi thấy Chủ nhiệm đề tài đã nghiêm túc xem xét các ý kiến và hoàn thiện theo sự góp ý của các thành viên trong hội đồng. Cụ thể như sau: - Mục Các thành viên tham gia chính: Chủ nhiệm đề tài đã bổ sung một số nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia dịch chú và hiệu đính. Yếu tố này có thể đảm bảo chất lượng cho bản dịch. - Mở rộng không gian theo địa dư Hà Nội mới (gồm 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã) là đúng đắn và hợp lý. - Các tiêu chí về tinh tuyển câu đối, hoành phi; về chọn để chụp ảnh, viết thư pháp trên nền hoạ đều xác đáng. - Phần khảo cứu đã rút gọn một số chỗ không cần thiết. Phần này khiến người đọc có thể hiểu được lược sử về câu đối, đặc trưng thể loại câu đối, hoành phi nói chung cũng như hiểu được câu đối riêng về Thăng Long - Hà Nội. - Yêu cầu về phiên âm, dịch nghĩa, chú thích câu đối, hoành phi đã đạt được yêu cầu của một bản dịch có chất lượng cao. Tóm lại, sau khi Hội đồng thẩm định đề cương đóng góp ý kiến, PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã tiếp thu và hoàn thiện bản đề cương chi tiết. Bản đề cương này hoàn toàn đảm bảo yêu cầu và chất lượng của một cuốn sách. Đề nghị Quý Nhà xuất bản ký hợp đồng với Chủ nhiệm đề tài.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn (22/08/2011)
Qua phần đề cương đã chỉnh sửa của nhóm tác giả, có thể thấy rõ: 1. Nhóm nghiên cứu đã có những điều chỉnh ở một số điểm trên cơ sở tham khảo các góp ý nhận xét và phân tích của Hội đồng nghiệm thu đề cương. Các điều chỉnh nhìn chung là hợp lý, vừa thể hiện sự cầu thị tiếp thu ý kiến, vừa thể hiện sự kiên trì một cách nhất quán quan điểm và chủ ý của những người thực hiện đề tài. Có thể ghi nhận những điều chỉnh hợp lý ở các phần: bố cục của đề tài ( cũng đồng thời là thể hiện bố cục của cuốn sách), tỷ lệ giữa lý luận chung và phần sưu tầm giới thiệu văn bản, câu đối Hán và câu đối Nôm, các tiêu chí chọn tuyển, đối tượng và phạm vi chọn tuyển, yêu cầu thể hiện văn bản và cả lực lượng tham gia đề tài… 2. Đề cương chỉnh sửa nhìn chung đạt tới tính khả thi cao hơn so với đề cương cũ. 3. Đề cương nhìn chung được xây dựng tốt, hoàn toàn có thể đưa vào triển khai trong thực tế và hứa hẹn một kết quả có giá trị. Tôi ủng hộ việc thông qua đề cương.
PGS. Trần Nghĩa (22/08/2011)
Tôi đã đọc bản đề cương công trình “Câu đối và hoành phi (đại tự) Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh chủ biên. Nhìn chung, đây là một đề tài có ý nghĩa, mang tính chất đúc kết các thành tựu sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu, giới thiệu hoành phi, câu đối hiện tồn trên đất Thủ đô, nhằm tích cực góp phần vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Để công trình đạt chất lượng khoa học cao như mọi người đang mong muốn, tôi đề nghị nhóm tác giả trình bày thêm một số điểm sau đây: 1. Về tính chất, thì đây là một tập sách chuyên khảo, hay một tập sách tinh tuyển, hoặc gồm cả hai phương diện đó? 2. Từ tính chất mà ta đã ấn định cho sách, xem lại tên đề tài “Câu đối và hoành phi (đại tự) Thăng Long - Hà Nội” có gói ghém được bản ý của nhóm biên soạn không? 3. Nguyên tắc “thủ xả” các kết quả nghiên cứu của những người đi trước liên quan đến đề tài? 4. Dự kiến số hoành phi câu đối mỗi loại 1000 đơn vị, với câu đối còn khả dĩ, nhưng hoành phi biết lấy đâu ra? 5. Thời gian trước mắt không còn nhiều, liệu công trình có thể hoàn thành đúng hạn.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí -Viện Nghiên cứu Hán Nôm (22/08/2011)
1. Câu đối là một thể tài văn hóa có lịch sử lâu đời được sử dụng rất phổ biến. Đến thăm các di tích lịch sử như đình chùa miếu mạo bất kỳ ở đâu chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy sự có mặt của câu đối hoành phi. Đặc biệt là ở vùng đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội thì độ đậm đặc của nó càng gia tăng. Theo con số điều tra bước đầu của những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm thì riêng ở vùng đất Thủ đô này đã có nhiều đến 60 ngàn đôi câu đối. Số câu đối hoành phi này chính là những trang sử ghi lại những hoạt động của người dân kinh kỳ qua suốt chiều dài lịch sử. Thế nhưng trong nhiều năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều câu đối hay ghi lịch sử Thăng Long đã bị hư hoại, biến dạng thay đổi ít nhiều. Chẳng hạn như ở cửa Thiện đàn chùa Kim Sơn số 73 phố Kim Mã có một đôi câu đối cổ đắp bằng mảnh bát sứ, mỗi vế có 29 chữ ghi lại lịch sử đất này. Nay cổng được tu sửa lại, câu đối cũ bị thay bằng câu đối đắp xi măng, một vế có 27 chữ, một vế có 28 chữ, đọc rất khó hiểu, chỉ còn nhận được ít chữ. Từ thuở Lý Triều trải mấy cuộc can qua binh tiển... Tới năm Mậu Tuất quy một ấp thiện nghĩa phụng thờ. Do vậy công trình chuyên khảo câu đối hoành phi của PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đặt ra là hết sức cần thiết, nghĩa là công trình có giá trị thực tiễn rất cao. Chúng tôi thấy rằng, kết quả của công trình chắc chắn sẽ được đông đảo bạn đọc vui mừng đón nhận. 2. Các phương pháp khoa học mà công trình lựa chọn sử dụng là rất phù hợp, như việc đi đến tận cơ sở bảo tồn nguyên bản câu đối hoành phi là hết sức cần thiết. Chỉ có thể đến tận cơ sở di tích có câu đối hoành phi dùng các phương pháp sao chép in chụp đưa về thì mới đảm bảo độ tin cậy. Sau đó tổ chức đối chiếu so sánh với sách chép ở các Thư viện nhà nước và của tư nhân từ đó tìm ra các thiện bản để phiên âm dịch nghĩa và chú giải. Đây cũng có thể xem là phương pháp văn bản học cần thiết giúp cho công trình đạt chất lượng tốt. 3. Bố cục của công trình đặt ra rất hợp lí, tổ chức tương đối hợp lí. Nội dung bao gồm 5 ý chính là: - Phần mở đầu giới thiệu mục đích ý nghĩa - Phần hai là khảo cứu câu đối hoành phi ở Thăng Long Hà Nội. Trong đó nói rõ lịch sử đặc trưng thể loại, nghệ thuật soạn thảo câu đối. - Phần ba là giới thiệu nội dung giá trị của câu đối - Phần bốn là phiên dịch chú giải câu đối. Cách sắp xếp này đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu tiếp cận với câu đổi ở địa bàn Thăng Long, qua đó nắm bắt được giá trị đích thực của hệ thống câu đối ở đất đế đô. Phần cuối các tác giả cùng đặt ra tiêu chí tuyển chọn câu đối và yêu cầu rất cao đối với công tác dịch thuật. 4. Đội ngũ các thành viên tham gia công trình đều là cán bộ lão luyện rất thành thạo trong công tác nghiên cứu Hán Nôm, như các ông PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh, chuyên gia Lê Anh Tuấn, Thạc sĩ Giảng viên Đinh Thanh Hiếu... đều là những người có bề dày kinh nghiệm, nên có đầy đủ điều kiện để hoàn thành bản thảo có chất lượng. 5. Đóng góp thêm - Đề nghị tuyển lựa thêm các câu đối chữ Nôm xuất hiện hàng loạt ở thời kỳ cải lương hưng chính đầu thế kỷ XX, hiện còn lưu giữ phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội. - Nên tham khảo câu đối ghi trong hệ thống văn bia ở các cơ sở di tích. 6. Kết luận Công trình Câu đối hoành phi Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh làm chủ đề tài là công trình có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao. Các tác giả tham gia biên soạn đều là những cán bộ có năng lực. Do vậy công trình đảm bảo đầy đủ tính khả thi, đề nghị Ban Lãnh đạo các cấp ở Hà Nội phê duyệt tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai thực hiện.
PGS.TS Chương Thâu (22/08/2011)
1. Đề tài “Câu đối Hoành phi Thăng Long - Hà Nội” phản ánh lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật, Văn hoá - Xã hội… góp phần kỷ niệm “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội” là rất đáng ghi nhận và hoan nghênh. 2. Người chủ trì đề tài PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh, nhà Hán Nôm học có năng lực chuyên môn và uy tín cao, đã có nhiều công trình khoa học liên qan đến đề tài này được công luận đánh giá cao nay làm chủ biên đề tài này là rất xứng đáng và rất đáng tin cậy. Công trình sẽ thành công tốt đẹp. 3. Tập sách chuyên khảo lý luận và một tập hợp tinh tuyển Câu đối - Hoành phi Thăng Long - Hà Nội như ở bản đề cương (ở mục 7… từ trang 2đến trang 12) là quá đầy đủ, đa dạng, phong phú và chi tiết, rất có thứ lớp… là một công trình ngoạn mục (về văn học - nghệ thuật, văn hoá - xã hội) rất đặc thù để cống hiến cho văn hoá nước nhà, nhân dịp kỷ niệm “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”, là một thành quả lao động trí tuệ đáng tôn vinh. Tuy vậy, ở phần nội dung các Câu đối - Hoành phi cụ thể được sưu tập, tinh tuyển từ nhiều đời của các tác giả hữu danh và khuyết danh nói về Thăng Long - Hà Nội là vấn đề khá phức tạp, nhất là những tác giả Câu đối - Hoành phi là người Thăng Long - Hà Nội, từng sống ở Thăng Long nhưng có nhiều vị là người các địa phương khác viết về Thăng Long - Hà Nội, có những vị đã rời Thăng Long - Hà Nội về sống ở nơi khác đã viết và còn viết về Thăng Long - Hà Nội, về ở Huế chẳng hạn, thì việc xử lý “văn bản” và lạc khoản tác phẩm sẽ không đơn giản. Mong rằng nhóm biên soạn tuyển chọn Câu đối - Hoành phi sẽ khắc phục và vượt qua được những điều “tế toái” đó. Tôi vẫn vững lòng tin tưởng ở tài năng của nhóm biên soạn Nguyễn Văn Thịnh sẽ “trình làng” tập sách chuyên khảo “Câu đối, Hoành phi Thăng Long - Hà Nội” thật hoành tráng - sang trọng như đề cương đã vạch ra và như mong đợi của công chúng. 4. Đề cương biên soạn rất cụ thể, chi tiết và rất khoa học. Thật hiếm có một bản đề cương bản thảo kế cấu chặt chẽ như bản đề cương cả đề tài này. Vấn đề còn lại là thực hiện đề cương bằng bản thảo thực tế. Điều này mới là quan trọng nhất. Hy vọng sẽ được đọc và thẩm định trên thực tế (bản thảo) mà các soạn giả sớm hoàn thành để nghiệm thu trong nay mai.
TS. Nguyễn Thúy Nga -Viện Nghiên cứu Hán Nôm (22/08/2011)
I. VỀ ĐỀ TÀI: 1. Câu đối, hoành phi là một thể văn đặc biệt. Về hình thức thì ngắn gọn, về nội dung thì súc tích, hàm ý sâu sắc. Câu đối hoành phi thường được treo, viết hoặc đắp nổi ở các di tích, ở các nhà thờ họ, đôi khi ở các gia đình nhà Nho truyền thống. 2. Giá trị của đề tài: Từ trước đến nay đã có nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu về lịch sử, giá trị nội dung, đặc trưng thể loại v.v… Gần đây có một vài công trình sưu tầm, phiên âm, dịch thuật câu đối với số lượng tương đối lớn trên một địa bàn khá rộng hoặc về một vài di tích tiêu biểu của Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một bộ sưu tập nào có tính hệ thống và toàn diện của riêng Hà Nội. Câu đối và Hoành phi Thăng Long - Hà Nội là một đề tài hay và cần thiết. Điều đó thể hiện ở những điểm sau: - Lần đầu tiên thực hiện một tập hợp câu đối và hoành phi có tính hệ thống trên phạm vi toàn Thành phố Hà Nội (chưa mở rộng), sau đó tinh tuyển, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích. - Phần khảo cứu, theo dự kiến của nhóm tác giả sẽ có nhiều điểm mới so với những công trình trước đó viết về lược sử câu đối, đặc trưng thể loại của câu đối nói chung. Các tác giả cũng nêu được những nét đặc trưng của câu đối, hoành phi Thăng Long - Hà Nội nói riêng. - Tập sách hứa hẹn cung cấp cho độc giả phần chép chữ Hán cũng như phiên âm, dịch nghĩa, chú thích khá chuẩn xác. - Điều rất quý là sẽ có ảnh chụp màu những câu đối, hoành phi cổ, quý và đẹp về hình thức. II. VỀ ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT: Để đề tài đạt được kết quả tốt, chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến sau: 1. Về bố cục của tập sách: Ngoài Phần mở đầu, sách gồm 2 phần chính là: Phần khảo cứu và Phần phiên dịch, chú thích. Bố cục như vậy là hợp lý. 2. Về nội dung: - Phần khảo cứu (mục 13.2): Mục 13.2.3: Câu đối Thăng Long - Hà Nội, ý 1 không cần thiết, chỉ cần lướt qua vài dòng để dẫn nhập đến ý 2 là hệ thông di tích - nơi bảo tồn câu đối, hoành phi là đủ. - Phần phiên dịch, chú thích (mục 13.4): + Hệ thống sắp xếp (mục 13.4.1): Xếp theo di tích của từng địa phương là hợp lý. Mỗi di tích, trước khi phiên âm, dịch chú câu đối, hoành phi nên có phần giới thiệu về lịch sử di tích đó: xây dựng đời nào, thờ thần nào, nhân vật nào v.v… Có như vậy người đọc mới lĩnh hội hết giá trị lịch sử và giá trị nội dung qua bản dịch. Nếu nhóm đề tài định đưa các quận huyện nội thành và một số huyện ngoại thành (trước khi Hà Nội được mở rộng) trong tập I này thì lại thiếu 2 huyện Thanh Trì và Sóc Sơn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tuỳ vào số lượng câu đối, hoành phi và kinh phí được cấp, nhóm tác giả có thể chia thành 2 tập: Tập I: Câu đối hoành phi Thăng Long - Hà Nội (nội thành) bao gồm 9 quận, thêm quận mới Hà Đông, Tập II: Câu đối hoành phi Hà Nội (ngoại thành), 13 huyện còn lại. + Quy cách phần tinh tuyển (mục 13.4.2): Tiêu chí về nội dung, về nghệ thuật của câu đối, hoành phi mà nhóm đề tài đưa ra để tuyển chọn là đúng đắn. Tuy nhiên, khi sưu tập, tuyển chọn nên chú ý với những câu đối, hoành phi không phải của di tích (hoặc do mang từ nơi khác về, hoặc do bắt chước của di tích khác v.v…) và không nên tuyển chọn những câu đối, hoành phi mới thuê làm gần đây. + Về nguồn tư liệu: Chủ nhiệm đề tài đã từng hướng dẫn một số sinh viên đại học làm khoá luận tốt nghiệp, học viên cao học làm luận văn chuyên ngành Hán Nôm về câu đối và hoành phi. Đây là nguồn nhân lực để sưu tập tư liệu rải rác ở các di tích trong nhiều năm qua. Nhưng sử dụng nguồn tư liệu mà họ cung cấp và bản dịch chú mà họ làm khoá luận cần chọn lọc và cần có sự thẩm định kỹ càng. Có thể dùng tư liệu được chép trong sách Hán Nôm tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm để bổ sung cho các di tích đã bị mất mát. + Yêu cầu về phiên dịch (mục 13.5): Do đặc trưng về thể loại nên câu đối, hoành phi có số lượng chữ rất ít nhưng hàm ý súc tích, cô đọng, ý tứ sâu xa; về nghệ thuật thì chữ, ý phải tuyệt đối tuân thủ quy định “đối”. Chính vì vậy mà dịch câu đối để có thể chuyển tải được hết nội dung và đúng tính chất biền ngẫu là việc rất khó. Với lực lượng tham gia như Chủ nhiệm đề tài đề xuất ở mục I, 6 thì việc đảm bảo chất lượng của bản dịch chú sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ nên mời một số nhà khoa học có trình độ cao tham gia dịch, chú và hiệu đính thì tốt hơn. Câu đối dùng rất nhiều điển tích nên việc chú thích cần phải làm rất kỹ, nhưng không nên bình luận, không nên áp đặt cách hiểu chủ quan của mình cho độc giả. Bản thân việc dịch đúng, chú thích cặn kẽ đã khiến người đọc có thể cảm nhận và hiểu cái hay cái đẹp của từng vế đối. III. KẾT LUẬN: Đây là một đề tài hay, mới và có giá trị, lần đầu tiên sưu tầm, tuyển chọn và dịch chú câu đối, hoành phi ở các di tích trong một phạm vi rộng lớn của Hà Nội. Hơn nữa, phần chụp ảnh nhiều câu đối, hoành phi sẽ tăng thêm giá trị cho cuốn sách. IV. KIẾN NGHỊ: Nếu nhóm đề tài có thể thực hiện tiếp phần sưu tầm, dịch chú câu đối ở vùng ngoại thành mới mở rộng thì đề nghị Ban quản lý dự án cấp thêm kinh phí và sẽ làm sau.
PGS. Trần Nghĩa (31/08/2010)
Công trình gồm hai phần chính: phần nghiên cứu và phần dịch thuật. Sau đây là một số nhận xét của tôi về từng phần. I. Phần nghiên cứu (Tổng luận): gồm 100 trang với ba chương: - Mở đầu (tr.2 - tr.10) - Sơ lược giới thiệu về thể loại câu đối (tr.11 - tr.29) - Tìm hiểu thể loại câu đối thông qua phân tích hệ thống câu đối ở một số di tích Hà Nội (tr.30 - tr.101) 1. Ưu điểm nổi bật của phần này là nội dung phong phú, nhiều mặt; thông tin đầy ắp, cập nhật, rất bổ ích đối với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về thể loại câu đối nói chung, đặc biệt là tình hình câu đối tại các di tích lịch sử, văn hoá thuộc 9 quận nội thành và một vài huyện ngoại thành Hà Nội. 2. Nhưng bên cạnh các mặt mạnh nói trên, chỗ cần cân nhắc là viết sao cho hợp với một công trình chủ yếu là để dịch và giới thiệu về câu đối Thăng Long - Hà Nội như tiêu đề cuốn sách đã quy định. Có nghĩa là không sa đà vào việc giới thiệu thể loại câu đối nói chung, để rồi câu đối Thăng Long - Hà Nội biến thành vật “minh hoạ” cho cái “thể loại câu đối” nói chung đó (như nội dung chương 3 trong phần tổng luận). Như thế là làm cho cái chính biến thành cái phụ, phần tổng luận của cuốn sách vô tình trở thành một giáo trình gồm 3 chương giảng về thể loại câu đối! Vậy có thể bớt đi một số chi tiết hơi “xa” với trọng tâm và tổ chức lại nội dung của phần lý thuyết này chung? II. Phần dịch thuật Đây là phần chiếm khối lượng lớn nhất của tập sách, với 1015 trang, giới thiệu các câu đối tuyển chọn từ 173 di tích thuộc địa bàn Hà Nội hiện được chép trong thư tịch hoặc lưu tồn trên thực địa. Có thể chưa “vét” được hết số câu đối “hay” từ các nguồn trên, nhất là ở số huyện ngoại thành chưa thấy có mặt trong bản thảo, nhưng chỉ với những gì mà sách cung cấp, cũng đã là một đóng góp không nhỏ cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Qua phần câu đối, ta có thể hiểu thêm về chiều sâu - giá trị nhân văn - của các di tích ở Thủ đô. Ấy là chưa kể trong phần dịch thuật này, nhóm biên soạn đã cố gắng rất nhiều trong việc giải mã văn bản, từ khâu sao chép nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm cho đến khâu phiên âm, dịch nghĩa, chú giải các điển cố, các thuật ngữ thuộc loại khó, thậm chí là “hóc hiểm”... Tuy vậy, để bản thảo tốt hơn, tôi thấy có thể gia công thêm một số mặt sau đây: 1. Cần hiệu đính một số câu đối trước khi dịch: do nhiều lẽ (khắc nhầm, chép không đúng...), một số câu đối còn có chữ bị viết sai, viết đảo ngược... Viết sai, như các trường hợp: + tr.322, chữ “thanh” (trong “thanh danh”) + tr.339, chữ “đằng” (trong “đằng vân giá vũ”) Các trường hợp tương tự: + tr.12, “nghiễn” + tr.45, “nghiễm” + tr.60, “Biên” + tr.67, “kinh” + tr.167, “sử thiên” + tr.346, “trụ” + tr.361, “chiêm” Viết đảo ngược, như tr.178, “thánh đức” chứ không phải là đức thánh”) ... 2. Phiên âm sai: + tr.12 (phần Tổng luận), “Chử Nhân Hoạch”, chứ không phải “Trử Nhân Thế”) + tr.42 (phần Tổng luận), “sâm si” (chứ không đọc là “tham sai”) + tr.61 (phần Tổng luận), “mạt kỹ” (chứ không phải “vị kỹ”) + tr.181 (phần Tổng luận), “ô hô” (không đọc là “ư hồ”).... 3. Lỗi chính tả + tr.47 (phần Tổng luận), “xuân tiêu” + tr.55, “nhiễm” (chứ không phải “lương”)... Còn lỗi phần tiếng Việt thì cũng nhiều trong văn bản. 4. Chú thích: Nhóm biên dịch đã coi trọng việc chú thích các điển, các từ khó. Nhất là các câu đối ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chú giải rất tường tận, dụng công. Riêng tr.13 (phần câu đối ở đền Ngọc Sơn), chú thích về cụm từ “tử phi ngư” mà nói câu đối này là “tức cảnh sinh tình” thì hoàn toàn không phải. Xem lại nguyên văn đoạn đối thoại giữa Trang Tử và Huệ Thi ở cuối bài “Thu thuỷ”, ta thấy câu chuyện “tử phi ngư” nhằm thuyết minh về khái niệm “đại đạo” còn gọi là “huyền đồng” của học phái Đạo gia: trời đất với ta cùng sinh, muôn vật với ta là một, xét từ bản thể. Tề vật, tề thị phi, tề sinh tử. Cầu Thê Húc có thể xem là nơi kết nối những mặt chừng như đối lập (trời - nước, cổ - kim, đời - đạo, cõi tục - cõi thần linh...) nhưng thực ra, chúng đều thống nhất với nhau trong “Đạo cả”. Cần chú ý là câu “Anh xem này, con cá bơi nhởn nhơ có vẻ vui thú lắm” là câu của Trang Tử chứ không phải câu của Huệ Thi như bản thảo đã viết; và câu vặn lại ngay sau đó mới là câu của Huệ Thi, chứ không phải là Trang Tử như bản thảo viết. Chỗ này cũng được trích giới thiệu trong phần Tổng luận, cần chữa lại. Hay tr.141, giải thích “Voi Phục” (tên gọi của ngôi đền) là do “ngay ở cổng dẫn vào đền có đắp tượng hai ông Voi quỳ”. Hình như không phải vậy. Xem mục “Linh Lang Đại vương” trong “Di tích Lịch sử văn hoá Việt Nam”, tr.414 - 415. 5. Một số chỗ trong bản thảo còn để dở dang, như ở tr.59, chưa có phần dịch nghĩa, chú thích, tr.83, thiếu chữ ở phàn cuối 2 vế đối; tr.89, vế đối thứ 2 thừa chữ. Có trường hợp không khớp giữa câu chữ Hán và phần phiên âm dịch nghĩa như ở các tr.283, 302... hoặc trùng lặp với câu đối thuộc một di tích khác, như ở tr.232... Tóm lại, công trình cần được hoàn thiện thêm theo hướng thống nhất hơn nữa về quy cách biên soạn, đồng thời nâng cao hơn nữa về chất lượng khoa học trong các phần hiệu đính cũng như dịch thuật, phấn đấu để cuốn sách trở thành tác phẩm gối đầu giường cho giới nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, danh thắng Thăng Long - Hà Nội - điều mà mọi người đang mong muốn. Kết luận: Theo tôi thì công trình này có thể nghiệm thu hôm nay, và đề nghị nhóm biên soạn gia công thêm trước khi đưa in.
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (31/08/2010)
Sau khi đọc kỹ các phần trong bản thảo công trình, chúng tôi xin có một số nhận xét như sau: 1. Phần đề dẫn viết rất công phu. Tác giả đã đọc rộng các sách, tham khảo ý kiến của nhiều học giả đi trước và cả của nước ngoài rồi suy nghĩ nhào nặn để đưa ra những nhận định đánh giá về Câu đối Việt Nam và Câu đối ở Thăng Long - Hà Nội có đủ sức thuyết phục. Đặc biệt là ở phần hai Tìm hiểu thể loại câu đối thông qua phân tích hệ thống câu đối ở một số di tích Hà Nội đã cung cấp nhiều tri thức cần thiết để bạn đọc hiểu thấu đáo những giá trị đích thực của câu đối ở Hà Nội. Thậm chí, nếu hứng thú bạn đọc có thể vận dụng cả vào lĩnh vực sáng tác nữa. 2. Phần tuyển chọn câu đối ở các địa phương trong toàn thành phố Hà Nội là khá tinh xác. Còn một số huyện cũ như Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và các huyện của Hà Tây và Vĩnh Phúc mới nhập vào năm 2008 chưa thấy có câu đối được tuyển chọn, hoặc tuyển rồi mà nói chưa rõ, song cũng phải công nhận rằng các câu đối tuyển chọn này đã đủ tiêu biểu cho vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến rồi. Những danh lam thắng tích tiêu biểu của Hà Nội như Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc đều đã được tuyển chọn. 3. Phiên âm dịch nghĩa và chua chữ Hán tương đối chuẩn xác. Người đọc có thể thông qua chữ Hán thể hiện trong công trình và bản dịch nghĩa đã có thể lý giải được ý vị tao nhã của nội dung chứa trong từng câu đối. Có một số trường hợp các soạn giả đã dụng công dịch theo hai cách để giúp cho người đọc có thể quan sát thưởng thức câu đối từ nhiều góc độ khác nhau. 4. Phần chú giải cũng được các soạn giả thực hiện nghiêm túc công phu, đủ sức thuyết phục người đọc. Nhờ có các chú thích khoa học như thế này mà bản dịch câu đối của công trình Câu đối Thăng Long Hà Nội đạt được chất lượng tốt hơn các bản dịch câu đối ở các di tích thắng cảnh của Hà Nội đã xuất bản trước đó. 5. Phần sắp xếp trình bày câu đối cũng thể hiện rõ các tác giả là những người có nếp tư duy khoa học mạch lạc rõ ràng. Cách trình bày này đã giúp cho tập sách Câu đối Thăng Long Hà Nội có thêm sức sống, người đọc không phải khổ vì nỗi nhàm chán cứ thấy câu đối nối đuôi nhau dài đến ba ngàn câu rồi năm ngàn câu. Đây có thể xem là ưu điểm quan trọng góp phần làm nên thành công của công trình. Các ý kiến đóng góp a. Các tiêu mục ở phần đề dẫn có chỗ chưa rõ ràng năm, như trang 92 có tiêu mục 3 Câu đối Hà Nội, mà trên đó chẳng nhận ra mục 1, mục 2 ở đâu? Ở phần này có mục nhỏ 3.1 Về câu đối Hà Nội, dường như cũng chưa rõ ý tứ nói gì. b. Phần ghi Câu đối Đình Hà Tây, một số chùa ở Hà Tây đề nghị chuyển đổi lại cho đúng với từng huyện như Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức… không nên dùng từ Hà Tây nữa. c. Các phần đánh máy chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa còn có chỗ chưa chuẩn xác. Ví dụ: Câu đối Hoàn Kiếm, tr. 20 chữ lục đã nhầm ra chữ duyên; tr. 11 chữ tự đã nhầm ra chữ thư. d. Cần xem lại một số chú thích. Ví dụ như đôi câu đối ở chùa Một Cột ghi: Hoàng cung tứ nguyệt đản sinh, thiên giáng cửa long phún thủy Tuyết lĩnh lục niên thiền yến, thời lai già điểu hàm hoa. Được các soạn giả chú giải là: “ Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như một bông sen cách điệu mà nhà vua đã thấy trong giấc mơ”. Cách chú giải này chưa đủ sức thuyết phục, bởi lẽ câu đối này cũng thấy xuất hiện ở Tam bảo Chùa Liên Phái quận Hai Bà Trưng, có điều là các soạn giả chưa đưa câu đối này vào sưu tập của mình mà thôi. Đây là đôi câu đối rất hay, nhiều chùa có dùng, miêu tả đức Phật Thích Ca giáng sinh vào tháng tư và tu thành đạo ở Tuyết Lĩnh. Kết luận Công trình Câu đối Thăng Long Hà Nội do PGS. TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ biên là một công trình khoa học thực hiện nghiêm túc, đạt chất lượng tốt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một công trình Khoa học trong tủ sách Hà Nội ngàn năm Văn hiến, do vậy tôi xin trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu bản thảo thông qua.
TS. Nguyễn Hữu Mùi (31/08/2010)
Câu đối là một thể loại văn học đặc biệt từng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và có khá nhiều sách viết về câu đối xuất bản trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về câu đối trên đất Thăng Long - Hà Nội ở bình diện rộng, được tinh tuyển từ nhiều loại hình di tích khác nhau. Do vậy, đề tài “Câu đối Thăng Long - Hà Nội” do PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên là một đề tài mới, vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị thực tiễn, rất cần thiết trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến. Bản thảo của công trình gồm 2 phần: Phần 1, được coi là Phần Lý luận, đề cập đến khá nhiều vấn đề mà tựu trung nhằm giới thiệu về nguồn gốc, quá trình hình thành cũng như sự phát triển của câu đối ở Trung Quốc và Việt Nam, qua đó đi vào nội dung và hình thức của câu đối trên đất Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói đây là phần viết rất sâu, rất kỹ về câu đối dựa trên nguồn tư liệu dồi dào mà nhóm tác giả đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, tích luỹ trong nhiều năm. Điều đó cũng nói lên nhóm tác giả của công trình rất tâm huyết với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Phần 2, được coi là Phần chính của công trình. Phần này các tác giả tinh tuyển câu đối ở các di tích đình, đền, chùa, văn miếu, văn chỉ… có trong từng quận huyện của thành phố, lấy quận Hoàn Kiếm làm điểm xuất phát, rồi mở ra các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên và huyện Từ Liêm. Riêng các địa phương mới sáp nhập vào Hà Nội, nhóm tác giả mới chỉ có điều kiện lựa chọn câu đối ở các đình và chùa thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ. Phần cuối là những câu đối về các nhà khoa bảng, các dòng họ khoa bảng có danh tiếng của Hà Nội. Với cách làm này cho thấy các tác giả đã lựa chọn giải pháp sắp xếp câu đối theo địa danh hành chính hiện tại mà không phải là theo lịch đại hoặc tác giả. Việc sắp xếp như thế sẽ giúp người đọc dễ tra tìm tư liệu nên theo chúng tôi là hợp lý. Việc dịch câu đối ra chữ Quốc ngữ là trọng tâm của đề tài. Tiếp xúc với bản dịch, chúng tôi thấy các tác giả tiến hành theo ba bước, là ghi nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. Bên cạnh đó là câu đối chữ Hán chế bản theo chiều dọc đóng khung đợi tìm các giải pháp thể hiện cho đẹp khi sách xuất bản. Cách làm này vẫn giữ theo thông lệ nhưng có khác so với các công trình biên khảo về câu đối trước đây ở chỗ: trong rất nhiều câu đối đã đưa ra hai cách dịch khác nhau, giúp người đọc có thêm sự lựa chọn trong cách hiểu về nội dung của câu đối. Thêm vào đó là phần chú thích cũng thấy các tác giả bỏ nhiều công sức để chú giải kỹ càng, thể hiện rõ phong cách khoa học. Tóm lại công trình “Câu đối Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên là một đề tài biên khảo nghiêm túc, công phu. Đề tài đã tinh tuyển được nhiều câu đối hay có trong các loại hình di tích thuộc loại tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Kết cấu của đề tài hợp lý, chất lượng của bản dịch được đảm bảo. Đó là những ưu điểm dễ nhận thấy ở công trình này. Song để đề tài hoàn thiện hơn nữa, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến sau đây. 1. Về tên gọi của đề tài, chúng tôi thấy câu đối thường đi liền với hoành phi để tạo thành một chỉnh thể nhằm biểu lộ tư tưởng tình cảm về một đối tượng nào đó được thờ trong di tích. Đương nhiên không phải mỗi cặp câu đối nhất thiết phải có một bức hoành phi đi kèm nhưng trong mỗi di tích được tinh tuyển câu đối ở đây, theo chúng tôi biết, thường có từ 3 đến 5 bức hoành phi. Bên cạnh đó còn có các bức trâm, bức tán… khắc bài thơ Đường luật, chứa đựng các điển cố văn học. Nay công trình đã bóc tách, chỉ dùng câu đối trong các di tích trên đất Thăng Long - Hà Nội thì cũng cần phải có sự giới thuyết. Điều này chúng tôi chưa thấy nhắc đến trong bản thảo công trình. 2. Ở phần 1, như đã nói, chủ biên của công trình viết rất kỹ, rất sâu về câu đối. Phần này dùng trong các công trình chuyên khảo về câu đối hoặc trong các luận văn, luận án sẽ thích hợp hơn. Trong khi đó phần viết về nội dung và nghệ thuật của câu đối Hà Nội lại sơ lược. Do vậy cần bớt liều lượng ở Phần Lý luận câu đối, thay vào đó là nói kỹ hơn về cái hay, cái đẹp, cái làm nên giá trị nổi bật của câu đối Hà Nội. 3. Lời văn trong bản dịch đôi chỗ còn rất cô đọng, chẳng hạn như câu đối ở trang 724, ghi: Long chương được bao khen, ân sủng từ thời Tiền Lê, Lân định lời ca ngợi, truyền đến từ thời Hậu lý. Chữ “Long chương” và “Lân định” ở đây cần có chú thích thì độc giả ngày nay mới hiểu nội dung của câu đối này. Tương tự như vậy cũng nên có chú thích ở hai đôi câu đối trong đình Trung Văn huyện Từ Liêm, thuộc trang 682 và 683, vì hai câu đối đó mang nội dung khuyến học của Nho giáo, không mấy ăn nhập với nội dung của các câu đối còn lại vốn ca ngợi một vị võ tướng có công đánh giặc Tống. Phải chăng hai câu đối đó trước đây là của Văn từ địa phương, sau Văn từ bị phá mới đưa câu đối vào đình, về sau thành câu đối của đình? Sau cùng là các lỗi chính tả còn tồn tại khá nhiều thấy ở các trang 3, 21, 302, 330, 376… Phần Bảng tra cũng chưa thấy thể hiện trong bản thảo.
TS. Nguyễn Thúy Nga (31/08/2010)
Cầm trong tay bản thảo cuốn Câu đối Thăng Long - Hà Nội dày 1015 trang do PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh làm Chủ biên, tôi rất mừng. Cảm giác đầu tiên của tôi là bản thảo khá hoành tráng, mỗi câu đối đều có phần thể hiện trong khung viền như¬ câu đối thực treo ở các di tích. Đây cũng phải kể là một sáng tạo của nhóm đề tài. Bài tổng quan ở đầu sách dày 100 trang viết khá chi tiết, dẫn chứng dồi dào, cho thấy tác giả đã rất dày công nghiên cứu. Qua bài khảo cứu này, ng¬ười đọc có thể hiểu rõ hơn về thể loại câu đối, nghệ thuật đối nói chung cũng như¬ câu đối Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Nội dung chính của cuốn sách là phần phiên âm, dịch nghĩa và chú thích khoảng 900 câu đối tại các di tích đình, chùa, đền v.v… đư¬ợc chia theo từng huyện thuộc Tp. Hà Nội ngày nay. Ở một số di tích lớn các dịch giả đều có giới thiệu sơ qua về địa điểm, đặc điểm cũng như¬ vị thần đ¬ược thờ phụng tại di tích. Nhóm đề tài đã thể hiện phần đánh máy và phiên âm chữ Hán khá tốt, phần dịch chú cũng đã thể hiện đư¬ợc sự cố gắng cao của cả nhóm. Nhìn chung, đây là đề tài hay, hữu ích và đặc biệt có ý nghĩa trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bản thảo đã đ¬ợc nhóm dịch giả thể hiện ở cách trình bày đẹp, phần nội dung sau nghiệm thu có thể sửa chữa thêm để xuất bản. Tuy nhiên, để bản thảo đư¬ợc hoàn thiện, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến sau: 1. Về kết cấu cuốn sách Ý t¬ưởng của nhóm đề tài là giới thiệu câu đối thuộc di tích theo đơn vị huyện, như¬ng sự thể hiện lại không nhất quán: phần Hà Nội cũ gồm các huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Tr¬ưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Từ Liêm (thiếu Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn). Phần Hà Nội mở rộng lại chia theo tiêu chí: đình Hà Tây, chùa Hà Tây và câu đối về các nhà khoa bảng, các dòng họ khoa bảng. Hơn nữa, ở phần sắp xếp các di tích còn lộn xộn, huyện Phú Xuyên có 4 đình thì xếp 4 nơi khác nhau: đình thôn L¬ưu Xá tr 827, đình thôn Diên Yết tr 883, đình thôn Tạ Xá tr 896, đình thôn Đa Chất tr 902 v.v… Theo tôi như¬ vậy là chư¬a hợp lý và không có tính nhất quán. Nhóm đề tài nên nhập 3 mục này lại rồi chia theo huyện như¬ phần về Hà Nội cũ. 2. Phần chữ Hán thể hiện rất đẹp trong khung viền là đủ, không nên thể hiện lại ở mục a, nh¬ư vậy là thừa. 3. Về dòng lạc khoản: tôi rất thắc mắc trong số hơn 900 câu đối đ¬ược tuyển chọn lại không có một câu nào có lạc khoản? Đây là thông tin rất quý đối với văn bản Hán Nôm nói chung và câu đối nói riêng, nếu vì lý do nào đó mà không đ¬ưa vào thì thật đáng tiếc. 4. Về các di tích: đối với các di tích nhỏ vẫn nên ghi địa điểm, nếu là đình, đền thì thờ vị thần nào? Ví dụ: chùa Lý Quốc Sư¬ (tr.53), đền Vũ Thạch (tr.55), đình Đồng Lạc (tr.57), chùa Cầu Đông (tr.58 - câu đối này xếp ng¬ược vế, dẫn đến phiên âm ngược, dịch nghĩa ngư¬ợc), quán Huyền Thiên (tr. 59 - không phải chùa quán) v.v… 3. Về dịch nghĩa: câu đối là thể loại rất khó dịch, lại càng khó dịch để vừa đảm bảo đúng vừa đảm bảo hay. Vì vậy, với thời gian rất ngắn chúng ta không thể yêu cầu cao hơn với đề tài này. Tuy nhiên, nhóm dịch giả nên xem lại một số chỗ, ví dụ: - Câu đối 1 ở chùa Quán Sứ (tr.43), đọc lên tôi không hiểu (thiếu chữ Hán ở ô viết dọc) - Câu đối 3 quán Huyền Thiên (tr. 61) - Câu đối 17 đền Kim Liên (tr. 178) v.v… 4. Về chú thích: Tôi rất quan tâm đến phần chú thích của bản thảo này, vì vậy nên góp ý hơi kỹ một chút: - Cách đánh số chú thích: thông th¬ường đánh số thứ tự ở phần dịch chứ không đánh ở phần phiên âm. Trong bản thảo phần lớn đánh số ở phần phiên âm. Rất nhiều câu đối không đánh số chú thích mà dùng dấu - ở mục d, như¬ vậy không phù hợp với một bản thảo. - Trừ phần câu đối ở quận Hoàn Kiếm chú t¬ương đối kỹ (như¬ng còn dài dòng, có chỗ thừa), còn các huyện sau đều ít chú thích. Nên bổ sung những chỗ cần thiết (nh¬ư D¬ương liễu trong bình tr. 46, Thăng Long tứ trấn tr. 60 v.v…). - Khi chú thích cần có dẫn dắt ăn nhập với nội dung thì ng¬ười đọc mới có thể hiểu đ¬ược (ví dụ: chú thích câu đối 9 đền Ngọc Sơn, tr.12, tôi không hiểu dịch giả dẫn bài Cung từ của Lâm Hồng ở đây ăn nhập gì với câu đối trên? Hoặc 2 câu thơ ở chú thích câu đối 22 tr.25 liên quan gì với cấu đối? v.v…). - Xem lại các chú thích cho chính xác (chú chùa Thầy tr.928; tr.693 ghi chú câu đối cổ từ đời Bảo Đại, nên ghi rõ căn cứ vào đâu? Nếu có lạc khoản nên ghi vào). 5. Cần ghi rõ xuất xứ khi trích nguyên văn để chú (từ Như¬ lai tr.46 trích Từ điển Phật học, T.1, tr.1066; từ Pháp luân tr.48 trích TĐPH T.I, tr.1331; từ Tam thiên thế giới tr.51 trích TĐPH T.II, tr 1337 v.v… 6. Ngoài ra nhóm đề tài cần l¬ưu ý các lỗi kỹ thuật sau: - Soát lại chữ Hán: một số chỗ thiếu chữ (tr. 11, tr. 43; một số chỗ đánh máy sai (chữ Hán trong chú thích tr. 49; chữ làm tr. 50 v.v…) - Soát lại lỗi chính tả (khá nhiều), đặc biệt là phần phiên âm (tr.106 câu đối Nôm ghi là phiên âm chữ Hán). - Tr. 855 đình Thất Giáp thuộc làng Giáp Thất phư¬ờng Giáp Bát, tr¬ước thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, không nên đ¬a vào “đình Hà Tây” KẾT LUẬN: Bản thảo Câu đối Thăng Long - Hà Nội do PGS TS Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên đã hoàn thành mục tiêu mà đề cư¬ơng đã đặt ra. Bản thảo có giá trị khoa học cao và thiết thực dùng trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến. Sau nghiệm thu, Chủ biên sẽ còn nhiều việc phải làm, nh¬ưng tôi tin rằng khi in ra, bộ sách này sẽ là tư¬ liệu rất quý, rất có giá trị đối với di sản văn hóa nói chung và di sản Hán Nôm nói riêng. Đề nghị ban nghiệm thu đánh giá loại tốt.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)