Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Thủ đô Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 424
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 5.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

- Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử và hiện tại luôn giữ một vai trò vô cùng trọng yếu. Việc giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội với tư cách Thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. 

- Công trình sẽ điểm qua những sự kiện, những mốc son cơ bản nhất, đặc sắc nhất, mang tính quyết định cho mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử quan trọng của Thăng Long - Hà Nội. Công trình tập trung giới thiệu về Hà Nội khi chính thức trở thành Thủ đô của đất nước. Công trình cũng bước đầu đưa ra những định hướng phát triển Hà Nội những dự báo trong tương lai.

- Công trình được biên soạn dưới dạng sách ảnh, in song ngữ (Việt - Anh), vừa phục vụ đông đảo bạn độc vừa là quà tặng có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.

Sách cùng chuyên mục

Trang phục Thăng Long - Hà Nội

Hiện nay, chưa có một công trình chuyên sâu về trang phục Thăng Long - Hà Nội. Công trình sẽ lần đầu tiên đề cập một cách toàn diện, hệ thống về vấn đề này. Công trình sẽ khái quát về điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hoá mặc của vùng Thăng Long cổ xưa. Phân tích ảnh hưởng của mỗi giai đoạn lịch sử đến trang phục: về cách nhìn nhận, đánh giá xu hướng, trình độ thẩm mỹ và sự phát triển các địa danh làng nghề có liên quan. Từ đó, rút ra những đặc trưng riêng của trang phục trong từng giai đoạn, so sánh giữa các loại trang phục.
TS. Đoàn Thị Tình
Nhà xuất bản Hà Nội
512 trang

Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội

Tập sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội thời Lý, Trần, Lê.
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1384 trang
16x24 cm

Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy

 Nằm trong mảng sách Tư liệu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cuốn sách Tuyển tập Tộc ước gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên là một nguồn tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo độc giả khi tiếp cận với công trình này. Cuốn sách với 936 trang in, ngoài bài tổng quan của chủ biên, các tác giả giới thiệu bản dịch và một số nguyên bản chữ Hán của 52 văn bản tộc ước gia quy của Thăng Long – Hà Nội. Cuốn sách được thai nghén và thực hiện trong nhiều năm của các nhà nghiên cứu Hán Nôm, văn học Trung đại: Phạm Ánh Sao, Bùi Bá Quân, Đỗ Thị Bích Tuyển, Mai Thu Quỳnh, Mai Thị Thơm, Nguyễn Đức Thọ.

Nguyễn Kim Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
936
16x24

Từ điển đường phố Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
TS. Nguyễnn Viết Chức (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
1068 trang
16x24 cm

Giáo dục Thăng Long – Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
476 trang
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (24/08/2011)
1. Công trình gồm 79 trang, là phần lời của cuốn sách ảnh về Hà Nội. Nhiệm vụ của phần lời này là sau khi tham bác rất nhiều tài liệu đã viết về Hà Nội, các tác giả viết một cách ngắn gọn về cả 1000 năm, dành trọng tâm cho thời kỳ Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Về cơ bản, bản thảo này đã đáp ứng được yêu cầu, có nhiều trang viết tốt. Tuy nhiên, để giúp các tác giả và nhà xuất bản hoàn chỉnh bản thảo, chúng tôi xin có một số góp ý, trao đổi. 2. Trong bản thảo, ngoài họ tên vị chủ biên, cần ghi thêm những người đồng tác giả hoặc cộng tác viên. Nếu được, nên ghi rõ ai chấp bút phần nào. 3. Đề nghị thay đổi tên mục 3 của chương I. Tên gọi đang dùng là “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Đây là câu thơ được trích từ bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu. Xin trích một đoạn: Đã tan tác những bóng thù hắc ám Đã sáng lại trời thu tháng Tám. Trên đường ta về lại Thủ đô Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ! Bài thơ này viết vào tháng Tám năm 1954, còn nội dung của mục 3, chương 1 (của bản thảo) kết thúc ở Cách mạng tháng Tám. Vì thế theo chúng tôi không nên chọn câu thơ này làm tiêu đề, nếu vẫn muốn chọn thơ Tố Hữu thì nên thay bằng câu sau: “Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca” . Câu thơ này được trích trong bài thơ “Hồ Chí Minh”. Bài này được viết ngày 26 tháng 8 năm 1945. Hoặc nếu chưa đồng ý thì các vị có thể chọn câu thơ sau: “Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta” . Câu thơ này nói về Bác lúc Bác ở trên quảng trường Ba Đình, năm 1945. 4. Một số trao đổi về tri thức lịch sử, văn học 4.1. Trang 4 viết không chính xác: “Được triều thần bá quan phò tá và suy tôn, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lý Thái Tổ.” Ai cũng biết ông vua này tên là Lý Công Uẩn. Còn Lý Thái Tổ là miếu hiệu, tức là cái tên sau khi mất được ông vua nối ngôi đặt cho. Các sử gia phong kiến khi viết về các vua thường dùng miếu hiệu. (Về điều này, sách Việt sử lược ghi như sau: Mùa xuân tháng 2 , vua mệt. Tháng 3 ngày Mậu Tuất, vua mất ở điện Long An. Thọ 56 tuổi. Miếu hiệu là Thái Tổ, an táng tại Thọ Lăng ở phủ Thiên Đức. Vua ở ngôi 20 năm, cải nguyên một lần. 4.2. Tại tr.12, các tác giả cho rằng bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư “tương truyền của Lý Thường Kiệt”. Đến tr.13, các vị lại viết: “Với bài thơ hào hùng và đanh thép, Lý Thường Kiệt đã khẳng định nước Đại Việt có chủ quyền, đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích cao cả và thiêng liêng của mình”. Như vậy, các tác giả cho rằng, Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ này. Từ năm 1988, trong bài viết “Lịch sử, sự thật và sử học”, GS. Hà Văn Tấn đã viết: “(…) không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt". Bài báo của Hà Văn Tấn đã được tạp chí Xưa và Nay in lại năm 1994, đến tháng 5 năm 2009, tạp chí Xưa và Nay đăng lại một lần nữa. Với tư cách là một chuyên gia văn học trung đại Việt Nam, PGS. Bùi Duy Tân đã viết rất nhiều bài chứng minh rằng Lý Thường Kiệt không phải là tác giả bài thơ đó. Xin xem: Bùi Duy Tân (2007), Tuyển tập, Nxb. Giáo dục, các bài “Bàn thêm về văn bản và tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà”, tr.20-28; “Truyền thuyết về một bài thơ: Nam quốc sơn hà là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt”, tr.29-44; “Giới thiệu bài thơ Nam quốc sơn hà”, tr.59-64. Gần đây nhất, trên tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, năm 2009, với bút danh Hữu Thế, PGS. Bùi Duy Tân trở lại vấn đề này. Theo ông, sai lầm cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ “Nam quốc sơn hà” là “sai lầm có từ Hoàng Cao Khải (trong Việt sử yếu, nhất là Trần Trọng Kim (trong Việt Nam sử lược, 1920), Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu. Sự thực “Nam quốc sơn hà” là bài thơ thần khuyết danh hoặc vô danh, nằm trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát xuất hiện đầu thời tự chủ. Đây là phát hiện của GS. Hà Văn Tấn (1988) và khảo luận của PGS. Bùi Duy Tân (1996). Thành tựu này đã được xã hội chấp nhận khi chương trình sách giáo khoa mới nhất, đưa “Nam quốc sơn hà” vào dạy và học ở lớp 7 theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không ghi tác giả.” . Tháng 10 năm 2000, trên tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, tác giả Bùi Duy Tân viết như sau: “Trong Hội thảo quốc tế VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XX tháng 9 vừa qua, gặp GS. Hà Văn Tấn, tôi có ý than phiền về tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà đã viết đến thế mà có một số học giả vẫn cứ hiểu như cũ, như xưa. GS cười rồi nói với tôi rằng: nghiên cứu khoa học là thế đấy, mình tìm ra rồi nhưng người ta vẫn viết thế, cứ phải đợi thôi!” PGS. Bùi Duy Tân mới từ trần ngày 31 tháng 10 năm 2009, còn GS. Hà Văn Tấn thì nay đang nằm dưỡng bệnh. Mong rằng các tác giả và nhà xuất bản đừng theo thuyết Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ thần để cho PGS. Bùi Duy Tân được thanh thản nơi chín suối và GS. Hà Văn Tấn đỡ băn khoăn. 4.3. Trang 43, các tác giả viết: “Ngày 25 tháng 4 năm 1976 cử tri Hà Nội đã cùng cử tri cả nước thực hiện quyền công dân của mình mà lý ra cái quyền ấy phải thực hiện từ năm 1954 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ”. Đoạn văn này có hai chỗ không chính xác. Thứ nhất, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, theo Hiệp định này thì hai năm sau, tức là năm 1956 cả nước sẽ tổng tuyển cử. Thứ hai, việc cử tri cả nước đi bỏ phiếu đã thực hiện trong ngày 6/1/1946. 4.4. Tại trang 62 các tác giả viết: “Thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, văn hoá nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội đã chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt đỉnh cao văn học viết bằng chữ Nôm: Truyện Kiều của Nguyễn Du, (…)”. Viết như thế có nghĩa là các tác giả cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở Thăng Long. Về thời gian và địa điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều, hiện nay giới nghiên cứu văn học có nhiều ý kiến rất khác nhau. Khi đọc đến đoạn văn trên, vừa tra cứu một số cuốn sách viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tôi vừa gọi điện thoại hỏi ý kiến PGS.TS. Trần Nho Thìn. Anh Thìn là bạn đồng môn, đồng lứa, là một chuyên gia đã viết sách về Truyện Kiều, đang giảng dạy văn học trung đại ở Đại học quốc gia Hà Nội. Anh Thìn cho rằng không thể khẳng định như đoạn trích trên. Theo chúng tôi, chỉ có thể nói, Thăng Long – Hà Nội là nơi in nhiều bản Nôm Truyện Kiều, cũng như sau này nhiều lần xuất bản bằng chữ quốc ngữ tác phẩm này. 5. Có nhiều đoạn văn thơ, nhiều câu trích dẫn không được ghi chú nguồn gốc (sách nào, năm nào, nơi xuất bản, số trang), có nhiều chỗ viết hoa, viết thường không nhất quán, có một số chỗ diễn đạt không thành công. Tất cả những chỗ này tôi đã đánh dấu vào bản thảo, đề nghị nhà xuất bản và các tác giả xem lại. Những góp ý, trao đổi của chúng tôi nếu có gì không đúng, xin các vị thông cảm và chỉ bảo.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng (24/08/2011)
Có quy mô (độ dày) không lớn, nhưng cuốn Thủ đô Hà Nội lại có vai trò và ý nghĩa lớn bởi tính thiết thực và hàm chứa nội dung quý giá. Cuốn sách trình bày tổng quan, súc tích những gì là tinh túy nhất của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, nhất là Hà Nội dưới thời đương đại – hiện đại. Cuốn sách giúp người Hà Nội (và cả nước) lớn tuổi ôn lại và tự hào về những gì mình đã góp phần tạo nên để phấn đấu giữ gìn và phát huy. Giúp bạn đọc trẻ nhận biết, tự hào và nhớ ơn công lao của các bậc tổ tiên, cha ông đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh xương máu để có Hà Nội – Việt Nam ngày nay, đặng nhận thức được trách nhiệm, khổ luyện và phấn đấu đưa Hà Nội và đất nước vươn lên tầm cao mới. Bản thảo góp phần giúp bạn đọc quốc tế hiểu Hà Nội – Việt Nam để khâm phục – thân thiết và ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác. Cuốn sách đã giải trình và là rõ thêm vai trò của Thăng Long – Hà Nội. Nơi đây vừa góp phần, vừa làm một số bộ phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hiến Việt Nam. Hà Nội lịch sự, hào hoa, tự tin trong hòa bình xây dựng, lại anh dũng, kiên cương, thông minh trong sự nghiệp bảo vệ Thủ đô và Tổ quốc. Hà Nội là môi trường giao tiếp với bầu bạn quốc tế, cũng là nơi giao thoa, hấp thụ những gì tốt đẹp, cao quý của văn hóa, văn minh nhân loại. Văn chương bản thảo trong sáng, dễ đọc, đầy biểu cảm, nhiều chỗ thu hút, hấp dẫn. Ngoài những ưu điểm kể trên, để sách có chất lượng cao hơn, chúng tôi có vài khuyến nghị để tác giả tham khảo, hoàn thiện. 1- Tôi hoàn toàn tôn trọng và nhất trí với đề cương bản thảo đã được xây dựng công phu và tiếp thụ được nhiều ý kiến đóng góp. Nhưng tôi vẫn thấy “thiêu thiếu” một cái gì đó, có thể là Mở đầu. Vậy cần có Mở đầu ngắn gọn, như kiểu tự giới thiệu chung về nội dung sách, đặc biệt là những thông số cơ bản về Hà Nội. Nên nghĩ đến khía cạnh đây là một cuốn sách độc lập, có thể có độc giả chỉ có một cuốn này, trong hàng trăm cuốn của tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Lại cần nghĩ đến người nước ngoài, họ cần một số hiểu biết chung về Địa lý, Con người/ Khí hậu, con người, dân số; về Lịch sử…v..v Nếu không mở mục Mở đầu, thì nên gài những thông số cần thiết (và kèm bản đồ địa dư) vào chương, mục nào đó. 2- Nên hiệu chỉnh Lời giới thiệu của Bí thư TW Phạm Quang Nghị, sao cho sang hơn về lời văn, chuẩn hơn về thuật ngữ. Ví dụ: Khổ 1: “Trải qua 1000 năm xây dựng và bảo vệ đất nước” – Cần thêm từ “Thủ đô và” và trước từ “đất nước”… K 2 “Những tinh hoa được đúc kết từ máu, mồ hôi, sự sáng tạo của các thế hệ nhân dân”…Sao có thể “đúc kết” được máu, mồ hôi… Nên chăng là Kết tinh từ… “các thế hệ nhân dân”, những người xưa không được hiểu là nhân dân, những ông vua sáng, tôi hiền, có đóng góp không? Nên chăng là “các thế hệ từng sống (chiến đấu, lao động) tại Thăng Long – Hà Nội… K2 gồm 2 ý lớn, viết gộp thành khó hiểu, tách ra như thế nào? “Nơi hợp lưu văn hóa mọi miền đất nước”, vậy giao thoa, tiếp thụ văn hóa thế giới ra sao? K3 và K4, có thể là ghi lại (hoặc/và) giới thiệu với bạn đọc gần xa tổng quan về Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, bằng điểm lại một số sự kiện quan trọng và nêu lên những nét đặc sắc nhất? K3. tr.3, Mặc dù …Song …xem lại diễn đạt. 3. Nên rà soát lại một số sự kiện, khái niệm thuật ngữ nhằm đảm bảo tính chính xác. Ví như: K2, tr4, chỉ nêu tài nguyên và con người, chưa nêu vị trí địa – chiến lược. K3, “Muốn trị được một nước, trước hết phải chiếm thành đô” có nhất thiết/ và chỉ như vậy không? K4, “Ngô Quyền giành lại nước, ít lâu lại mất” K1, “Đem việc dời đô ra lấy ý kiến quần thần – những người thay mặt nhân dân” (?) Có hay không hồi đó quần thần thay mặt nhân dân. K7. tr6 “Quốc gia Đại Cồ Việt lại xây dựng trên nền văn minh lúa nước, rất cần sự ủng hộ của Rồng” (?) K3 và 4, tr 22. “Cụ khách ở quê ra vẫn lăm lăm cây bút trước trang giấy”… Có thể “Cụ khách ở quê ra, tay cầm bút, đăm chiêu ngồi im như pho tượng”… “Tên mới”, Cụ đã đổi từ khi đi Trung Quốc 1941. K cuối, tr.24, “Không thể đánh mà đuổi được quân Tưởng ra khỏi nước ta là điều kỳ diệu của phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh, thay chữ phương pháp, thành tư tưởng chính trị - quân sự Hồ Chí Minh. K2, tr26, nên nhắc cả các pháo đài khác, vì không chỉ có pháo đài Láng. K1, tr.27, các khẩu hiệu rực đỏ, thực ra phần lớn viết bằng phấn và vôi. Tr. 30, K1, xem lại nội dung “Kỷ nguyên” mới sau Giải phóng Thủ đô. Thường chỉ dùng nội dung đó sau Cách mạng tháng Tám 1945. K3, 9 năm kháng chiến, không nên viết 8 năm, mặc dù Hà Nội trực tiếp chỉ từ 12- 1946. K1 dl, tr.32 “Hoa Kỳ, Hợp chủng quốc của tự do lại muốn cướp tự do của Hà Nội”. Nên viết Hoa Kỳ mà người ta tự coi là xứ sở (thế giới…) của tự do, lại… Hoa Kỳ “lóa mắt, điếc tai không nhận được những tín hiệu đầy thiện chí của Hà Nội”… Thực ra, nhiều lần Hoa Kỳ thông qua Liên Xô đưa tín hiệu tới Chính phủ ta xin đàm phán, nhưng đó là thủ đoạn của họ lừa bịp dư luận Mỹ và thế giới, áp đặt đàm phán trên thế mạnh với Việt Nam, nên không thành… Tr. 33, K1, kiểm tra sự kiện Phú Lợi, có hay không? Tr.45. K1 “Chiến tranh lại nổ ra ở hai đầu biên giới” Đầu biên giới là đâu? …v.v.. 4- Nên nhất thể hóa cách diễn đạt, ở mức có thể. Chương 1 và 2 rất khác chương 3. 5. Tóm lại, đây là đề tài xác đáng, có nội dung tốt. Đề nghị tiếp thu (chọn lọc) các ý kiến để hoàn thiện bản thảo nâng cao chất lượng thêm, trước khi xuất bản.
Ông Nguyễn Xuân Hải (24/08/2011)
Được Nhà xuất bản Hà Nội trao nhiệm vụ đọc và nhận xét bản thảo cuốn sách này, tôi rất phấn khởi bởi khi đọc nó tôi có cảm nhận đây là một bản thảo được nhóm tác giả biên soạn trung thành với đề cương đã được phê duyệt, bám sát vào mục tiêu đã được đề ra…Nhóm tác giả đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, do đó tác phẩm đã hoàn thành đúng tiến độ với nội dung có chất lượng cao, đặc biệt ở một số chương, số mục, ví dụ như chương I, hoặc tiểu mục 4 của chương III…Về cơ bản tôi khẳng định bản thảo này là một bản thảo tốt có thể xuất bản được… Tuy nhiên với tinh thần xây dựng, tất cả vì chất lượng và uy tín của Dự án Tủ sách Thăng Long- Hà nội, ngàn năm văn hiến và uy tín Nhà xuất bản Hà Nội, tôi xin đề xuất thêm một số ý kiến sau nhằm góp sức cùng nhóm tác giả sửa sang hoàn thiện thêm giá trị của bản thảo… 1. Không hiểu vì sao mà bản thảo còn nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả quá đặc biệt là lỗi sử dụng từ ngữ lựa chọn chưa kỹ, chưa thống nhất, khiến cho người đọc dễ sa vào hiểu không đúng, hoặc hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau… chỉ xin dẫn ra một số ví dụ cụ thể sau: - Ở chương I, mục 1 có tiêu đề là: Về đất rồng bay lên, chỉ cần bỏ từ về thì tiêu đề sẽ gọn và hàm ý hơn nhiều… - Ở chương II, tên các tiểu mục 2,3,4, lúc thì viết là Thủ đô Hà Nội, lúc thì viết là Thủ đô của lương tri, lúc lại viết là Hà Nội với ngày hội thống nhất non sông… - Ngay lời giới thiệu, tại trang 2 các dòng 8,9,10 từ trên xuống các từ: tạo cho…tạo nên…trở thành trong văn cảnh cần được lựa chọn lại cho phù hợp, hoặc như trang 3 dòng 5, 6 từ trên xuống các từ rất trách nhiệm…đầy tâm huyết trong văn cảnh này cần xem xét lại… - Trang 4 dòng thứ 5 từ trên xuống nên lựa chọn từ ngữ thận trọng hơn vì viết như bản thảo trong bối cảnh kỷ nịêm 1000 năm Thăng Long e không có lợi… -Tại trang 5 dòng thứ 5 và 6 từ dưới lên viết là…phá tan quân Tống, bắt sống chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo của Lê Hoàn… người đọc dễ hiểu sai Hầu Nhân Bảo là tướng của Lê Hoàn… - Trang 27 viết là sân bay Bạch mai Gia lâm không chuẩn mà đây là 2 sân bay riêng biệt… 1. Về nội dung tôi thấy nhóm tác giả nên đầu tư, bổ xung thêm một số nội dung sau: - Bài giới thiệu của bí thư thành phố vì còn đơn giản quá… - Chương II và III viết đã tốt rồi, rất thông cảm với nhóm tác giả đứng trước một khối lượng thông tin đồ sộ, phải lựa chọn để thể hiện cho được một thời kỳ tiêu biểu nhưng tôi vẫn chưa thật an tâm và thoả mãn lắm bởi lẽ có trang, có mục tư liệu sự kiện vẫn dàn trải và tính khái quát tổng hợp chưa cao… Hà Nội ở thời điểm nào cũng có những việc làm, có những phong trào nổi bật đi đầu trong cả nước, các dấu ấn ấy vẫn chưa rõ, đặc biệt là hình ảnh các tổ chức của nhân dân trong các phong trào ấy…Tôi rất thích cách viết của trang 35 khái quát được các phong trào nhưng rất tiếc vẫn chưa đậm nét…Tham vọng của tôi là ở các chương này vẫn số lượng trang như thế nhóm tác giả cố gắng chắt lọc, lược bớt phép thống kê, và trích dẫn, nâng tầm khái quát từ các sự kiện để những phần này thêm sinh động thêm hấp dẫn bạn đọc, giúp bạn đọc khám phá ra các tiềm ẩn phong phú, vĩ đại của thủ đô ta qua các bước thăng trầm của lịch sử… Trên đây là một số ý kiến ban đầu cá nhân tôi, chắc chắn chưa hẳn đã đúng hoàn toàn, và do vậy xin nhóm tác giả lượng thứ… Xin cám ơn.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (24/08/2011)
1. Theo đề cương đã được sự bàn bạc, thống nhất, bản thảo cuốn sách “Thủ đô Hà Nội” đã đảm bảo được những yêu cầu, mục tiêu và các nội dung cơ bản đã đề ra. Tiến trình lịch sử 1000 năm đã được thể hiện khái quát có chọn lọc, nhấn mạnh truyền thống văn hiến và hào khí Thăng Long – Hà Nội. Hai chương tiếp theo cố gắng khái quát sự phát triển, những sự kiện lịch sử lớn, những thành tựu của Hà Nội từ 1945 đến nay, trong đó dành nhiều trang cho Hà Nội đổi mới, phát triển hội nhập. Các tác giả cũng có nhiều cố gắng trong cách thể hiện, chú ý cách viết có chất văn hóa để tránh sự khô khan, khó tiếp nhận. Vì đây là cuốn sách đòi hỏi tầm khái quát cao trong tủ sách Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến nên rất khó viết. Xét theo yêu cầu đó, về cơ bản, bản thảo đã đảm bảo được những yêu cầu đặt ra. 2. Để hoàn thiện bản thảo, xin lưu ý một số điểm sau: - Một số vấn đề, sự kiện lịch sử của Thăng Long xưa, nên có sự thẩm định của chuyên gia sử học về Hà Nội để đảm bảo độ chính xác và thông tin mới nhất (ví dụ như: bài thơ Nam Quốc Sơn Hà) - Phần viết về văn hiến Thăng Long – Hà Nội cần làm rõ văn hiến của con người và mảnh đất này, không chỉ nhấn mạnh đến cá nhân các nhân vật lịch sử (trang 11 - 20). - Các dẫn chứng, sự kiện, số liệu nên gắn với thời điểm cụ thể, vì mỗi phần đều bao quát một giai đoạn dài của lịch sử Hà Nội, nếu không đặt các dẫn chứng, sự kiện vào thời điểm cụ thể thì nhận định của người viết sẽ không có sức thuyết phục cao. - Thời kỳ đổi mới (1986 đến nay) liệu có nên chia nhỏ ra từng giai đoạn cụ thể không vì không rõ đặc trưng từng nội dung cụ thể, sinh động, nêu nhiều đoạn ở phần này như là báo cáo, tổng kết, hành chính. - Có thể xem lại tên chương II? Không có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Hà Nội - Nhấn mạnh Hà Nội là hậu phương, song khác với các hậu phương khác. Hà Nội còn là cơ quan đầu não của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ là biểu tượng của niềm tin của toàn bộ dân tộc. Nên nhấn mạnh ý này. - Về cách viết, có lẽ cần tiếp tục trau chuốt và nâng cao hơn năng lực diễn đạt có sức cuốn hút, hấp dẫn và thuyết phục hơn nữa, vấn còn một số lỗi về ngữ pháp, câu chữ (đã đánh dấu trong bản thảo). - Nên dành một số đoạn làm rõ những sự kiện, những công trình, di sản tiêu biểu cho Văn hiến Thăng Long - Hà Nội. - Phần cuối “Hà Nội hướng tới tương lai” hình như hơi đẹp quá mà thiếu phần thách thức gay gắt phải vượt qua để có thể đạt tới tương lai đó. Một số nhận xét để các tác giả tham khảo.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (24/08/2011)
1. Bản đề cương này đã được sửa chữa tốt. 2. Một vài góp ý về chi tiết 2.1. Tại trang 1 của bản đề cương, câu văn viết chưa rõ: “Giới thiệu với bạn đọc một giai đoạn Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Viết như thế, người đọc có thể hiểu rằng: sách này viết về Hà Nội từ sau khi nước ta đổi tên thành Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực ra, nội dung chính của sách này viết về Hà Nội kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 đến nay. Tất nhiên, trước đó có một phần viết về Hà Nội từ Lý Công Uẩn dời đô đến Cách mạng tháng Tám (1945). 2.2. Tại trang 2, nên lưu ý bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư chỉ tương truyền là của Lý Thường Kiệt, thực ra không phải của Lý Thường Kiệt. Các kết quả nghiên cứu của GS. Hà Văn Tấn, PGS. Bùi Duy Tân đã chỉ rõ điều này. 3. Đề cương biên tập ảnh minh hoạ cho cuốn sách nói chung đã theo sát nội dung phần chữ. Tuy nhiên, đề cương này có nhiều lỗi đánh máy.
Ông Nguyễn Xuân Hải (24/08/2011)
Khi đọc bản thảo lần thứ 3 cuốn sách này, tôi rất phấn khởi, vì mới chỉ là đề cương thôi, nhưng bước đầu đã có thể hình dung ra một chặng đường phát triển của Thủ đô với một mốc son chói lọi trong dòng chảy vô tận của lịch sử phát triển của đất nước. Tôi xin chúc mừng nhóm tác giả đã và sắp đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu của cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội đề ra… Cùng với bản thảo đề cương ngôn ngữ, là bản thảo ảnh minh hoạ, khi xem bản đề cương ảnh này tôi càng phấn khởi vì tuy mới chỉ là đề xuất ban đầu nhưng tác giả đã đưa ra một đề cương ảnh được chọn lọc kỹ, phong phú bám sát chủ đề cuốn sách. Tôi tin chắc rằng bên cạnh các trang viết là các bức ảnh minh hoạ được lựa chọn theo đề cương này sẽ làm cho cuốn sách sinh động và hấp dẫn, chắc chắn người đọc sẽ nhiệt thành đón nhận. Tuy nhiên để có thể góp phần nâng tầm cuốn sách hơn nữa, tôi xin chân thành đề xuất thêm một số ý kiến, để các tác giả tham khảo. Rất có thể đây chỉ là ý kiến chủ quan, chưa được cân nhắc kỹ, bởi vậy có gì chưa thanh thoát mong được các tác giả lượng thứ. Về đề cương bản thảo lần 3, tôi phân vân một số vấn đề sau: Một là: ở Chương I: Mong các tác giả suy nghĩ thêm 2 vấn đề sau ở ý 3: - Nước CHDCND đầu tiên ở châu Á, hay Đông Nam Á - Nếu chỉ dừng ở việc lý giải về bản Tuyên ngôn độc lập thì đó mới chỉ nói về độc lập của cả dân tộc thôi, còn chưa nói về Thủ đô non trẻ của nền cộng hoà mới gắn liền với một đất nước dân chủ đầu tiên ở khu vực. Bởi vậy ở đây nên nói thêm một chút về việc lựa chọn thủ đô (từ Kinh đô Huế do nhà Nguyễn lựa chọn, đến Thủ đô Hà Nội do chính quyền công nông lựa chọn) gắn chặt với việc xây dựng chính quyền và bộ máy quản lý thành phố ngay từ khi nhân dân vừa làm chủ… Hai là: ở chương III: tôi vẫn cảm thấy không yên tâm, khi ta chưa nêu rõ về sức mạnh của hệ thống chính trị của Hà Nội, đăc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, vai trò quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân và sức mạnh của quần chúng nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đây là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tạo ra 5 nhóm thành tựu mà đề cương nêu lên. Phải chăng ta nên khéo léo lồng ghép, chuyển tải vấn đề này vào ý nào đó, có thể đưa vào ý 4 với cớ quản lý nhà nước nằm trong thành tựu văn hoá, hoặc nếu mạnh dạn hơn có thể đưa thành ý thứ 5 và ý thứ 5 trong đề cương thành ý 6. Và như vậy chương này sẽ có 7 ý … Ba là: Theo tôi ý: Ngàn năm Thăng Long - Bệ đỡ cất cánh tới tương lai ở ý 6 chương III, nên đưa vào phần kết luận để tránh trùng lặp... Về đề cương ảnh: Tôi vẫn cảm thấy hình ảnh về sức mạnh của các tổ chức quần chúng nhân dân, của Đảng bộ và chính quyền thành phố còn mờ nhạt… Bởi vậy nên chăng đề nghị tác giả cố gắng lựa chọn các bức ảnh mang tính đa ý, đa nội dung để người đọc có thể thấy được những dấu ấn của các lực lượng trên…
TS. Lưu Minh Trị (24/08/2011)
1. Về đề cương sách Các tác giả đã tiếp thu góp ý, chỉnh sửa bổ sung, nên đề cương chi tiết lần 3 này khá đầy đủ, sát với mục đích, yêu cầu đề ra. Tôi đồng ý với chủ biên là sách gồm: Lời mở đầu Chương 1: Từ “Chiếu dời đô” đến “Tuyên ngôn độc lập” Chương 2: Từ Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Chương 3: Hà Nội đổi mới, hội nhập và phát triển Kết luận Trong từng chương cần hoàn thiện các tiểu đề mục (thêm, bớt). Đề nghị bổ sung ở chương 1: Tên mục 2 chương 1 có thể đổi thành “Văn hiến Thăng Long - Hà Nội” (hoặc “Hào khí và văn hiến Thăng Long - Hà Nội”). Từ đó bổ sung nội dung là: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Văn Miếu…); Viết lên trời xanh (Tháp bút). 2. Về đề cương ảnh Bản dự kiến ảnh rất phong phú, cần chắt lọc để ảnh sát nội dung và có giá trị lịch sử và nghệ thuật ảnh. Có những phần quá nhiều ảnh, song cũng có chỗ thiếu. Đề nghị bổ sung ảnh ở mục 3 chương 1: nên có ảnh Tuần lễ Vàng; mục 2 chương 3: nên có khu đô thị Linh Đàm (khu đô thị mới đầu tiên ở Hà Nội), cầu Vĩnh Tuy, Sân vận động Quốc gia. Tóm lại, đề cương nội dung là khá hoàn chỉnh. Đề cương ảnh cần chọn lọc và bổ sung cho tinh và có giá trị nghệ thuật.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (24/08/2011)
1. Trong hệ thống Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” công trình “Hà Nội - Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam” là cần thiết, hợp lý. Tôi đã đồng tình với dự định này ngay từ đầu khi bàn về các đề tài trong Tủ sách. 2. Cuốn sách này có vị trí đặc biệt trong Tủ sách, với ý là sự khái quát cao, cô đọng, chọn lọc những mốc son lịch sử tiêu biểu nhất, những dấu ấn đặc sắc nhất trong lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời dành phần trọng tâm cho thời kỳ Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới. Để thực hiện được yêu cầu đó, không chỉ cần sự lựa chọn đúng, sự khái quát cao mà cần cả sự thể hiện, cách diễn đạt vừa hàm súc, vừa dễ tiếp nhận, vừa có sức hấp dẫn, lôi cuốn. 3. Từ nhận thức các yêu cầu trên, sau khi đọc đề cương chi tiết qua ba lần soạn thảo, sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh, tôi cho rằng, về cơ bản, đề cương chi tiết lần thứ ba đã tiệm cận tới các yêu cầu đặt ra cho cuốn sách. Nói là tiệm cận vì từ đề cương đến viết bản thảo còn một khoảng cách khá xa. Song, với mạch tư duy thể hiện trong đề cương, tôi nhận thấy đủ điều kiện để các tác giả bắt tay vào các công việc tiếp theo. Tuy vậy, xin lưu ý mấy điểm sau đây: - Nhấn mạnh những chiến công trong cuộc đấu tranh lâu dài chống xâm lược là đúng và cần thiết, song không nên xem nhẹ những giá trị bền vững, đặc sắc của mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội về mặt văn hóa, nhân văn… - Một số tiểu mục chưa thấy rõ tính đặc thù của Thăng Long - Hà Nội (các mục 3 - Chương II, mục 2 - Chương III,…) - Mục 2 (chương II): Thủ đô - hậu phương lớn, nhưng “Điện Biên Phủ trên không” không còn là hậu phương nữa (tr.3). 4. Về Đề cương biên tập ảnh: Khá phong phú, thể hiện được nhiều mặt trong đời sống Thăng Long - Hà Nội, song cần chú ý chọn lọc hơn nữa, cắt bớt những ảnh không làm rõ nội dung. Và có lẽ không nên coi là “ảnh minh họa cho cuốn sách” mà cần sử dụng nó như một phần của nội dung cuốn sách. 5. Tôi đề nghị, các tác giả nên trao đổi kỹ với nhau về cách thể hiện, văn phong phù hợp với yêu cầu của cuốn sách, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng đảm bảo chất lượng, hiệu quả cuốn sách khi đến tay bạn đọc.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (23/08/2011)
1. Nhà xuất bản Hà Nội gửi bản đề cương chi tiết của chủ biên Nguyễn Chí Mỳ cho chúng tôi. Thư mời đề ngày 27 tháng 3 năm 2009 và thời hạn đề nghị chúng tôi gửi nhận xét là trước ngày 5 tháng 4 năm 2009. Thực chất, chúng tôi nhận được đề cương và thư mời sau ngày 27 tháng 3 năm 2009. Thời gian này, chúng tôi quá bận, nội dung đề cương lại thuộc về một lĩnh vực không phải là chuyên môn sâu của chúng tôi. 2. Chúng tôi đã đọc cả hai phương án. Nội dung của hai phương án đều tốt. Điều này cũng dễ hiểu. PGS. TS. Nguyễn Chí Mỳ là một nhà quản lý, là người làm công tác tuyên huấn lâu năm, lại là một nhà khoa học am hiểu Hà Nội. Hiện nay, chúng tôi chưa biết là nên chọn phương án nào. Đến lúc họp, lúc đó nghĩ xong, chúng tôi sẽ trả lời. 3. Riêng về phương án 1, xin góp ý về hai chi tiết như sau: 3.1. Trang 2: tiểu mục Tử thủ thành Hà Nội không để ở mục 3 mà đưa lên mục 2 “Hào khí Thăng Long”. 3.2. Trang 3: nên thêm hai tiếng “vượt qua” trước tập hợp từ “cách tư duy bao cấp và cách làm trì trệ”.
Ông Nguyễn Xuân Hải (23/08/2011)
Theo tôi cả 2 bản đề cương lần thứ 2 này đều đã thể hiện được những yêu cầu cơ bản do Nhà xuất bản Hà Nội nêu ra. Nếu cho phép tôi lựa chọn, tôi xin lựa chọn bản đề cương thứ nhất bởi nó có những ưu điểm nổi trội hơn cả là : Một là: Phải khẳng định đây là một cuốn sách khó viết bởi nhiều lý do như: Sự phong phú và đan xen về sử liệu cúng như các quan điểm khác nhau trong phân tích và thể hiện các vấn đề có liên quan trong quá trình phát triển của Hà Nội…Mặt khác cuốn sách đòi hỏi phải có một lối viết rất đặc thù không giống một cuốn sách nào đã có với các loại độc giả hết sức phong phú với những đòi hỏi thẩm định hết sức khác nhau…Do vậy thận trọng xây dựng một đề cương hợp lý cho cuốn sách này là hết sức cần thiết. Nhóm tác giả lần này đã cố gắng biên soạn và đưa ra một đề cương hợp lý, vừa phải, bảo đảm tính lô gích của nó. Nếu nội dung cuốn sách được biên soạn trung thành với bản đề cương này, thì tôi tin rằng mục tiêu, và nhiệm vụ do Nhà xuất bản Hà Nội đề ra cho cuốn sách được thể hiện một cách tích cực… Hai là: Bản đề cương lần này đã thoát khỏi lối trình bầy của loại sách văn kiện, nghị quyết, nó đã có bóng dáng của một cuốn sách giới thiệu tổng quan kết hợp với bình luận, chính luận… Ba là : Nội dung của từng chương theo tôi là hợp lý, tiêu đề của từng chương đã được lựa chọn tốt, chuyển tải và chứa đựng được nội dung cụ thể của từng chương. Các tiểu mục cụ thể của từng chương đã có sự lựa chọn khá điển hình các sự kiện, các vấn đề tiêu biểu cho từng thời kỳ phát triển … Tuy nhiên để cuốn sách có một bố cục chặt chẽ, hợp lý và mượt mà hơn tôi xin có đôi lời bàn luận thêm với nhóm tác giả một số vấn đề nhỏ sau: Một là: Về câu chữ của bản đề cương cần được cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng hơn nữa…Xin đưa ra một ví dụ cụ thể: Tiêu đề chương II nếu viết Từ Việt Nam dân chủ cộng hoà đến Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì không hợp lý với tên cuốn sách và cũng không thống nhất với cách viết của tên chương I do đó ở đây tên chương II nên viết là: Từ thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Hai là: Chương III của đề cương cũng cần xem xét bổ trí lại cả về bố cục và ngôn ngữ thể hiện. Theo tôi nội dung 1 và 2 của chương này nên nhập lại làm một nôi dung, vì toàn bộ nội dung của 1 đã nằm gọn trong ý một của nội dung 2…Riêng nội dung 2 Hà Nội đổi mới theo tôi cần đầu tư thêm vì nó vẫn chưa tóm lược được hết sự vươn mình của Hà Nội một cách toàn diện… Cũng ở chương này tôi rất phân vân về ý 3: dự báo tương lai của Hà Nội, với 3 nội dung đề cương nêu ra tôi vẫn cảm thấy vừa thừa lại vừa thiếu, và ngay bản thân các ý ấy tôi cũng cảm thấy chưa chuẩn. Theo tôi chương II và chương III là linh hồn của cuốn sách cần được đầu tư thêm hơn nữa… Trên đây là một số ý kiến ban đầu trao đổi với nhóm tác giả, mang tính chất tham khảo, mong được lượng thứ cho những thiếu sót nếu có… Xin chân thành cám ơn…
TS. Nguyễn Viết Chức (23/08/2011)
Cuốn sách này có một vị trí đặc biệt trong Tủ sách Thăng Long –Hà Nội ngàn năm văn hiến, nên đã được tác giả và Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Hà Nội rất quan tâm xây dựng đề cương ngay từ đầu. Tuy nhiên, loại sách này đã được nhiều nơi, ngay cả Hà Nội đã làm nhân các dịp kỷ niệm có tính lịch sử của các địa phương cũng như của Hà Nội. Thêm vào đó, Hà Nội vừa mới được mở rộng vào năm 2008, một thời gian quá ngắn để có thể viết một cách nhuần nhuyễn những vấn đề của Hà Nội và Hà Tây vốn là hai địa phương tuy gần nhau nhưng chưa bao giờ là một trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc. Khắc phục những khó khăn khách quan ấy, tác giả và Nhà Xuất bản đã có nhiều cố gắng tiếp thu những ý kiến đóng góp, sửa chữa và hoàn thiện, nay đã có bản đề cương với hai phương án, nhưng về nội dung cơ bản gần nhau (chỉ khác về sự phân kỳ mà thôi) nên có thể xem xét so sánh để lựa chọn được phương án tối ưu. Theo chúng tôi cách phân kỳ của phương án một có vẻ hợp lý hơn xét về mặt dung lượng cũng như thời gian lịch sử và ý nghĩa của nó. Về mặt thời gian: nếu phân kỳ theo phương án hai thì suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XI đến gần cuối thế kỷ XX vào chương I, chương II chỉ bắt đầu từ đổi mới đến nay e rằng sẽ khó trình bày sao cho cân đối. Về số lượng các sự kiện trọng đại và các mốc son lịch sử hầu như được gói gọn trong chương I, nếu phản ánh đầy đủ sẽ tạo ra một dung lượng lớn các trang viết và ảnh mà hai chương sau cộng lại cũng khó có thể cân xứng được. Về ý nghĩa : các triều đại phong kiến Việt Nam nối tiếp nhau trong nhiều thế kỷ, nhưng cơ bản giống nhau vì đều là các vương triều. Chỉ khi xuất hiện nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì nền Cộng hòa đầu tiên mới được thiết lập trên đất nước Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Chính vì thế năm 1945 phải là mốc phân kỳ quan trọng đối với Hà Nội với tư cách là Thủ đô ( trước đó Hà Nội chỉ là một tỉnh). Nhân đây tôi muốn nêu thêm một ý nếu chọn phương án một : Từ kinh đô Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội, khi trình bày sao cho năm 1945 nó thật sự là kết thúc một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, đồng thời nó lại là mở đầu một giai đoạn mới của Hà Nội và cả nước. Tôi phân vân giữa việc có nên nói đến việc Hà Nội được coi là thủ đô chính thức ngay ở chương I hay chỉ nói đến mùa thu nắng tỏa Ba Đình thôi, còn chương sau mới nhắc đến Hà Nôi với tư cách là Thủ đô ( vì Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – cơ quan quyết định việc chọn Hà Nội là Thủ đô được bầu vào tháng 1/1946 ). Và mở đầu chương sau sẽ là Hà Nội – Thủ đô mở đầu toàn quốc kháng chiến. Nhìn chung đề cương theo phương án một có thể chấp nhận được. Đề cương theo phương án hai có ưu thế để trình bày về đổi mới một giai đoạn tuy ngắn nhưng cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử Đảng ta, dân tộc ta và Thủ đô ta. Tuy nhiên để trình bày nó trong một chương của cuốn sách thì quả là không dễ. Và đến chương III thì có lẽ sẽ đuối hơi khó có thể triển khai tiếp được. Nếu làm theo phương án một thì sức lực còn dành cho phần cuối của chương III được. Tuy vạy, dù theo phương án nào thì phần đổi mới và Hà Nội tương lai là phần đòi hỏi nhiều công phu của người biên soạn. Xin có đôi điều
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (22/08/2011)
1/ Bản đề cương gồm 18 trang. Chúng tôi tán thành nên có một cuốn sách gồm cả phần chữ và phần ảnh giới thiệu chung về Hà Nội. Sách này lại do PGS. TS. Nguyễn Chí Mỳ chủ biên cùng với bốn cộng sự, trong đó có nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chắc rằng sự thành công là có thể nhìn thấy trước được. 2/ Sự góp ý sau đây chỉ về tiểu tiết để các tác giả tham khảo: + Trang 1 dòng 1: “thế kỷ XI” có lẽ đánh máy sai. + Trang 2 dòng 7: “Tống bình” là đánh máy sai, phải viết “Tống Bình”. + Trang 2 dòng 11: có lẽ viết “Bố Cái đại vương” thì hợp lý hơn là “Bố cái Đại vương”. + Trang 3 có nhận định sau: “Thế kỷ XIII, Thăng Long ba lần dồn quân Nguyên xâm lược vào thế bị động để rồi quét sạch chúng ra ngoài bờ cõi”. Trong ba lần chống quân Nguyên, vua tôi nhà Trần lúc đầu đều bỏ Thăng Long vì thế giặc quá mạnh. Khi thời cơ đến, quân ta mới phản công, mới lấy lại Thăng Long. Cho nên nói vua tôi nhà Trần chủ động rút lui khỏi Thăng Long rồi sau đó dồn quân Nguyên xâm lược vào thế bị động… thì thoả đáng hơn. + Trang 3 dòng 14: “quân minh”, phải là “Minh”. + Trang 3 có nhận định: “Thế kỷ XVIII, lại chính Thăng Long là nơi anh hùng Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử, đập tan 30 vạn quân Thanh xâm lược”. Sách Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập do Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn đồng chủ biên, Nxb Giáo dục tái bản lần thứ năm, 2002, tại trang 419 ghi như sau: “Sau khi kiểm tra cẩn thận, vua Càn Long đã đồng ý, hạ lệnh điều động binh mã 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu tất cả 29 vạn người (bao gồm cả dân phu), do Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy chia làm 4 đạo tiến sang nước ta:…”. + Trang 3 dòng 5: “là nới văn”  nới là đánh máy sai, đúng ra là: nơi.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (22/08/2011)
1/ Bản đề cương gồm 18 trang. Chúng tôi tán thành nên có một cuốn sách gồm cả phần chữ và phần ảnh giới thiệu chung về Hà Nội. Sách này lại do PGS. TS. Nguyễn Chí Mỳ chủ biên cùng với bốn cộng sự, trong đó có nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chắc rằng sự thành công là có thể nhìn thấy trước được. 2/ Sự góp ý sau đây chỉ về tiểu tiết để các tác giả tham khảo: + Trang 1 dòng 1: “thế kỷ XI” có lẽ đánh máy sai. + Trang 2 dòng 7: “Tống bình” là đánh máy sai, phải viết “Tống Bình”. + Trang 2 dòng 11: có lẽ viết “Bố Cái đại vương” thì hợp lý hơn là “Bố cái Đại vương”. + Trang 3 có nhận định sau: “Thế kỷ XIII, Thăng Long ba lần dồn quân Nguyên xâm lược vào thế bị động để rồi quét sạch chúng ra ngoài bờ cõi”. Trong ba lần chống quân Nguyên, vua tôi nhà Trần lúc đầu đều bỏ Thăng Long vì thế giặc quá mạnh. Khi thời cơ đến, quân ta mới phản công, mới lấy lại Thăng Long. Cho nên nói vua tôi nhà Trần chủ động rút lui khỏi Thăng Long rồi sau đó dồn quân Nguyên xâm lược vào thế bị động… thì thoả đáng hơn. + Trang 3 dòng 14: “quân minh”, phải là “Minh”. + Trang 3 có nhận định: “Thế kỷ XVIII, lại chính Thăng Long là nơi anh hùng Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử, đập tan 30 vạn quân Thanh xâm lược”. Sách Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập do Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn đồng chủ biên, Nxb Giáo dục tái bản lần thứ năm, 2002, tại trang 419 ghi như sau: “Sau khi kiểm tra cẩn thận, vua Càn Long đã đồng ý, hạ lệnh điều động binh mã 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu tất cả 29 vạn người (bao gồm cả dân phu), do Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy chia làm 4 đạo tiến sang nước ta:…”. + Trang 3 dòng 5: “là nới văn”  nới là đánh máy sai, đúng ra là: nơi.
Ông Nguyễn Xuân Hải (22/08/2011)
Trước nhất cần xác định rõ đây là cuốn sách có nội dung gì, nhằm quảng bá vấn đề gì, và đối tượng tiếp nhận nó là ai?.. Đọc đề cương này, nhiều người sẽ hỏi: Đây là cuốn sử nói về một giai đoạn phát triển lịch sử của Hà Nội, hay là một bản báo cáo khoa học nghiên cứu về Hà Nội, hay là một cuốn văn kiện chính trị về Hà Nội... Tôi cho rằng, những băn khoăn đó là có căn cứ bởi đề cương này về cấu tạo nội dung cũng như cách trình bầy của nó có nhiều dấu ấn của một bản báo cáo khoa học và văn kiện chính trị nó chưa toát ra là một cuốn sách giới thiệu về Hà Nội trong một thời điểm nhát định, nó chưa biểu hiện rõ là một cuốn sách nằm trong chuỗi các cuốn sách giới thiệu chung về Hà Nội cả một thồi gian dài 1000 năm lịch sử... Theo tôi nghĩ đây là cuốn sách giới thiệu về Hà nội thời kỳ nó chính thức là thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội... Xác định rõ như thế về mặt nội dung, chúng ta mới có thể vượt qua được sự phong phú dầy đặc của các sự kiện lịch sử để có thể đưa đến cho bạn đọc những dấu ấn cơ bản, đặc sắc nhất, chủ yếu nhất, quyết định nhất của sự phát triển thủ đô thời kỳ này và về mặt hình thức chúng ta mới thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn bản báo cáo khoa học và báo cáo chính trị... Nhóm tác giả dự kiến cuốn sách về phần viết gồm 3 phần với 9 chương chính và 2 phần mở đầu, kết luận, dự kiến khoảng từ 130 đến 150 trang, tôi cho là vừa phải. Tuy nhiên đi vào cụ thể tôi xin có một số ý kiến để nhóm tác giả tham khảo như sau: Một là: Nên thay phần mở đầu bằng nội dung Tổng quan... Phần này sẽ là phần nhìn chung nhất của cả cuốn sách giúp cho bạn đọc khi đi vào các chương cụ thể thuận lợi hơn khi tiếp thu các thông tin mà cuốn sách cung cấp... Do vậy phần này có thể bao gồm các ý của phần mở đầu và chương I của phần I... Hai là: Về tên phần và tên chương, cần cân nhắc lựa chọn để nó thực sự là những phần gắn bó, súc tích của một cuốn sách giới thiệu về Hà Nội một thời kỳ lịch sử, tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể như sau: Phần thứ nhất có thể lấy tên là: Hà Nội cùng cả nước mở trang sử mới: Đi lên chủ nghĩa xã hội. Phần thứ hai: có thể lấy tên là Hà Nội cùng cả nước đổi mới và phát triển... Về tên chương cũng vậy nên cố gắng thoát khỏi các tiêu đề mang dáng dấp văn kiện hay báo cáo khoa học. Tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể như: Chương 3 nên thay phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm bằng: Từ bỏ kinh tế bao cấp tự cung tự cấp tiếp cận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương 4 nên thay phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội bằng: Toả sáng những giá trị văn hoá dân tộc và thời đại. Chương 5 nên thay xây dựng và quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên bằng: Mở mang đô thị theo hướng văn minh hiện đại,... Tương tự như vậy các chương khác cũng cần nghiên cứu để có được tiêu đề vừa bảo đảm thể hiện rõ nội dung lại vừa hấp dẫn bạn đọc... Ba là: Về nội dung cụ thể từng chương, đề nghị nhóm tác giả cố gắng lựa chọn đưa ra những dấu ấn phát triển cơ bản nhất, đặc sắc, riêng biệt nhất của sự vận động và phát triển của thời kỳ này ở Hà Nội nên cố thoát khỏi sự liệt kê văn kiện và sự kiện. Cần khẳng định rõ những quan điểm phát triển của Đảng bộ và chính quyền thành phố và phong trào hưởng ứng của nhân dân... Phần Hà Nội hướng tới tương lai cần ngắn gọn hơn, cần dự báo sự phát triển một cách khoa học sự phát triển đó... Theo tôi đây là một cuốn sách rất khó viết vì nó vừa thể hiện lịch sử lại vừa đánh giá lịch sử, nó vừa là sự tổng hợp của lối viết sử học với lối viết chính luận, lối viết có phần nào đó của loại văn thông báo giới thiệu. Nhóm tác giả đã cố gắng xây dựng được một đề cương để chúng ta góp ý trong hoàn cảnh có nhiều áp lực từ nhiều phía đây thật sự là một sự lao động nghiêm túc. Tôi tin rằng sau khi nghiệm thu nhóm tác giả sẽ cho ra đời một bản đề cương hay hơn sinh động và thuyết phục hơn.
TS. Lưu Minh Trị (22/08/2011)
1. Sách viết về Thủ đô Hà Nội rất nhiều, như: Lịch sử thủ đô Hà Nội của GS. Trần Huy Liệu (NXB Sử Học, 1960); Hà Nội nghìn xưa của GS. Trần Quốc Vượng … (NXB Quân đội nhân dân, 2004); Thăng Long - Hà Nội do Lưu Minh Trị và Hoàng Tùng đồng chủ biên (NXB Chính trị quốc gia, 1999); Thủ đô Hà Nội do Lưu Minh Trị chủ biên (NXB Hà Nội, 2000), v.v… Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho xuất bản cuốn sách “Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” là cần thiết. Việc giới hạn phạm vi nội dung sách là hợp lý; Trọng tâm sách là viết về thời kỳ đổi mới và hướng tới tương lai, tuy vẫn có một phần giới thiệu tóm tắt quá trình lịch sử trước thời kỳ đổi mới. 2. Về kết cấu của đề tài cuốn sách, về cơ bản là hợp lý: Lời mở đầu, 3 phần, 9 chương, và kết luận. Nội dung 3 phần này, nhất là phần 2 và phần 3 đã thể hiện chủ đề lớn của cuốn sách. 3. Gợi ý về tên các phần, chương trong Đề cương: - Tôi băn khoăn tên gọi ở phần thứ nhất: “Hà Nội thời tiền đổi mới”. “Đổi mới” là thời kỳ lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh, dùng khái niệm “Tiền” ở đây có lẽ không chỉnh (Tiền Thăng Long, Tiền Pháp thuộc …). Đề nghị dùng cụm từ phù hợp, ví dụ: “Hà Nội - những chặng đường lịch sử và trước thời kỳ đổi mới”. - Chương II (trang 4): “Hà Nội (trăn trở) tìm đường đổi mới”. Tên gọi chương này cần xem xét cẩn trọng. Tìm đường Đổi mới là nói ở Trung ương, là ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, còn ở Hà Nội không rõ tuy có trăn trở … Hồi đó, ở Hà Nội có “rục rịch” đổi mới và khởi động về cơ chế đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Khi có Chỉ thị 100 thì ở Hà Nội mới có chuyển biến trong nhận thức đổi mới… Theo tôi chương này cần viết gọn lại, nên viết sự khởi động đổi mới ở Hà Nội là từ năm 1981 (trước đó chưa có gì đáng nói). Tôi chỉ góp vài ý, để chủ đề tài tham khảo. Sách này cần in song ngữ, có nhiều ảnh minh hoạ ./.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)