Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Giáo dục Thăng Long – Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
Tác giả: PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 476 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu của đề tài "Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội, định hư­ớng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa " do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế làm chủ nhiệm, với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có liên quan. Đây là đề tài trong tổng thể chư­ơng trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.09: Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô.

Tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các nhà giáo dục và những người quan tâm đến giáo dục,  cuốn sách này tập trung vào:

Về không gian, là thủ đô Hà Nội theo địa giới hành chính hiện nay. Tuy nhiên, phần lãnh thổ trung tâm và ổn định nhất, có bề dầy thời gian nhất trong toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội là các quận nội thành, vì thế trong thời kỳ cổ trung đại và cận đại, tập trung ở phần lãnh thổ này.

Về thời gian, là quá trình lịch sử của giáo dục Thăng Long - Hà Nội, từ thời kỳ Tiền Thăng Long, Thăng Long, Pháp thuộc cho đến thời hiện đại. Trong đó, Hà Nội giai đoạn sau 1954 và nhất là từ sau 1975 đến nay được quan tâm khảo sát kỹ lưỡng hơn.

Về nội dung, là vấn đề giáo dục Thăng Long - Hà Nội, từ lịch sử hình thành và thực tế phát triển, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, thành công cũng như hạn chế; trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất, định hướng, quan điểm và giải pháp nhằm phát triển giáo dục với vai trò là nguồn động lực quan trọng phát triển toàn diện Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Sách cùng chuyên mục

Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Phạm Quang Long và Ông Bùi Việt Thắng (Dồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
842 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)”

Phong trào Thơ mới là một trào lưu thơ ca có vai trò quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Tuy chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng với những cách tân lớn lao về mặt nội dung và hình thức nghệ thuật, phong trào đã mở ra một thời đại mới cho nền thi ca dân tộc. Đã có rất nhiều cuốn sách nghiên cứu về phong trào Thơ mới trên tất cả các phương diện tuy nhiên chưa có công trình nào mang tính hệ thống lại toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển của phong trào theo hình thức biên niên. Với sự cần thiết đó, đề tài “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” đã được tổ chức biên soạn trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Nguyễn Hữu Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1 - Số trang: 776; Tập 2 - Số trang: 816
16x24

Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Phong trào Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.
PGS. Trần Nghĩa (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
860 trang
16x24cm

Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và hiện đại

Quá trình hình thành và phát triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những đóng góp của các thế hệ của những người trẻ tuổi. Thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội, từ đời này sang đời khác luôn là những người đi tiên phong trong lao động sáng tạo, chiến đấu, chống ngoại xâm, giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp rất đặc trưng của “con người Tràng An”. Những người trẻ tuổi vừa bảo vệ các giá trị truyền thống vừa mang đến cho cuộc sống và văn hoá sự trẻ trung sôi nổi nhưng cũng đầy tinh tế của Thăng Long - Hà Nội.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
336 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách “Kinh đô Rồng từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”

 Nói đến văn hiến Thăng Long, một trong những truyền thống mà chúng ta không thể không nhắc đến là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Với nguồn tư liệu phong phú cùng cách viết mạch lạc, khúc triết, cuốn sách đã tổng kết truyền thống thượng võ từ thời cổ đại đến nay, đồng thời phác họa mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. 

Nguyễn Khắc Phục - Bằng Việt
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
604
16x24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS Phạm Tất Dong (25/08/2011)
1. “Giáo dục, đào tạo Thăng Long - Hà Nội (Quá trình, bài học lịch sử và định hướng phát triển)” là một chuyên khảo (Monographie) về sự phát triển của nền giáo dục qua 1000 năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ Triều Lý đến giai đoạn hiện tại. Cuốn sách 359 trang vi tính, khổ giấy A4, gồm Mục lục, phần Mở đầu, 5 chương và danh mục các tài liệu tham khảo. Đọc xong cuốn sách, ấn tượng đậm nét nhất của độc giả là: - Đây là một chuyên khảo rất bổ ích cho những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử giáo dục Thăng Long - Hà Nội bởi nội dung của nó là một khối tư liệu và số liệu khá đồ sộ, phản ánh một chuỗi sự kiện giáo dục liên tục (không bị đứt đoạn) qua gần 900 năm của các triều đại phong kiến Việt Nam, gần 100 năm Thăng Long - Hà Nội chịu số phận chung của dân tộc bị kìm kẹp của chế độ cai trị do Đế quốc Pháp áp đặt và 80 năm đấu tranh của nhân dân chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách cũng rất bổ ích đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội, yêu mến Hà Nội của chúng ta - một trung tâm văn hoá của cả nước, một cái nôi mà từ đó sinh ra những nhân tài cho đất nước, làm rạng danh dân tộc. - Cuốn sách làm cho người đọc tự hào thêm về nền văn hiến Việt Nam, về một nền văn hoá có những đặc trưng rất “Việt Nam” và cũng rất nhiều sắc thái riêng của Thăng Long - Hà Nội. Nếu những ai đã từng tự hào về một Việt Nam với một nền giáo dục lâu đời với những truyền thống giáo dục rất độc đáo thì đọc cuốn sách này lại càng thêm tự hào bởi giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội đã góp phần rất lớn vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. - Cuốn sách đã được đầu tư nhiều công sức để hình thành một hệ thống tư liệu có sự xếp sắp theo một logic khá chặt chẽ, có sự phân tích khách quan những quan điểm, tư tưởng giáo dục qua các thời kỳ Nho học, “Tây học”, rồi đến giáo dục thời kỳ cách mạng, từ Đông Kinh nghĩa thục đến Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ rồi đến nền giáo dục hiện đại qua những cuộc Cách mạng giáo dục 1950, 1956, 1979 và tiếp đó là giáo dục Đổi Mới đi vào giai đoạn phát triển kinh tế thị trường và cuối cùng là xây dựng một nền giáo dục khi Việt Nam đã là thành viên của WTO. Sự phân tích khách quan đã giúp người đọc có suy ngẫm sâu hơn, chín hơn trước những cái được và cái chưa được trong giáo dục, trước những cái hay đã gặt hái và những cái tiêu cực cần khắc phục. Chẳng hạn, đánh giá về giáo dục “Tây học” mặc dù mang tính rất phản động của nó, song nó đã đưa giáo dục ra khỏi ảnh hưởng bảo thủ, lỗi thời của Nho học là một phân tích đúng, một đánh giá công bằng nhờ vào tư duy biện chứng của nhóm tác giả. Tôi thấy có thể chấp nhận cấu trúc của cuốn sách này, mặc dầu trong từng phần, chỗ nào cũng thấy có “cổ” và đồng thời có cả “kim”. Người đọc có thể khó theo dõi, nhưng tôi cho rằng, đây cũng là một phương pháp trình bày cần tôn trọng. 2. Với một hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thấy có một số điểm cần bàn thêm, có thể tác giả đúng hơn tôi, nhưng vì là người làm nhiệm vụ thẩm định, tôi thấy cần nói. a) Nên viết lại phần Mở đầu. Phần này chỉ có 3 trang rưỡi thôi mà thấy lủng củng về câu chữ. Người ta thường nói “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, điều này đúng với cả việc đọc sách. Mấy trang đầu phải thật thanh thoát, trôi chảy, dẫn người đọc phải nhanh chóng đi vào chương thứ nhất. Cách dùng từ, dùng câu phức hợp ở đây có nhiều chỗ không ổn. Là người biên tập nhiều văn kiện và nhiều bài báo, tôi thấy phải sửa nhiều câu chữ lắm. Xin chú ý tham khảo. b) Cụm từ giáo dục, đào tạo ở đây không ổn. Ta đang nghiên cứu giáo dục như một lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế quốc dân, như một sự nghiệp đưa từng con người ra khỏi trạng thái ban đầu trong cuộc đời họ và giúp con người tự phát triển những năng lực đang tiềm tàng trong họ (như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói - đó là những năng lực sẵn có). Ta không nên nói đến cái tên Bộ Giáo dục và Đào tạo (mà thực ra, gọi tên là Bộ Giáo dục vẫn hay hơn), mà ta nói đến sự nghiệp giáo dục, hệ thống giáo dục, tư tưởng giáo dục. Vậy nên dùng một thuật ngữ Giáo dục (Education) thôi, nên bỏ từ Đào tạo (Formation) đi. Nói đến Giáo dục là nói đến cả đào tạo vì đào tạo bao giờ cũng nói giáo dục nghề (Formation professionelle). c) Một vài chỗ có liên quan đến văn kiện của Đảng cần được trích dẫn chính xác. Ví dụ ở trang 152, tác giả có nói đến phương châm giáo dục (theo Nghị quyết cải cách giáo dục năm 1956): “Học kết hợp với thực hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, nhà trường gắn với xã hội”. Nếu tôi không nhầm thì phương châm giáo dục lúc đó là “Liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đời sống của xã hội”. (Theo tài liệu “35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông”, Chủ biên: Võ Thuần Nho, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1980, tr.86). Đến cải cách giáo dục 1979, phương châm giáo dục mới được xác định là “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Tôi chỉ nêu một ví dụ. Thực ra, trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, giáo dục Hà Nội còn có rất nhiều sự kiện, tất nhiên, cuốn sách này cũng không cần phải liệt kê ra hết. d) Hiện nay, nói đến giáo dục ở Hà Nội, tôi thấy có hai vấn đề lớn mà cuốn sách này hầu như không nói đến, mà lại là hai vấn đề quan trọng, rất thời sự và rất thời đại. - Trước hết, đó là xây dựng xã hội học tập (La société educative) theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và X. Để có được cái gọi là xã hội học tập, vấn đề đặt ra cho Hà Nội hiện đại việc thực hiện phương thức Học tập suốt đời (Apprendre tout au long de la vie), giáo dục thường xuyên (Éducation permanente), đào tạo liên tục (Formation contenue). Đặc biệt là, trong nhiều năm qua, Hà Nội có nhiều thành tích trong việc giảng dạy cho người lớn (Enseignement des adultes). Theo Hội Khuyến học Hà Nội và Sở Giáo dục Hà Nội, thành tích về giáo dục thường xuyên, về trung tâm học tập cộng đồng, về phong trào gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học là khá lớn, cũng đáng tự hào. - Hai là, Hà Nội đang mở rộng dần mối quan hệ hợp tác, liên kết mở các loại hình trường lớp có yếu tố nước ngoài sau khi Việt Nam là thành viên của WTO. Vấn đề dịch vụ giáo dục có tính thương mại hoá do Hiệp định chung về Thương mại dịch dụ (GATS) được thực hiện ở Hà Nội là một dấu hiệu mới trong sự phát triển của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Đúng, sai ra sao, có những biểu hiện tích cực và tiêu cực gì v.v… rất đáng được bình luận. Hiện Hà Nội có • 24 cơ sở giáo dục có 100% vốn đầu tư nước ngoài; • 3 cơ sở văn hoá - giáo dục nước ngoài đang hoạt động để phát triển, giao lưu văn hoá - giáo dục của Thủ đô; • 5 cơ sở giáo dục có 100% vốn đầu tư Việt Nam nhưng đối tượng học là con em người nước ngoài, sử dụng giáo viên người nước ngoài; • 23 trường trong và ngoài công lập dùng chương trình nước ngoài theo phương án liên kết đào tạo, cấp bằng nước ngoài, sử dụng giáo viên nước ngoài; • 65 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 130 tổ chức dịch vụ tư vấn du học tự túc có đối tác là những cơ sở giáo dục nước ngoài (do các Công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập). Tôi có ý muốn thêm các mục này để nội dung cuốn sách hoàn chỉnh thêm. Song, phải nhắc lại là, tôi không yêu cầu phải thêm vào, bởi có thêm như vậy thì rồi vẫn phải thấy rằng, sẽ còn cái nên thêm. 3. Tóm lại, tôi thấy đây là một công trình viết về lịch sử phát triển sự nghiệp giáo dục ở Hà Nội, rất công phu, rất bổ ích. Cần biên tập câu chữ chu đáo, sửa hết các lỗi chính tả và lỗi kỹ thuật in ấn vi tính, và bây giờ thì phụ thuộc phần lớn vào Ban biên tập của Nhà xuất bản Hà Nội.
PGS.TS. Bùi Xuân Đính (25/08/2011)
Về ý nghĩa của cuốn sách, tôi không có ý kiến gì khác, chỉ nêu một số điểm sai sót, không hợp lý và nghi vấn để các tác giả xem xét, chỉnh sửa, để khi bản thảo được in ra, sẽ làm hài lòng người đọc. 1. Về nội dung Giáo dục và đào tạo là hai mặt khác nhau, song gắn bó với nhau, có tác động lẫn nhau, nên cái khó khi trình bày là vừa phải tách ra (không nhập làm một), vừa phải “gắn kết” lại. Giáo dục và đào tạo bao gồm nhiều nội dung, song khi trình bày phải làm rõ được một số điểm chính yếu sau: - Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội tạo ra nền giáo dục và đào tạo - Mục đích, muc tiêu của giáo dục và đào tạo - Những nội dung giáo dục và đào tạo - Phương thức tổ chức thực hiện - Kết quả và ảnh hưởng của giáo dục và đào tạo đối với các mặt đời sống - Bài học kinh nghiệm của nền giáo dục và đào tạo Tiếc rằng, nội dung của bản thảo không làm người đọc thỏa mãn được những vấn đề chính yếu trên đây. 2. Về Bố cục Cần bổ sung Chương 2 vì chỉ có 44 trang (không bằng một nửa Chương 1), gây ra sự mất cân đối. 3. Về số lượng các tiến sĩ Nho học (1075 - 1919) của cả nước Các tác giả không cập nhật Tài liệu tham khảo, vẫn dùng sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (CNKBVN) xuất bản năm 1993, không dùng bản tái bản năm 2006 đã được bổ sung, chỉnh sửa số liệu các nhà khoa bảng. Tuy nhiên, ngay cả việc dùng CNKBVN bản 2006 cũng cần xem xét lại vì có những điểm không hợp lý, thiếu lôgíc như sau: Sách CNKBVN trong lần xuất bản đầu (năm 1993) thống kê được 2898 người; đến lần tái bản năm 2006 lại chỉ ghi 2894 người. Các con số trên đây chỉ là tương đối, chưa thể là con số cuối cùng, tuyệt đối chính xác được, vì nguồn sử liệu và Đăng khoa lục ghi chép không đầy đủ. Hơn nữa, sách CNKBVN chép cả một số người đỗ khoa Hoành từ vào đầu thời Lê Sơ, trong khi những người đỗ kỳ thi này ở các vương triều sau lại không được thống kê. Sự chênh lệch trên đây có các nguyên do sau: Trước hết, con số 2898 hay 2894 nhà khoa bảng phải gọi là “lượt người” mới thỏa đáng, vì có một số người đỗ “trùng”, cụ thể: - Có 2 người hai lần đỗ ở hai vương triều khác nhau (như Nguyễn Thiên Túng và Phan Phu Tiên đều đỗ Thái học sinh ở cả thời Trần và thời Lê Sơ); - 2 người đã đỗ Phó bảng tại kỳ thi Hội, sau lại đỗ Tiến sĩ khoa thi Nhã sĩ cùng năm đó (Vũ Duy Thanh và Vũ Huy Dực đỗ Phó bảng, sau lại đỗ Bảng nhãn và Thám hoa khoa Nhã sĩ cùng năm Tân Hợi đời Vua Tự Đức, năm 1851); - 5 người đã đỗ một khoa, nhưng không nhận học vị để thi lại vào khoa sau, mong nhận được mức học vị cao hơn (như Nguyễn Nguyên Chẩn, Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Bạt Tụy). - Trong khi đó, Triệu Thái lại được ghi tên hai lần (một lần đỗ ở Trung Quốc, một lần đỗ ở Việt Nam). Trên thực tế, nước ta không chỉ có Triệu Thái đỗ ở Trung Quốc, mà còn có nhiều người khác, dân gian thường gọi họ là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, “Lưỡng quốc Tiến sĩ”, chẳng hạn, anh em Khương Công Phụ, Khương Công Phục (người tỉnh Thanh Hóa) cũng đỗ thời nhà Đường, thế kỷ VIII, được sử sách ghi nhận). Thứ hai, trong lần xuất bản năm 2006, các tác giả sách CNKBVN đưa ra con số 2894 nhà khoa bảng, do ghi (đánh số ký hiệu) hai lần của các nhà khoa bảng: Triệu Thái, Nguyễn Thiên Túng, Phan Phu Tiên, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Duy Tường (riêng Nguyễn Nhân Bị cũng ghi tên hai lần, nhưng với hai tên khác nhau, cả bằng chữ Việt và chữ Hán [Bỉ ……. và Bị …….] (1); trong khi Nguyễn Nguyên Chẩn, Trịnh Thiết Trường cũng đỗ hai lần, nhưng lại chỉ được ghi một lần. Tương tự, Bùi Văn Dị đã “đỗ Phó bảng khoa Ất Sửu niên hiệu Tự Đức (năm 1865), năm Thành Thái thứ hai (năm 1890), lại thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ”, nhưng lại chỉ được đánh số thứ tự một lần (số 2607) (2). Như vậy là thiếu nhất quán và không lô gíc. Kết hợp các danh sách trên, theo tôi, phải “loại” Triệu Thái đỗ lần đầu ở Trung Quốc (sách CNKBVN xếp vào thời Hồ) và những người đỗ hai khoa ghi tên hai lần thì chỉ còn 2889 người. Con số 2889 nhà khoa bảng mới là con số tương đối chính xác. 4. Về số lượng các tiến sĩ Nho học (1075 - 1919) của Thăng Long - Hà Nội (địa bàn mở rộng) Con số 634 người mà các tác giả đưa ra ở trang là không chuẩn. Vấn đề này (và cả vấn đề trên), các tác giả có thể tham khảo cuốn “Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long - Hà Nội” của tôi mới được Nhà xuất bàn Hà Nội ấn hành, tháng 4 năm 2010. Tôi đã điều tra, tính toán khá cẩn thận. 5. Nhiều sai sót không đáng có trong một công trình là một đề tài có mã số, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có tên tuổi 5.1. Câu cụt, câu tối nghĩa, dùng từ không chuẩn khá nhiều, ngay ở trang đầu của Mở đầu đã có một câu cụt và hai câu tối nghĩa. Văn phong nhiều chỗ rất “Tây”, hoặc “hàn lâm cầu kỳ”, không phù hợp với đông đảo người đọc “bình dân”. Nhiều từ viết sai chính tả; nhất là những đoạn có từ ngữ tiếng Pháp, cần chép lại cho đúng (ví dụ, trang 120). Nhiều từ viết tắt, trong đó có cả từ tiếng “Tây” mà không thấy ghi ở bảng các chữ viết tắt. Rất nhiều chỗ viết hoa tùy tiện. 5.2. Nhiều tư liệu sai, thậm chí có tư liệu sai nghiêm trọng: - Trang 27, thế kỷ XIV có nhà nho Cao Bá Quát (!?). - Nhiều đoạn chép nhà Lê Sơ tồn tại đến năm 1526. Thực tế, Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ, tháng Sáu năm Đinh Hợi (tháng 7 năm 1527), Mạc Đăng Dung từ quê ở làng Cổ Trai (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) về Thăng Long bắt ép vua (Lê Cung Hoàng) phải nhường ngôi. - Nhiều sai sót về địa danh hành chính (vừa không thống nhất việc dùng đơn vị hành chính hiện nay hay thời xưa), vừa không cập nhật sự thay đổi đơn vị hành chính hiện nay; nhiều người bị sai học vị, quê quán. Nhiều làng xã được chép trong sách CNKBVN là sai, nhưng vẫn được các tác giả dẫn lại. - Về khoa thi đầu tiên của nhà Lê Sơ, cần xác định lại là vào năm Bính Tuất - 1426 hay Đinh Hợi - 1427, trang 44 các tác giả không nhất quán giữa nội dung trong trang chính và chú thích. Các sách Đăng khoa lục đều chép khoa thi này được tổ chức tại dinh Bồ Đề (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên). Tuy nhiên, tra lại ĐVSKTT thì thấy, cho đến cuối năm Bính Ngọ (năm 1426), hành dinh của Bình Định vương Lê Lợi vẫn đóng ở Đông Phù Liệt (nay thuộc xã Đông Phù, huyện Thanh Trì), mãi đến tháng Giêng năm Đinh Mùi (khoảng đầu tháng 2 năm 1427) mới đóng ở dinh Bồ Đề. Vì vậy, có hai giả thiết đặt ra: hoặc khoa thi trên không phải được tổ chức ở Bồ Đề mà có thể ở Đông Phù Liệt; hoặc nếu được tổ chức tại Bồ Đề thì phải diễn ra vào năm Đinh Mùi (năm 1427), không phải vào năm Bính Ngọ (năm 1426). 6. Nhiều điểm không hợp lý Trước hết, về chữ viết tắt: các tác giả đã hơi lạm dụng chữ viết tắt (viết tắt cả trong tiêu đề các bài báo, các cuốn sách là Tài liệu tham khảo. Theo tôi, cần tôn trọng tiêu đề của tài liệu thư mục, không viết tắt. Thứ hai, có nhiều bài viết của cùng một cuốn sách đã bị các tác giả tách ra làm hai (hoặc nhiều hơn) tài liệu tham khảo. Chỉ cần đưa tên cuốn sách (hoặc đề tài) là đủ. Nếu vậy, cần xếp 12 tài liệu sau (theo 4 cặp): 101 - 148 - 149 - 193; 137 - 150 - 199 - 209; 145 - 151; 189 - 194 làm 4 tài liệu, lấy tài liệu có in đậm làm “chuẩn”. Tài liệu tham khảo nên xếp theo loại hình: sách, bài tạp chí, báo cáo đề tài khoa học, báo cáo của các cơ quan hành chính, cơ quan chuyên môn, tài liệu Hán Nôm, tư liệu chưa công bố ... Thứ ba, nhiều tài liệu tham khảo không được cập nhật, như cuốn CNKBVN, cuốn Tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội... Một số tài liệu cần được đưa vào Tài liệu tham khảo như cuốn Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội ((Nguyễn Viết Chức và Bùi Xuân Đính chủ biên), Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội của Đỗ Văn Ninh, xuất bản trước sách của Ngô Đức Thọ). Cần dẫn đủ nguồn tài liệu được trích dẫn. Thứ tư, không nên lấy năm dương lịch (đã được quy đổi theo niên biểu) làm “chuẩn” khi nhắc đến các sự kiện, bởi vì lịch dương mới dùng hơn một thế kỷ nay thôi. Cần dẫn năm Can - Chi gắn với niên hiệu triều vua rồi quy đổi sang lịch dương mới chuẩn. Ngoài những điểm trên đây, bản thảo còn rất nhiều lỗi kỹ thuật. Tài liệu tham khảo nhiều chỗ còn để trống. Kết luận: Đây là bản thảo sách của một đề tài có mã số, do nhiều nhà khoa học có tiếng đứng tên, nên cần cố gắng tránh sai sót tới mức cao nhất, để khi in ra, có chỗ đứng với bạn đọc. Tôi đề nghị trước khi cho in, các tác giả cần và nên: - Bổ khuyết lại những tư liệu chưa được cập nhật trên cơ sở các kết quả mới nhất đã được công bố về vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục và khoa cử Nho học. - Thận trọng sửa chữa những điểm sai sót về nhân vật, thời điểm, địa danh, đơn vị hành chính; những điểm bất hợp lý trong Thư mục tài liệu tham khảo, những câu tối nghĩa, câu cụt ... - Sửa lỗi kỹ thuật.
PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn (25/08/2011)
1. Bản thảo dày 353 trang đánh máy vi tính khổ A4 (kể cả 14 trang Tài Liệu tham khảo), nghĩa là số trang sách không lớn, nhưng lại chứa đựng một nội dung rất phong phú, trong đó đưa ra nhiều vấn đề của nền giáo dục, đào tạo ở Thăng Long - Hà Nội hơn 1000 năm qua, kể từ GD & ĐT, trước năm 1010 (được gọi là tiền Thăng Long) qua các đời Lý - Trần - Hồ, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, thời Pháp thuộc và từ 1945 đến nay. Có thể nói, khả năng bao quát vấn đề cũng như khả năng "cô đúc" vấn đề của ông chủ biên là rất tốt. 2. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình KX.09, đã được nghiệm thu cấp Nhà nước, do đó chất lượng bản thảo (đã được định hướng), theo tôi đánh giá là tốt, có thể cho xuất bản được. 3. Tôi chỉ đề nghị ông chủ biên xem lại đôi ba chi tiết, nên được chỉnh sửa cho kín kẽ hơn: a. Trang 11 (Chương I), tác giả viết: "Với Nho giáo, Nho học, Lê Tắc có điểm qua 156 viên..." và "...ảnh hưởng của Nho giáo, Nho học tập trung ở vùng đất trung tâm này". - Nếu dùng "Nho giáo" thì thôi "Nho học" (hoặc ngược lại) vì Nho giáo hay Nho học cùng là khái niệm chỉ học thuyết Nho gia lấy tư tưởng "tam cương, ngũ thường" của Khổng Mạnh làm trung tâm giáo dưỡng con người. Giới nghiên cứu Trung Quốc và cả Việt Nam gần đây đều dùng khái niệm Nho học, không dùng Nho giáo nữa. b. Trang 12, viết "Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn..." Cần giải thích rõ từ "Cổ văn Thượng thư" và "Kim văn Thượng thư" khác nhau thế nào. (Kim văn Thượng thư là bản dùng thể lệ thư đời Tây Hán viết, còn Cổ văn Thượng thư được viết theo thể cổ văn thời Tiên Tần). c- Trang 12, viết: "Mã Tổng, bạn của thi sĩ nổi tiếng Hàn Dũ..." - Hàn Dũ là nhà văn nổi tiếng, một trong Đường Tống bát đại gia. Không ai định danh Hàn Dũ là "thi sĩ nổi tiếng". d- Trang 21, viết: "Khi chọn lựa Nho giáo thời Tiên Tần làm nền tảng tư tưởng của một triều đại - khai cơ, Nho giáo đã có những bước đi đầu tiên có ý nghĩa quyết định ảnh hưởng ngày một rộng từ định hướng trong đời sống chính trị và ảnh hưởng đến giáo dục, đào tạo của người Đại Việt". - Trước hết, chữ "Tiền Tần" nên sửa thành "Tiên Tần". - Đọc đoạn văn dẫn trên, tôi hiểu tác giải muốn nói triều đại Lý đã lấy Nho giáo thời Tiên Tần, tức Nho giáo trước thời Tần, làm nền tảng tư tưởng. Đề nghị tác giả xem lại, vì trước thời Tần, tức là thời Xuân Thu - Chiến Quốc, xuất hiện "chư tử tranh minh", trong đó Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Danh gia, Pháp gia là nổi tiếng nhất. Nho gia tuy đứng đầu "hiển học" song vẫn chỉ là một trong 5 nhà. Đến thời Tần, nhà Tần dùng Pháp trị, đối với Nho thì đốt sách, chôn học trò ("Phần thư khanh Nho"). Sang thời Hán, thời Hán Quang Vũ bắt đầu tôn sùng đạo Nho, độc tôn Nho học. Đổng Trọng Thư là người đã tuyệt đối hóa đạo "Tam cương" của Khổng Tử và Nho học trở thành hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến Trung Quốc. Nho học ở Việt Nam thời Bắc thuộc là Hán nho. Từ thời Lý - Trần trở đi, Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tống nho. Đến thế kỷ XIX, từ Minh Mạng, Thiệu Trị tới Tự Đức, Thanh nho với đặc điểm "tri, hành kết hợp" đã dội ảnh hưởng sang Việt Nam khá rõ. e. Sửa lỗi đánh máy: Lê Quát đánh thành Cao Bá Quát (tr.27: "Nhập nội hành khiển Cao Bá Quát..."). "Thuật nhi bất tác" đánh thành "học nhi bất tác". "Thuật nhi bất tác" là câu Khổng Tử nói, ý rằng: ta chỉ thuật (theo chuyện cũ mà thuật lại, chép lại) mà không tác (không sáng tạo mới)...
PGS.TS. Vũ Duy Mền (25/08/2011)
I. Về việc đánh giá công trình Bản thảo công trình trên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá. Theo tôi đây là bản thảo được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc của tập thể các tác giả và do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế chủ biên. Trong đó chứa đựng cả một kho tàng tri thức đã được các tác giả khai thác, xử lý, giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu khoa học cùng những ai quan tâm đến không riêng gì giáo dục, đào tạo Thăng Long - Hà Nội, mà còn là lịch sử giáo dục, đào tạo của Việt Nam từ xưa đến nay. Có lẽ bài học về giáo dục, đào tạo luôn luôn là mới, không chỉ có sức hấp dẫn đối với chúng ta hôm nay, mà cả đối với thế hệ mai sau. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đúng thế. Hy vọng sau khi bản thảo được in thành sách sẽ rất hữu ích đối với đông đảo bạn đọc. II. Những góp ý cụ thể để nâng cao chất lượng bản thảo Tất cả những góp ý cụ thể, chi tiết tôi đã trực tiếp sửa trong bản thảo (bằng bút đỏ). Dưới đây xin nêu một số sai sót ở hình thức trình bày, hoặc ở phần nội dung. 1. Về hình thức trình bày - Phần Mục lục, tên các chương 2, 3, 4, 5, hoặc các tiểu mục 1, 2, 4 (chương 4), mục 2, 4 (chương 5) chưa ghi đúng như trong bản thảo. - Phần Mở đầu, tên các chương 2, 3, 4 chưa ghi đúng như trong bản thảo. - Đề mục không phản ánh đúng như trình bày trong bản thảo. Trang 308 ghi: "Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc". Bản thảo: Nhật Bản (tr.308), Trung Hoa (tr.310), Hàn Quốc (tr.315). - Có đề mục trong tr.5: "4. Giai đoạn từ 1987 đến nay" trong bản thảo không có nội dung. - Đánh máy trùng lặp, thừa tr.191. - Rất ít lỗi kỹ thuật vi tính. - Còn nhiều câu viết dài, diễn đạt chưa thật khoa học, trong sáng: tr.9, 19, 33, 42, 48, 49, 67, 197, 244, 327... - Một số chức danh chưa viết hoa chữ đầu: tr.11, 38, 39, 40, 44. 2. Về nội dung - Còn một số sơ suất nhỏ: + Một số họ tên người chưa chính xác: tr.7: "nguyễn Thị Phương Thúy" - Võ Thị Phương Thúy. Tr.27-30: "Lê Bá Quát" - Lê Quát. TR.69: "Nguyễn Quý Cảnh" - Nguyễn Quý Kính. Tr.89: "Vũ Huy Đức" - Nguyễn Huy Đức. + Một số địa danh chưa đúng hoặc chưa cập nhật Tr.54: "Thanh Xuân" - Thanh Trì Tr. 61: "(phường) Phục Cổ (Hàng Đào, Hoàn Kiếm)" - Hàm Long, Hai Bà Trưng. Tr. 85: "làng Dương Ngọc" - làng Lương Ngọc Tr. 207: "xã Trung Hòa, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, huyện Từ Liêm" - xã Trung Hòa nay là phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; xã Vĩnh Tuy nay là phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. + Niên hiện Tr.74: "Tự Đức (1847 - 1883)" - Tự Đức (1848 - 1883) Tr.87: "Thiệu Trị (1840 - 1817)" - Thiệu Trị (1841 - 1847) + Đã dẫn ở tr.176 "Đời sống của nhân dân... kịp thời". Dẫn lại ở tr.190, nên chăng? + Một số tài liệu khi dân chưa ghi xuất xứ: tr.294, 306, 307 3. Đề nghị Những điều được ghi ra ở trên để chia sẻ trước hết với tập thể tác giả và chủ biên công trình PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế và Ban biên tập Nhà xuất bản Hà Nội đã tin tưởng, gửi gắm. Mong rằng ý kiến nhỏ của tôi sẽ được các tác giả, Ban biên tập lưu tâm chỉnh sửa để bạn đọc sẽ có một cuốn sách chất lượng tốt hơn.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)