Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và hiện đại
Quá trình hình thành và phát triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những đóng góp của các thế hệ của những người trẻ tuổi. Thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội, từ đời này sang đời khác luôn là những người đi tiên phong trong lao động sáng tạo, chiến đấu, chống ngoại xâm, giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp rất đặc trưng của “con người Tràng An”. Những người trẻ tuổi vừa bảo vệ các giá trị truyền thống vừa mang đến cho cuộc sống và văn hoá sự trẻ trung sôi nổi nhưng cũng đầy tinh tế của Thăng Long - Hà Nội.
Tác giả: GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 336 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 1 - Trung bình: 4.50) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:
    Quá trình hình thành và phát triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những đóng góp của các thế hệ của những người trẻ tuổi. Thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội, từ đời này sang đời khác luôn là những người đi tiên phong trong lao động sáng tạo, chiến đấu, chống ngoại xâm, giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp rất đặc trưng của “con người Tràng An”. Những người trẻ tuổi vừa bảo vệ các giá trị truyền thống vừa mang đến cho cuộc sống và văn hoá sự trẻ trung sôi nổi nhưng cũng đầy tinh tế của Thăng Long - Hà Nội.
   Công trình nghiên cứu những đặc trưng về nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống lịch sử, đặc biệt là tính cách xung kích và sáng tạo trong học tập, lao động, chiến đấu chống ngoại xâm, so sánh với những biến đổi của nó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá Thủ đô Hà Nội và đất nước
   Công trình cung cấp những thông tin và luận cứ khoa học cho bạn đọc, những người quan tâm, đặc biệt là thanh thiếu niên thủ đô, giúp hiểu về đặc trưng và nhân cách truyền thống, củng cố niềm tự hào, kế thừa và phát huy những truyền thống này trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay.
 
 
Sách cùng chuyên mục

Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội

Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong nhiều năm qua. Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội, tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.
PGS.TS Lê Hồng Lý
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
400 trang
16x24 cm

Văn hiến Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
GS. Vũ Khiêu (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
hơn 2000 trang

Gia đình Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc cơ cấu cả Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II”. Sách do GS.TS Lê Thị Quý, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài gia đình, tổ chức biên soạn.

Lê Thị Quý
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
456
16x24

Kẻ sỹ Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Nhà thơ Bằng Việt
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
300
16x24 cm

LÀNG CỔ HÀ NỘI

 Thành phố Hà Nội hiện nay gồm 17 huyện, 12 quận và 1 thị xã. Với nông thôn rộng và vùng ven nội (huyện chuyển thành quận) còn sản xuất nông nghiệp, nên ở Hà Nội có nhiều địa danh mang tên làng, trong đó một số địa phương còn bảo tồn được các làng cổ. Là đề tài thuộc mảng sách Kinh tế, văn hoá, xã hội của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, bộ sách Làng cổ Hà Nội được giới thiệu do Tiến sĩ Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ trì việc tổ chức biên soạn.

Lưu Minh Trị
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1: 636, Tập 2: 620
16x24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (22/08/2011)
Về đề cương chi tiết công trình “”Tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại”, tôi có một số nhận xét như sau: 1. Tác giả đã tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp và kết luận tại buổi nghiệm thu (20/10/2008) và sửa chữa nhiều nội dung, chuyển từ ý định “Tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội, xung kích và sáng tạo” sang hướng nghiên cứu vẻ đẹp truyền thống của tuổi trẻ Hà Nội và đặc điểm mới của tuổi trẻ Thủ đô thời hiện đại. Đó là hướng đi đúng, phù hợp, có khả năng khai thác và phát hiện tính đặc thù trong nhân cách tuổi trẻ Hà Nội và có ý nghĩa thực tiễn đối với việc rèn luyện, giáo dục tuổi trẻ hiện nay. 2. Các nội dung cơ bản trong đề cương là tốt, có tính hệ thống đi từ quá khứ, truyền thống đến hiện tại, chú ý những vẻ đẹp nổi trội của tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội. 3. Xin lưu ý tác giả hai điểm sau: a. Khi đề cập đến nét đẹp của tuổi trẻ Hà Nội thời CNH, HĐH nên chú ý đến sự biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ để tìm đến những giá trị mới của tuổi trẻ thời hiện đại và cuộc đấu tranh phức tạp với những cái xấu, cái ngoại lai… b. Cách viết đảm bảo cả tính nghiên cứu, đồng thời có sức hấp dẫn, phù hợp với đông đảo người đọc trẻ tuổi. Tôi tán thành nội dung đề cương này và đề nghị Nhà xuất bản xem xét, ký hợp đồng với tác giả biên soạn công trình này.
TS. Lê Văn Cầu (22/08/2011)
1- Nhận xét chung: Đề cương đề tài: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội - Những nét đẹp truyền thống và hiện đại” đã được hoàn thiện theo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, có chất lượng của tác giả. Cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu mà tác giả đề xuất có tính mới, sáng tạo, độc đáo, phù hợp rất có sức thuyết phục. Kết cấu nội dung gồm 3 chương và 12 tiết là hợp lý, nội dung thể hiện ở cả 3 chương đảm bảo sự cân đối và đầy đủ đáp ứng được mục đích nghiên cứu của đề tài, đó là: nghiên cứu những nét đẹp về nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống lịch sử, so sánh với những biến đổi của nó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá thủ đô Hà Nội và đất nước. 2- Một số ý kiến đóng góp thêm: - Tên của tiết 2 (chương 1) nên bỏ bớt 6 từ đầu để thống nhất với tên của các tiết khác trong chương 1. Cụ thể tên tiết 2 là: Từ tình cảm quê hương đến tình yêu đất nước. - Trong tiết 3 (chương 1) nên nhập 2 mục: ý chí vươn tới; sự kiên trì nhẫn nại, vượt qua khó khăn thành 1 mục và bổ sung thêm một mục về sự sáng tạo trong lao động. Vì tên của tiết 3 có bao gồm cả sự sáng tạo. - Tên của chương 2 nên sửa lại là “Tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. - Chương 3, ngoài những thách thức đang đặt ra cần bổ sung và nhấn mạnh những thuận lợi và thời cơ lớn đang đến. 3- Kết luận: Đề cương đề tài “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội - Những nét đẹp truyền thống và hiện đại” đảm bảo tính khả thi cao, đề nghị NXB Hà Nội ký hợp đồng triển khai thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Xuân Mai (22/08/2011)
1. Đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và sáng tạo là một đề tài lý thú, hấp dẫn, nhưng nhiều khó khăn, thách thức và chưa có những nghiên cứu tương tự được công bố. Đề tài này là phù hợp và cần thiết đối với việc điều tra, sưu tầm, biên soạn, xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, thuộc Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội. Tác giả đã tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết về sửa đổi tên đề tài. 2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài về những nét đẹp nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống lịch sử, nhưng tác giả đã tập trung vào hai nét đặc trưng chủ yếu của nhân cách tuổi trẻ - xung kích và sáng tạo và so sánh với những biến đổi của nó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Sự lựa chọn này là hoàn toàn xác đáng, bởi sự hình thành và phát triển nhân cách được quyết định bởi lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của người dân và tuổi trẻ Thăng Long, cũng như những đòi hỏi bức bách của đất nước, của Hà Nội hiện tại, đối với thế hệ trẻ Thủ đô, trong quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. Sự lựa chọn này nhấn mạnh vai trò chủ thể của thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội trong quá trình lịch sử và sự phát triển hiện tại, cũng như tương lai. Việc so sánh những biến đổi của hai nét đặc trưng nhân cách này, giữa quá khứ và hiện tại, cho phép tác giả đề xuất được những giải pháp kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, cũng như hình thành những đặc điểm nhân cách mới của tuổi trẻ Thủ đô, đáp ứng những đòi hỏi của quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế ở Hà Nội và cả nước. 3. Cách tiếp cận liên ngành lịch sử, nhân học, văn hóa học và xã hội học cho phép tác giả có đầy đủ khả năng hoàn thành mục tiêu nghiên cứu nhiều thách thức và lý thú này. Tuy nhiên, nếu có thể, việc bổ sung thêm cách tiếp cận tâm lý học có thể giúp ích ít nhiều cho một đề tài nghiên cứu về nhân cách. 4. Phương pháp nghiên cứu, phân tích các tư liệu lịch sử và văn hóa cho phép làm sáng tỏ qui luật và xu hướng biến đổi của hai nét đặc trưng nhân cách - xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội theo dòng thời gian. 5. Cuộc điều tra xã hội học bằng phương pháp định lượng đã được đưa ra khỏi quá trình nghiên cứu bởi sự hạn chế về kinh phí là đúng đắn và việc sử dụng những dữ liệu điều tra xã hội học vốn có, có thể làm tư liệu tốt cho việc biên soạn sách. Phương pháp định tính xã hội học có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục về tính xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội trong hiện tại, cũng như những hồi cố của thế hệ cha anh họ về những đặc trưng nhân cách này. Phương pháp chuyên gia được các tác giả chú ý đúng mức, có thể tiếp thu được những luận điểm đáng chú ý, những sự khái quát, tổng hợp sắc sảo. 6. Cấu trúc sản phẩm nghiên cứu của đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và sáng tạo chia làm 3 phần, có mối liên hệ logic, thể hiện rõ rệt cách tiếp cận liên ngành, đáp ứng với mục tiêu nghiên cứu đề ra. Vì nhân cách là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử xã hội, nên ở phần Một và phần Hai, có thể tác giả bổ sung thêm các nội dung về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và Thăng Long-Hà Nội, như là những nhân tố tác động đến sự hình thành và phát triển các đặc trưng xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ, ở vùng đất địa linh, nhân kiệt. Phần 4 của chương 2 có thể xem xét mở rộng thêm về nội dung Những biến đổi về lối sống và văn hóa. Trong phần Ba tác giả có thể xem xét bổ sung thêm nội dung là các cơ hội và thách thức của xã hội hiện đại. Đó là những cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, của sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của quá trình dân chủ hóa đất nước, của sự tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, của sự phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô, cuả sự gia tăng mức sống... Những cơ hội này tác động ngày càng mạnh mẽ đến tính xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ và làm tăng cường khả năng của họ - với tư cách là các chủ thể góp phần thúc đẩy quá trình CNH -HĐH Thủ đô. 7. Bản đề cương nghiên cứu đề tài, Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và sáng tạo cho thấy tác giả đề tài đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến của Hội đồng nghiệm thu. Bản đề cương đề tài, Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và sáng tạo được đánh giá cao về chất lượng và hoàn toàn có thể nghiệm thu được.
TS. Lưu Minh Trị (22/08/2011)
Tôi đã đọc kỹ Đề cương chi tiết đề tài (tên mới). Xin được nhận xét và góp ý như sau: 1. Tôi nhất trí với tên đề tài, cũng là tên cuốn sách: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội - những nét đẹp truyền thống và hiện đại”. Tên sách như vậy, sẽ thu hút không chỉ cán bộ Đoàn, Hội… mà còn tạo sự chú ý của bản thân thanh niên tìm đến sách và đọc sách. 2. Đề cương chi tiết đã thể hiện toàn bộ chủ đề (tên sách) 3. Góp ý: Từ chương 2 không nên dùng cụm từ “Thăng Long - Hà Nội” nữa. Chẳng hạn, tên chương 2 cần viết là: “Tuổi trẻ Hà Nội trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá”. Khi nói lịch sử, thì nói đến “Thăng Long”, còn nói đến hiện đại thì chỉ cần dùng từ “Hà Nội” (Thực ra tên “Hà Nội” bắt đầu gọi từ 1831. Vì vậy, khi nói lịch sử thì dùng cả cụm từ Thăng Long - Hà Nội, còn nói hiện tại thì chỉ dùng từ “Hà Nội” ).
PGS.TS. Vũ Văn Quân (22/08/2011)
- Trước hết, tôi tiếp tục khẳng định sự đồng tình với việc triển khai đề tài này, và hoàn toàn tin tưởng vào năng lực chuyên môn và khả năng tổ chức thực hiện của GS.TS Đặng Cảnh Khanh . - Bản thuyết minh đề cương nghiên cứu được thực hiện bài bản, công phu, đã làm rõ mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ; lịch sử nghiên cứu vấn đề; cách tiếp cận; phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu. - Cấu trúc sách thành ba chương phản ánh toàn diện các vấn đề cần đề cập, nhìn trong toàn bộ quá trình lịch sử, hiện tại và xu hướng vận động và rất hài hòa giữa cái khái quát và cái cụ thể. - Tuy nhiên, tôi vẫn có băn khoăn. Ở bản thuyết minh trước các tác giả chia nội dung cuốn sách thành quá nhiều chương và đặc biệt tính chỉnh thể trong cơ cấu cuốn sách chưa thật đảm bảo, vì thế hội đồng nghiệm thu đã góp ý đề nghị điều chỉnh. Bản thuyết minh lần này chỉ còn ba chương. Với dự kiến dung lượng sách 350 trang, tính ra trung bình mỗi chương trên dưới 120 trang. Như vậy lại quá dài, rất nặng nề cho người đọc. Nên chăng ba chương chuyển thành ba phần, trong phần có nhiều chương (thậm chí mỗi mục như hiện nay có thể chuyển thành một chương - tổng cộng 12 chương, mỗi chương trên dưới 30 trang in) - Kết luận: Góp ý trên của tôi chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Trân trọng đề nghị Chủ nhiệm Dự án khẩn trương ký Hợp đồng triển khải để công trình hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (22/08/2011)
1. Trong tổng thể các đề tài về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, đề tài về tuổi trẻ là cần thiết, có tính đặc thù, có thể khai thác, phân tích nhiều nội dung thú vị. Trong khi đó, những kết quả nghiên cứu về vấn đề này đã có khá nhiều, nhưng còn đơn giản, có tính chất tổng kết về mặt xã hội, miêu tả các thành tích, ít chú trọng nhìn nhận vấn đề theo hướng khoa học, gắn với tiến trình lịch sử và đặc trưng văn hoá. Với những lý do đó, tôi tán thành việc tổ chức nghiên cứu đề tài này nằm trong hệ thống các đề tài trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội. 2. Về chiều rộng, đề cương của đề tài này đã bao quát một phạm vi lớn, vừa nhìn nhận nó theo hướng lịch sử, phân tích từ các phương diện khác nhau trong tiến trình lịch sử, vừa cố gắng đánh giá theo các vấn đề có tính đặc trưng của tuổi trẻ và dành một phần quan trọng cho những vấn đề hiện tại. Tư liệu trích dẫn đầy đủ - Phương pháp nghiên cứu hợp lý với những kết quả trên, nhóm tác giả có khả năng triển khai tốt đề tài này. 3. Tuy vậy, đề nghị cân nhắc một số nội dung sau: a. Khái nhiệm “tuổi trẻ” bao gồm từ lứa tuổi nào? Thiếu niên có thuộc phạm trù này không hay chỉ “thanh niên” từ 15 đến 30 tuổi. b. Khái niệm “xung khích và sáng tạo” có thuộc đặc thù của tuổi trẻ không? Và có phải chỉ của tuổi trẻ Hà Nội không, đặc biệt là “sáng tạo”? Mặt khác, nói đến “xung kích, sáng tạo” chủ yếu là hành động, hoạt động, vậy quan hệ của nó với các đặc trưng, giá trị, tinh thần, tình cảm, tâm hồn, tâm lý… trong nhân cách thanh niên? Trong khi đó, phải chăng giá trị cần đạt tới của đề tài này phải là những nội dung này, chứ không phải chỉ tổng kết, miêu tả những kết quả của xung kích và sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của thanh niên. c. Trong đề cương, đề cập rất nhiều đến “những biến đổi trong nhân cách và văn hoá của thế hệ trẻ” (trang 10), “sự thay đổi các giá trị sống trong thanh thiếu niên” (trang 12). Các chương VI và IX đều tập trung nêu các xu hướng biến đổi và phát triển (trang 12) (6 từ “thay đổi”, “biến đổi”) là một nội dung hay, khó song liệu có nằm trong nội dung đề tài “xung kích và sáng tạo”? d. Khi nêu những giải pháp “giữ gìn và phát huy truyền thống…” (trang 13) chỉ đề cập đến các giải pháp nằm ngoài tuổi trẻ, mà không nêu giải pháp của bản thân tuổi trẻ. Một số ý kiến trên để các đồng chí tham khảo./.
TS. Lê Văn Cầu (22/08/2011)
Qua nghiên cứu đề cương đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, xung kích và sáng tạo của GS, TS. Đặng Cảnh Khanh, tôi xin nêu một số ý kiến nhận xét sau đây: 1- Nhận xét chung: Đề cương đề tài: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, xung kích và sáng tạo được xây dựng chi tiết, công phu, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, có chất lượng của tác giả. Lý do chọn đề tài có tính thuyết phục; cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu mà tác giả đề xuất có tính mới, sáng tạo, độc đáo, phù hợp rất có sức thuyết phục. Kết cấu nội dung gồm 3 phần, 13 chương nhìn chung là hợp lý, nội dung thể hiện ở cả 13 chương đảm bảo sự cân đối và đầy đủ đáp ứng được mục đích đặt ra của đề tài. 2- Một số ý kiến đóng góp thêm: - Về lý do chọn đề tài, tác giả đã đưa ra được những lý do có tính thuyết phục vừa có ý nghĩa về mặt lý luận vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn và là vấn đề quan trọng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ ngày nay, tuy nhiên nên bổ sung thêm một lý do mang tính cấp thiết về thực trạng đáng lo ngại hiện nay, đó là vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa phát huy được truyền thống xung kích và sáng tạo của Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trong học tập, lao động và công tác. - Về các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, có thể tham khảo thêm các đề tài nghiên cứu khoa học của thành Đoàn Hà Nội và các luận án thạc sĩ, tiến sĩ.... Trong đó có luận án “Thanh niên Thủ đô Hà Nội trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước (1965-1975)” của tiến sĩ Phạm Bá Khoa, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam. - Nên sửa lại chương III: Ý chí kiên cường và sáng tạo trong lao động thành: Truyền thống xung kích và sáng tạo trong lao động của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội cho phù hợp với chương IV và V, theo đó bổ sung thêm nội dung xung kích trong lao động vào chương III. - Nên viết gọn lại tên Chương VI: Kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập và sự thay đổi giá trị sống trong thanh niên Thủ đô hiên nay. Đề xuất: Chương VI: Những thay đổi giá trị sống trong thanh niên Thủ đô hiện nay. (Hiện nay đã bao hàm: Kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập). - Có tất cả 13 chương, tác giả đánh nhầm số chương (có 2 chương IV và 2 chương VIII) - Tên các chương sau cần bổ sung cho đầy đủ câu: + Chương III đã đề cập ở trên + Chương IV: Truyền thống xung kích và sáng tạo trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. + Chương V: (chương IV trùng): Truyền thống xung kích và sáng tạo trong học tập của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. + Chương VIII (chương VII): Tuổi trẻ xung kích và sáng tạo trong lao động xây dựng thủ đô. + Chương IX (chương VIII): Tuổi trẻ xung kích và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu xây dựng thủ đô. + Chương X (chương VIII trùng): Cảm thụ và sáng tao văn hoá của tuổi trẻ thủ đô. 3- Kết luận: Đề cương đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, xung kích và sáng tạo đảm bảo tính khả thi cao, đề nghị Hội đồng cho nghiệm thu để triển khai thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Xuân Mai (22/08/2011)
1. Đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội xung kích và sáng tạo là một đề tài lý thú, hấp dẫn, nhưng nhiều khó khăn, thách thức và chưa có những nghiên cứu tương tự được công bố. Đề tài này là phù hợp và cần thiết đối với việc điều tra, sưu tầm, biên soạn, xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, thuộc Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội. 2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài về đặc trưng nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, nhưng tác giả đã tập trung vào hai nét đặc trưng chủ yếu của nhân cách tuổi trẻ - xung kích và sáng tạo. Sự lựa chọn này là hoàn toàn xác đáng, bởi phù hợp với sự hình thành và phát triển nhân cách được quyết định bởi lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của người dân và tuổi trẻ Thăng Long, cũng như những đòi hỏi bức bách của đất nước, của Hà Nội hiện tại, đối với thế hệ trẻ Thủ đô, trong quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. Sự lựa chọn này là xác đáng vì phù hợp với vai trò chủ thể của thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội trong quá trình lịch sử và sự phát triển hiện tại, cũng như tương lai. Việc so sánh những biến đổi của hai nét đặc trưng nhân cách này, giữa quá khứ và hiện tại, cho phép tác giả đề xuất được những giải pháp kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, cũng như hình thành những đặc điểm nhân cách mới của tuổi trẻ Thủ đô, đáp ứng những đòi hỏi của quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế ở Hà Nội và cả nước. 3. Cách tiếp cận liên ngành lịch sử, nhân học, văn hóa học và xã hội học cho phép tác giả có đầy đủ khả năng hoàn thành mục tiêu nghiên cứu nhiều thách thức và lý thú này. Tuy nhiên, nếu có thể, việc bổ xung thêm cách tiếp cận tâm lý học có thể giúp ích ít nhiều cho một đề tài nghiên cứu về nhân cách. 4. Phương pháp nghiên cứu, phân tích các tư liệu lịch sử và văn hóa cho phép làm sáng tỏ qui luật và xu hướng biến đổi của hai nét đặc trưng nhân cách - xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội theo dòng thời gian. 5. Phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính xã hội học có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục về tính xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ Thăng Long-Hà Nội trong hiện tại, cũng như những hồi cố của thế hệ cha anh họ về những đặc trưng nhân cách này. Tuy nhiên, có thể rút bớt dung lượng mẫu định lượng xuống khoảng 500, đủ để phân tích phân tổ thống kê bậc 2 đối với số biến độc lập, mà tác giả đã nêu. Có thể bổ xung 1 biến độc lập nữa, mà tác giả đã đề cập đến khi chọn mẫu. Đó là nguồn gốc cư trú, một biến số cho phép nhìn nhận những nét chung, cũng như nét đặc thù về tính xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ từ khắp các miền đất nước, mang theo những đặc điểm văn hóa khác nhau, qui tụ ở Thủ đô Hà nội - vùng đất ngàn năm văn vật, nuôi dưỡng và tập hợp những nhân tài. Tác giả không đưa ra con số trường hợp nghiên cứu định tính, nhưng có thể lấy khoảng 40-50 trường hợp. Trong đó tác giả có thể cân nhắc đến việc mở rộng khách thể ra khoảng 10 trường hợp thế hệ trung niên và cao tuổi, để có thể có sự so sánh nhất định và thú vị về tính xung kích và sáng tạo ở các thế hệ, với những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. 6. Cấu trúc sản phẩm nghiên cứu của đề tài chia làm 3 phần, có mối liên hệ logic, thể hiện rõ rệt cách tiếp cận liên ngành, đáp ứng với mục tiêu nghiên cứu đề ra. Vì nhân cách là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử xã hội, nên ở phần Một và phần Hai, có thể tác giả bổ xung thêm các nội dung về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và Thăng Long-Hà Nội, như là những nhân tố tác động đến sự hình thành và phát triển các đặc trưng xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ, ở vùng đất địa linh, nhân kiệt. Trong phần Ba tác giả có thể xem xét bổ xung thêm nội dung là các cơ hội và thách thức của xã hội hiện đại. Đó là những cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, của sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của quá trình dân chủ hóa đất nước, của sự tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, của sự phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô, cuả sự gia tăng mức sống... Những cơ hội này tác động ngày càng mạnh mẽ đến tính xung kích và sáng tạo của thế hệ trẻ và làm tăng cường khả năng của họ - với tư cách là các chủ thể góp phần thúc đẩy quá trình CNH -HĐH Thủ đô. 7. Bản đề cương nghiên cứu đề tài, Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội xung kích và sáng tạo cho thấy tác giả đề tài giầu kinh nghiệm nghiên cứu, sức đọc rộng, kiến thức sâu sắc về nhiều lĩnh vực... đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Bản đề cương đề tài, Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội xung kích và sáng tạo được đánh giá cao về chất lượng và hoàn toàn có thể nghiệm thu được. Những góp ý của người nhận xét, chỉ là sự bổ xung, trong trường hợp có thể tăng thêm chi phí nghiên cứu, bởi chi phí này là quá thấp, với một đề tài có nhiều khó khăn, thách thức và quy mô nghiên cứu như vậy.
TS. Lưu Minh Trị (22/08/2011)
Tôi đã đọc bản thuyết minh đề tài: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, xung kích và sáng tạo” do GS.TS. Đặng Cảnh Khanh chủ nhiệm đề tài. Tôi xin có một số nhận xét như sau: 1. Nếu chỉ giới hạn một phần nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội thì tôi đồng ý như đề cương (kết cấu) mà tác giả đã nêu từ trang 10 đến trang 13. Kết cấu của đề tài khá hợp lý chặt chẽ. 2. Xin gợi ý thêm đôi điều ở từng phần: Phần một: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, truyền thống xung kích và sáng tạo Nên chăng, có thể đổi một tên gọi khác là: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống” (Tên này phù hợp với đề cương mà tác giả nêu). Phần hai: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội xung kích và sáng tạo trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đề nghị bỏ cụm từ “Thăng Long - Hà Nội” mà thay bằng cụm từ “tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội” (nói hiện nay chỉ dùng “Hà Nội”). Phần ba: Những thách thức của xã hội hiện đại Đề nghị tên phần này đầy đủ hơn: “Những thách thức của tuổi trẻ Thủ đô trong xã hội hiện đại”. 3. Về tài liệu tham khảo: còn thiếu các sách về lịch sử, về Đảng, Đoàn… - Bách khoa thư Hà Nội. Chính trị, tập 3, NXB Bách khoa thư H., 2000 - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm (nhiều tác giả), NXB Chính trị Quốc gia, H., 2000 - Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Trần Huy Liệu (chủ biên), NXB Sử học, 1960 - Những gương mặt tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, NXB Văn hóa Thông tin, H., 2002 - Lịch sử Đảng bộ Hà Nội, NXB Hà Nội, 2005 - Lịch sử Đoàn Thanh niên Hà Nội (sách đã xuất bản) Tóm lại, về kết cấu đề tài (do sự giới hạn “nhân cách” của tuổi trẻ Thủ đô thì tôi hoàn toàn nhất trí. Ý kiến gợi ý thêm - Nếu nói nhân cách “xung kích và sáng tạo” là đặc trưng của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội là đúng, nhưng cũng đúng cho tuổi trẻ Việt Nam. Đề tài này là tốt, nhưng chưa nêu được nét riêng của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. - Nên chăng đề tài này cần có thêm một số nội dung đặc thù của nhân cách tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội là “hào hoa, thanh lịch”. Như thế tên đề tài sẽ là: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, xung kích, sáng tạo và hào hoa, thanh lịch”. Đây chỉ là gợi ý để tác giả tham khảo thêm.
PGS.TS. Vũ Văn Quân (22/08/2011)
1. Trước hết, tôi rất đồng tình với việc triển khai đề tài này, vì đây là một phần rất quan trọng, rất căn bản của lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tôi cũng rất đồng tình với việc lựa chọn GS.TS Đặng Cảnh Khanh làm chủ trì, vì theo tôi biết, ông vốn là Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên, rất hợp với chủ đề nghiên cứu này. 2. Bản thuyết minh đề cương nghiên cứu được thực hiện một cách bài bản, công phu, tỏ ra người thực hiện đã rất thạo với việc triển khai một đề tài khoa học, từ việc làm rõ mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ; lịch sử nghiên cứu vấn đề; cách tiếp cận; phương pháp nghiên cứu. Ở đây tôi muốn nói rõ hơn về nội dung nghiên cứu của đề tài. 2.1. Việc triển khai đề tài thành ba phần và các chương trong từng phần là hợp lý. Phần một là xung kích và sáng tạo trong truyền thống (tính đến trước Đổi mới), Phần hai là xung kích và sáng tạo trong thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Phần ba là những thách thức của xã hội hiện đại đến tuổi trẻ Thù đô. Rất lô gíc, rất hợp lý. Các chương, các nội dung của từng chương phản ánh toàn diện các vấn đề, nhìn trong toàn bộ quá trình lịch sử, hiện tại và xu hướng vận động và rất hài hòa giữa cái khái quát và cái cụ thể. 2.2. Tuy nhiên, tôi cũng xin có một số góp ý để tác giả tham khảo. Thứ nhất, tôi có cảm giác hơi vườn ra trong việc chia nhỏ các chương. Có thể gộp lại để dễ tập trung làm nổi bật ở một số chương quan trọng. Chẳng hạn, Chương V và VI của Phần hai nên gộp làm một, Chương I của Phần I nên đưa lên Phần mở đầu. Thứ hai, đầu đề của Phần hai (Những thách thức của xã hội hiện đại) và các chương trong đó có gì chưa “khớp”. Thực ra, tất cả các vấn đề đặt ra đều có tính thách thức, nhưng cần chỉ định rõ ở từng chương, từng đề mục trong mỗi chương. Thứ ba, dường như cũng chỉ mới thấy tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội vừa xung kích, vừa sáng tạo mà chưa thấy sự chưa xung kích, chưa sáng tạo của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. Phần này có, mà đây đó đậm là đằng khác. Thứ tư, chưa thấy đề cập đến một đặc trưng của cư dân Thăng Long - Hà Nội, trong đó có tuổi trẻ, là sự hội tụ từ nhiều miền đất nước về, với nhiều lý do, vừa có tính “kết tinh”, vừa có tính “dồn ứ” tác động mạnh mẽ đến tính xung kích và sáng tạo. 3. Kết luận Đây là một đề cương rất tốt. Nếu tác giả thấy phải thì có thể điều chỉnh vài điểm như phần góp ý trên. Trân trọng đề nghị Chủ nhiệm Dự án khấn trương ký Hợp đồng triển khải đề công trình hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra.
Stitches (21/08/2011)
Okay I'm cnovniced. Let's put it to action.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (21/08/2011)
1. Ưu điểm - Đây là một đề tài hay và khó, phù hợp với mục tiêu và nội dung của Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Ba yếu tố có tính đặc thù "tuổi trẻ Hà Nội", "nhân cách" và "văn hóa" là cơ sở để có thể phát hiện những nội dung và vấn đề hay, có ý nghĩa không chỉ đối với quá khứ, mà thực sự cần thiết cho hiện tại và tương lai, đặc biệt trước những thách thức gay gắt sắp tới. - Đề cương viết kỹ về lý do chọn đề tài và cố gắng chuẩn bị những nội dung chính trong ba phần lớn của đề cương chi tiết. - Tác giả - chủ nhiệm đề tài - là một cán bộ khoa học đã nhiều năm chuyên sâu nghiên cứu về thanh niên và phụ trách "Viện Thanh niên Việt Nam" của TW Đoàn nên đã có nhiều tư liệu, kết quả nghiên cứu và suy nghĩ về những vấn đề của đề tài này. 2. Mấy vấn đề cần lưu ý - Là đề tài khó vì phải chỉ ra được cái đặc thù của nhân cách và văn hóa của tuổi trẻ, và chỉ của Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. Các tác giả lại có ý định phân tích cái đặc thù đó trong tiến trình lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội. Quả là khó! Thử nhìn vào các tiêu đề, tiểu mục trong các phần, các chương, sẽ khó hình dung các tác giả làm rõ cái riêng của Tuổi trẻ Hà Nội như thế nào? Những đặc trưng của tuổi trẻ về nhân cách lại chưa định hình cho nên cần lưu ý khuynh hướng quá nhấn mạnh các đặc thù, như là một nhân tố ổn định, khác biệt hoàn toàn với tuổi trung niên và tuổi cao. - Người Hà Nội gốc và đặc trưng Người Hà Nội hiện nay, khi cư dân Hà Nội đã biến đổi rất cơ bản, phức tạp? Mục đích của đề tài chỉ nhằm chỉ ra các giải pháp nhằm kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống", vậy, việc nuôi dưỡng, xây dựng các giá trị mới của tuổi trẻ thời hiện tại như thế nào? Cần lưu ý vấn đề này. - Các tiểu mục trong đề cương chi tiết chưa thấy rõ mục tiêu là nghiên cứu nhân cách tuổi trẻ Hà Nội trong tiến trình lịch sử, có nghĩa là phải chỉ ra được sự vận động, sự biến đổi như thế nào, đồng thời làm rõ tính lịch sử, mặt phát triển và hạn chế lịch sử, của các đặc trưng nhân cách tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. - Với đề xuất kinh phí 90 triệu cho đề tài, trong khi đó, dự kiến phải triển khai công việc điều tra xã hội học. Chắc rằng, đó là một khó khăn lớn, hoặc tác giả đã có chuẩn bị một số dữ liệu cần thiết cho đề tài? 3. Đánh giá chung - Đề tài cần thiết, phù hợp, có các bước chuẩn bị chu đáo. - Cần đầu tư suy nghĩ kỹ hơn để đảm bảo tính khả thi, tính khoa học của đề tài.
TS. Lê Văn Cầu (21/08/2011)
Qua nghiên cứu đề cương đề tài Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, nhân cách và văn hóa của GS, TS. Đặng Cảnh Khanh, tôi xin nêu một số ý kiến nhận xét sau đây: 1. Nghiên cứu những đặc trưng về nhân cách và văn hóa của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội truyền thống và so sánh với những biến đổi của nó trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trong điều kiện hiện nay là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong công tác đào tạo, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa Thủ đô Hà Nội và đất nước. Đề cương đã phản ánh tính tất yếu khách quan và sự cần thiết nghiên cứu và xác định rõ mục đích nghiên cứu của đề tài "Tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội, nhân cách và văn hóa". 2. Về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu thể hiện trong đề cương là phù hợp với đối tượng nghiên cứu và mục tiêu đặt ra của đề tài. Tuy nhiên, theo tôi cần bổ sung và nhấn mạnh thêm việc sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mac - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên vì toàn bộ nội dung của đề tài liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. 3. Về nội dung, đề cương đề cập đến 3 phần chính với 12 chương là hợp lý, cân đối, phản ánh đúng mục tiêu đề ra của đề tài. Tuy nhiên, trong phần 3 cần làm rõ thêm những nguyên nhân chủ quan và khách quan nào đã làm cho các giá trị truyền thống về nhân cách và văn hóa của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội luôn luôn được gìn giữ và phát huy trong mọi hoàn cảnh lịch sử? Đồng thời, phân tích thêm sự thay đổi các giá trị sống trong thanh thiếu niên Thủ đô hiện nay cũng như sự gia tăng rất nhanh chóng những người nhập cư vào Hà Nội có làm cho tính chất "thanh lịch" của Hà Nội ngày càng phai nhạt, tiến tới mất hẳn, hay càng được bổ sung phát triển? Tôi đánh giá cao đề cương bản thảo: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, nhân cách và văn hóa. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua để triển khai thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Danh Sơn (21/08/2011)
1. Những Ưu điểm - Bản thuyết minh đề cương bản thảo cuốn sách nghiên cứu, biên soạn nói trên đã trình bày rõ ràng về mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ. - Các phương pháp lựa chọn thực hiện là hợp lý và phù hợp. - Cơ cấu cuốn sách gôm 3 phần là hợp lý và logic, phù hợp với chủ đề cuốn sách. 2. Những góp ý - Tên gọi của 3 phần chưa thật phù hợp với chủ đề cuốn sách. Cụ thể chủ đề tên gọi cuốn sách nhằm vào "nhân cách" và "văn hóa" của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. Do vậy nếu như tên gọi phần 1 là "Nhân cách tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội" thì tên gọi phần 2 tiếp nối nên là "Văn hóa tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội" thay vì tên gọi hiện nay là "Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, cảm thụ và sáng tạo văn hóa". Tên gọi phần 3 theo mạch logic như vậy có thể là "Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội: Cơ hội, thách thức và hành động" thay vì tên gọi hiện là "Những thách thức của xã hội hiện đại". - Với tên gọi của phần 3 được chỉnh sửa lại như vậy thì kết cấu của các mục trong phần này nên bố trí theo các mục như sau: + Bối cảnh phát triển mới của Hà Nội + Cơ hội và thách thức đối với tuổi trẻ Hà Nội + Định hướng hành động của tuổi trẻ Hà Nội - Cũng cần cân nhắc xem có bố trí theo chương hay không? Bởi lẽ nếu tính chất cuốn sách nhằm mục đích chính trị, tuyên truyền đối tượng thanh thiếu niên (tuổi trẻ) thì bố trí theo phần với các mục, tiểu mục sẽ phù hợp hơn là bố trí theo chương. Nhìn chung, đề cương thuyết minh được chuẩn bị tốt với người chủ biên có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và hiểu biết tốt về tuổi trẻ (nhiều năm là Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên). Xin đề nghị Hội đồng thông qua.
TS. Lưu Minh Trị (20/05/2010)
Tôi đã đọc toàn bộ bản thảo đề tài “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại”. Sau đây, tôi xin có một số nhận xét bản thảo đề tài. I. VỀ KẾT QUẢ VÀ THÀNH CÔNG CỦA ĐỀ TÀI 1. Đây là một đề tài khó, vì nó đòi hỏi kiến thức và thực tiễn liên ngành phức tạp (Sử học, văn hóa học, chính trị học, xã hội học…). Việc giao cho GS TS. Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên Chủ trì và chủ biên đề tài, là rất phù hợp. Một nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành rất khó hoàn thành được đề tài như đã viết trong bản thảo. Quá trình nghiên cứu, với sự góp ý của Hội đồng tư vấn Khoa học, đến đây đề tài đã cơ bản hoàn thành với chất lượng tốt. 2. Về tên đề tài (cũng là tên cuốn sách) tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả, đó là: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại”. Tên này thể hiện được nội dung các chương, mục của đề tài; lại không trùng lặp một đề tài hay cuốn sách nào đã xuất bản. Ngay cả cuốn sách “Những gương mặt tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội” (tôi có tham gia chỉ đạo viết), thì chủ yếu nêu về tuổi thiếu niên, có một phần nhỏ nêu về thanh niên (NXB Văn hóa Thông tin, 2002). 3. Về kết cấu của đề tài cuốn sách gồm 2 phần, 8 chương là phù hợp. Phần I: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp trong truyền thống”, gồm 5 chương. Tên mỗi chương do nhóm tác giả đặt rất sát với nội dung của chủ đề phần I. Sự diễn biến nội dung từ chương 1 đến chương 5 rất logic. Phần II: “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa”, gồm 3 chương. Chương 6 nói về vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chương 7 nói về nét đẹp của tuổi trẻ thủ đô trong lối sống và nhân cách; chương 8 nêu về phong trào thanh niên Thủ đô. Đọc qua 3 chương ở phần II thì tưởng như chương 8 không ăn nhịp lắm, song suy nghĩ kỹ thì việc đưa chương về phong trào thanh niên Thủ đô là cần thiết, vì nét đẹp của tuổi trẻ không tách rời vai trò Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên… và Phong trào thanh niên. Phong trào thanh niên thông qua hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, Hội sinh viên là rất quan trọng. Qua phong trào Thanh niên, để giúp đỡ thanh niên xây dựng con người Thanh niên mới và đưa TN vào xây dựng, phát triển Thủ đô… Đương nhiên nét đẹp của thanh niên trong xã hội hiện đại không chỉ do phong trào Thanh niên và tổ chức Đoàn, Hội mà có. Sản phẩm con người mới này là do chế độ xã hội, nền giáo dục, hoạt động của các tổ chức xã hội, sự rèn luyện cá nhân… tạo dựng nên. Ở đây, phong trào Thanh niên là một môi trường quan trọng để giúp thanh niên hình thành nhân cách trong xã hội mới. Tuy vậy, tên gọi chương 8 cũng cần nghiên cứu để đặt cho phù hợp với toàn bộ phần II (sẽ góp ý ở phần dưới). 4. Về cách thể hiện nội dung: Đọc toàn bộ đề tài cuốn sách “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại”, tôi cảm nhận thấy nhẹ nhàng và hấp dẫn, nhất là ở phần I. Nội dung phần II rất khó thể hiện, nhưng nhóm tác giả diễn đạt khá tốt, với những phân tích, dẫn chứng, kết quả điều tra xã hội học… có sức thuyết phục. Chương về Phong trào thanh niên (chương 8) nêu tương đối gọn, không quá chi tiết, làm cho cuốn sách xuất bản ra ít bị lạc hậu với thời gian. Cuốn sách viết về Thanh niên, với những nội dung và cách diễn đạt như thế là rất thành công. II. GÓP Ý VÀ GỢI Ý ĐỂ CÁC TÁC GIẢ HOÀN THIỆN BẢN THẢO 1. Về tên ở phần II và các chương 6, 7 và 8: - Tên phần II, đề nghị viết: “Tuổi trẻ Thủ đô trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa” (đến đây không nên dùng “Thăng Long - Hà Nội”). - Tên chương 6, đề nghị viết: “Tuổi trẻ Thủ đô…”. - Tên chương 8: Như nhận xét ở trên, tôi thấy rất cần có chương này. Để cho logic và hài hòa hơn với 2 chương 6 và 7 và phục vụ chủ đề “Tuổi trẻ… trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa” (Phần II), tôi xin gợi ý tên chương 8 này là: “Phong trào thanh niên và tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên; hoặc: “Phong trào thanh niên - xây dựng Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên”. 2. Góp ý ở chương 3: - Mục “2” (trang 67): “Những gương sáng trong cuộc chiến đấu vì quê hương đất nước của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội”, Bổ sung: Danh tướng Phạm Tu, quê xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. - Mục “3” (trang 92 - 98): Cần nghiên cứu bổ sung. Xin nêu: Trường Tư Thục Thăng Long - Trung tâm của phong trào thanh niên trước Cách mạng tháng Tám; Trường Mạc Đĩnh Chi - nơi thành lập Chi đoàn thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. 3. Góp ý ở chương 4: Ở mục 1 và 2 (trang 99 đến trang 122): nên nêu về các làng nghề - phố nghề Hà Nội, trong đó vai trò của tuổi trẻ lao động sáng tạo (khéo tay trăm nghề). Các làng nghề, kể cả ở khu vực Hà Tây cũ - nơi có nhiều làng nghề, gắn với các phố “hàng” ở Khu phố cổ Hà Nội. 4. Góp ý ở chương 5: Các mục “1”, “2”, “3” cần bổ sung: các số liệu về tiến sĩ nho học thời phong kiến (số liệu của Thăng Long - Hà Nội, kể cả Hà Tây mới sáp nhập về Hà Nội); các làng khoa bảng nổi tiếng như: làng Đông Ngạc, làng Mỗ, làng Canh, làng Cót…; những gương sáng cần nêu thêm: Ngô Sĩ Liên (h. Chương Mỹ), Phùng Khắc Khoan (h. Thạch Thất), Phan Huy Chú (h. Quốc Oai), Lương Văn Can (h. Thường Tín), Nguyễn Thượng Hiền (h. Ứng Hòa),… 5. Góp ý ở phần II: - Chương 6 (mục “1”, trang 170 - 174): Nên xem xét thêm về phân loại thanh niên cơ cấu dân số. Xin gợi ý: - Phân loại thanh niên theo đặc điểm nông thôn và thành thị, có: khu vực nông thôn, khu vực đô thị. - Phân loại theo đối tượng thanh niên, có: thanh niên nông dân, thanh niên công nhân, thanh niên học sinh - sinh viên, thanh niên trí thức và quản lý. - Chương 7 và 8: + Nên chọn lọc các số liệu điều tra xã hội học, để số liệu này có giá trị tương đối dài, và cuốn sách xuất bản ra không bị sớm lạc hậu với thời gian. + Chương 7, mục “1” (trang 192): “Nhận thức chính trị và tư tưởng của thanh niên Thủ đô hiện nay”. Về câu hỏi ở cuối trang 205 được nêu ra trong bảng 10: 87,8% thanh niên khẳng định họ sẵn sàng tham gia vào phong trào thanh niên tình nguyện. Tôi băn khoăn về kết quả này, dù là tình nguyện ở mức độ khác nhau. Nếu điều tra ở từng đối tượng thanh niên rồi tổng hợp lại mới chính xác (có lẽ con số có thể thấp hơn nhiều). Theo tôi nên dùng câu: Đa số thanh niên sẵn sàng tham gia phong trào thanh niên tình nguyên. Nên bỏ bảng 10. + Chương 8, mục “4” (trong 278): Đưa khái quát, ngắn gọn như bản thảo là hợp lý. Xin gợi ý bổ sung: Ngoài phong trào “Thi đua, tình nguyện…” đối với thanh niên Thủ đô cần nêu về thi đua sáng tạo (Tuổi trẻ sáng tạo), vì ở Thủ đô yêu cầu cao về phát triển kinh tế, văn hóa… Truyền thống tuổi trẻ Thủ đô đã có đặc trưng này, và phong trào thanh niên Hà Nội mấy chục năm qua cũng có hoạt động sáng tạo kỹ thuật… Tôi đề nghị bổ sung một đoạn ở cuối trang 280 (dòng 6 từ dưới lên) về phong trào “Thi đua Tuổi trẻ sáng tạo”. Tóm lại, đề tài cuốn sách “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại” là một công trình nghiên cứu công phu, chất lượng cao, cách thể hiện sâu sắc và khá hấp dẫn. Đề nghị chỉnh lý, bổ sung những điểm xét thấy chưa chặt chẽ và thiếu (theo tôi đây là những vấn đề không lớn, không cơ bản), là có bản thảo hoàn chỉnh. Tôi nhất trí thông qua bản thảo đề tài cuốn sách do GS.TS. Đặng Cảnh Khanh chủ biên. Đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội biên tập, để xuất bản kịp phục vụ Đại lễ Thủ đô 1000 năm tuổi.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Mai (20/05/2010)
1. Đã lâu lắm rồi chúng ta mới lại thấy xuất hiện một cuốn sách được biên soạn vừa mang tính khoa học xã hội - nhân văn lại vừa gắn liền với chủ đề thế hệ trẻ Thăng Long Hà Nội, một chủ đề khó viết, mà nếu có viết thì cũng khó hay, khó hấp dẫn. Tuy nhiên, GS Đặng Cảnh Khanh lại là một người Hà Nội, lớn lên cùng với những vui buồn một thời của Hà Nội. Thế hệ của ông và chúng tôi trải qua những ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đầy sôi động ở Thủ đô. Ông lại đã từng phụ trách một viện nghiên cứu về thanh thiếu niên. Bởi vậy, có thể nói về chủ đề và nội dung nghiên cứu được nêu ra, trong thời điểm này có lẽ ít ai có thể phù hợp hơn ông để biên soạn cuốn sách này. 2. Cần phải khẳng định rằng chủ đề của cuốn sách là hay, có ý nghĩa thực tiễn tốt, đáp ứng những nhu cầu cần thiết về việc nâng cao nhận thức và tình cảm của thanh thiếu niên đối với các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là của Thăng Long - Hà Nội hiện nay. Trong bối cảnh chúng ta đã có nhiều sách để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhưng lại rất thiếu mảng sách về chủ đề tuổi trẻ và thanh thiếu niên thì cuốn sách của GS. Đặng Cảnh Khanh và cộng sự là một sự bổ sung thích hợp. Cuốn sách được biên soạn khá công phu và nghiêm túc vừa có tính tra cứu hàn lâm, vừa có tính phổ cập, đại chúng, nên khá phù hợp với các độc giả trẻ tuổi. Chủ đề của cuốn sách trải rộng suốt quá trình hình thành của mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội đến nay. Các tác giả đã khá nhọc nhằn và nhiều lúc còn tỏ ra mỏi mệt, nhưng vẫn cố gắng trở về với các biến thiên của lịch sử, tìm kiếm những gì là đặc trưng của Thăng Long Hà Nội đặc biệt là của các thế hệ trẻ tuổi người Thăng Long - Hà Nội, tổng hợp và ghi chép lại trong từng trang sách. Thăng Long - Hà Nội trải nghìn năm, qua cuốn sách bỗng hiện lên không chỉ là một kinh đô cổ kính trầm sâu những dấu tích văn hóa mà còn như một mảnh đất hiện đại đầy sự trẻ trung, sáng tạo và căng tràn sức sống. Chúng tôi cho rằng, so với mục tiêu ban đầu được đề ra, nhóm tác giả đã có những thành công nhất định. Cuốn sách đã tập hợp và đưa ra được nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ thanh niên Thăng Long Hà Nội, nhấn mạnh được những nét đẹp đã trở thành truyền thống của họ từ lòng yêu nước, yêu quê hương, thái độ đối với lao động, học tập, sự khao khát hướng tới học vấn và tri thức, đặc biệt là sự tinh tế trong cảm thụ và sáng tạo văn hóa… Hà Nội bao giờ cũng vậy, vẫn là kinh đô của những người trẻ tuổi, những người mà trong mọi giai đoạn của lịch sử, đều vượt lên những khó khăn, gian khổ để sống, sáng tạo và truyền tiếp cho nhau ngọn lửa thiêng tưởng như huyền bí của chính mảnh đất Thăng Long. Chúng tôi thấy thích thú khi đọc những nhận định sắc sảo, nhưng lại khá trẻ trung và tươi tắn của nhóm tác giả. Chẳng hạn, những đoạn viết như: “Tuổi trẻ Thăng Long đa tài, năng động cũng nhờ bầu không khí đa tài và năng động của chính Thăng Long Hà Nội. Tài năng của Thăng Long Hà Nội, được đào tạo từ các lò học của mảnh đất này là sự hòa quyện giữa tính uyên bác, hàn lâm với tính dân gian, dân giã, giữa sự nghiêm túc, chỉnh chu đến sự phóng khoáng, trẻ trung, phá cách…Nó đa dạng giống như bầu trời và mặt đất của Thăng Long Hà Nội vậy, khi trong sáng mạnh mẽ tươi tắn, lúc trầm mặc sâu lắng”(trang 28). Cũng vẫn những sự kiện ấy, những vấn đề quen thuộc ấy, nhưng khi được tiếp cận với một cái nhìn trẻ trung, tinh tế bỗng nổi lên như một cái gì mới mẻ, hơi lạ lẫm. Thánh Gióng thì ai cũng biết, nhưng việc nhấn mạnh rằng: khi đánh giặc xong, lại cởi giáp để lại lưng núi, không nhìn lại phía sau đầy cát bụi chiến trường và đặc biệt là “không đợi bình công, khen thưởng” mà bay thẳng lên trời cao, thì quả là những nhận định rất trẻ trung, rất thanh niên. Các tác giả cũng rất tinh tế khi nói đến sự tinh tế của tuổi trẻ Thăng Long xưa, chẳng hạn nhắc lại cái nhạy cảm của chàng trai trẻ Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút”, cái cảnh đầy xao động của Thăng Long về đêm: “mỗi khi đêm thanh, cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ, tan đàn”, rồi những cô gái Thăng Long hoa vương trên tay áo : Thoảng đưa làn gió ngại ngùng Hoa vương tay áo nghìn hồng ngời tươi Có nhiều câu thơ hay và khá quen thuộc về tuổi trẻ Thăng Long xưa, nhưng với sự cảm thụ tinh tế và sự phân tích của nhóm tác giả cũng đã được nhìn nhận khác đi, mang một ý tưởng mới. Chẳng hạn các cô gái Thăng Long mang đầy đầy chất lãng mạn của con người Thăng Long qua hình ảnh : Tràng An tiểu nhi nữ Hoa tiền độc ỷ lan Chỉ phạ đàn lang thính Hoành cầm tiếu bất đàn (Tràng An cô gái nhỏ Nhìn hoa tựa bên song Buông đàn cười chẳng gẩy Sợ chàng nghe tiếng lòng) Gẩy đàn đã là đa tài, truyền được tiếng lòng mình vào tiếng đàn lại còn đa tài hơn, thêm nữa lại còn cảm biết được rằng đang có chàng trai nghe được sự trải lòng trong tiếng đàn của mình, thì quả là không thể có sự tinh tế nào cao hơn. Đây chính là cái chất tâm hồn của các cô gái Thăng Long mà nhóm tác giả đã nhấn mạnh. Chúng tôi cho rằng phần viết về truyền thống của nhóm tác giả là khá hay, có nhiều ý tưởng mới, không khô cứng mà tràn đầy những cảm xúc. Phần viết về thế hệ trẻ Thăng Long Hà Nội hiện nay được nhóm tác giả trình bày theo cách diễn giải xã hội học, kết hợp các số liệu điều tra, khảo sát thực tế với những phân tích so sánh các tư liệu thứ cấp. Các phân tích này có thể khiến người đọc cảm thấy khô cứng, chất khoa học nặng hơn chất đại chúng, nhưng theo chúng tôi lại là cần thiết và hợp lý. Thực tế cho thấy, hiện nay trên các sách vở khoa học xã hội, những nhận định về thế hệ trẻ chưa phải đã có được những sự nhất trí cao. Bởi vậy, thay vì đi vào những nhận định thiên kiến, có tính chủ quan, các tác giả đã phác họa nhóm thanh niên Thủ đô bằng chính những số liệu khách quan từ điều tra thực tế. Điều này không chỉ tránh được việc phải gây ra những cuộc tranh luận không cần thiết mà còn giúp độc giả trên cơ sở các tư liệu khoa học trên, tự nhận định vấn đề theo cách thức riêng của mình. Như vậy cũng là khá hợp lý và khôn ngoan. 3. Cuốn sách có bố cục tương đối chặt chẽ, văn phong gọn gàng sáng sủa. Giữa phần một và phần hai có thể có những cách trình bày hơi khác nhau, nhưng vẫn giữ được sự thống nhất chung, không tạo ra sự quá khác biệt. Phần hai viết có phần khô khan hơn phần một do phải diễn giải khá nhiều các số liệu điều tra, khảo sát xã hội học, nhưng nhìn chung vẫn giữ được những sự cuốn hút nhất định. Cuốn sách đã đạt được những yêu cầu được đặt ra từ ban đầu. Tuy nhiên nếu được gọt dũa cẩn thận hơn, loại bỏ bớt đôi chút lan man, tập trung nhấn mạnh vào những ý tưởng chính, chắc chắn giá trị khoa học và thực tiễn sẽ còn cao hơn.
PGS.TS. Vũ Văn Quân (20/05/2010)
Tôi được tham gia góp ý hai lần bản thuyết minh đề tài của GS.TS Đặng Cảnh Khanh và bây giờ được đọc toàn bộ bản thảo. Về cơ bản, đến bản thảo, Chủ biên và các tác giả đã có sự chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng. Tôi xin có một số nhận xét vê bản thảo này như sau: - Bản thảo đã thể hiện được một cách cơ bản “những nét đẹp” của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội trong toàn bộ quá trình lịch sử, đồng thời nêu được những vấn đề đặt ra cho tuổi trẻ thủ đô trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. - Tuy nhiên, tôi cũng còn một số băn khoăn, đề nghị Chủ biên và các tác giả tham khảo, nếu chấp nhận chỉnh sửa thì cũng không quá mất nhiều thời gian Thứ nhất, tên gọi các phần, chương và các đề mục chưa chuẩn hoặc rườm rà quá: - Phần I nên đổi là “Nét đẹp truyền thống của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội” hay “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống” theo nghĩa là sự ngưng đọng qua toàn bộ quá trình lịch sử. Tên gọi cũ “Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp trong truyền thống” - rất khó hiểu chữ “trong truyền thống” là gì. - Nên bỏ chữ “của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội” trong các đề mục, vì đây đương nhiên là như thế rồi. Lặp lại rất nặng nề. Thứ hai, ở Phần II, nên cân nhắc lược bỏ hoặc sử dụng với một mức độ thích hợp các kết quả điều tra xã hội học không phải trên địa bàn Hà Nội. Tránh tới mức thấp nhất kiểu nói: thanh niên (hay tuổi trẻ) Việt Nam nói chung, trong đó có thanh niên (tuổi trẻ) Thăng Long - Hà Nội. Nói chung, Phần II viết nặng nề - văn chương khoa học quá. Thứ ba, khi nêu - dẫn chứng các ví dụ - trường hợp tiêu biểu cần cân nhắc kỹ càng (rất dễ vừa thiếu vừa thừa), thêm nữa - ta đang nói về tuổi trẻ thì chỉ nên đưa vào những trường hợp đã điển hình ngay khi còn trẻ thôi. Thứ tư, rất khó chỉ ra một cách cụ thể, nhưng có cảm giác chưa thật rõ “đặc tính Thăng Long - Hà Nội” ở đây. Nếu được rút ra thành những nhận xét thể hiện bản chất hơn đặc tính Thăng Long - Hà Nội của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội thì tốt hơn. Kết luận: Những băn khoăn trên là đòi hỏi có phần “cầu toàn” của người nhận xét. Trên thực tế, đây là bản thảo tốt, có thể nghiệm thu, sau sửa chữa điều chỉnh là có thể đưa biên tập và xuất bản.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ (20/05/2010)
1/ Về ưu điểm: Bản thảo đã có cách trình bày sáng tạo, dựa trên kết quả nghiên cứu nhưng không hẳn là văn phong nghiên cứu, phù hợp và hướng tới đối tượng thanh niên. Về nội dung, bước đầu đã phân tích được những nét đẹp cơ bản của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại. 2/ Một số điều cần trao đổi với tập thể tác giả 2.1. Logic lớn của cuốn sách với 2 phần 8 chương là chấp nhận được. Tuy nhiên sự nhất quán trong cả nội dung và hình thức diễn đạt thì có chương, có phần lại chưa bảo đảm được sự nhất quán. Cụ thể: Phần I và phần II văn phong diễn đạt chưa nhất quán. Ở phần II, được viết dưới dạng báo cáo, xử lý điều tra xã hội học. Theo tôi, nên viết theo cách ở phần I, còn các số liệu điều tra nên để ở phần phụ lục. 2.2. Trong một số chương cần lưu ý: - Chương II, nhiều khi mô tả cảnh đẹp của quê hương chưa thật gắn với tình yêu quê hương đến tình yêu đất nước. - Chương III: Khi phân tích và giới thiệu các gương sáng trong chiến đấu lại vắng bóng nét đẹp và các gương sáng thời đánh Mỹ, một thời kỳ chói sáng trong lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của Hà Nội và đất nước. - Chương IV, tiết 3: những nét đẹp trong tình yêu đối với lao động (tr.117 đến 123) cần có sự khái quát là những nét đẹp gì. Ở chương này cũng cần giới thiệu những tấm gương trong lao động để nhất quán với chương III và chương V đều có giới thiệu về các tấm gương trong chiến đấu và học tập. - Chương V những tấm gương về học tập cũng mới dừng đến Nguyễn Du. 2.3. Phần II: Chương VII, chương III, nên nghiên cứu để có cách viết diễn đạt phù hợp và nhất quán với cách viết của phần I; chương VIII cần phân tích và trình bày đầy đủ hơn các phong trào thanh niên Thủ đô. Ngoài ra, cần chú ý tránh trùng lặp, chú ý số liệu khi Hà Nội đã mở rộng. 3. Kết luận: Về cơ bản, tôi tán thành với bản thảo. Tuy nhiên, để xuất bản, tôi đề nghị các tác giả sửa và hoàn thiện đến mức cao nhất có thể.
TS. Lê Văn Cầu (20/05/2010)
Qua nghiên cứu bản thảo: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại dài 283 trang, tôi xin nêu một số ý kiến nhận xét sau đây: 1. Nhận xét chung: - Bản thảo Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại đã được tổ chức thực hiện công phu, các tư liệu, nguồn số liệu sử dụng trong bản thảo phong phú, chọn lọc và tin cậy, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, có chất lượng của tập thể tác giả. Nội dung các chương đảm bảo cân đối, đầy đủ đáp ứng được mục đích nghiên cứu. - Văn phong mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu giúp người đọc vừa nắm bắt được những nét đẹp truyền thống và hiện đại của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội vừa nắm được lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội. 2. Một số ý kiến đóng góp thêm: - Cách viết của 2 phần không thống nhất. Ở phần 1 cách phân tích, diễn giải như vậy là phù hợp, riêng ở phần 2 cách viết nặng về báo cáo kết quả điều tra xã hội học làm cho người đọc cảm thấy đó là 2 cuốn sách khác nhau. - Cụm từ Thăng Long - Hà Nội cũng cần thống nhất cách viết và sử dụng phù hợp với từng ngữ cảnh cụ thể (có dấu gạch nối giữa Thăng Long và Hà Nội). - Còn rất nhiều lỗi chính tả, viết hoa, viết tắt còn tuỳ tiện. Các câu trích dẫn không nên in nghiêng, nếu như ở nguồn trích dẫn không in nghiêng. - Chương 1: 5 trang từ tr. 9 đến tr. 13 không thuộc mục nào cả, nếu là mở đầu của chương thì quá dài, hơn nữa nếu là mở đầu của chương thì tất cả các chương khác cũng phải có mở đầu để đảm bảo sự thống nhất. Các nội dung trong 5 trang này có thể đưa vào các tiết của chương cho phù hợp. - Có sự mâu thuẫn ở trang 13 và trang 14: Cách đây khoảng 4000 năm... cả mảnh đất Thăng Long - Hà Nội còn chìm trong nước biển (tr.13) mâu thuẫn với Hà Nội cổ xưa hình thành cách nay khoảng 4000 năm (tr.14) - Tiết 2 (chương 3): Cần bỏ mục Thánh Gióng người anh hùng và nghệ sĩ (trang 67 - 68). Bởi vì Thánh Gióng là một nhân vật huyền thoại trong truyền thuyết về cuộc đấu tranh chống giặc Ân của nhân dân ta, cho nên không nên coi Thánh Gióng là một gương sáng trong cuộc chiến đấu vì quê hương đất nước của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội. - Trong tiết 2 (chương 3) có thể bỏ bớt Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và những tấm gương chiến đấu của tuổi trẻ và Lý Bí phất cờ khởi nghĩa từ trang 69 đến trang 74, vì mốc lịch sử quá xa với Thăng Long - Hà Nội. - Tiết 3 (chương 5) cần xem lại tấm gương học tập phấn đấu của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội: Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Nội). - Cùng một số liệu điều tra xã hội học thể hiện đồng thời vừa bằng Bảng, vừa bằng Biểu trong chương 7 là thừa, không cần thiết. Nên chọn 1 trong 2 cách thể hiện. - Chương 7 với tiêu đề: Những nét đẹp của tuổi trẻ Thủ đô trong nhận thức, lối sống và nhân cách. Để thống nhất với cách viết ở phần 1, chương này nên viết khái quát những nét đẹp (những giá trị chung nhất của tuổi trẻ thủ đô, những ưu điểm, mặt mạnh và tiềm năng) có chứng minh bằng số liệu điều tra xã hội học, không nên viết như báo cáo kết quả điều tra. Không nên viết về những mặt yếu kém, hạn chế (ở phần 1 cũng chỉ nêu Những nét đẹp mà không nêu yếu kém, hạn chế) - Chương 8 với tiêu đề Phong trào thanh niên Thủ đô. Nhưng toàn bộ số liệu điều tra và cách thể hiện lại tập trung vào cán bộ chi đoàn, hoạt động của chi đoàn, sinh hoạt chi đoàn ở địa bàn dân cư ở nhiệm kỳ trước. Nhóm tác giả có thể sử dụng nguồn tư liệu văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội để viết chương này cho phù hợp đảm bảo tính toàn diện và cập nhật hơn. Cách viết của chương này cũng cần phải thay đổi như đã đề cập ở trên (chương 7). - Trang 245 Đoàn đã và đưa ra nhiều giả pháp, nhưng những giả pháp đó chỉ tập trung mảng tổ chức của chi đoàn ở địa bàn dân cư, như vậy là không toàn diện và không đầy đủ các mặt công tác của Đoàn. - Tiết 2 chương 8 với tiêu đề Cán bộ đoàn và phong trào thanh niên, tuy nhiên nội dung chỉ đề cập đến cán bộ chi đoàn và đoàn viên ở địa bàn dân cư, không thấy đề cập đến phong trào thanh niên - Tiết 4 chương 8: Về xu hướng phát triển của phong trào thanh niên Thủ đô. Nội dung thể hiện trong chương này chưa đạt yêu cầu, một số nội dung đã lạc hậu. - Cần cập nhật thêm các số liệu mới, các chủ trương mới của Đoàn Thanh niên (Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX), đặc biệt là kết quả thực hiện phong trào 5 xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội và phong trào 4 đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; Chương trình thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam.... - Những góp ý cụ thể khác đã thể hiện trực tiếp vào bản thảo. 3- Kết luận: Bản thảo Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại có chất lượng tốt, đề nghị Hội đồng cho nghiệm thu cho chỉnh sửa theo ý kiến Hội đồng để đưa vào sử dụng.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)