Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội
Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong nhiều năm qua. Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội, tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.
Tác giả: PGS.TS Lê Hồng Lý
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 400 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 6 - Trung bình: 2.50) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

- Thăng Long - Hà Nội có truyền thống lễ hội hàng ngàn năm văn hiến rất phong phú và độc đáo vào bậc nhất trên cả nước. Truyền thống, nhu cầu văn hóa lễ hội đó vẫn đang phát triển trong cuộc sống hiện đại và càng có giá trị cao về tính đa dạng văn hóa trong hội nhập, giao lưu quốc tế.

Từ trước đến nay đã có nhiều sách viết về lễ hội ở Hà Nội, chẳng hạn như trong sách “Dấu tích kinh thành” (Giang Quân, Phan Tất Liêm), “Lễ hội Thăng Long” và sau đó là “Hội làng Hà Nội” của Lê Trung Vũ và các tác giả khác, một số công trình của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc… Sở Văn hóa thông tin Hà Nội đã từng tiến hành những hội thảo khoa học về lễ hội vào năm 1973. Và gần đây nhất, đầu những năm 2000, PGS. Phan Khanh cùng các cộng tác viên đã có một công trình xây dựng kịch bản 10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội.

Tuy nhiên, vẫn rất cần thiết có một nghiên cứu cơ bản về lễ hội ở Hà Nội một cách hệ thống nhằm tìm ra những nét đặc trưng của lễ hội Hà Nội, những vấn đề lịch sử, những sắc thái riêng của nét văn hóa này, vai trò của nó trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa cũng như trong tâm lý của con người sinh sống ở đây… từ đó để thấy được lễ hội Hà Nội như một giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cuốn sách "Tìm hiểu lễ hội Hà Nội" là công trình hướng đến mục tiêu này.

Mặt khác, cuốn sách còn cố gắng tìm hiểu vai trò của lễ hội ở Hà Nội trong việc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay ở nước ta; xem xét những giá trị cụ thể của nó trong đời sống xã hội hiện tại và vai trò của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô; đặc biệt khi mà Hà Nội đã được mở rộng và đang đứng trước một nguy cơ bị tác động mạnh mẽ của đô thị hóa và toàn cầu hóa; xem xét lễ hội Hà Nội trong bối cảnh đô thị Hà Nội và Thủ đô của cả nước; khảo sát các lễ hội mới được du nhập vào Hà Nội trong quá trình giao lưu và tiếp xúc với quốc tế.

Sách cùng chuyên mục

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành, kinh đô, thủ đô của nước Việt Nam từ năm Canh Tuất (1010), đây không chủ là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước mà còn là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
GS.TS Đỗ Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
360 trang
16x24 cm

Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Tuyển chọn - Mảng sách: Văn hóa - Xã hội
GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà xuất bản Hà Nội
2012
1564 trang
16 x 24 cm

Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Phạm Quang Long và Ông Bùi Việt Thắng (Dồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
842 trang
16x24 cm

Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội những nét đẹp truyền thống và hiện đại

Quá trình hình thành và phát triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với những đóng góp của các thế hệ của những người trẻ tuổi. Thế hệ trẻ Thăng Long - Hà Nội, từ đời này sang đời khác luôn là những người đi tiên phong trong lao động sáng tạo, chiến đấu, chống ngoại xâm, giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp rất đặc trưng của “con người Tràng An”. Những người trẻ tuổi vừa bảo vệ các giá trị truyền thống vừa mang đến cho cuộc sống và văn hoá sự trẻ trung sôi nổi nhưng cũng đầy tinh tế của Thăng Long - Hà Nội.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
336 trang
16x24 cm

Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
424
Ý kiến bạn đọc
PGS. Phan Khanh (30/08/2011)
Chúng tôi đã nhận được bản thảo cuốn sách: “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” do PGS. TS. Lê Hồng Lý chủ biên. Dưới đây là một số nhận xét: 1. Về kết cấu cuốn sách: Bản thảo sách, ngoài Mở đầu (29 tr.) và Kết Luận (4 tr.), được kết cấu theo 5 chương, 278 trang A4, như thế là hợp lý, khoa học. Đã có nhiều công trình nghiên cứu mô tả, thống kê, giới thiệu Lễ hội Hà Nội. Tán thành cách tiếp cận nghiên cứu của các tác giả cuốn sách “nhìn nhận lễ hội ở Hà Nội một cách toàn diện”, đặt trong bối cảnh tự nhiên và xã hội để xem xét sự phát triển, xu hướng, vai trò của lễ hội ở Hà Nội trong xã hội hiện đại... Nhất trí với giới hạn phạm vi thời gian nghiên cứu Lễ hội Hà Nội đến trước khi Hà Nội và Hà Tây được sát nhập (29/8/2008), đúng với đề cương đã được Hội đồng duyệt đề tài thống nhất. 2. Về nội dung cuốn sách: Chương I. Môi trường điạ lý của Hà Nội (29 tr.): Nội dung viết tốt, đã điểm qua Môi trường tự nhiên và Môi trường xã hội của Hà Nội. Phần “Đôi điều về những khái niệm, thuật ngữ” tốt, cần thiết. Phần “Thử điểm một vài công trình về lễ hội ở Hà Nội” có giá trị khái quát tốt, cung cấp thông tin khái quát cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn. Chương II. Những lễ hội cung đình qua các tài liệu lịch sử (36 tr.): hệ thống hoá, khái lược những thông tin còn lại không nhiều trong chính sử, giúp bạn đọc biết được cái nhìn thoáng về các nghi lễ, hội hè cung đình ở Thăng Long thời phong kiến xưa. Qua cuốn chính sử thời Lê “Đại Việt sử ký toàn thư”, sách đã cung cấp thống kê khá chi tiết các nghi lễ cung đình từ năm 985 đến năm 1670 (tr.40-62). Do thiếu nguồn tư liệu để khảo tả kỹ hơn, cách giải quyết như thế là được, trân trọng, giúp bạn đọc nhận biết được sự kế thừa và phát triển các hội lễ dân gian nâng lên thành lễ nghi cung đình qua ba triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc. Phần này hơi dài, lại viết theo thể thống kê với các cột, mục, cho nên càng dài; tuy nhiên, những tư liệu chính sử ngắn ngủi đó còn lại rất đáng quý, cho nên cũng có thể chấp nhận được. Phần phân tích, nhận xét sau đó của các tác giả cuốn sách tốt (tr.63-71). Chương III. Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại (131 tr.): Tán thành cách tiếp cận “đây không phải là công trình miêu thuật các lễ hội ở Hà Nội, chỉ lựa chọn một số lễ hội có tên tuổi, được nhiều người biết đến”. Phần dẫn luận ngắn ở đầu chương II, nên nói thêm về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, không nên viết là “phụ thuộc vào kinh phí của chương trình...; những điạ điểm đã khảo sát từ trước; lựa chọn ngẫu nhiên đảm bảo được tính khách quan của nó”. (tr.72). Hội đình Ứng Thiên (tr.73-78) viết có sức khái quát, tốt. Hội Gióng (tr.87-107) nên thêm một đoạn về hội đền Sóc Sơn, cũng thuộc Hà Nội, thờ Thánh Gióng khi Ngài bay về Trời (cũng đã thấy nói chút ít ở Chương V. Một số vấn đề về lễ hội ở Hà Nội, tr. 254). Hội làng Lương Quy viết tốt, nhẹ nhàng, dễ đọc đối với bạn đọc đông đảo. Bài viết về thổi cơm thi gồm 7 công đoạn: têm trầu, chạy thẻ, kéo nước, xay thóc-giã gạo, kéo lửa, bắt gà và thịt gà, thổi cơm, đậm chất dân gian, tốt. Nên có thêm một đoạn ngắn nói về hội nghề (làng nghề, phố nghề) Hà Nội, nên chọn một số nơi có đền thờ và lễ hội nghề tiêu biểu của chốn thị thành, đất trăm nghề. Chương IV. Những lễ hội du nhập từ nước ngoài và lễ hội mới được tổ chức tại Hà Nội (43 tr.): Nhìn chung, phần này thiên về các ngày hội hiện đại gần đây, cũng là cách tiếp cận có lý. Nhưng, đã viết về Ngày hội Valentine, ngày Phụ nữ quốc tế, thì cũng nên đề cập đến ngày hội Quốc tế lao động 1/5 và Ngày Nhà giáo Việt Nam, trước gọi là ngày Hiến chương Nhà Giáo quốc tế 20/11, cũng đã rất phổ biến ở Hà Nội và nước ta. Phần II, chương II: “Những lễ hội mới ở Hà Nội” viết về “Lễ hội văn hoá các dân tộc toàn quốc” (tr.233-)¬ là được. Cũng cần nói về ngày Quốc khánh 2/9, ngày QĐNDVN 22/12. Còn ngày Phụ nữ Việt Nam đã gắn với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Phần D. (tr.238) của Ngày hội văn hoá các dân tộc, nên nâng lên thành một phần độc lập “Triển lãm, liên hoan văn hoá nghệ thuật các dân tộc ở Hà Nội” để nói lên tính hội tụ văn hoá của Thủ đô Hà Nội ở các Khu triển lãm Vân Hồ, Giảng Võ, tuy không định kỳ. Chương V. Một số vấn đề về lễ hội mới ở Hà Nội (19 tr.): phần này viết tốt, tâm huyết, khơi gợi được nhiều ý kiến và quan điểm về vừa bảo tồn, vừa phát huy, khai thác vốn di sản lễ hội truyền thống rất phong phú, đa dạng của Thăng Long-Hà Nội, rất đáng tham khảo 3. Đôi điều trao đổi thêm: Như đã nói ở trên, bố cục sách theo 5 chương là hợp lý, đúng với mục đích đặt ra là Tìm hiểu lễ hội Hà Nội. Nhưng, nếu tên chương II đã gọi là “Những lễ hội cung đình...”, thì tên gọi của Chương III là “Lễ hội truyền thống...” là chưa hợp lý, tuy cặp phạm trù “truyền thống - hiện đại” đặt trong tên chương là đúng về mặt triết học; nhưng lễ hội cung đình cũng là lễ hội truyền thống. Do đó, nên gọi tên chương II là Lễ hội dân gian trong đời sống hiện đại” trong trường hợp này thì hợp lý hơn, tuy biết rằng các bạn có vẻ không thích dùng khái niệm dân gian. Còn nhiều lỗi vi tính, thí dụ: tr. 38, 59, 61, 105, 200 v.v... 4. Kết luận Chúng tôi đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn của cuốn sách “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” do PGS. TS. Lê Hồng Lý chủ biên. Các tác giả cuốn sách đã tâm huyết, công phu biên soan cuốn sách, tuy kinh phí và thời gian có hạn. Vài góp ý của chúng tôi để Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội và các đồng nghiệp tham khảo, hoàn thiện thêm cho bản thảo. Sách “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” đã có thể cho xuất bản, sau khi sửa chữa, bổ sung thêm vài điểm nhỏ. Xin trân trọng cảm ơn./.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (30/08/2011)
1. Những thành công của đề tài Lễ hội cổ truyền là một trong những khía cạnh lớn của văn hóa người Việt, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của các tầng lớp cư dân ở cả nông thôn và đô thị. Lễ hội thể hiện khát vọng mong muốn có cuộc sống ổn định, phong túc, vươn tới cái Đẹp của người Việt; là sự dung hợp các lớp văn hóa trong tiến trình lịch sử; là biểu hiện cao nhất, tập trung nhất của mỗi cộng đồng. Hội còn thể hiện các sắc thái văn hóa khác nhau ở từng cộng đồng cư dân (nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp), từng vùng địa lý cảnh quan (đồng bằng, trung du, ven biển), từng vùng hay tiểu vùng văn hóa. Thủ đô Hà Nội đến trước khi được mở rộng vào tháng 8 năm 2008 gồm khu vực Kinh đô Thăng Long cũ và các quận huyện vốn là vùng nông thôn của các trấn: Kinh Bắc (huyện Gia Lâm và phần lớn huyện Đông Anh), Sơn Nam Thượng (huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai), Sơn Tây (huyện Từ Liêm, một phần các quận Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh). Vì thế, nét đặc thù của hội truyền thống vùng đất trung tâm văn hóa của cả nước này là, ngoài một lượng lớn hội của các làug, còn có các hội cung đình. Đề tài “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” của nhóm tác giả do PGS. TS Lê Hồng Lý làm Chủ biên góp phần làm sáng rõ một khía cạnh của Văn hóa Thăng Long - Hà Nội - đô thị mang tính chất tương đối điển hình của đô thị phong kiến phương Đông : vừa là Kinh đô, vừa có “thị”, vừa có “thành”, song tính chất thôn quê còn rất rõ nét, hay là “đô thị - nông thôn”; nên trong các sinh hoạt văn hóa vừa có yếu tố cung đình, vừa có yêu tố thôn quê; trong hội hè bên cạnh các hội làng quê còn có hội cung đình. Chính bởi thế, nhóm tác giả “có tham vọng nhìn nhận lễ hội ở Hà Nội một cách toàn diện hơn với việc đặt nó trong bối cảnh tự nhiên và xã hội của Hà Nội, xem xét một số lễ hội mang tính chất cung đình khi mà Hà Nội là trung tâm của nhiều triều đại trong quá khứ, lựa chon một số lễ hội dân gian và tìm biểu chúng sâu hơn….” - như Lời mở của Đề tài đã viết. Bản thảo của Đề tài dày 278 trang đánh máy khổ A 4, ngoài Lời mở, Kết luận, nội dung chính của bản thảo được chia làm 5 chương : Chương 1. Môi trường địa lý, xã hội của Hà Nội (từ tr. 5 đến trang 34), gồm các m ục về điều kiện địa lý tự nhiên và xã hội của Hà Nội; về những khái niệm, thuật ngữ; và điểm qua một vài công trình về lễ hội ở Hà Nội - như là phần lịch sử nghiên cứu vấn đề. Chương 2. Những lễ hội cung đình qua các tư liệu lịch sử (từ trang 35 đến trang 78), lịêt kê các lễ tiết, lễ hội diễn ra trog khu vực Kinh thành Thăng Long mà đối tượng tổ chức và tham dự, thưởng thức trước hết là vua và triều đinh. Chương III. Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hôi hiện đại (từ trang 79 đến trang 203); giới thiệu 9 hội, theo sự lựa chọn của nhóm tác giả, là : hội đình Ứng Thiên, hội gò Đống Đa, hội đền Đống Đa, hội Gióng, hội đền Đồng Nhân, hội Cổ Loa, hội làng Triều Khúc, hội làng Lương Quy, hội đua thuyền làng Đăm. Chương IV. Những lễ hội du nhập từ nước ngaòi và những lễ hội mới được tổ chức tại Hà Nội (từ trang 204 đến trang 247), giới thiệu những lễ hội từ nước ngoài mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây, như lễ hội tình yêu, ngày Quốc tế phụ nữ , ngày lễ Giáng sinh, lễ hội hoa anh đà và các hình thức hội mới xuất hiện như lễ hội văn hóa các dân tộc, một số hội tổ chức năm 2008. Chương V. Một số vấn đề về lễ hội ở Hà Nội. (từ trang 248 đến trang 267), đưa ra một số nhận xét về đặc điểm của lễ hội Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Có thể nói, trong gần 280 trang viết, bản thảo đã mang đến cho người đọc những thông tin cơ bản, sát thực nhất về nền cảnh xuất hiện, diễn trình, những đặc điểm và ý nghĩa của các loại hình lễ hội ở Hà Nội xưa và nay, dựa trên các tư liệu khảo sát thực tế dày công, giúp cho người đọc hình dung rõ nét và cảm nhận được những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo của lễ hội Hà Nội (đương nhiên không tránh khỏi những hạn chế, bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với việc tổ chức hội ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của những mặt trái của kinh tế thị trường.) Bên cạnh thành công về mặt tư liệu khảo sát về từng loại lễ hội, bản thảo đạt được sự thành công lớn trong chương V (Một số vấn đề về lễ hội ở Hà Nội). Tuy chỉ với 26 trang, nhưng các tác giả đã làm nổi bật những đặc điểm, giá trị của lễ hội vùng đất này. Đó là: - Được hình thành trên một môi trường của thiên thời, địa lợi, nhân hòa; Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung của kho tàng lễ hội, - Do tính chất là Kinh đô của cả nước trong một thời gian dài nên Thăng Long có lễ hội cung đình - loại hình lễ hội “chẳng phải nơi nào cũng có”; - Lễ hội của những người anh hùng có công đánh giặc giữ nước; - Lễ hội của các vị thần bất tử; Các tác giả cũng dành hẳn Chương IV và một số trang ở Chương V để nói về những lễ hội du nhập từ nước ngoài và những lễ hội mới được tổ chức tại Hà Nội, trong xu thế mở rộng giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay mà Hà Nội giữ vị trí trung tâm, nên thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các yếu tố, các hiện tượng văn hóa mới. Có thể nói, vấn đề này đến nay mới được bàn đến một cách tương đối có hệ thống. Tuy mới được du nhập và tổ chức trên đất Hà Nội , nhưng các lễ hội trên đây đã có vị trí và tác dụng nhất định trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp cư dân Thủ đô, trước hết ở đô thị rồi lan về nông thôn. Các tác giả đã sử dụng thành thạo các phương pháp điền dã dân tộc học để thu thập tư liệu, phương pháp phân tích và phương pháp hệ thống để giải mã các hiện tượng diễn ra trong các lễ hội và đánh giá các giá trị của lễ hội ở Hà Nội. Với những ưu điểm, thành công trên đây, Bản thảo của Đề tài “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” đã đạt được những yêu cầu, mục tiêu đặt ra, và có những đóng góp mới vào việc tìm hiểu kho tàng lễ hội ở Hà Nội, dù rằng, Đề tài này đã có khá nhiều cuốn sách bàn đến. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua quyết nghị đánh giá, nghiệm thu Đề tài. 2. Những trao đổi thêm với nhóm tác giả 1. Trước hết, tôi băn khoăn với hai điểm ở cụm từ tên Đề tài “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” - Cho dù nhóm tác giả đã có rào đón khá kín đáo trong Mục 2 của Chương 1 khi bàn về những khái niệm, thụât ngữ, song tôi vẫn cho rằng, chỉ nên dùng thuật ngữ “Hội”, vì thuật ngữ “Lễ hội” mới chỉ xuất hiện chưa đây 30 năm nay; xưa kia, cha ông ta chỉ dùng “Hội” (Hội Lim, Hội Gióng…). Trongg nội dung giới thiệu một số hội truyền thống tiêu biểu, các tác giả đều dùng từ “Hội”. - Cho dù dùng thuật ngữ “Hội” hay “Lễ hội” thì cũng cần thống nhất là Hội (hay Lễ hội) “Hà Nội” hay “của Hà Nội”. Đầu đề của Đề tài ghi là “Lễ hội Hà Nội”, song trong phần lớn nội dung của bản thảo đều ghi là “Lễ hội ở Hà Nội”. Hai khái niệm này theo tôi có những khác biệt nhau về nội hàm. Trong Chương V, người đọc không khỏi băn khoăn về tiêu chí của các hội mới được du nhập hay mới được tổ chức, bởi giữa “ngày kỷ niệm”, “lễ kỷ niệm” hoàn toàn khác với “lễ hội” (chẳng hạn, ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3); giữa “ngày lễ” với “lễ hội” (chẳng hạn, ngày lễ Tình yêu). 2. Về việc chọn hội để giới thiệu Tuy nhóm tác giả cũng đã rào đón khá kỹ trong “Lời mở” và ở đầu Chương III rằng, việc lựa chọn giới thiệu các hội truyền thống phụ thuộc phần lớn vào”vốn tự có” - tức những hội mà nhóm tác giả đã khảo sát từ trước và do điều kiện thời gian, kinh phí của công trình không cho phép làm lại từ đầu; sự lựa chọn đó trong chừng mực nào đó là ngẫu nhiên, bảo đảm tính khách quan; song việc tập trung giới thiệu phần lớn các hội liên quan đến các anh hùng giữ nước, có huyện, quận tập trung đến hai - ba hội không khỏi làm cho người đọc cảm thấy sự thiếu vắng, thậm chí mất cân đối, “thèm”, muốn biết thêm các hội liên quan đến các nghi lễ nông nghiệp, hội thi tài, hội văn nghệ giao duyên, hội của các làng nghề, phố nghề, nhất là với Hà Nội là nơi tập trung tinh hoa tay nghề. Đó là chưa kể, hội Đền Bà Tấm ở làng Dương Xá huyện Gia Lâm hiện đang có những ý kiến trái chiều rằng, đền này và hội này liên quan đến bà Thái hậu Thượng Dương chứ không phải đến Nguyên phi Ỷ Lan. 3. Những điểm cần được điều chỉnh Mục 2 “Đôi điều về những khái niệm, thuật ngữ” của Chương I nếu đưa lên đầu chương sẽ hợp lý hơn. 4. Những điểm cần phải sửa khi xuất bản - Trước hết, ai cũng biết, ngày hội, ngày giỗ của cha ông ta xưa cũng như nay đều theo lịch âm (tức lịch mặt trăng); còn lịch dương mới chỉ quen dùng ở nước ta hơn một thế kỷ nay, song thường chỉ trong giao dịch hành chính. Những ghi chép về các sự kiện trong các bộ chính sử thời phong kiến cũng đều là lịch âm. Đáng tiếc, các ghi chép của nhóm tác giả đã làm cho người đọc dễ nhầm đấy là lịch dương. Tôi đã kiểm tra lại thì thấy đúng là như vậy. Xin nêu ví dụ điển hình nhất cho tất cả các ghi chép về ngày tháng của các sự kiện trong bản thảo : tại trang 45 các tác giả viết: “ngày mồng 8 tháng 4 năm 1072, vua (Lý Nhân Tông) xem lễ tắm Phật”. Cách viết như trên vừa không đúng thông tin, vừa sai thể thức, vì ngày tháng trên đây trước kia được coi là ngày Phật đản, theo lịch âm (gần đây ngày Phật đản mới chuyển sang ngày Rằm tháng Tư). Cách viêt này dễ làm cho người ta tưởng ngày lễ Phật đản và ngày lễ Tình yêu (14 tháng 2, mới đều theo lịch dương). Vì thế, cách viết đúng nhất và tốt nhất là ghi tháng bằng chữ viết hoa, gắn với niên hiệu triều vua rồi quy đổi ra lịch dương. Trong trường hợp trên đây cần phải viết đúng là “ngày mồng 8 tháng Tư, năm Nhâm Tý, niên hiệu Thái Ninh đời Vua Lý Nhân Tông (quy đổi là ngày 28 - 4 - 1072), Vua xem lễ tắm Phật”. - Trang 7 (dòng 12) ghi “….Hà Nội là Đông đô (đời Hồ - 1397)”. Thực tế, vào năm này, Hồ Quý Ly mới đang đẩy mạnh thâu tóm quyền lực mà việc dời đô vào Thanh Hóa (Tây đđ) như là một sự biểu thị. Khi đô, ông mới là Thái sư, Đồng Bình chương sự, Nhiếp chính, mãi đến tháng Ba năm Canh Thìn (tức tháng 4 năm 1400). - Về tài liệu tham khảo : có một số không hợp lý và sai sót cần điều chỉnh và sửa lại : + Khi sử dụng các tư liệu trong chính sử cần dẫn theo các bộ Quốc sử trước, trường hợp sự kiện đó không được ghi trong Quốc sử mới dẫn theo các tư sử, nhất là sách khuyết danh (khá nhiều tư liệu đều ghi trong các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục, song nhóm tác giả thường sử dụng trong cuốn Việt sử lược là tác phẩm khuyết danh) . + Nên và cần thống nhất một tài liệu, chẳng hạn, Đại Việt sử ký toàn thư dẫn hai bản (1983 và 1998). Hơn nữa, trong thư mục Tài liệu tham khảo, ba tài liệu số 60, 61, 62 đều cùng là bản Đại Việt sử ký toàn thư được ấn hành bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội và cùng vào năm 1983; không rõ có gì khác biệt giữa ba tài liệu này. + Một cuốn sách của cùng một tác giả, dù được hai- ba nhà xuất bản ấn hành cũng nên dẫn theo một bản, không nên dẫn cả ba bản (như cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm của Trần Quốc Vượng). + Một số tài liệu của Học giả Nguyễn Văn Huyên xuất bản bằng tiếng Pháp trước đây, nay đã được dịch và công bố bằng tiếng Việt (trong sách Các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh) thì nên dẫn theo tiếng Việt. Làm được điều này sẽ tránh khỏi những sai sót khi viết tên tài liệu bằng tiếng Pháp (ví dụ các tác giả viết “Cahier de Ste”, thực ra phải viết là Cahier de Société). + Tài liệu số 9 và 11 trùng nhau, + Chỉ có sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (bản dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, 1999), không có sách nào mang tên Tên làng xã Hà Nội ….. + Trang 16 ghi sách của tác giả Kiều Thu Hoạch không có nhà xuất bản và năm xuất bản. Đề nghị khi cho xuất bản, các tác giả cần sửa lại những bất hợp lý và sai sót trên.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương (30/08/2011)
1- Lễ hội là một mảng văn hoá quan trọng tạo nên nét đặc thù văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Khảo sát toàn diện về lễ hội ở Hà Nội, đặt nó trong bối cảnh của đô thị Hà Nội và thủ đô của cả nước, xem xét các lễ hội mới được du nhập vào Hà Nội đề tài nghiên cứu vì vậy vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. Đề tài nghiên cứu càng có giá trị hơn nếu được hoàn thành, xuất bản dịp kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long. 2- Công trình bố cục theo năm chương như bản đề cương là hợp lý. Trước khi đi vào trình bày lễ hội rõ ràng phải đề cập một cách tất yếu bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường địa lý của sự hình thành lễ hội. Một trong cái mới của Công trình là tác giả tiếp cận lễ hội ở Hà Nội trong quá khứ qua các tài liệu thư tịnh. Đây là nguồn tư liệu mà những công trình viết về lễ hội ở Hà Nội trước đây ít có sự khai thác. Xin lưu ý thêm tác giả là cần thiết khai thác thêm văn bia. Đây cũng là một trong những mảnh tư liệu quan trọng khi nghiên cứu về các lễ hội ở Hà Nội. Lễ hội ở Hà Nội thì có nhiều nhưng cùng với thời gian một số đã không còn hiện diện. Do vậy tôi đồng ý với tác giả khi chỉ đặt vấn đề nghiên cứu: Những lễ hội cổ truyền ở Hà Nội trong quá khứ và hiện đang tồn tại trong đời sống. Ở chương này theo tôi tác giả cần thiết có sự nghiên cứu về biến động của lễ hội qua các thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn lễ hội đền Đồng Cổ vốn là hội thề của nhà vua và đại quan. Trải thời gian nay trở thành hội làng. Cũng cần chú ý đến lễ hội vùng như lễ hội năm làng Mộc... Là trung tâm chính trị- kinh tế – văn hoá của cả nước, trong quá trình giao lưu, Hà Nội đã tiếp thu một số lễ hội mới. Việc khảo sát trình bày để thấy được sự đa dạng cũng như sức sống , sự sinh sôi, nảy nở của lễ hội ở Hà Nội. Việc tác giả dành ra chương V: Lễ hội ở Hà Nội trong thời kỳ hiện đại- xu thế , triển vọng và sự phát triển bền vững là cần thiết. ở chương này theo tôi tác giả nên có phần đề xuất những giải pháp quản lý lễ hội ở Hà Nội. 3- Kêt luận: Về cơ bản tôi đồng ý với bản đế cương này từ tên công trình đến các chương của công trình.
TS. Lưu Minh Trị (30/08/2011)
Tôi đã đọc kỹ đề cương bản thảo công trình nghiên cứu về “Lễ hội ở Hà Nội” của PGS.TS. Lê Hồng Lý. Sau đây là một số nhận xét và tham gia góp ý kiến vào đề cương. 1. Đề tài nghiên cứu và sách đã xuất bản về “Lễ hội ở Hà Nội” rất nhiều, trong đó có một số sách giới thiệu khá đầy đủ các lễ hội ở tất cả các cơ sở của Hà Nội. Tuy nhiên, công trình “Lễ hội ở Hà Nội” của PGS.TS. Lê Hồng Lý là một đề tài nghiên cứu cơ bản lễ hội ở Hà Nội một cách có hệ thống. Đây là đề tài vừa có tính chiều sâu, vừa có giá trị thực tiễn, lại tiếp cận được với thời đại về lễ hội ở Hà Nội. 2. Kết cấu của đề tài nghiên cứu gồm 5 chương là hợp lý. Kết cấu nội dung này thể hiện những vấn đề cơ bản về lịch sử hình thành lễ hội, lễ hội trong quá khứ; những lễ hội cổ truyền ở Hà Nội đang hiện hữu trong đời sống; những lễ hội mới ở Hà Nội; xu thế, triển vọng và sự phát triển bền vững của lễ hội Hà Nội trong thời kỳ hiện đại. Qua kết cấu nội dung này, tuy công trình (sẽ xuất bản thành sách) không giới thiệu các di tích như các sách thực hành đã biết, những nó có giá trị lý luận và thực tiễn, đặc biệt là phần nói về xu hướng vận động của lễ hội trong thời kỳ đổi mới. 3. Tôi đề nghị tác giả làm rõ hơn trong đề cương: - Ở chương III: Cần nêu một số lễ hội cổ truyền điển hình đang tồn tại trong đời sống (để minh họa cho đề cương). - Ở chương IV: Cần nêu rõ các lễ hội mới ở Hà Nội (đề cương chỉ nêu ví dụ), vì số lượng không nhiều nên đưa vào đề cương để góp ý, nhằm hoàn thiện các lễ hội này ở Hà Nội. Tóm lại, tôi đánh giá cao và nhất trí với Đề cương của công trình “Lễ hội ở Hà Nội”. Một số góp ý nhỏ, mong tác giả lưu tâm.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính (30/08/2011)
1. PGS.TS. Lê Hồng Lý muốn nghiên cứu một cách cơ bản lễ hội ở Hà Nội nhằm tìm ra những nét đặc trưng của lễ hội Hà Nội, phân tích vai trò của nó trong đời sống chính trị, xã hội và văn hoá cũng như tâm lí của con người sinh sống ở đây. Tác giả bản đề cương cũng muốn tìm hiểu vai trò lễ hội của Hà Nội trong việc phát triển kinh tế xã hội của thủ đô trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay ở nước ta. Ngoài ra, tác giả bản đề cương còn muốn khảo sát các lễ hội mới được du nhập vào Hà Nội trong quá trình giao lưu và tiếp xúc với quốc tế. Tác giả bản đề cương cũng muốn qua sử sách, xác định những lễ hội ngày xưa đã mất. Mặt khác căn cứ vào những nghiên cứu từ đầu thế kỉ XX cho đến những năm 50 của thế kỉ này, nhóm công trình sẽ đi khảo sát thực địa để phân tích những gì đã mất, những gì còn tồn tại và những gì đang biến đổi. Trên đây là ý tưởng của tác giả bản đề cương. Đó là ý đồ khoa học tương đối mới so với những cuốn sách đã viết về lễ hội ở Hà Nội. Vì vậy chúng tôi ủng hộ việc thực hiện đề cương này. Như nội dung đề cương, cuốn sách với 5 chương là có thể chấp nhận được. 2. Tuy nhiên từ ý tưởng đến việc làm cho ý tưởng đó trở thành hiện thực lại là một vấn đề khác. Sau đây là những hạn chế của bản đề cương và những điều cần được trao đổi thêm. 2.1. Bản đề cương còn thiếu phần tài liệu tham khảo, chưa ghi rõ thời gian thực hiện (kể từ ngày ký hợp đồng và được cấp kinh phí). 2.2. Có một số chỗ diễn đạt chưa sáng rõ, thí dụ 10 dòng cuối của tr.1 và 6 dòng đầu của tr.2. 2.3. Ở tr.1 tác giả nêu chưa đầy đủ những cuốn sách đã viết về lễ hội ở Hà Nội. Còn thiếu công trình của Nguyễn Văn Huyên, của Toan Ánh,... 2.4. Ở tr.3 bản đề cương tác giả viết “Bố Hải Khẩu (nay là Kỳ Bố, Vũ Tiên, Thái Bình)”. Như thế là chưa cập nhật, Kỳ Bố tức Kỳ Bá, nay là phường Kỳ Bá, thuộc thành phố Thái Bình. 2.5. Theo chúng tôi, lễ hội ở Hà Nội có hai loại: a. Lễ hội ở kinh thành, ở nội đô, nội thị; b. Lễ hội ở ngoại thành: huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, huyện Sóc Sơn,... (xét theo địa giới hiện nay). Trong hai loại đó, loại a chiếm nhiều hơn. Bởi vậy, tôi có cảm giác là tác giả chưa thật đúng khi lo ngại trước tình hình lễ hội Hà Nội trong bối cảnh “khi mà Hà Nội đã được mở rộng và đang đứng trước một nguy cơ bị tác động mạnh mẽ của đô thị hoá và toàn cầu hoá” (cuối tr.1 và đầu tr.2 của bản đề cương). Đô thị hoá là một quy luật của Hà Nội, cũng là quy luật của cả nước ta khi mà hiện nay còn hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Toàn cầu hoá cũng là một xu thế khách quan. Đô thị hoá và toàn cầu hoá đem lại nhiều cái lợi, nhiều mặt tích cực, cũng như một vài cái hại, một ít mặt tiêu cực. Bản chất của phần lớn lễ hội Hà Nội là lễ hội ở đô thị. Vậy tại sao lại phải lo lắng rằng những lễ hội đó đang đứng trước một nguy cơ bị tác động mạnh mẽ của đô thị hoá và toàn cầu hoá?
PGS.TS Nguyễn Lâm Biền (30/08/2011)
Lễ hội là một vấn đề lớn thuộc lĩnh vực văn hoá. Cho tới nay chưa một ai đi sâu trọn vẹn được về lễ hội. Nhiều khi sự “dày vò” của nhân thế đã làm méo mó bản chất của lễ hội dân gian truyền thống. Và, tưởng như là một phân tích khoa học, người ta đã phân định lễ hội thành hai phần riêng biệt trong một mối quan hệ có phần hờ hững. Bởi thiếu những nhận thức cơ bản hay thiếu thực tế khảo sát, điều tra, hồi cố, hoặc cả phương pháp tiếp cận, nên tới nay chưa có một định nghĩa rõ ràng, ngắn gọn, bao hàm ý nghĩa chính về lễ hội được nêu ra. Nghiêm chỉnh mà nói, ở nhiều nơi, xưa kia chỉ dùng một chữ Hội. Tới sau này trong sự “thao diễn” của tư duy các nhà “khoa học” mà định hình chữ Lễ - Hội, qua Hội - Lễ, rồi phân định Lễ và Hội… để tăng cường hội mà giảm lễ (?!). Trong cái mớ bòng bong ấy, chúng tôi luôn mong có được nhiều công trình nghiên cứu thực tế cụ thể về vấn đề này. Vì thế, chúng tôi rất ủng hộ đề tài “Lễ hội ở Hà Nội” do PGS. TS Lê Hồng Lý và các cộng sự thực hiện. Trước hết, đây là một đề tài thích hợp với việc kỷ niệm “Nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Nội dung sẽ đề cập tới bước đi của tư duy dân dã trong lịch sử, tới nhiều ước vọng và biểu hiện văn hoá thuộc bản sắc dân tộc, đúng với tinh thần của Nghị quyết 5 – BCHTƯ Đảng khoá VIII. Đề cương đã đề cập tới việc nghiên cứu Lễ Hội. Ở công trình này không thoát ly hoàn cảnh thực tại với nhiều mối quan hệ ràng buộc (cả về vấn đề kinh tế xã hội trong xu hướng hội nhập…) đó là một điều đúng để đưa công trình nhập vào cuộc sống đương đại. Việc chia làm 5 chương, cho phép vấn đề được chẻ ra một cách khá rành mạch. Chương I: đề cập tới “bệ đỡ”, nền tảng cơ bản để nảy sinh ra cái chung, cái riêng của lễ hội ở Hà Nội. Chương II: là phần nói về tư liệu thành văn. Ở đây cũng nên quan tâm tới phần tư liệu qua “bi ký” mà Viện Hán Nôm đã có khá đầy đủ. Chương III: được coi là trọng tâm của công trình, vừa mang tính truyền thống như mọi nơi. Song, Hà Nội nằm trong tứ giác nước, đã sớm có tính chất đô thị, nên vấn đề rút ra ở lễ hội Hà Nội là một thách thức lớn đối với các tác giả. Chương IV và chương V: Đây là những chương hay, ít được các công trình khác quan tâm. Thực hiện được công trình này, thì có thể khẳng định rằng các tác giả có một đóng góp lớn cho khoa học và cho nhiều mặt thuộc chính trị, văn hoá, lịch sử… của Hà Nội. Nhưng, theo chúng tôi nghĩ, kinh phí được đề ra quá hạn hẹp sẽ khó có nổi một công trình trọn vẹn như mong muốn (hiện công trình cấp Bộ - VH, TT và DL đã có mức xấp xỉ gấp 3 lần). Vì thế, đề tài này chỉ nên dừng lại ở mức độ thu thập tài liệu… hoặc chỉ một chương III thôi. Cũng có thể chỉ dừng lại ở một vài lễ hội tiêu biểu là đủ.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính (22/08/2011)
1 - Bản thảo gồm 278 trang đánh máy khổ A4. Ngoài lời mở, kết luận và tài liệu tham khảo, công trình gồm năm chương. 2 - Nói chung công trình đạt chất lượng có thể xuất bản được. So với nhiều cuốn sách đã xuất bản viết về lễ hội Hà Nội, chương V của bản thảo là đóng góp mới nhất, rõ nhất. Phần thống kê các lễ hội cung đình qua các tài liệu lịch sử cũng là một nét mới của bản thảo này. 3 - Để các tác giả suy nghĩ thêm, tôi xin góp ý để PGS. Lê Hồng Lý tham khảo. 3.1- Từ trang 41- 62 có lẽ nên đưa về phần phụ lục, trong chính văn nên diễn đạt khác và viết gọn lại nội dung này. 3.2- Một vài lễ hội mới (ở chương IV) nên viết kỹ hơn nữa. 4- Nên sửa các lỗi chính tả, lỗi đánh máy và nên bổ sung như sau: + Mục lục trang 1 dòng 12, dòng 14 cần viết hoa Ứng Thiên, Phù Đổng Thiên Vương. + Trang 10, ở chú thích cần bổ sung các yếu tố xuất xứ của tài liệu. + Trang 274, tài liệu số 9 và 3 dòng đầu của tài liệu 11 chỉ là một nội dung. + Trang 275, cần bổ sung xuất xứ của tài liệu 23. Cần bổ sung tên nhà xuất bản của tài liệu 26. + Trang 276, ở tài liệu 33 cần bổ sung tên người dịch và tên nhà xuất bản. Nhóm dịch là Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San. Trong lần xuất bản đầu tiên, không thấy đề “Đinh Gia Khánh chủ biên”. Đến lần xuất bản năm 1990 đề như sau: “Đinh Gia Khánh (chủ biên), Nguyễn Ngọc San”. + Trang 276, tài liệu 43 cần thêm hai tiếng “chủ biên” sau “Lê Trung Vũ”. Nếu ghi như PGS. Lê Hồng Lý thì người đọc sẽ hiểu rằng cuốn sách này do một mình PGS. Lê Trung Vũ viết. Thực ra, ông Vũ là người nghiên cứu nhiều về lễ hội, trong sách này ông viết nhiều chương. Nhưng ngoài ra còn có những tác giả khác là: Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính, Lê Văn Kỳ,… Sách này do ông Lê Trung Vũ chủ biên. + Trang 277, cần bổ sung tên nhà xuất bản hoặc cơ quan xuất bản ở các tài liệu 47, 48, 49, 51, 57. + Trang 277, tài liệu 53 ghi sai năm xuất bản. Năm 1998 chưa có cuốn sách này. Nên nhập tài liệu 53 và tài liệu 54 là một. + Trang 277, tài liệu 57 đánh máy sai tên sách và cần bổ sung tên nhóm soạn giả: Triêu Dương, Phạm Hoà, Tảo Trang, Chu Hà. Đây là một sưu tập và biên soạn rất có giá trị về tục ngữ, ca dao Hà Nội. Sách này do Triêu Dương, Phạm Hoà, Tảo Trang, Chu Hà biên soạn. Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, in lần thứ hai: 1972. Triêu Dương tên thật là Nguyễn Cần Mẫn, một nhà giáo nổi tiếng ở trường 10+3 trước đây (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội). Ông đã từ trần cách đây trên 20 năm. Cụ Phạm Hoà cũng là một nhà giáo, hiện nay đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Cụ Tảo Trang chính là cụ Vũ Tuân Sán, nay đã hơn 90 tuổi, hiện ở ngoại thành Hà Nội, vẫn còn rất minh mẫn. Cụ Chu Hà là một nhà báo trước Cách mạng tháng Tám, là bậc cách mạng lão thành. Các cụ rất am hiểu Hà Nội nói chung, tục ngữ ca dao Hà Nội nói riêng. Không ghi tên các cụ, PGS. Lê Hồng Lý thật thiếu sót. + Trang 278, các tài liệu 60, 61, 62 chỉ là một.
TS. Lưu Minh Trị (22/08/2011)
Tôi đã đọc một lượt đề tài (bản thảo cuốn sách) “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội”, do PGS.TS. Lê Hồng Lý chủ trì (chủ biên). Sau đây là mấy ý kiến nhận xét. 1. Về bố cục Các tác giả đã thể hiện rõ nét ý tưởng và chủ đề của đề tài (cuốn sách): Nghiên cứu tổng hợp về lễ hội ở Hà Nội… Bố cục cuốn sách gồm: Lời mở, 5 chương và Kết luận, là khá hợp lý. Xin gợi ý tên chương III: “Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại”. Có thể đổi như sau: “Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại qua một số lễ hội điển hình”, hoặc một cụm từ phù hợp hơn. 2. Về nội dung Đây không phải là cuốn sách thống kê và miêu tả các lễ hội ở Hà Nội như nhiều tác giả đã viết. Cuốn sách “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” là tiếp tục các công trình đã có, ở tầm cao hơn, mới hơn: Nghiên cứu tổng hợp về lễ hội ở Hà Nội. Đó là: Nhìn nhận lễ hội ở Hà Nội một cách đầy đủ hơn trong bối cảnh tự nhiên và xã hội; Xem xét một số lễ hội mang tính chất cung đình (từ đây gợi mở việc khôi phục giá trị lễ hội cần phát huy trong xã hội đương đại); giới thiệu một số lễ hội điển hình và tìm hiểu nó sâu hơn trong sự phát triển; đề cập và xem xét một số lễ hội mới du nhập vào Hà Nội, những lễ hội mới ở Việt Nam và ở Hà Nội nói riêng… Với các tiếp cận mới và nội dung trên, là sự đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu lễ hội ở Hà Nội. Nhân đây, tôi xin gợi ý đôi điều để các tác giả nghiên cứu thêm: - Chương I: Môi trường địa lý, xã hội của Hà Nội (trang 5), tôi có cảm giác đưa mục “2” (đôi điều về những khái niệm, thuật ngữ) và mục “3” (thử điểm một vài công trình về lễ hội ở Hà Nội) chưa logic lắm. Nếu vậy, tên của chương I phải bổ sung cho rõ nội dung của chương. - Chương III: Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại (trang 72) nên có tên gọi chương phù hợp hơn (đã góp ý ở trên). Đề nghị giới thiệu thêm lễ hội đền Voi Phục (1 trong tứ trấn Thăng Long). - Chương IV: Những lễ hội du nhập từ nước ngoài và những lễ hội mới được tổ chức tại Hà Nội. Cuộc sống vận động và phát triển, nên việc du nhập những lễ hội (hay ngày hội, ngày lễ…) của nước ngoài vào Việt Nam, nhất là Thủ đô, là tất yếu. Đồng thời, trong nước cũng xuất hiện những lễ hội (ngày hội, ngày lễ…) mới. Các tác giả đã trình bày rất rõ vấn đề này ở trang 204. * Về những lễ hội mới ở Hà Nội: Thực tế ở Hà Nội và nhiều nơi trong nước ta lâu nay đã tổ chức những hoạt động có tính chất lễ hội hay kiểu lễ hội. Tuy nhiên, không phải tất cả những sinh hoạt văn hoá đó là hoàn toàn theo đúng với bản chất của lễ hội mà ta đã biết, hoặc đúng nghĩa với lễ hội truyền thống (xem Từ điển Bách khoa Việt Nam, trang 674 - “Lễ hội”). Tôi đề nghị dùng cụm từ: “Những dạng lễ hội mới ở Hà Nội”. Vì sao? Vì đây là những biến thái của lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại. Các tên như: “Lễ hội văn hoá các dân tộc toàn quốc”, “Lễ hội kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội” (Lúc đầu chúng tôi gọi là: “Đêm văn hoá truyền thống kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội”. Năm 2000, tôi trực tiếp chỉ đạo xây dựng kịch bản và tổ chức triển khai hoạt động này), hoặc “Hội văn hoá cà phê tại Hà Nội”, rồi gần đây như “Lễ hội xuân Hà Nội”… là những dạng mới, những biến thể của lễ hội chính tắc (thực ra “lễ hội xuân Hà Nội, gọi là Hội xuân Hà Nội là chuẩn hơn, vì chỉ tổ chức kiểu liên hoan văn hoá truyền thống, rước kiệu…, mà không có “lễ” như “Lễ hội truyền thống”. Trên đây là vài điều góp ý về đề tài (cuốn sách) để các tác giả tham khảo. Về tổng thể, đây là đề tài tốt, cần sớm hoàn thiện để xuất bản.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)