Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Kẻ sỹ Thăng Long
Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Tác giả: Nhà thơ Bằng Việt
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 300
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

- Thăng Long - Hà Nội là vùng đất là trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Tại vùng đất địa linh nhân kiệt này đã hình thành một tầng lớp, một lớp người có phẩm cách, khí tiết và cách ứng xử đặc trưng riêng: kẻ sỹ. Kẻ sỹ Thăng Long đã được tôn vinh từ bao đời nay, là biểu tượng về trí tuệ cho nền văn hiến Thăng Long, đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, từ trước tới nay lại chưa có một cuốn sách chuyên khảo nào về “Sĩ phu Bắc Hà” hay riêng biệt hơn về “Kẻ sĩ Thăng Long”, với đầy đủ các biểu hiện về phẩm cách, khí tiết cũng như về ứng xử của lớp người này, trải rộng ra trên khắp các mối quan hệ và tình huống. Công trình lần đầu tiên soi rọi toàn bộ ưu điểm, đặc thù và những biểu hiện được minh hoạ cụ thể qua các giai thoại và truyện kể sinh động về tầng lớp trí thức này.

- Công trình là một cuốn biên khảo có chủ kiến và có minh chứng khoa học, đầy đủ, hệ thống để độc giả có thể hiểu sâu hơn về giá trị tinh thần của trí thức Thăng Long, từ đó có thể đặt vấn đề tiếp thu và phát huy thế mạnh đó của trí thức Thủ đô trong thời kỳ mới.


Nhà xuất bản Hà Nội

Sách cùng chuyên mục

Dân cư Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách Dân cư Thăng Long thuộc mảng sách Địa lý trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của hai tác giả GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức và GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh. Họ là những nhà khoa học đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về địa lý dân cư Việt Nam nói chung và địa lý dân cư thành phố Hà Nội nói riêng.

Đỗ Thị Minh Đức - Nguyễn Viết Thịnh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
332
16x24

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành, kinh đô, thủ đô của nước Việt Nam từ năm Canh Tuất (1010), đây không chủ là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước mà còn là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
GS.TS Đỗ Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
360 trang
16x24 cm

Câu đối Thăng Long - Hà Nội

Câu đối (Đối liên, doanh liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
948 trang
16x24 cm

Hà Nội - Danh thắng và di tích

Nghiên cứu tổng quan văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nhằm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, và di tích cách mạng kháng chiên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2100 trang
16x24 cm

Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long - Hà Nội

Cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản cùng bức tranh toàn cảnh về truyền thống giáo dục và khoa cử của Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến, trên nền cảnh giáo dục và khoa cử Nho học của các nước, thể hiện qua việc tổ chức học tập và khoa cử, qua các nhà khoa bảng (các vị Tiến sĩ, Hương cống - Cử nhân), phục vụ cho việc giáo dục truyền thống, nhất là việc tuyên truyền để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
PGS.TS Bùi Xuân Đính
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
952 trang
16x24 cm
Ý kiến bạn đọc
Nhà thơ Vũ Quần Phương (25/08/2011)
Để tiện trình bày chúng tôi xin được thể hiện nhận xét theo từng phần và tổng quát ý kiến ở phần cuối. Phần I. 1. Khái niệm Kẻ Sĩ (KS) và kẻ sĩ Thăng Long (KSTL): Xác định nội dung cần bàn thảo của cuốn sách. Lần theo từ nguyên, lần theo huyền sử, chính sử, để chọn lọc cứ liệu dẫn dắt tới việc hình thành KS. Luận giải lý thú và là cần thiết vì đây là cuốn sách đầu tiên khảo sát KS, cần rõ các quan niệm (dùng làm)công cụ. Nếu nói gọn hơn các điển tích từ TQ và mở thêm các quan niệm Việt chắc sẽ gần gụi hấp dẫn hơn. 2- Nền quốc học - Hiền tài - Nguyên khí Những tư liệu về khoa cử, môn học, môn thi, cách thi là những thông tin cần cho đề tài đã được trình bày cụ thể và tỉ mỉ, đáp ứng nhu cầu nhận thức của đông đảo bạn đọc về khoa cử xưa. Hơi tiếc các tg chưa nói rõ cung cách và thực chất của các “vòng” thi Hương, Hội, Đình,bới chúng hoàn toàn khác với cách thức thi lấy cử nhân và tiến sỹ bây giờ 3- Luận kẻ sĩ. Ở đây đắc địa hơn là một bút pháp bình luận chủ đề bài của NCT hơn là bình giảng. Để tăng tính nghiêm cẩn cho tập sách, văn bản trích NCT, dù là lấy toàn bộ, vẫn cứ phải để ngoài tập sách như một phụ lục, một chú thích. in co chữ nhỏ hơn 4 - Đặc thù KS. 5 đặc thù này là phần khám phá của các tác giả. Đặc thù 1 thuộc một bối cảnh lịch sử, từ đó dẫn đến phẩm chất KS nước ta. 4 đặc thù sau thuộc tính chất. Về nội dung là thỏa đáng. Nhưng cách trình bày cần thể hiện tính biện chứng, cho thấy ưu khuyết hay dở có thể đều phát sinh từ một đặc thù của KS. Do vậy có thể đặc thù nọ nằm trong lòng đặc thù kia (td 4 có thể nằm trong 5), nên cũng có thể dồn lại cho logic. Phần II 5- Văn tự:Một biện luận lý thú và khoa học về chữ cổ Việt và dấu vết phải có của nó in trong sự hình thành tầng lớp KS. 6- Môi trường địa - chính trị Thuật lại chuyện Âu Lạc, Hùng Vương như trong chuyện kể không phù hợp với văn phong và khí cốt tập sách này. Chỉ chọn các yếu tố cần cho đích đến của tập sách mà biện luận chứng minh về tác động của nó tới sự hình thành KS. Cũng như vậy, nên thu gọn lại, dẹp bớt các kể lể khảo cổ học hay lịch sử các triều đại, nhất là các triều đại tiền Thăng Long. Chỉ lấy tinh chất hoặc các chi tiết có tác động hoặc là tiền đề của những tác động tới nội dung khảo sát KSTL. Nội dung như trong bản thảo đã có là phù hợp với chủ đề về sự hình thành Thăng Long chứ không phải về KSTL. Nói rộng quá, xa quá dễ phân tán sự chú ý của người đọc, người đọc dễ lạc từ cái răng hóa thạch của người vượn cách dây 30 vạn năm tới sự hình thành và phẩm chất KSTL 7- Kinh tế, văn hóa, xã hội: Nhiếu ý khảo cố trùng với phần 6 (từ tr 119 dến tr 121). Về làng nghề đưa vào đây là một sáng kiến nó cho thấy phẩm chất thực tiễn của KS VN và mối găn bó của họ với cộng đồng. Nhưng đừng viết lan man như sách tuyên truyền làng nghề và thợ thủ công (chứ không phải KS). Nên chọn và rút ra những ý thắt buộc với chủ đề KSTL. 8 - Tôn giáo và giáo dục: Khoa cử đã nói ở phần trên (mục 2), sao cho khỏi trùng với phần này. Có thể đưa lên mục trên để mục này chỉ nói về tôn giáo Về các tôn giáo chính: trình bày hệ thống. Có nhiều ví dụ hay. Một chương then chốt trong sự hình thành phẩm chất đặc thù của KSTL Phần Đạo Giáo, Đạo Lão có hơi mờ so với Nho, Phật, e không cân. Bởi việc tách thành hai nhánh trên cũng biểu thị ảnh hưởng rộng của Đạo này ở nước ta thời xưa Phần III Phần này nghiên cứu một số thuộc tính của KSTL. Những thuộc tính này được xác định là chịu ảnh hưởng sâu đậm của TQ. Nên trong từng mục các tác giả đều khảo sát các chặng phát triển ở TQ. Đây là một thao tác truy nguyên cần thiết và các tác giả đã giữ được chừng mực hợp lý, ghi nhận được những tiếp thu sáng tạo của KSTL. 9 – Vũ trụ quan: Trình bày hệ thống, sáng rõ. Là một mục hay. Có thể phân tích thêm phần biến hóa của các triết thuyết trên khi vào VN. 10 – Nhân sinh quan: Phần mở đầu nói tới gs Cao Xuân Huy và lý thuyết tri giác và thế giới, nếu muốn đưa vào thì phải đặt trước khi nói vũ trụ quan. Còn mục này nên bắt đầu từ điểm B) giữa trang 188. Mục này súc tích, có thần thái, viết hay. 11- Văn sách Trạng nguyên: coi như bằng chứng tham khảo. Để sinh động nên có bình luận, gợi mở mối qua tâm cho bạn đọc bây giờ 12- Sĩ nông công thương: Ý chính của mục này là mối tương quan giữa sĩ và 3 tầng lớp kia. Nên việc trình bầy sự hình thành phát triển của nông công thương nên tinh lọc, có chính phụ đậm nhạt, không sa đà, dài dòng. Việc điểm lại chân dung nhân vật cũng cần nhấn mạnh đến phần sáng tạo đóng góp thiết thực của mỗi KS ấy, không nên dùng bút pháp kể chuyện danh nhân phổ cập, bằng phẳng. Nên dùng bút pháp biện luận, khảo sát. Phần IV Khám phá những “cá tính” thường gặp của KS. Chia 4 mục 13 – hào sảng & cao ngạo 14 – khảng khái & hiệp sĩ 15 – quyền biến & gàn quải 16 – ưu tư thời cuộc & cảm khái thân phận Các lý giải đưa ra khá thuyết phục, tình tiết hấp dẫn Nếu cách trình bày thể hiện rõ hơn tính biện chứng của các cặp mâu thuẫn trên và hướng tới một đặc tính chung của KS thời xưa (chiếu trải không ngay không ngồi) để thấy tính bất cập của KS xưa với đòi hỏi của đời sống đương đại. Phần V 17 và 18 - Bình luận về ứng xử của KS trong các mối quan hệ, so sánh từ cội nguồn Trung Hoa đến thực tiễn ở VN. Nhiều nhận xét thỏa đáng có tính phát hiện và thiết thực. 19 - Phẩm chất KS xưa và Thế giới hiện đại: cập nhật những thông tin từ những nước quanh ta, có bối cảnh hình thành KS giống ta. Những tiến đoán có tính gợi ý vận dụng tinh hoa truyền thống cho đời sống hiện đại hóa Cũng cần phân biệt Đạo Khổng và KS 20 - KSTL và cốt cách trí thức: Coi như tổng kết ý tưởng cuốn sách, Đây là phần viết phóng khoáng hào sảng nhất của tập sách. Xin được chia sẻ cảm hứng với các tác giả. Cách nhìn khoa học, tôn trọng thực tiễn và cũng có phần đóng góp của phẩm chất KSTL truyền thống, đã giúp các tác giả có những đánh giá và gợi ý cho phương hướng đào tạo phát triển đội ngũ trí thức của hôm nay cũng như những đòi hỏi bức thiết mà người trí thức hôm nay phải có. Nhận định chung Các tác giả đã thực hiện sát với đề cương đã được Hội đồng đề tài thông qua, đáp ứng khá đầy đủ nhứng đòi hỏi của hội đồng giám định. Nội dung nghiên cứu rộng, sở cứ, kiến văn vững chãi, cách diễn giải bình dị, dễ phổ cập. Là một đóng góp học thuật cho việc tìm hiểu về trí thức VN và văn hóa thủ đô. Để công trình có thể xuất bản, quảng bá trong bạn đọc, chúng tôi mong muốn được các tác giả hoàn thiện cho vài chi tiết nhỏ sau đây: 1- Đề tài mới mẻ. KSTL, một khái niệm quen dùng nhưng nội hàm lại còn nhiều mơ hồ. Công trình thu hẹp dần sự mơ hồ ấy và tìm ra những đóng góp của chủ thể đó. Các tác giả tự mở mặt bằng mà dựng công trình. Mặt bẳng khá rộng, mở cả sang TQ, tốn công, lãng phí, thậm chí làm loãng sức thu hút của công trình. Nhưng đó là điều khó tránh khỏi và sự tước đi không phải là việc khó. 2- Khi trình bày các vấn đề liên quan đến khảo cổ, lịch sử, kinh tế, giáo dục... các tác giả hơi bị quên vấn đề ta đang bàn là KSTL, nên các phần trình bày đó như từ những cuốn sách độc lập về khảo cổ, lịch sử, kinh tế ghép vào, không có chung một từ trường cảm xúc, một sức hút của đích đến. 3- Chủ đề lựa chọn là KSTL nhưng khi triển khai người đọc mới thấy KS chứ ít thấy KSTL. Quả có sự nhạy cảm của các tác giả khi các vị nhiều lần phải đứng ra thanh minh biện luận để quy nạp sự kiện, nhân vật vào cho TL. Tình thế ấy thật sự là thế nào ? Có lẽ phải xét từ khía cạnh ngôn ngữ: - Thăng Long là thủ đô dài lâu của nước ta. Trong suốt một nghìn năm tuổi chí có hơn trăm năm triều Nguyễn và mấy năm triều Hồ là gián đoạn. Nói kẻ sĩ TL cũng là nói kẻ sĩ Bắc Hà, kẻ sĩ của cả nước Nam chứ không phải của một đô thị, một địa phương. Như bây giờ thế giới nói Hà Nội tuyên bố để chỉ VN tuyên bố. - Kẻ sĩ nước ta trong thời phong kiến chủ yếu vẫn từ nôi Thăng Long bước ra. Thăng Long đủ đại diện cho cả nước. Phải đến thời thi cử hiện đại thì trí thức HN mới không thể đại diện cho trí thức cả nước. Các tác gỉa nên có xác nhận nội hàm rộng này của KSTL ngay từ đầu để khỏi bận tâm. 4- Vài lỗi kỹ thuật; - Trang 166, câu thơ Thớt có tanh tao ruồi muỗi đến Xin đọc là Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến Động từ đỗ của ruồi đối với động từ bò của kiến: Gang không mật mỡ kiến bò chi - Về bài Nam quốc sơn hà, trang 115 viết là chưa từng có ở đâu. Theo Bùi Duy Tân (Theo dòng khảo luận văn học trung đại VN, nxb Đại học 2005) bài thơ đã được đọc từ thời Tiền Lê, năm 981. Vậy ta nên bỏ mấy chữ trên cho gọn, cũng không mất gì. - Trong mục 20, các trang 329,330 viết: Kẻ sĩ TL là một khái niệm tinh (...) vì nó được chắt lọc... Kẻ sĩ TL là một khái niệm mở (...) vì những người gia nhập hàng ngũ này không nhất thiết chỉ là người HN Kẻ sĩ TL là một khái niệm không có tuổi (...) Trạng nguyên Nguyễn Hiền đỗ năm 13 tuổi, trong khi cụ Đoàn Tử Quảng đỗ năm 82 tuổi... Có lẽ tác giả không định nói bản thân khái niệm kẻ sĩ Thăng Long mà định nói tới nội hàm của nó: những người là kẻ sĩ Thăng Long. Nên có cách thể hiện sáng rõ hơn.
PGS. Trần Nghĩa (25/08/2011)
Tôi đã đọc một cách chăm chú và đầy hào hứng tập bản thảo Kẻ sĩ Thăng Long dày 337 trang, do Nhà thơ Bằng Việt chủ biên. Sau đây là một số nhận xét của tôi: Trước hết, hãy nói về ưu điểm. Tập bản thảo có những mặt mạnh dễ thấy như: 1. "Kẻ sĩ Thăng Long", một đề tài mới mẻ mà trước đây tuy không ít người đã nghĩ tới, nhưng chưa có điều kiện và cơ hội để làm thì nay đã được một nhóm tác giả (NTG) đứng ra thực hiện. 2. Để xử lý đề tài, NTG đã phải bao quát một khối lượng tư liệu khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực, dàn trải trên một không gian rộng và một thời gian dài, đủ cả Đông - Tây, kim - cổ. Có thể thấy ở đây sự dũng cảm và công phu của những người biên soạn. 3. Về cấu tạo cuốn sách tôi không có ý kiến gì đặc biệt. Bởi lẽ tôi không tham gia Hội đồng thẩm định đề cương, hay nói cách khác, tôi đến sau. Nay "ván đã đóng thành thuyền" theo mẫu thước đã được một tập thể các nhà khoa học thông qua, không có lý do gì để tôi không tôn trọng. Và tôi thấy tập bản thảo đã thực hiện nghiêm túc những gì mà Hội đồng thẩm định đề cương năm 2008 đã kết luận (xem Biên bản họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài "Kẻ sĩ Thăng Long", phần Kết luận của Chủ tịch Hội đồng, tr.7). 4. Phần lớn (tôi không nói "hầu hết") các lập luận, nhận định, đánh giá... trong bản thảo đều được dựa trên cơ sở khoa học, mang tính thuyết phục cao. 5. Văn phong hấp dẫn. Chả thế mà tôi đã bỏ ra suốt 2 tuần lễ để đọc liền mạch tập bản thảo kiểu "kiến văn tiểu lục" này, giữa những ngày hè oi bức của Hà Nội mà cho đến tận hôm nay chúng ta vẫn còn đang nếm trải. Bên cạnh các ưu điểm vừa nêu, tập bản thảo cũng hàm chứa một vấn đề - chủ yếu là về mặt chữ nghĩa - mà theo tôi, cần được cân nhắc kỹ. Trước khi "viết hay" phải "viết đúng" đã, chắc chúng ta ai cũng nghĩ như vậy. Để khi xuất bản, "Kẻ sĩ Thăng Long" vừa "hay" lại vừa "đúng", chứ không phải "nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay", tôi xin thảo luận thêm với NTG, hay nói là "phản biện" cũng được, một số điểm sau đây: ● "Sĩ" và "Kẻ sĩ", từ đâu, khi nào và tại sao Ở tr.14, NTG cho biết là mình đã "đi tản bộ trong khu vườn xum xuê của chữ Nôm, để xem xét riêng về mặt từ nguyên của danh xưng "kẻ sĩ"”. "Khu vườn" mà các tác giả đi tản bộ hóa ra là "kho tiếng Việt". Còn từ "sách nào", "khi nào" và "tại sao" thì lại không thấy gì thật cụ thể. Vậy tôi cung cấp cho NTG một số tư liệu để tham khảo thêm. * Về từ "kẻ", có 3 nghĩa: 1. Người, hạng người: - "Kính áng nạ, thờ kẻ già" (Phật thuyết đại báo ân trọng kinh, 43b) - "Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn" (Nguyễn Trãi: Quốc âm thi tập, 50a) 2. Miền, vùng dân cư: - "Mới sơ chịu làm quan giáo chức Kẻ chợ" (Truyền kỳ mạn lục, Q1, 51b). "Kẻ chợ" ở đây có nghĩa là đô thị, kinh kỳ. - "Chẳng ngờ người kẻ Đại Đề" (Thiên Nam ngữ lục. Ngoại kỷ, 66b) - Lẩn quất đến gần chùa kẻ Gia Châu (nt, 71b) 3. Thanh gỗ dùng để kết nối cột kèo: - "Cái kẻ áp đầu kèo con" (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, 25a) * Về từ "sĩ", có 2 nghĩa: 1. Người có học thức, đức độ: - "Dạy láng giềng mấy sĩ nho" (Quốc âm thi tập, 8b) - "Bạn sĩ quê xưa họp mặt quen" (Bạch Vân Am quốc ngữ, 9a) 2. Sĩ quan cấp thấp trong quân đội: - "Đôi bên tướng sĩ chẳng hiềm" (Thiên Nam ngữ lục, 42a) * Về từ "Kẻ sĩ": - "Gẫm xem hẳn kẻ sĩ hàn" (Sô nghiêu đối thoại, 16a) "Kẻ sĩ lành an nhàn dửng dưng" (Thi Kinh giải âm, 46b). Sách này khắc in vào thời kỳ đầu Quang Trung, 1792. Từ các cứ liệu thư tịch cổ trên đây, ta có thể thấy: "sĩ" và "kẻ sĩ" vốn cùng một nghĩa, trong đó, "kẻ sĩ" là dịch Nôm chữ "sĩ" trong Hán văn. Xem lại các bản dịch bài văn bia Đề danh bi ký của Thân Nhân Trung ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ta thấy chữ "sĩ" trong nguyên bản đều được dịch thành "kẻ sĩ" ( ). Ở đây, "kẻ sĩ" có nghĩa là "hạng người" (kẻ) có học thức, “đức độ" (sĩ), không gì khác hơn là tầng lớp trí thức trong xã hội, một trong số 4 giai tầng chính gồm sĩ, nông, công, thương, tức "Tứ dân", mà từ thời Chiến quốc, Cốc Lương Xích khi chú giải sách Xuân Thu của Khổng Tử đã đề cập tới: " " - Cổ thời hữu tứ dân: hữu sĩ dân, hữu thương dân, hữu nông dân, hữu công dân. Vậy không thể nói "Từ kẻ sĩ là một sáng tạo riêng của Việt Nam" (tr.24) như NTG được! và "kẻ sĩ" ở đây theo tôi chủ yếu và trước hết, vẫn là số trí thức theo đòi nghiệp Nho, tức lớp trí thức Nho học. ● Nguyên khí (tr.45): NTG viết "Nguyên khí, chính là khí thiêng từ gốc rễ dân tộc và nguồn cội đất nước, tươi nguyên và toàn vẹn từ bản chất...". "Nguyên khí" theo tôi hiểu, là một thuật ngữ triết học Trung Quốc thời cổ đại, gồm 4 nghĩa: 1. Là vật chất đầu tiên sinh ra và cấu thành vạn vật. 2. Là khí cát tường, tức tốt lành (Xuân thu phồn lộ). 3. Khí đầu tiên của thái cực, gồm 3 trong 1 ( ). 4. Là tinh khí của con người (Cựu Đường thư. Công Xước truyện). Cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển bản in năm 2005 (tái bản lần 5) giải thích từ Nguyên khí là "sức sống" (Sinh mệnh lực ) của người, đất nước, hoặc một tổ chức. Nói cách khác, "nguyên khí", theo tôi, chỉ năng lực sinh tồn và phát triển của một con người, một đất nước. Trong bản dịch "bài văn bia của Thân Nhân Trung" mà NTG trích dẫn (tr.47), chữ "Phụ bảng" dịch thành "Phó bảng" là không đúng. "Phụ bảng" khác với "Phó bảng". Ở nước ta đến triều Nguyễn mới dùng từ "Phó bảng". ● Chở thuyền, lật thuyền (tr.65). NTG viết "Chèo thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân" là câu nói tôn vinh sức mạnh tiềm tàng của dân, nhưng cũng chính là do "kẻ sĩ" đúc kết và phát ngôn. Nói như thế không sai. Nhưng cần nhớ rằng câu nói trên là của "kẻ sĩ" Trung Quốc, của Mặc Tử hay Tuân Tử gì đó, tôi chưa xem lại; và ở nước ta, Nguyễn Trãi là người nhắc lại sớm nhất trong bài Quan hải (Ức Trai thi tập). Ở tr.64, có chữ "Triệu, Tống". Nên bỏ dấu "," đi, vì "Triệu Tống" là để chỉ triều Tống do Triệu Khuông Dẫn sáng lập, khác với "Lưu Tống" là triều Tống thời Nam Bắc triều. ● Sách Tứ thư (tr.127), NTG viết: "Cần lưu ý rằng từ thế kỷ III sau Công nguyên, việc phổ cập chữ Hán và đưa các bộ sách như Tứ thư, Ngũ kinh vào giảng dạy ở nước ta đã được tiến hành với quy mô khá rộng (kể từ thời Sĩ Nhiếp)”. Sách Ngũ Kinh thì đúng là đã có từ đời nhà Hán. Nhưng sách Tứ thư thì phải đến đời nhà Tống mới có. Vào năm Thuần Hy (1174-1185), Chu Hy soạn Tứ thư chương cú tập chú, gọi tắt là Tứ thư, từ đó mới có tên sách Tứ thư. Sao lại nói sách này đã có "kể từ thời Sĩ Nhiếp". Đề nghị NTG xem lại! ● Nội thánh ngoại vương (tr.135). Bản thảo dẫn lời ông Nguyễn Đăng Thục bàn về "Đạo Thánh vương đời Lý: "Đạo Thánh vương là cả một triết lý chính trị "Nội thánh ngoại vương chi đạo"... Nó là tập đại thành của hai truyền thống chính yếu Á Đông nói chung, Ấn Độ và Trung Hoa nói riêng". Thực ra, cụm từ "nội thánh ngoại vương" lần đầu xuất hiện trong sách Trang Tử, Thiên hạ, ra đời vào thời Chiến quốc, chưa liên quan gì tới Phật giáo Ấn Độ. Ý chính của cụm từ này là hướng về một nhân cách lý tưởng trong tư tưởng và tâm lý Trung Quốc thời cổ đại, đó là: bên trong thì tu dưỡng theo cái đức của thánh nhân, bên ngoài thì thi hành đường lối chính trị của bậc vương giả (có công lao đối với xã hội). Quan niệm này được Nho gia tích cực tiếp thu và coi đây là "nhân cách lý tưởng" mà "kẻ sĩ" (sĩ nhân) và rộng ra là cả giới trí thức nói chung (tri thức phần tử) cần phấn đấu suốt đời. ● Nguồn gốc Việt Nam của Kinh Dịch? (tr.181-183): Một số học giả miền Nam trước đây, nhất là Lương Kim Định, đưa ra nhiều lý do để khẳng định Kinh Dịch là của người Việt. NTG "Kẻ sĩ Thăng Long" dè dặt và không tiếp nhận quan điểm trên là đúng. Nhân đây, tôi cung cấp thêm một số thông tin có liên quan đến vấn đề này: "Năm 1998, GS. Chu (người Mỹ gốc Trung Quốc) và đồng nghiệp ở Đại học Texas phân tích 15-30 mẫu microsatellites (mt DNA) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền từ 24 nhóm người Hán: 4 nhóm ở Đông Nam Á, 2 nhóm thổ dân Mỹ, 1 nhóm thổ dân Úc, 1 nhóm thuộc New Guinea và 4 nhóm da trắng Caucase"... đi tới kết luận người Thái cổ từ châu Phi men theo vùng Trung Cận Đông - Ấn Độ... đến Việt Nam, và dừng lại đây rất lâu trước khi phát triển về phía Bắc là Trung Quốc và phía Đông Nam là các nước Đông Nam Á ngày nay và châu Úc..." (Hà Văn Thùy: Hành trình tìm lại cội nguồn). Nhưng dù vậy, ta cũng không thể vơ Kinh Dịch về cho Việt Nam được. ● Vấn đề "xuất", "xử" (tr.205 - 206). NTG nói: theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế thì thuật ngữ xuất và xử này vốn là một từ ghép Hán Việt, có nghĩa đen là: ra và ở (ra khỏi đời và ở với đời). Nên xem lại. "Xuất xử" hay đi với "hành tàng". "Xuất" ứng với "hành"; "xử" ứng với "tàng". "Xuất" ở đây là "xuất sĩ" (chữ sĩ có thêm bộ nhân đứng) có nghĩa là "ra làm quan"; còn "xử" ở đây có nghĩa là lui về ở ẩn (ẩn thoái ). Thế mới đúng. ● Thái Sơn thạch cảm đương (tr.336): Về cụm từ này, NTG thích nghĩa là "đá núi Thái Sơn đảm đương mọi sự". Dịch như thế không biết có ổn không. Theo chỗ tôi biết thì ngày xưa, ở ta cũng như ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của Đạo giáo, ở trước cửa chính của nhà ở, hoặc hướng chính của cầu cống, người ta thường dựng một tấm đá (tấm bia) nhỏ, trên khắc 3 chữ "Thạch cảm đương" để trấn yểm (cấm, yểm) điều không lành, mà tấm bia đá ở trước cổng đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc là một dẫn chứng sinh động. "Cảm đương" có nghĩa là "Sở đương vô địch ", đã trấn yểm ở đây thì cái ác không thể thắng được, điều không lành sẽ phải lùi đi... Kết luận: Với những ưu điểm đáng quý mà trên kia đã nêu, nhất là đối với một đề tài khó như Kẻ sĩ Thăng Long, tôi thấy công trình này đủ điều kiện để nghiệm thu. Tất nhiên là sau cuộc họp hôm nay, NTG cần sửa sang thêm bản thảo theo hướng mới của các thành viên Hội đồng, trước khi đưa đi xuất bản.
PGS.TS. Bùi Xuân Đính (25/08/2011)
Là thành viên Hội đồng nghiệm thu, tôi nêu một số điểm sau đây đối với những nội dung được trình bày trong bản thảo sách “Kẻ sĩ Thăng Longi” của nhóm tác giả Bằng Việt. 1. Bản thảo đã đi đúng đề cương được Hội đồng nghiệm thu đề cương góp ý ngày 02 tháng 02 năm 2008. 2. Bản thảo đã làm rõ được các nội dung cơ bản, cũng là mục đích và yêu cầu của vấn đề được phản ánh: - Nguồn gốc và thời điểm ra đời của khái niệm “Sĩ”, “Kẻ sĩ”, “Kẻ sĩ Thăng Long”, trong sự phân biệt với các khái niệm “Trí thức”, “sĩ phu”…; - Cơ sở và các yếu tố, các điều kiện tác động đến sự hình thành của kẻ sĩ nói chung và kẻ sĩ Thăng Long nói riêng; - Cái nhìn về vũ trụ quan, nhân sinh quan của kẻ sĩ; quan hệ của kẻ sĩ Thăng Long với “tứ dân”; - Các thuộc tính hay phẩm chất, nhân cách của kẻ sĩ Thăng Long; - Phẩm chất kẻ sĩ trong điều kiện xã hội hiện nay. 3. Bản thảo có nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy. 4. Cách lý giải thấu đáo, có cơ sở, có sức thuyết phục; trình bày tốt, văn phong sáng sủa, lỗi kỹ thuật ít. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu thông qua để bản thảo được các tác giả chỉnh sửa và sớm được xuất bản. Xin góp ý với nhóm tác giả một số điểm sau đây của bản thảo: 1. Nên điều chỉnh, sắp xếp lại một số mục và phần cho hợp lý và cân đối; đồng thời đặt tiêu đề cho các phần. Cụ thể: - Ghép phần I và II thành một phần có tiêu đề “Sĩ và “Kẻ sĩ” - nguồn gốc khái niệm và cơ sở hình thành “Kẻ sĩ” . - Ghép mục III và IV cùng các mục 4 17, 18 thành một mục mang tên Những biểu hiện của Kẻ sĩ Thăng Long (Mỗi phần này có thể đặt thành Chương). - Mục 20 và 19 được coi như là Kết luận của sách. 2. Nhiều đoạn dẫn giải hơi dài, nên rút gọn lại hoặc thay đổi cách trình bày. Chẳng hạn: - Các mục 5, 6, 7, nên rút gọn lại, không trình bày theo lịch đại mà theo đồng đại; các đoạn về sự hình thành các nghề nên bỏ. - Nhiều đoạn dẫn khá chi tiết về lịch sử Trung Quốc, không cẩn thận dễ bị người đọc hiểu lầm là nhóm tác giả sa đà vào lịch sử nước này; nên thay đổi cách thức trình bày: hoặc dùng chữ nhỏ, lùi hàng vào; hoặc chỉ nêu luận điểm chính rồi phần tư liệu cụ thể đưa xuống chú thích (ở cuối bản thảo). 3. Mục trình bày về cơ sở hình thành của kẻ sĩ Thăng Long cần nêu rõ vị trí quan trọng của Thăng Long - Hà Nội: là trung tâm chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa giáo dục của cả nước qua các thời kỳ, nơi hội tụ nhân tài và thi thố tài năng; nơi bộc lộ đủ các loại tính cách khác nhau của người tứ xứ, nên mỗi người luôn muốn khẳng định. 4. Một số tư liệu sai phải sửa; hoặc viết chưa: - Trang 46: cần giải thích rõ hơn, Văn sách là bài thi thứ tư ở kỳ thi Hương và thi Hội, ngoài hỏi về nghĩa lý kinh điển, các công việc của đế vương xưa, đề thi còn hỏi đến một vấn đề thời sự chính trị, hoặc chính trị xã hội mà triều đình đang quan tâm giải quyết ở thời điểm có kỳ thi; thí sinh phải vận dụng các kiến thức chính trị - xã hội để làm bài. Cũng trang 46: khái niệm “tru di tam tộc” cần hiểu đúng; không phải là “tru di ba họ”, vì không có trong thực tế luật hình thời phong kiến ở Việt Nam, do người Việt Nam trước kia thường chỉ lấy nhau trong phạm vi làng mình, nên có hiện tượng “họ cả làng”. Vì thế, nếu “tru di tam tộc” không nên hiểu là tru di ba họ, mà là ba đời. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch năm 1968, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin in lại năm 2004) khi chép vụ án Lệ Chi viên đều ghi là tru di đến ba đời nhà Nguyễn Trãi (chữ “tộc” trong chữ Hán có hai nghĩa, vừa là họ tộc, vừa là đời). - Trang 47 (và một số trang khác) ghi Đệ tam giáp đồng tiến sĩ là Phó bảng là không đúng. Danh hiệu học vị “Phó bảng” được đặt vào năm Kỷ Sửu đời Vua Minh Mạng (năm 1829), dành cho những thí sinh cộng bốn trường (bài) của kỳ thi Hội được từ 9 - 4 điểm (theo thứ tự từ trên xuống), hoặc trường (bài) thứ tư không đạt, nhưng cộng cả ba trường trước vẫn được 10 điểm. - Trang 77, chỉ có Văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam; còn Văn hóa Chăm pa thuộc Vương quốc Chiêm Thành. - Trang 85, ghi chức danh Tổng trấn Hải Yên là không đúng, phải ghi là Tổng đốc; Hải - Yên gồm hai tỉnh Hải Dương (gồm cả Hải Phòng ngày nay) và Quảng Yên, không bao gồm tỉnh Hưng Yên (Hưng Yên lệ thuộc tỉnh Nam Định, nên gọi là Tổng đốc Định - Yên). - Kiểm tra lại năm sinh của Nguyễn Trường Tộ là 1827 hay 1828, hay 1830. Phần lớn các tài liệu đều chép ông sinh năm Mậu Tý - 1828. - Kiểm tra lại một số câu thơ, như “Thớt có tanh tao ruồi muỗi đến” (có lẽ ruồi mới đến thì chính xác hơn). - Các tháng ghi trong sử sách cũ đều là theo lịch âm; lịch dương chỉ mới được dùng ở nước ta từ đầu thế kỷ XX. Vì vậy, các tháng này nên viết hoa (gắn với năm can chi) như là ký hiệu chỉ lịch âm; còn tháng theo lịch dương thì dùng số La Mã. - Các khoa thi Nho học nên ghi theo thể thức : khoa thi năm (Can chi), niên hiệu, đời vua, sau đó chua năm theo lịch Dương trong dấu ngoặc, không nên chỉ ghi năm dương lịch. Chẳng hạn, khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo, đời Vua Lê Thái Tông (năm 1442); không nên ghi là khoa thi năm 1442. 5. Tài liệu tham khảo cần viết đủ các thông tin theo thứ tự: tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, năm và nơi xuất bản.
TS. Nguyễn Viết Chức (25/08/2011)
“Kẻ sĩ Thăng Long” là cuốn sách có vị trí đặc biệt trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đề cương cuốn sách đã được Hội đồng tư vấn mảng sách văn hoá - xã hội thông qua với chủ biên là Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - nghệ thuật Hà Nội. Chúng tôi là những người yêu thích chủ đề này một lần nữa khẳng định chọn chủ đề này là phù hợp với mục tiêu xây dựng Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; giao Nhà thơ Bằng Việt chủ biên cuốn sách là đúng người đúng việc. Tuy nhiên, việc triển khai bản thảo cuốn sách quả là khó. Hôm nay cầm bản thảo trên tay chúng tôi mừng như chính mình hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về tổng thể “Kẻ sĩ Thăng Long” là cuốn sách được viết khá công phu với 5 phần bao quát toàn bộ nội dung về “kẻ sĩ”, từ sự hình thành khái niệm đến các tác động của chính trị, địa - chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, ngôn ngữ… đến sự hình thành lớp “kẻ sĩ”; các tác giả cũng từ “luận kẻ sĩ” để làm rõ kẻ sĩ là ai, có những đặc điểm gì và đặc thù của tầng lớp “ kẻ sĩ” ở nước ta ra sao! Các phần sau còn đi sâu hơn nhằm làm rõ vũ trụ quan, nhân sinh quan của “kẻ sĩ” Thăng Long; Quan điểm về vũ trụ và nhân sinh qua lăng kính của các Trạng nguyên, tiến sĩ thời phong kiến; Đồng thời trình bài vị trí, vai trò của “kẻ sĩ” trong xã hội với cách nhìn nhận trân trọng “sĩ” như là tầng lớp không thể thiếu trong xã hội dù xếp theo cách nào: thứ bậc hay nghề nghiệp. Những đặc điểm rất riêng của “kẻ sĩ” được trình bày tại phần IV thật thú vị… Cá nhân với tư cách một độc giả rất thích thú khi đọc và thâu lượm được khá nhiều tri thức qua bản thảo, bởi thế cho rằng bản thảo có thể giao Nhà xuất bản biên tập để xuất bản. Tuy nhiên, để cùng chia sẻ cái khó và cũng muốn góp ý kiến vào một đề tài thú vị mà bản thân rất say với nó xin được nêu vài nhận xét mong được tham khảo và trao đổi (xin không nói ưu điểm): 1. Nên cân đối lại dung lượng của các phần và của từng phần. Về sử và các nhân vật lịch sử dài mà vẫn thiếu, có chỗ có vẻ hơi xa với chủ đề “Kẻ sĩ Thăng Long”. Nên chăng về lý luận (tạm gọi là thế) dồn vào phần I làm rõ khái niệm, sự hình thành và những yếu tố tác động đến sự hình thành “ké sĩ”; đặc thù của tầng lớp “kẻ sĩ” ớ nước ta. Thực ra khó nhất vẫn là nêu được đặc tính có thể khu biệt “kẻ sĩ ” với trí thức, những điểm tương đồng và dị biệt. Như vây có thể gộp phần I và II được chăng? Và xếp thứ tự sẽ là: 1. “Sĩ” và “kẻ sĩ”; 2. “Luận kẻ sĩ”; 3. Những yếu tố tác động đến sự hình thành kẻ sĩ (2. Nền Quốc học định hình (của Phần I) và 5, 6 ,7, 8 của phần II); 4. Đặc thù của tầng lớp kẻ sĩ ở nước ta: Kẻ sĩ, hiền tài, quốc sĩ. Nếu hai phần này gộp được chúng tôi muốn phần IV được sâu nữa, dài thêm giới thiệu kỹ hơn vì phần này chúng tôi cho rằng là phần chính độc giả trông đợi. Phần III “thu nạp” thêm mục 17, và 18 cho cùng một hệ thống: 1. “ Kẻ sĩ Thăng Long” và các vấn đền vũ trụ quan; 2. “Kẻ sĩ Thăng Long” và các vấn đề về nhân sinh quan; 3. Quan điểm về vũ trụ và nhân sinh qua lăng kính của các vị Trạng nguyên, tiến sĩ thời xưa. 4. “Kẻ sĩ Thăng Long với các mối quan hệ gia đình và xã hội. “Ngũ luân” và “Tam cương”; 5. “Kẻ sĩ Thăng Long” và 5 yếu tố được thể hiện từ nhân cách. “Ngũ thường” với suy nghĩ đã được Việt hoá; 6. “Kẻ sĩ Thăng Long trong bốn tầng lớp cư dân xưa: sĩ, nông, công, thương. Nếu gọn lại được như vậy chúng tôi muốn có một phần riêng giới thiệu về những “kẻ sĩ” tiêu biểu Thăng Long một cách tỷ mỉ hơn, thú vị hơn, “kẻ sĩ” hơn theo từng “mẫu” “kẻ sĩ”. Có thể không còn Phần V. Mở đầu có Lời dẫn nên Phần cuối cùng có thể là Thay cho lời kết. Phần này lấy ý của định nghĩa tổng hoà về “kẻ sĩ Thăng Long” và vấn đề kế thừa, phát huy tinh thần “kẻ sĩ” trong điều kiện hiện nay mà Bác Hồ như là “kẻ sĩ” vĩ đại nhất, tiêu biểu nhất của thời đại mới. 2. Vì các phần đụng đến khối lượng đồ sộ về các lĩnh vực sử học, triết học, tư tưởng, văn học, nghệ thuật nên có chỗ không kỹ lưỡng đầy đủ được (vì nếu kỹ hơn sẽ quá dài) và do vậy sẽ là điểm yếu nếu so với các sách chuyên khảo khác về các lĩnh vực đó. Mặt khác sẽ làm loãng phần “kẻ sĩ” và độc giả sẽ khó tìm cái riêng thú vị của kẻ sĩ với cái chung của giới có học hoặc đỗ đạt. 3. Về hình thức chúng tôi muốn tên các mục trong các phần ngắn hơn, có tính khái quát và hấp dẫn hơn. Không kể những mục có tên quá dài như muốn ôm hết những điều muốn nói, ngay tên các mục của phần III. Phần chúng tôi mê nhất vẫn có thể rút ngắn lại được. Vấn đề không chỉ là ngắn mà còn là gợi hơn, lôi cuốn hơn. Mạo muội bàn cụ thể mục 13. Tính hào sảng đến mức cao ngạo: Một thuộc tính không thể tách rời khỏi bản lĩnh “kẻ sĩ”. Có thể gọn và gợi như thế này được chăng: Hào sảng đến cao ngạo - thuộc tính hay bản lĩnh “kẻ sĩ”. Bỏ chữ “tính” đầu vì vế sau đã có “thuộc tính”, bỏ chữ “mức” vẫn đủ nghĩa và có vẻ nhấn mạnh hơn, còn “thuộc tính hay bản lĩnh” với chữ “hay” là gợi để lôi người đọc vào cái ý “không thể tách rời” trong nội dung sẽ phân tích trong mục. Nói chung về ngôn ngữ và cách diễn đạt chúng tôi cứ có một mong muốn vẻ như mơ hồ rằng với sách này nó có gì đó “kẻ sĩ” một tý, không dùng cách diễn đạt và ngôn ngữ thông thường, càng không nên có những ngôn từ thiếu chất “sĩ”. Ngay trang đầu của lời dẫn với những chữ “thì”, “tỏ ra”, “thì có” trong một đoạn văn ngắn vừa thừa vừa gần với văn nói. Hay trang sau: “Sau khi cân nhắc kỹ, chúng tôi tạm lấy mốc…” đã kỹ rồi, đã có căn cứ rồi thì lấy chứ không thể tạm lấy làm độc giả băn khoăn. Với hai chữ “và” 3 chữ “được” của câu kết Lời dẫn làm câu kết như chưa thể kết được. Trang 52, 53 khi nói về “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng, dành để tháng ngày chơi” bản thảo viết rằng: “Tài thì “giắt lưng”, còn “tháng ngày” thì để “chơi” có vẻ như không phải ý của Nguyễn Công Trứ?! Chúng tôi thiển nghĩ “cái tài giắt vào lưng ấy” để chơi với tháng ngày có vẻ ngông ngông hơn chăng?! Trang 215 khi nói về chuyện “lập ngôn” bản tháo có dẫn câu của Phan Bội Châu: “Lập thân tối hạ thị văn chương” và bình về một bản dịch nào đó cho là “dịch thoát câu thơ trên thành ra: Lập thân hèn hạ, ấy văn chương” thì người đọc không hiểu là khen hay chê? Bởi “tối hạ” dù có thấp đến đâu cũng không đồng nghĩa với “hèn hạ”, hơn nữa lại đang trong ngữ cảnh xếp thứ cho “lập đức, lập công và lập ngôn” thì cái “lập ngôn” là cái “hạ” so với “lập đức và lập công”, và lập thân bằng con đường văn chương có chăng chỉ đến mức “tối hạ” chứ không thể là “hèn hạ”. Trang 194 dùng bản dịch bài “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão chúng tôi cũng cảm thấy băn khoăn. “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu” dịch là “Ba quân hùng hổ át sao Ngưu”. Chữ “hùng hổ” dùng cho quân ta trong tiếng Việt có vẻ không phải lắm. Còn câu sau Phạm Ngũ Lão dùng “Nam nhi” là chủ thể đầy trách nhiệm của đấng trượng phu còn “vương nợ” (dẫu có theo cách nghĩ xưa) bản dịch lại ẩn đi mất. Nói chung có nhiều cách dịch, sách này nên chọn và tham khảo các bậc túc nho để dùng bản dịch cho hợp với nội dung định bàn. Ý kiến của chúng tôi chỉ là cảm tính say sưa của một độc giả về chuyện chữ nghĩa mà thôi. 4. Với tôi, sách đọc đã thấy thú vị. Có chăng sửa thêm được chừng nào thêm chừng đó. Không mong hoàn hảo, chỉ cầu thị và tránh sai sót không đáng có. Biên tập có thể xuất bản được. Trên đây là một vài nhận xét mong góp đôi chút cho cuốn sách mà tôi mong đợi.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ (25/08/2011)
Sau khi đọc Kẻ sĩ Thăng Long với 337 trang sách, tôi có một số ý kiến như sau: I. Mặt thành công 1. Đây là đề tài hay, tất nhiên là khó, qua cách viết, chứng tỏ tác giả là người say sưa, tâm huyết với đề tài. Nếu thực hiện tốt, tác phẩm thực sự sẽ có được chỗ đứng xứng đáng trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. 2. Bản dự thảo đã có sự thành công khi không chỉ "nhận diện kẻ sĩ" mà đã có sự "cảm" về kẻ sĩ. Cái hay, cái hấp dẫn, lôi cuốn người đọc không chỉ là "nhận" mà còn là "cảm" về nó. Đây cũng là mặt thành công cơ bản của cuốn sách. 3. Ngoài lời dẫn 6 trang, cuốn sách được chia làm 5 phần với 20 mục về lôgic lớn, cơ bản là hợp lý, văn phong sáng, rõ. II. Một số ý kiến để tác giả tham khảo Để nâng cao chất lượng, hoàn thiện bản thảo, tôi xin trao đổi với tác giả một số ý kiến để tác giả tham khảo. 1. Trước hết là về cấu trúc của cuốn sách 5 phần lớn có thể là hợp lý. Tuy nhiên các mục trong từng phần, nên chăng cần cân nhắc thêm: Ví dụ: Mục 17 "Kẻ sĩ" với các mối quan hệ gia đình và xã hội Ngũ luân và Tam cương. Mục 18 "Kẻ sĩ" và năm yếu tố được thể hiện ra từ nhân cách "Ngũ thường" với suy nghĩ đã được Việt hóa, nên chăng có thể xếp tiếp theo sau mục 12: "Kẻ sĩ Thăng Long" trong bốn tầng lớp dân cư xưa: sĩ, nông, công, thương hoặc tách 12, 17, 18 thành một phần (?); mục 19, 20 thành một phần (?). 2. Một số mục trong cách "nhận" và "cảm" cần có sự lôgic hơn, tinh tế hơn Ví dụ: Mục 9 "Kẻ sĩ Thăng Long" và các vấn đề về vũ trụ quan, tác giả để ra đến 15 trang chỉ thuần túy giới thiệu về triết học Trung Quốc (tr.153-168) liệu có thật hay để "nhận" và "cảm" về vũ trụ quan của Kẻ sĩ Thăng Long không? (nếu cần thì đưa về phụ lục chẳng hạn). - Mục 19 "Kẻ sĩ" và những ưu thế cần tiếp tục được phát huy trong thế giới hiện đại (tr.314 - 322) 9 trang của mục này với nội dung được trình bày của mục chưa đáp ứng được ý tưởng mà đề mục đặt ra. Người đọc có cảm nhận như là đạo Khổng (chứ chưa phải là kẻ sĩ) tiếp tục được phát huy ở một số nước trong thế giới hiện đại. 3. Một đôi chỗ cần cân nhắc thêm cách diễn đạt - Trang 7: đủ thời gian sống và tiếp thu được hết những ưu điểm... - Trang 15: được cầm cái hốt (?). - Trang 26: được minh chứng ở các đoạn kế sau... (các mục kế sau...). - Trang 37: giữ gìn thái độ nhũn nhặn  (với thái độ nhũn nhặn). - Trang 63 - 64 (xem lại nguồn bản Bình Ngô Đại cáo). Quân điếu phạt không gì bằng trừ bạo. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo - Sách Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nxb Giáo dục. Song hào kiệt không đời nào thiếu! (Song hào kiệt đời nào cũng có) - Trang 65: chèo thuyền cũng là dân  (chèo hay chở thuyền?) - Trang 67: đến làm ta nhói lòng  làm ta đến nhói lòng. - Trang 114: Thành Thăng Long - Thành Rồng bay (Thành Rồng lên) (?) - Trang 284: tài kiêm ăn võ  tài kiêm văn võ - Trang 314: những giáo lý Nho, Phật, Lão... cũ kỹ (?) III. Kết luận Mặc dù còn có một số ý, một đôi chỗ có thể tác giả cần cân nhắc để tiếp thu chỉnh sửa, nhưng về cơ bản dự thảo tác phẩm đã đáp ứng được yêu cầu mà đề tài cuốn sách đặt ra. Đề nghị tác giả tiếp thu chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng. Tôi đồng ý để bản thảo cuốn sách được nghiệm thu.
GS. Hà Minh Đức (19/08/2011)
Tôi đã đọc Đề cương bổ sung về tác phẩm “Kẻ sĩ Thăng Long” của nhà thơ Bằng Việt. Bản đề cương sửa chữa tốt hơn, chặt chẽ hơn. Các tác giả có thể tiến hành vì từ đề cương đến tác phẩm là một chặng đường dài và còn có dịp bổ sung. Tôi chỉ mong cuốn sách có nhiều tư liệu để chứng minh cho lý thuyết vì phải nhất quán về tiêu chí xét phẩm chất và tài năng của Kẻ sĩ qua những yếu tố gì (tác phẩm, giai thoại, chứng tích, hành vi…). Mục 2 và 3 có thể bổ sung cho nhau. Nên nói thêm thời kỳ kết thúc và phần tiếp nối hôm nay của Kẻ sĩ “Hà Nội”: cái còn được, cái mất. Tôi hy vọng thành công và chúc các tác giả tiến hành hiệu quả.
GS. Văn Tạo (19/08/2011)
Tác giả tiếp thu tốt cuộc nghiệm thu sơ bộ kỳ trước, đã xây dựng đề cương lần này đạt yêu cầu. Phần Tổng quan nêu lên quan điểm cơ bản để giải quyết vấn đề “Kẻ sĩ Thăng Long” có sức thuyết phục. Tuy vậy, có các vấn đề, chỉ đi vào biên soạn phải giải quyết là: những tri thức đi làm nghề tự do “bách tinh, bách nghệ” thì nhiều, vậy ai là kẻ sĩ? Những nghệ nhân thủ công như làm hoa giấy, nặn tò he có được coi là kẻ sĩ không? Những nhân vật thuộc về giai thoại, dã sử có được chọn là kẻ sĩ không? Tôi chỉ gợi ý để tác giả suy nghĩ thêm. Biên soạn xong mới có thể góp ý cụ thể được. * Về bố cục cuốn sách: Tôi tán thành: Dẫn luận và ba chương, 1 tổng luận. Những vấn đề là những giả thiết đặt ra trong dẫn luận và trong các chương đều là cần và đủ để giải quyết và biên soạn công trình. Tôi xin gợi ý hay nhắc lại thêm một vài điều mà tôi đã phát biểu kỳ trước: 1. Về thời gian tính đến 1884 tức khi nhà Nguyễn còn làm chủ hay cả sau Hiệp ước mất nước 1884 khi Việt Nam đã từng bước trở thành thuộc địa của Pháp. Kể từ đó vẫn còn những kẻ sĩ Thăng Long đáng coi trọng. Họ có hoạt động yêu nước và hoạt động kinh doanh phát triển tư bản dân tộc dù bị Pháp cấm. 2. Về không gian: La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp có phải kẻ sĩ Thăng Long không? Hải Thượng Lãn Ông hành nghề y ở Hà Tĩnh rồi mất ở đó, có phải là kẻ sĩ Thăng Long không? 3. Về tư duy triết học, tác giả lấy ưu điểm của Việt Nam là “Tam giáo: Nho, Phật, Lão” đồng nguyên nhưng đó là nói về kẻ sĩ của chúng ta không mắc bệnh “kỳ thị tôn giáo” như nhiều nước khác. Chứ còn tư duy triết học chính trị thì Nho giáo chiếm phần chủ đạo. Mà như ta đã nói “Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho, Thanh Nho”, tư tưởng chính trị có khác nhau nó ảnh hưởng nhiều đến kẻ sĩ Việt Nam. Lấy thời Lê Trịnh và Tây Sơn thì rõ: Ngô Thì Nhậm dám bỏ Lê theo Tây Sơn để sau bị Đặng Trần Thường đánh cho 100 trượng đến chết. Hoàng Giáp Hoa Đường Phạm Quý Thích không phù Tây Sơn, bỏ ấn từ quan và dạy học đào tạo học trò như Nguyễn Siêu là quý. Nhưng Lý Trần Quán, tự chôn sống mình hướng về phương Bắc theo Lê Chiêu Thống đang chạy sang Tàu cầu cứu chống Tây Sơn thì có được gọi là kẻ sĩ không? Những “dạng” kẻ sĩ đó phải được phân tích như thế nào? 4. Nói về “xuất sử” của kẻ sĩ chỉ kể trong khoa hoạ, lập thân, lập nghiệp về chính trị, văn hoá hay kể cả khi họ trở thành doanh nhân trong kinh tế như: Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi. Ngày nay, chúng ta đang xem xét lại một số nhân vật như: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh v.v. thì quay lại về xuất sử của kẻ sĩ phải giải quyết thế nào giữa yêu nước và theo Pháp? 5. Để công trình này có thể tạo ra một khái niệm, một “từ”, được đưa vào “từ điển” như chúng ta mong muốn thì phải giải quyết mối liên hệ giữa kẻ sĩ trong quá khứ với “trí thức Thăng Long” trong hiện tại sao cho có sức thuyết phục. Bởi thanh niên trí thức ngày nay có người thích được là “kẻ sĩ Thăng Long”, có người phẩy tay nói “Các cụ là đồ gàn” không theo? Đây là vấn đề tế nhị. Xin gợi ý. Kết luận Đề cương này đạt, có thể bắt tay thực hiện cho kịp thời gian.
Nhà thơ Vũ Quần Phương (19/08/2011)
Tác giả đã tiếp thu các ý kiến của cuộc họp lần trước. Đề cương này gọn chương mục, nhưng bao quát. Đủ Tôi muốn các tác giả lưu ý thêm về quan niệm của nhân dân, có tính Việt Nam, đối với chất lượng, vị trí kẻ sĩ của đạo Khổng. Các quan niệm này bộc lộ trong ca dao tục ngữ, truyện cười, tiếu lâm. Đây là 1 chương thú vị và sinh động vì nó gần đời. Điều cuối cùng là giọng kể, là bút pháp.
PGS.TS. Bùi Xuân Đính (19/08/2011)
Bản Đề cương sách “Kẻ sĩ Thăng Long” do Nhà thơ Bằng Việt làm Chủ biên đã được chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng sáng ngày 02/02/2008. Xin có một số ý kiến về nội dung bản Đề cương đã được chỉnh sửa này như sau: 1. Bố cục cuốn sách được trình bày trong bản Đề cương vẫn chưa thật gọn, một số nội dung cần nghiên cứu chưa đặt ra hoặc làm rõ, một số điểm vẫn còn trùng lặp hoặc đạt không đúng vị trí (ví dụ điểm thứ tư trong Chương I phải đặt ở Chương 2 cần trả về Chương 1 v.v). 2. Về bố cục và tên các chương, theo tôi nên gọn lại thành các chương, mục như sau: Chương I (Dẫn luận) Trình bày khái niệm “Kẻ sĩ Thăng Long” trong mối quan hệ với các khái niệm: kẻ sĩ, kẻ sĩ Bắc Hà, các nhà khoa bảng… dưới các góc độ: triết học, sử học, dân tộc học… Giới hạn không gian, thời gian và đối tượng nghiên cứu (như các tác giả đề cập trong Dẫn luận của Đề cương). Chương II (Môi trường và điều kiện hình thành kẻ sĩ Thăng Long): - Khái niệm “Thăng Long” (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của cả nước trong 8 thế kỷ) về phương diện địa lý hành chính (phạm vi của Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử). - Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành kẻ sĩ Thăng Long: + Nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội (một xã hội nông nghiệp - nông thôn - nông dân), bị ốp lên bởi một nhà nước quân chủ quan liêu nhiều cấp theo mô hình Trung Hoa (lưu ý nguồn gốc xuất thân và tính chất nông dân của kẻ sĩ); + Nhân tố “địa - chính trị” của Thăng Long (là Kinh đô của cả nước, nơi thi thố tài năng, thể hiện bản lĩnh của một lượng lớn kẻ sĩ: từ kẻ sĩ của cả nước trở thành kẻ sĩ Thăng Long). + Nhân tố tư tưởng, tôn giáo: vai trò của yếu tố Nho giáo, của “Tam giáo đồng tôn”. + Nhân tố văn hoá, giáo dục: ảnh hưởng của giáo dục và khoa cử Nho học, trong đó, Thăng Long là trung tâm giáo dục và khoa cử lớn nhất đất nước trong hơn 8 thế kỷ. Chương III (Những biểu hiện của kẻ sĩ Thăng Long): có nhiều vấn đề cần phải lý giải. Có thể theo các nội dung mà bản Đề cương (chỉnh sửa) đã trình bày ở Chương III. Song theo tôi nên tập trung vào các điểm sau: - Quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan của kẻ sĩ và cung cách ứng xử của họ. - Quan niệm về thời cuộc và cách ứng xử với thời cuộc (gắn với quan hệ vua - tôi); quan niệm xuất - xứ; lập thân, lập ngôn, lập nghiệp v.v.) của kẻ sĩ qua các giai đoạn lịch sử (thời Lý - Trần, Lê, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn). Cần lưu ý đến yếu tố thời cuộc, vì chỉ khi thời cuộc thay đổi hoặc gặp phải những biến cố lớn (như thay đổi triều đại, đứng trước hoạ mất nước…), bản lĩnh của kẻ sĩ mới bộc lộ đầy đủ. - Quan niệm và các ứng xử về các quan hệ cha con, vợ chồng, nam nữ, đồng liêu, ứng xử trong khi đi sứ v.v. của kẻ sĩ qua các giai đoạn lịch sử. Chương IV (Tổng luận) - Đúc kết những đặc điểm, phẩm chất tiêu biểu, những mặt hạn chế của kẻ sĩ Thăng Long, những bài học rút ra từ quá trình hình thành, sử dụng kẻ sĩ. - Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của kẻ sĩ Thăng Long trong việc xây dựng con người, xây dựng lối sống của kẻ sĩ Thăng Long trong công cuộc xây dựng Thủ đô hiện nay.
TS. Nguyễn Viết Chức (19/08/2011)
Về tổng thể, đề cương cuốn sách “Kẻ sĩ Thăng Long” đã được ông chủ biên và nhóm biên soạn tiếp thu, chỉnh lý khá đầy đủ. Những ý kiến của hội đồng khoa học thẩm định đề cương lần trước đã được cân nhắc để chỉnh sửa khá hợp lý. Về bố cục: Gồm 2 phần Dẫn luận, Tổng luận và 3 chương chính là hợp lý. Nội dung trong từng phần, từng chương phong phú hơn và cũng được sắp xếp hợp lý hơn. Sau khi định dạng danh xưng kẻ sĩ Thăng Long; so sánh, khảo cứu mối quan hệ của hai khái niệm “Kẻ sĩ Thăng Long” với “Sĩ phu Bắc Hà”; đặt “Kẻ sĩ Thăng Long” trong tương quan so sánh cùng thời với trí thức các vùng miền khác và khu vực; những người làm sách đã dẫn người đọc tiếp cận một cách thú vị với “Kẻ sĩ Thăng Long”. Nội dung và tên gọi của 3 chương chính cũng đã được cân nhắc để đặt đúng chỗ theo một lôgích dễ chấp nhận. Chương I. Sự hình thành và chuyển biến qua các thời đại phong kiến của lớp trí thức đặc thù được gọi là “kẻ sĩ” Về sự hình thành tầng lớp được gọi là “kẻ sĩ” chúng tôi cho rằng cần được xem xét khảo cứu quá trình hình thành ấy dưới tác động của chính tri, kinh tế, văn hóa xã hội. Trên cơ sở đó mới có thể xem xét, định dạng đặc điểm của “kẻ sĩ”qua các triều đại phong kiến. Mặt khác, khi nói về phẩm chất và khí tiết cần lưu ý sao cho không bị nhắc lại ở chương 2 có nội dung sự hình thành nhân cách kẻ sĩ; Khi nói về cách ứng xử không trùng lặp với “quan niệm về cách ứng xử” ở chương 3. Về sự chuyển biến của “kẻ sĩ” qua các triều đại, theo chúng tôi không chỉ về nhận thức, tình cảm và các biểu hiện bên trong (thực tình tôi không phân biệt được bên trong so với cái gì ngoài nó) của các mối quan hệ gia đình, xã hội qua các thời đại phong kiến khác nhau đối với tầng lớp “kẻ sĩ”. Chương 2. Thế giới quan “kẻ sĩ”: các hệ tư tưởng, tôn giáo tác động đến sự hình thành nhân cách “kẻ sĩ” và các quan điểm tư tưởng của họ Chương này tập trung trình bày về hệ tư tưởng triết học và tôn giáo của “kẻ sĩ” như là tác nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới quan và phương pháp tư duy của “kẻ sĩ”. Việc khảo cứu kỹ Nho, Lão, Phật và hiện tượng tam giáo đồng nguyên và những ảnh hưởng của nó tới sự hình thành nhân cách và thế giới quan của kẻ sĩ là cần thiết và có cơ sở. Tuy nhiên trong các gạch dòng chính của chương này dùng nhiều chữ “và” làm người đọc dễ lầm tưởng người viết đang lúng túng về cái mình định trình bày. Ví như: “Phật giáo VÀ sự hình thành những quan điểm đạo đức…”, ở đây là “và” hay “với”?! Vì nếu là và sẽ khác, là với sẽ khác! Chương 3. Nhân sinh quan của “kẻ sĩ”, lối sống, quan niệm về cách ứng xử, các mối quan hệ cá nhân, xã hội, xuất và xử trong tính cách của “kẻ sĩ” Chương này có lẽ là chương thú vị! Tôi nghĩ thế và mong những người viết tập trung vào nó, không lẫn vào các phần khác. Nó cần sự tinh túy, sâu sắc, ít lời nhiều ý. Sự kiện chọn lọc, nhân vật điển hình, chắc chắn sẽ lôi cuốn người đọc! Tổng luận Phần này khó! Các nội dung chính được vạch ra khá đầy đủ, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng phần này rất khó! Khó vì nó không thể là những nhận định, đánh giá khiên cưỡng, áp đặt. Cũng không thể là đôi lời dễ dãi tán tụng. Nó phải tự nhiên như chính câu chuyện kể về các nhân vật và sự kiện tiêu biểu của các “kẻ sĩ” tiêu biểu vậy. Nhất là khi nói về kế thừa. Dù còn khó có thể nói ngay rằng sách sẽ rất hay, nhưng tôi vẫn mong sớm có cuốn sách KẺ SĨ THĂNG LONG trong tay!
GS. Hà Minh Đức (19/08/2011)
Đây là một đề tài hay, phục vụ rất tốt cho dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhà thơ Bằng Việt chủ biên công trình này là một trí thức, một thi nhân gốc ở Hà Nội nên cũng thích hợp. Vấn đề kẻ sĩ thực chất là vấn đề trí thức. Trí thức Thăng Long có những đặc điểm gì đề cương đã nêu khá rõ. Tôi chỉ xin nêu một số ý nhỏ: Trước hết cần nêu lên đặc điểm chung của trí thức Việt Nam thời phong kiến, những loại nhà nho khác nhau. (ví dụ Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương có nhận xét, nghiên cứu về nhà nho tài tử…). Phải thấy chỗ giống nhau giữa kẻ sĩ Bắc Hà, kẻ sĩ Thăng Long với giới trí thức nói chung. Nếu không chỉ ra chỗ khác nhau thì không thành vấn đề định nghiên cứu. Theo tôi nghĩ cần tránh xu hướng quá đề cao kẻ sĩ Thăng Long so với giới trí thức nho học nói chung nhưng cũng mạnh dạn đề xuất cái riêng xuất sắc. Thứ hai là cần xác định rõ tiêu chuẩn kẻ sĩ Thăng Long về các đặc điểm: Người gốc Thăng Long và người ở các nơi về làm việc, làm quan ở Thăng Long. Với trường hợp sau thì nên xác định như thế nào về năm tháng, cư trú bình thường hay trách nhiệm công việc, quan chức. Nếu không rõ, dễ lấy người bốn phương làm kẻ sĩ Thăng Long. Các bậc trí thức trước đây thường thể hiện tài năng, nhân cách qua các loại công việc dạy học, lầm thuốc, làm quan, người hành nghề tôn giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao. Trong các hoạt động ấy, lấy cái gì làm chủ yếu. Về mặt thời gian cũng cần xác định rõ. Ở ta có ba loại: trí thức nho học (có thể lấy mốc bỏ kỳ thi Hán học), trí thức Tây học (có thể tính từ khoảng đầu thế kỷ đến 1945) và trí thức cách mạng từ sau 1945. Về việc đánh giá: gần đây có xu hướng xem nhẹ trí thức sau cách mạng. Một số người xem trí thức thời trước cách mạng có tính chất khai sáng còn sau cách mạng mang nhiều tính cộng đồng không rõ bản sắc. Nói thế là không đúng. Một điểm nữa theo tôi là cần chỉ ra nhưng hạn chế của trí thức nhà nho phong kiến kể cả kẻ sĩ Thăng Long (vay mượn nhiều của Trung Quốc, thiếu những trí thức tài năng về triết học, khoa học…). Nói tóm lại đây là một công trình nên làm và cần được làm tốt. Tôi hoan nghênh chủ trương của Nhà xuất bản và ủng hộ đề cương của cuốn sách.
Nhà thơ Vũ Quần Phương (19/08/2011)
1- Điều đầu tiên là cần xác địch mục tiêu cuốn sách cho rõ để trên cơ sở đó mà có các chương đáp ứng đúng mục tiêu đó. 2- Chủ đề nên xác định là Kẻ sĩ Thăng Long. Cố nhiên hiểu là Thăng Long của nhiều thời. Ở đây khái niệm này không nên đồng nhất với kẻ sĩ Bắc Hà vì khái niệm kẻ sĩ Bắc Hà vừa rộng hơn lại vừa hẹp hơn. Rộng vì Thăng Long nằm trong Bắc Hà. Hẹp vì khái niệm này chỉ xuất hiện trong cái nhìn của triều đại Tây Sơn. 3- Đề cương nói sách có 9 chương và một phụ lục nhưng đọc chỉ thấy 8 chương. 4- Nội dung toàn bộ tập sách rất hay nhưng khi phân ra thì các chương lại ôm những phạm trù không đồng cấp. Thí dụ chương 6 nói đặc trưng phẩm chất kẻ sĩ trong cuộc sống rộng lớn. Chương 5 thu lại chỉ nói phẩm chất ấy trong khi đi sứ, đúng ra là trong đối đáp có tính giai thoại hơn là sách lược ngoại giao. Rồi chương 3 thu lại nữa chỉ nói trong ứng xử nam nữ. Và đến chương 7 vẫn các thứ đó nhưng trong bình diện tâm linh, tôn giáo, triết học. Cách bố cục như vậy dễ gây trùng lặp và không có tính logic hệ thống, lại rất dễ để sót những vấn đề cần nói. Tôi nghĩ ta nên sắp xếp lại bố cục, quyển sách sẽ thoáng hơn, dễ đọc dễ nhớ mà lại có tính khái quát, khoa học. Tôi xin phép thử trình bày một cách bố cục giản dị nhằm làm rõ hơn những nhận xét tôi nói phía trên NỘI DUNG: 1- Quan niệm chung nhất về “kẻ sĩ” của đạo Nho: Xét từ Khổng tử đến các môn đệ của ông qua các triều đại Trung Hoa. Quan niệm đó ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào qua các triều đại trong lịch sử Việt Nam. Quan niệm phi chính thống của dân gian Việt Nam về kẻ sĩ “hết gạo chạy rông…”. 2- Sự hiện diện thực tế của kẻ sĩ ở nước ta: 2.1- Vai trò của kinh đô Thăng Long trong việc hình thành kẻ sĩ 2.2- Kẻ sĩ đời Lý. Nét đặc thù Phật giáo trong việc kiến tạo tư tưỏng giới trí thức. Nhưng gương mặt tiêu biểu. 2.3- Kẻ sĩ đời Trần. Đặc trưng Phật giáo nhường dần cho Nho giáo…Cùng viết theo bố cục trên, tự nhiên sẽ hình thành một cách so sánh cho thấy tiến trình phát triển của giới trí thức. 2.4- Kẻ sĩ thời Hậu Lê. Thời cực thịnh của trí thức phong kiến. Những gương mặt tiêu biểu 2.5- Kẻ sĩ thời Tây Sơn. Ngắn ngủi nhưng có biến động trong phẩm chất. Từ giáo điều sang biện chứng khoa học trong các khái niệm trung hiếu, xuất xử… 2.6- Kẻ sĩ thời Nguyễn 2.7- Người trí thức trong thời tân học 2.8- Trí thức Hà Nội thời Cách mạng tháng Tám, xây dựng Xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. 2.9- Nhu cầu đổi mới, hội nhập hiện nay đòi hỏi một khuôn mẫu trí thức toàn diện. Thành tựu và bất cập… 3- Chế độ học tập, thi cử qua các thời Cách dạy, cách học, cách thi khác nhau tạo nên những khuôn mẫu trí thức khác nhau. Chương này chứa đựng phong phú và sinh động những mô hình giáo dục, thi cử của các thời bằng cách cho thấy quá trình trưởng thành của kẻ đi học từ lúc ê a Tam tự kinh đến khi đỗ đại khoa. Nhiều mẩu chuyện nhiều giai thoại học hành kể vào đây tạo hấp dẫn cho cuốn sách nghiên cứu. 4- Phẩm chất kẻ sĩ qua các thời cựu học Phẩm chất là bao quát các phần trong đề cương trước đã nói như phẩm cách, khí tiết, ứng xử, nhân sinh quan, vũ trụ quan. Chuyện đi sứ, chuyện làm câu đối, những giai thoại làng Nho cho đến phép xuất xử những bậc đại trí thức và các công trình của họ. Bàn về Trung và Ngu trung…Cũng xét theo lịch đại từ Lý, Trần, Lê cho đến Cách mạng tháng Tám. 5- Phẩm chất kẻ sĩ thời nay (tính từ Cách mạng tháng Tám đến nay) Chương này liên quan tới chương trên, tách riêng để nhấn mạnh và cũng là để cuốn sách mang tính cập nhật thực tiễn, nóng hổi chất đời sống. Chủ đề chương này có thể gọi là trách nhiệm trí thức trước thời cuộc. 6- Khảo sát phép Tu Tề Trị Bình của kẻ sĩ cựu học và bàn thêm về tiêu chí của trí thức thời nay. Chương này khảo sát thành bại trong phép tu dưỡng bản thân, giáo dục con cái, trách nhiệm với cộng đồng…Cho thấy những gương trí thức lớn của thời đại mới trong chính trường, trong khoa học, trong nghệ thuật và cả hoạ tham nhũng hối lộ, phong hoá suy đồi… 7- Vai trò số một của Hà Nội trong việc kiến tạo phẩm chất trí thức thời nay Những thuận lợi được thừa hưởng. Những khó khăn đã vượt qua (khi vai trò trí thức bị coi nhẹ hoặc là đối tượng của chuyên chính) Những đòi hỏi cách tân từ bản chất trong việc kiến tạo người trí thức và tầng lớp trí thức của Hà Nội cho kịp với bước đi nhân loại. Phê phán những quan niệm lười biếng giáo điều giả danh cách mạng kìm hãm sáng tạo và sự hình thành tầng lớp trí thức mới. 8- Phần tổng luận Phần này sẽ nói thêm những điều cần nói và tạo âm hưởng dư ba cho cuốn sách. 9-Phụ lục: Tranh ảnh, thơ văn kim cổ có liên quan đến đề tài.
PGS.TS. Bùi Xuân Đính (19/08/2011)
Trước hết, đây là một vấn đề hay. Về mặt khoa học, nghiên cứu về “Kẻ sĩ Thăng Long” góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung và lịch sử văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, vì kẻ sĩ là tiêu biểu, kết tinh những giá trị văn hoá Việt Nam thời phong kiến mà Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, giáo dục, nơi hội tụ kẻ sĩ của cả nước thời phong kiến (cũng như thời cận – hiện đại). Nghiên cứu kẻ sĩ Thăng Long còn nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm của quá khứ về xây dựng con người, xây dựng lối sống cho Thủ đô Hà Nội chúng ta hôm nay. Vấn đề này cho đến nay mới chỉ được đề cập chung trong một số chuyên khảo về Hà Nội, chưa được nghiên cứu thành một chuyên khảo riêng. Vì vậy, tôi ủng hộ nhóm tác giả thực hiện cuốn sách về vấn đề này. Bản đề cương đã bước đầu đặt ra được những vấn đề cần nghiên cứu, các chương mục đã làm rõ được nội hàm của khái niệm “Kẻ sĩ Thăng Long”. Tuy nhiên, để đảm bảo tính logic, xin đề nghị các tác giả lưu ý một số điểm sau: 1. Đây là đề tài vừa có tính chất triết học, vừa có tính chất sử học, nhân học, văn hoá học. Vì thế, các tác giả cần nêu rõ cách tiếp cận vấn đề theo hướng nào. 2. Về bố cục và tên các chương. Có thể theo một nội dung như sau: Chương I (Dẫn luận): làm rõ các khái niệm: Kẻ sĩ, Kẻ sĩ Thăng Long, Kẻ sĩ Bắc Hà (lưu ý: Kẻ sĩ là sản phẩm tiêu biểu của chế độ giáo dục và khoa cử Nho học, của hệ tư tưởng Nho giáo ở các nước theo hệ tư tưởng này, như Trung Hoa, Việt Nam… Tại Việt Nam, Bắc Hà là “diện trường” chính yếu của nền giáo dục và khoa cử Nho học hình thành từ lâu mà mốc đánh dấu quan trọng là năm 1075, tồn tại đến năm 1919; Thăng Long là trung tâm của nền giáo dục đó, là nơi hội tụ để thi thố tài năng, thể hiện nhân cách của kẻ sĩ Bắc Hà; Kẻ sĩ Thăng Long không chỉ là người quê ở Thăng Long mà còn là số đông kẻ sĩ các nơi về sống, thi thố tại Thăng Long). Chương II (Môi trường và điều kiện hình thành Kẻ sĩ Thăng Long): Kẻ sĩ cũng là những con người, là sản phẩm của những điều kiện kinh tế - xã hội, tư tưởng, văn hoá, giáo dục của một đất nước ở mỗi thời kỳ lịch sử. Vì vậy, các tác giả chỉ nêu chế độ khoa cử ở chương II là không đầy đủ. Theo tôi, chương này phải làm rõ các vấn đề (gắn với các mục) sau: - Khái niệm “Thăng Long” (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của cả nước trong 8 thế kỷ) về phương diện địa lý hành chính. - Những nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội đối với việc hình thành “Kẻ sĩ Thăng Long” (một xã hội nông nghiệp - nông thôn - nông dân, bị ốp lên bởi một nhà nước quân chủ quan liêu theo mô hình Trung Hoa, tạo ra sự gắn kết Nhà - Làng - Nước; Làng là nơi đẻ ra kẻ sĩ, là nơi cung cấp nguồn quan lại cho Nhà nước phong kiến qua con đường thi cử; vì thế kẻ sĩ vẫn có nhiều ảnh hưởng từ làng và với làng, còn nhiều “chất nông dân” trước và sau khi thi đỗ, thi thố tài năng ở Thăng Long). - Những nhân tố văn hoá, giáo dục đối với việc hình thành “Kẻ sĩ Thăng Long” (giống như điều mà các tác giả đã trình bày ở chương II bản Đề cương; tuy nhiên, phần này nên ngắn gọn vì đã có nhiều đề tài, cuốn sách đề cập đến, chỉ nêu những điểm liên quan đến việc hình thành nhân cách kẻ sĩ). Chương III: (Những biểu hiện của Kẻ sĩ Thăng Long): có nhiều vấn đề cần phải lý giải, song theo tôi nên tập trung vào các điểm sau - Quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan của kẻ sĩ và cung cách ứng xử của họ. - Quan niệm về thời cuộc và cách ứng xử với thời cuộc (gắn với quan hệ vua - tôi; quan niệm xuất - xử; lập thân, lập ngôn, lập nghiệp…) của kẻ sĩ qua các giai đoạn lịch sử (thời Lý - Trần, Lê, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn). - Quan niệm và các ứng xử về các quan hệ cha con, vợ chồng, nam nữ… của kẻ sĩ qua các giai đoạn lịch sử. Chương IV (Tổng luận): Đúc kết những đặc điểm, phẩm chất tiêu biểu của kẻ sĩ Thăng Long, những bài học rút ra từ quá trình hình thành, sử dụng kẻ sĩ; phát huy những phẩm chất tốt đẹp của kẻ sĩ Thăng Long trong việc xây dựng con người, xây dựng lối sống của kẻ sĩ Thăng Long trong công cuộc xây dựng Thủ đô hiện nay.
TS. Nguyễn Viết Chức (19/08/2011)
1. Về tổng quan, đây là một ý tưởng hay để hình thành một cuốn sách có tính đặc trưng cao cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trí thức thời nào cũng có, nơi nào cũng có, khi mạnh khi yếu, lúc đông lúc vắng khác nhau, nhưng kẻ sĩ chỉ có ở Thăng Long. Chưa thấy người ta nói kẻ sĩ ở nơi khác! Như vật hóa ra đất Thăng Long tạo ra kẻ sĩ?! Hay là chỉ có ở Thăng Long mới thành kẻ sĩ được?! Nào đã có cuốn sách khảo cứu tỉ mỉ đâu mà phán. Mới nghe nói vậy và quen nói vậy. nay có ông vừa là nhà thơ lại vừa là nhà luật đứng ra chủ biên cho cuốn sách thì thật là may lắm thay. Tôi vẫn nghĩ kẻ sĩ nó khác với trí thức. Cũng có thể nó có cái gì đó chung với trí thức, nhưng nó phải có cái gì riêng lắm mới thành kẻ sĩ được! Không phải cứ ông nào là tiến sĩ, rồi ở Thăng Long - Hà Nội mới thành kẻ sĩ! Thế thì kẻ sĩ tốt hơn trí thức à? Cao hơn trí thức thức à? Chắc cũng không phải thế. Đọc mấy khái niệm ở phần dẫn luận của cuốn sách, tôi thấy vỡ vạc ra chút ít và đâm say với cái ý tưởng của người chủ biên. 2. Chính vì thế mà tôi đề nghị tác giả bám sát vào 3 cặp khái niệm đã đưa ra ở phần dẫn luận: Phẩm chất và tính cách; Khí phách và tiết tháo; Ứng đối và xử thế của kẻ sĩ Thăng Long. Thậm chí dùng nó để tạo dựng bố cục cho cuốn sách có lẽ còn thú vị hơn nhiều chương như trong bản đề cương. 3. Bố cục nhiều chương như bản đề cương theo thiển ý của tôi không ổn bởi hai lẽ: - Một là hầu như các chương đều không có tiêu đề, hoặc dẫu có cũng không gọi ra được cái hồn của nó nên không tạo được sự hấp dẫn cần có. Ví như chương 3: Quan hệ nam nữ và bình đẳng giới tính trong cách nghĩ của kẻ sĩ các thời đại. Cách nói ấy không có khẩu khí của kẻ sĩ! Hoặc chí ít là cuốn sách viết về kẻ sĩ! - Hai là nhiều chương quá và các chương được cấu tứ không theo một tiêu thức nhất quán nào, thành thử các chương hiện thời mới là những liệt kê nội dung sẽ được đề cập tới mà chưa thấy hình hài cuốn sách theo một mạch kể hoặc mạch luận cần có của sách! 4. Cũng từ những phân tích trên và có lẽ cũng do bị lôi cuốn bởi các khái niệm quá thú vị ở phần dẫn luận nên tôi cho rằng cuốn sách nên cấu tạo bởi phần dẫn luận, phần tổng kết và 3 phần chính là: Phẩm chất và tính cách; Khí phách và tiết tháo; Ứng đối và xử thế. Theo cái trục ấy khắc họa hình tượng kẻ sĩ thông qua các giai thoại, các câu chuyện lịch sử về những nhân vật có thật và cả những nhân vật dân dựng lên để tôn thờ… trong khoa cử, trong đời thường cũng như chốn quan trường… 5. Tôi tin là cuốn sách sẽ có sức hấp dẫn và có vị trí xứng đáng trong Tủ sách Thăng Long - Hà Nội.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)