Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Hà Nội - Danh thắng và di tích
Nghiên cứu tổng quan văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nhằm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, và di tích cách mạng kháng chiên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Tác giả: TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 2100 trang
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 10 - Trung bình: 2.55) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Giới thiệu lịch sử, tiến hành hiệu đính khoa học và nghiên cứu bổ sung tư liệu đầy đủ, chính xác cho các danh thắng, di tích lịch sử - văn hoá - cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở Hà Nội (Phân loại theo từng loại hình: Danh thắng, di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng kháng chiến...).
      Qua việc giới thiệu về di sản văn hoá, về hệ thống các danh thắng và di tích tiêu biểu của Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân ta đối với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố anh hùng, nhân ái, hoà bình. Cuốn sách này với nội dung được thực hiện sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin tư liệu, tổng hợp và đầy đủ nhất thể hiện được những nét tiêu biểu, đặc trưng của văn hoá Thăng Long - Hà Nội nhìn từ danh lam thắng cảnh và di tích Lịch sử - Văn hoá.
Đối tượng phục vụ:
      - Nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội, về các danh lam thắng cảnh các di tích lịch sử văn hoá, các di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội.
      - Các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý văn hoá; học sinh các trường phổ thông và đại học (Tham quan, học tập về lịch sử, về di sản văn hoá ở Thủ đô); phục vụ các bạn đọc ở thư viện.

 
 
Sách cùng chuyên mục

Ha Noi, who are you? (Hà Nội, bạn là ai)

Là bộ sách 10 tập khổ nhỏ 10 x 18 về Hà Nội. Mỗi tập là một chuyên đề về: Địa lý, Lịch sử, Khu phố cổ, Khu phố Tây, Khu Thành cổ, Ngoại ô, Ẩm thực, Các nhân vật qua tên phố, Đời sống tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, đền chùa…), Văn hoá nghệ thuật, Giáo dục.
Nhà văn hoá Hữu Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1196 trang/10 tập
11,5 x 18,5 cm/1 tập

Giới thiệu sách “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)”

Phong trào Thơ mới là một trào lưu thơ ca có vai trò quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Tuy chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng với những cách tân lớn lao về mặt nội dung và hình thức nghệ thuật, phong trào đã mở ra một thời đại mới cho nền thi ca dân tộc. Đã có rất nhiều cuốn sách nghiên cứu về phong trào Thơ mới trên tất cả các phương diện tuy nhiên chưa có công trình nào mang tính hệ thống lại toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển của phong trào theo hình thức biên niên. Với sự cần thiết đó, đề tài “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” đã được tổ chức biên soạn trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Nguyễn Hữu Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1 - Số trang: 776; Tập 2 - Số trang: 816
16x24

Câu đối Thăng Long - Hà Nội

Câu đối (Đối liên, doanh liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
948 trang
16x24 cm

Dân cư Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách Dân cư Thăng Long thuộc mảng sách Địa lý trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của hai tác giả GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức và GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh. Họ là những nhà khoa học đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về địa lý dân cư Việt Nam nói chung và địa lý dân cư thành phố Hà Nội nói riêng.

Đỗ Thị Minh Đức - Nguyễn Viết Thịnh
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
332
16x24

Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội

Kể từ định đô, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội đã biết bao đổi thay phát triển. Theo mỗi bước chuyển mình ấy là trí tuệ, mồ hôi và cả sức mạnh từ hào khí Thăng Long, trong vận mệnh của dân tộc và thời đại. Đến hôm nay sức sống ấy vẫn căng đầy và lan tỏa.“Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” là một đề tài thuộc mảng sách Văn học - nghệ thuật của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Đây là cuốn sách chuyên khảo về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội mang tính tổng hợp trong quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, trải qua các triều đại phong kiến, chế độ thực dân và giai đoạn phát triển độc lập.

Lê Văn Lân
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
484
16x24
Ý kiến bạn đọc
TS. Đặng Kim Ngọc (20/08/2011)
Tôi nhận được tập bản thảo sách “Hà Nội - Danh thắng và di tích” do TS. Lưu Minh Trị làm chủ biên từ Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội gửi đến với yêu cầu đọc thẩm định và cho ý kiến nhận xét. Tôi đã đọc kỹ bản thảo và xin có một số nhận xét như sau: 1. Bản thảo “Hà Nội - Danh thắng và di tích” là kết quả của một trong những công trình - đề tài lớn nghiên cứu về Hà Nội mà Nhà xuất bản Hà Nội đang chỉ đạo thực hiện trong mấy năm gần đây. Với ngót 1.200tr bản thảo khổ A4 mà ta có trong tay cho thấy nhóm tác giả do TS. Lưu Minh Trị là chủ biên đã làm việc với một tinh thần tích cực, khẩn trương và một thái độ trân trọng những di sản văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, nếu chúng ta biết rằng thời gian dành cho việc biên soạn là không nhiều (chưa được 10 tháng). 2. Đọc bản thảo, chúng ta thấy nhóm tác giả đã rất trân trọng những ý kiến góp ý, yêu cầu chỉnh sửa của Hội đồng thẩm định đề cương họp trước đây (tôi cũng là một thành viên trong Hội đồng đó). Do đó, cấu trúc, bố cục cuốn sách và những vấn đề được thể hiện trình bày trong bản thảo này đã hợp lý hơn lên rất nhiều. Theo đó, nội dung cuốn sách cũng rõ ràng hơn, gọn hơn. 3. Đây là tập bản thảo thuộc loại sách phổ cập kiến thức, do đó, các tác giả đã thể hiện một lối văn phong phổ thông, đơn giản, trong sáng và rõ ràng. Với cách thể hiện vừa trình bày, vừa giới thiệu của các tác giả theo một bố cục định sẵn, người đọc sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc và đầy đủ từ tính khái quát (phần Tổng quan) đến tính cụ thể (phần danh thắng và di tích) của nền văn hiến truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. 4. Dù sách viết về Hà Nội từ trước đến nay là không ít, nội dung và thể loại rất phong phú nhưng phải nói rằng “Hà Nội - Danh thắng và di tích” là tập bản thảo được biên soạn công phu và đầy đủ nhất về danh thắng và di tích cho đến thời điểm hiện nay. Nhóm tác giả bằng vào khả năng và kiến thức của mình, đã hệ thống lại gần đủ các danh thắng và di tích của Hà Nội hiện nay, sau đó được trình bày một cách khoa học (và cả thực tiễn cuộc sống), trong quá trình đó các tác giả đã đưa những ý kiến, quan điểm của mình về từng danh thắng, di tích khiến cho cả tập sách trở nên sống động, có hồn. Theo tôi, đây là một tập bản thảo tốt, có chất lượng, rất xứng đáng được đưa vào kế hoạch xuất bản để công bố rộng rãi cho bạn đọc. Tuy nhiên, với mong muốn chất lượng của tập sách được nâng cao hơn, tôi cũng mạnh dạn góp một số ý kiến với hy vọng các tác giả sẽ xem xét, tham khảo. 1. Trong phần III, phần Di tích lịch sử - văn hoá Hà Nội, sách có phân chia làm 3 loại A, B, C. Loại A là đình, đền thành quách, phủ, quán, miếu, lăng mộ, nhà thờ. Loại B là chùa và loại C là di tích cách mạng kháng chiến. Sự phân chia trên đây về đại thể có thể chấp nhận được nhưng đi vào cụ thể sẽ có nhiều trường hợp rất khó phân định, bởi vì một trong những đặc điểm của di tích cổ ở Việt Nam là nó không rạch ròi, rõ rệt. Ví dụ, đình có khi nằm sát chùa trên cùng một khuôn viên, nói đến chùa là nói đến đình và ngược lại. Trong mục A phần nói về đình, đền, thành quách, phủ… Có tới 51 tiểu mục có giới thiệu lẫn chùa: Ví dụ mục 11: đền, chùa Bà Tấm (Gia Lâm). Mục 23: đình Chi Đông, chùa Hương Hải (Gia Lâm) Mục 27: đình chùa Cổ Miếu (Đông Anh) Đây là chưa kể trong mục A còn giới thiệu nhiều khu di tích như khu di tích Cổ Loa, khu di tích Đền Sóc (Sóc Sơn) trong đó có cả đình, đền và chùa. 2. Cũng tại mục A, phần III, tất cả các loại hình di tích lịch sử - văn hoá, nếu không phải chùa thì đều đưa vào mục này (thực ra là đã đưa 51 ngôi chùa vào đây) trong đó có các loại hình nhà thờ như: - Nhà thờ Thiên chùa giáo - Nhà thờ Danh nhân - Nhà thờ Họ Ở đây tôi cứ phân vân là Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc (được đưa vào mục này) có phải là di tích lịch sử văn hoá không? Còn nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Nam Đồng, nhà thờ Phùng Khoang… sao không đưa vào? 3. Ở phần II, mục VI: bảo tàng và trung tâm văn hoá thể thao, có đưa vào 2 tiểu mục: Lăng Bắc và nhà sàn Bác Hồ. Đây là 2 di tích cách mạng quan trọng đã được Bộ Văn hoá xếp hạng. Do đó không nên xếp ở mục này, nên đưa sang mục C phần III: các di tích cách mạng - kháng chiến. Quảng trường Ba Đình cũng là di tích lịch sử cách mạng, không để ở mục này. 4. Cũng ở phần II, mục V và mục IV có đưa vào các tiểu mục Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Nhà hát Lớn Hà Nội, trong khi tại phần III, mục C phần Di tích cách mạng kháng chiến cũng có tiểu mục Quảng trường nhà hát lớn và Nhà hát lớn Hà Nội (tiểu mục 576) theo tôi nên bỏ một phần. 5. Ở phần II, chủ đề Danh lam thắng cảnh và các trung tâm văn hoá - thể thao, mục I “những dòng sông, con đê” tại trang 75, tiểu mục đê Hà Nội, theo tôi nên đổi là Hệ thống đê Hà Nội thì phù hợp hơn. - Tại mục II: những cây cầu xưa và nay, phần tiểu mục cầu gỗ nên bỏ vì dấu tích cầu gỗ không còn gì, nay chỉ còn địa danh đưa vào không phù hợp. - Tại mục III: mặt hồ soi bóng có thể đưa thêm các tiểu mục về hồ như: hồ Bảy Mẫu, hồ Linh Đàm, hồ Thủ Lệ… (hồ Bảy Mẫu, hồ Thủ lệ nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất và công viên Thủ Lệ, nhưng các tiểu mục này không thấy nhắc đến). Tương tự như vậy, phần quảng trường, có thể kể thêm quảng trường Chí Linh (hay quảng trường ngân hàng) vừa rộng, vừa đẹp vừa có nhiều ý nghĩa. - Trong phần trung tâm văn hoá - thể thao có một số địa chỉ tôi cho là chưa thật tiêu biểu, ví dục như Trưng tâm chiếu bóng quốc gia, Rạp xiếc Trung ương… có lẽ các tác giả nên cân nhắc lại. Theo tôi có nhiều địa chỉ khác còn tiêu biểu hơn như Cung văn hoá thể thao Quần Ngựa, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, hoặc Trung tâm thương mại Vincom. 6. Ở phần cuối sách, phần Mục lục. Sau mỗi đề mục nên ghi rõ ở trang bao nhiêu của sách để độc giả tiện theo dõi. Ví dụ: Lời nhà xuất bản, trang mấy? Phần I: Tổng quan về địa lý lịch sử văn hoá và di sản văn hoá Hà Nội, trang mấy? 7. Ở phần Tài liệu tham khảo theo tôi nên bỏ dòng chữ “đã tham khảo và sử dụng” không cần thiết. Trong 46 tài liệu, sách tham khảo nên sắp xếp lại theo một trật tự nào đó (thí dụ theo vần A, B, C tác giả, theo năm tháng hoặc theo chủ đề). 8. Ở phần Tổng hợp di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn các quận huyện của Hà Nội nên ghi rõ đây là các di tích lịch sử văn hoá của thành phố đã được xếp hạng quốc gia hoặc xếp hạng thành phố. Và nên kẻ thành bảng biểu danh sách này vừa trang trọng, vừa đẹp. 9. Sách “Hà Nội - Danh thắng và di tích” với ngót 1.200tr đánh máy khổ A4 với nhiều phần, nhiều mục được biên soạn công phu, có chất lượng, nhưng sẽ là thiếu sót hoặc hạn chế lớn của sách nếu như các tác giả quên hoặc không đưa vào bản thảo các tranh ảnh và bản đồ về Hà Nội. Một bộ sách mang tính phổ cập giới thiệu về danh thắng và di tích Hà Nội mà thiếu những nội dung này (tranh, ảnh, bản đồ…) thì chất lượng sách sẽ giảm đi nhiều lắm. Rất mong các tác giả lưu ý. 10. Góp ý cuối cùng là phần sửa morat, lỗi kỹ thuật. Một cuốn sách tốt là một cuốn sách mắc ít lỗi chính tả nhất, sai lỗi chính tả nhiều khi sai cả ý nghĩa của câu, ví dụ ở trang 49 (bản thảo) đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) đánh máy thành đình Lỗ Hạn, ở dòng dưới niên đại ra đời của đình Lỗ Hạnh đánh máy là thế kỷ XIV nhưng chính xác là thế kỷ XVI (niên đại tuyệt đối năm 1576). Mấy góp ý trên đây cho bản thảo “Hà Nội - Danh thắng và di tích” với hy vọng, mong muốn rằng sách được in ra sẽ có chất lượng tốt hơn. Bảm thảo Hà Nội - Danh thắng và di tích” là một bản thảo có chất lượng, được biên soạn công phu, kỹ càng. Nếu được gia công, sửa chữa theo góp ý của Hội đồng, tôi tin rằng bản thảo này sẽ xứng đáng được đưa vào kế hoạch xuất bản để sớm đến tay những bạn đọc yêu mến Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Phạm Mai Hùng (20/08/2011)
Trong cơ cấu của đề tài: “Thăng Long ngàn năm văn hiến” tập sách “Hà Nội - Danh thắng và di tích” do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên cùng nhóm biên soạn đã hoàn thành bản thảo. Đọc các tài liệu do Nhà xuất bản Hà Nội - Ban quản lý dự án gửi tới chúng tôi gồm: Mục lục, tài liệu tham khảo, Hà Nội - Danh thắng và di tích tập 1, chúng tôi có nhận xét như sau: 1. Về tài liệu tham khảo: Chủ biên và các cộng sự dùng 45 tài liệu tham khảo cho công trình biên soạn của mình. Đây là những tài liệu có xuất xứ rõ ràng, có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, những tài liệu kham khảo này chưa đủ bởi đây là một công trình đòi hỏi tính tổng hợp, khái quát và chi tiết chính xác. Ví dụ nói về địa giới hành chính Hà Nội, không thể bỏ qua tập sách do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2000 dưới tiêu đề: Lịch sử Hà Nội qua tài liệu lưu trữ - Tập 1, Địa giới hành chính Hà Nội từ năm 1873 đến năm 1954, hoặc viết về văn hoá ẩm thực Hà Nội Không thể không tham khảo tập sách “Văn hoá ẩm thực Hà Nội” Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 1999… 2. Về cấu trúc nội dung sách (mục lục): Ngoài lời nhà xuất bản, lời nói đầu, tài liệu tham khảo, tổng hợp di tích lịch sử, văn hoá và di sản văn hoá Hà Nội trên địa bàn các quận, huyện Hà Nội, mục lục, cấu trúc nội dung tập sách “Hà Nội – Danh thắng và di tích tập I” gồm 3 phần: Phần I: Tổng quan về địa lý, lịch sử văn hoá và di sản văn hoá Hà Nội. Phần II: Danh nam thắng cảnh và các trung tâm văn hoá thể thao trên địa bàn Hà Nội. Phần III: Di tích lịch sử Văn hoá Hà Nội. Đây là một cấu trúc hợp lý. Dẫu vậy chúng tôi ở phần I nên loại bỏ 2 nội dung: Đình và Đình Hà Nội; Ngôi chùa Việt trong lịch sử. Lý do đề nghị loại bỏ xin được phát biểu trong hội nghị nghiệm thu. Cũng ở phần này, có nội dung, có sự kiện lặp đi lặp lại không cần thiết, các tác giả nên đọc kỹ lại để tránh sự trùng lập gây nhàm chán cho người đọc. Ở phần hai về chi tiết nội dung, theo chúng tôi viết về các trung tâm văn hoá Thể thao trước, sau đó là thắng cảnh bởi đây là sự chuyển tiếp với phần III - Di tích. Mục III của phần hai nên dùng cụm từ Hồ ở Hà Nội thay cho cụm từ: Mặt hồ soi bóng để tránh sự mỹ miều so với các mục I, II, IV. Phần 3. Theo Luật Di sản văn hoá và theo Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của luật Di sản văn hoá, thì Di tích được phân thành 4 loại: - Di tích khảo cổ. - Di tích lịch sử. - Di tích kiến trúc nghệ thuật. - Danh thắng. Do vậy viết về Danh thắng - Di tích Hà Nội rất nên theo thứ tự nêu trên và từng loại di tích bắt đầu từ di tích đã được Nhà nước xếp hạng đến Di tích được thành phố xếp hạng. 3. Trong bản thảo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập I, chúng tôi có mạnh dạn chỉnh sửa vài chỗ, mục đích là để các tác giả tham khảo.. 4. Nhìn tổng thể những tài liệu nói trên đã được chuẩn bị cẩn trọng, có trách nhiệm và có tâm huyết với Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (20/08/2011)
Trước hết xin trân trọng cám ơn Văn phòng dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã giao cho tôi tham gia phản biện bản thảo này. Đầu tiên phải nói rằng sách giới thiệu về danh thắng và di tích Hà Nội từ xưa đến nay có nhiều, bản thân tác giả Lưu Minh Trị cũng đã có ấn phẩm loại này. Nhưng đây là một tập bản thảo, công phu dày dặn hơn cả giới thiệu một số lượng lớn gồm 605 di tích, và hơn 60 danh lam thắng cảnh cùng các công trình xây dựng khác của Hà Nội trước ngày 1/8/2008, tức trước ngày Hà Nội mở rộng theo Nghị quyết ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII. Sách không chỉ giới thiệu các di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố, mà còn giới thiệu cả các công trình kiến trúc, thắng cảnh chưa được xếp hạng. Hơn thế nữa các tác giả giới thiệu cả các bảo tàng, công viên, sông hồ, cầu, công trình thể thao, những di tích hiện còn và cả những cái đã mất (Cầu Gỗ - tr.77) trên địa bàn Hà Nội cũ. Ở mỗi phần có chỗ mô tả cô đọng, có chỗ lại viết dài, khảo tả không chỉ di tích mà cả truyền thuyết (Mỵ Châu - Trọng Thủy - tr.197). Điều đó cho thấy các tác giả đã dày công tìm kiếm, sưu tầm tài liệu và biên soạn tập bản thảo này. Căn cứ vào nội dung bản thảo, ngoài lời Nhà xuất bản, lời nói đầu, tài liệu tham khảo và bản Tổng hợp di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các quận huyện Hà Nội, sách có 3 phần chính là: + Tổng quan về địa lý, lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa Hà Nội; + Danh lam thắng cảnh và các trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn HN; + và phần Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Theo tôi một cuốn sách giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa của một địa phương bố cục như vậy là phù hợp và tạo điều kiện cho người đọc dễ dàng theo dõi. Nhiều nội dung trong phần tổng quan rất cần thiết, bản thảo đã nêu được bức tranh toàn cảnh về di tích danh thắng của thủ đô từ cội nguồn, trong đó có những điểm nhấn là đình, chùa và lễ hội. Việc xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa mang tính thời sự và rất cần thiết trong bối cảnh Hà Nội mở rộng hiện nay. Các di tích lịch sử văn hóa được giới thiệu khá cô đọng theo 3 nhóm loại hình: đình, đền, thành quách, phủ, quán, miếu, lăng mộ và nhà thờ; chùa; và di tích cách mạng. trong mỗi nhóm lại sắp xếp theo vần abc, cũng là phù hợp và giúp cho người đọc dễ tra cứu, tìm kiếm tư liệu khi cần thiết. Ngôn ngữ sử dụng trong bản thảo rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và tương đối thống nhất, tôi đánh giá cao giá trị của bản thảo. Tuy nhiên là một độc giả, đứng trước một tập sách dầy như vậy, liệu chúng ta có can đảm đọc hết cuốn sách hay không? nói cách khác cuốn sách có “neo” được mắt người đọc từ trang đầu đến trang cuối hay không? mà đây lại mới chỉ là tập 1. Dưới đây xin trình bày một số băn khoăn về bản thảo để Văn phòng dự án tham khảo. 1. Tiêu chí, phạm vi lựa chọn các địa chỉ cần giới thiệu Bản thảo không đưa ra tiêu chí như thế nào là danh thắng và di tích, nhưng qua nội dung có thể thấy ngoài các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố còn có nhiều địa điểm khác, trong đó có cả các bảo tàng, công viên, công trình thể thao khó có thể coi là danh thắng hay di tích. 2. Sự cập nhật của nội dung bản thảo Tuy các tác giả đã lường trước việc Hà Nội sẽ mở rộng sau ngày 1/8/2008, nhưng phần 1- Tổng quan, một đôi chỗ không còn cập nhật nữa nên bổ sung trước khi in, tỉ dụ về không gian Hà Nội không chỉ còn bao quanh bởi sông Hồng và Kim Ngưu - Tô Lịch ( từ lâu rồi đoạn sông Hồng đi qua Hà Nội đã nằm trong lòng Hà Nội) mà đã có một vành đai lớn hơn là sông Đà và sông Hồng ở phía Bắc và Tây bắc nơi gặp nhau ở tận ngã ba Việt Trì (Tam Nông). Về thời gian Hà Nội không còn ở thời đại đá mới mà đã lùi sâu hơn vào thời tiền sử đến tận thời đại đá cũ với những phát hiện công cụ cuội Sơn Vi ở vùng Hà Tây cũ. Tương tự như vậy những di tích thời kỳ Lý - Trần đã được phát hiện và nghiên cứu nhiều ở Hà Tây cũ như chùa Bối Khê, Trăm gian và các ngôi chùa có nhang án đá thời Trần, nên những câu như: “Thời Trần, chắc chắn trên đất Hà Nội cũng có rất nhiều chùa, nhưng cho tới nay chúng ta chưa tìm được dấu vết nào ngoài sử sách” tr.39 cần sửa lại. 3.Quan niệm về cảnh đẹp Ở trang 18 bản thảo có đoạn: “Nói đến cảnh đẹp Hà Nội, cần phải kể đến các bảo tàng”. Có thật như vậy không? Theo tôi biết hầu hết các bảo tàng ở Hà Nội đều là sử dụng lại các công trình kiến trúc vốn được xây làm phòng thuế (Bảo tàng Cách mạng), nơi trưng bày cổ vật (Bảo tàng Lịch sử)... để làm bảo tàng, trong quá trình tồn tạo các bảo tàng này lại xây dựng cơi nới thêm. Một số bảo tàng còn cho tư nhân thuê bán hàng dịch vụ ăn uống, giải khát. Hiện nay khách đến thăm vì các bảo tàng có trưng bày các sưu tập hiện vật hơn là thăm cảnh đẹp của các công trình kiến trúc chắp vá này, vì vậy cần xem lại quan niệm này. Tương tự như vậy ở phần II bản thảo đã đưa thêm cả các trung tâm văn hóa thể thao vào nội dung, và cả những công trình đã mất (chỉ có một địa chỉ Cầu Gỗ), liệu những nội dung này có phù hợp với tên sách, và có lôi cuốn người đọc, đề nghị các tác giả cân nhắc. 4. Một vài chi tiết cụ thể - Các mục: Di sản văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa Hà Nội tr 31-34; Đình và đình Hà Nội tr 47-50; Ngôi chùa Việt trong lịch sử tr 52-55, bản thảo nêu lại những vấn đề đại cương được viết ở khá nhiều tài liệu chuyên khảo khác như: khái niệm di tích, khái niệm đình, sự ra đời của ngôi chùa Việt, khái niệm lễ hội làm cho cuốn sách đã dài lại càng thêm ... - Ngôi nhà sàn Bác Hồ Trong khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được các tác giả bản thảo tách riêng giới thiệu tại phần II (tr.115 - 117), trong khi đó toàn bộ khu di tích quan trọng này của thủ đô lại không được giới thiệu, đề nghị các tác giả bản thảo nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung ngay (hồ sơ di tích có tại Cục Di sản văn hóa). - Một số di tích được giới thiệu rất sơ lược chưa đầy nửa trang, gây cảm giác ngay người viết cũng không thích thú gì với các di tích này, thì thử hỏi làm sao có thể hấp dẫn người đọc. - Cuối cùng đề nghị các tác giả đọc kỹ bản thảo để sửa lỗi đánh máy và một số câu mang tính nhận định như: “Vào thế kỷ XI - XII, đạo Phật bị tầng lớp thống trị lợi dụng” tr.55. Từ trước đến nay các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng ở thời Lý - Trần Phật giáo trở thành quốc giáo, một số nhà sư trở thành quốc sư, tham gia công việc triều chính. Ngay Lý Thái tổ cũng xuất thân từ nhà chùa vì vậy nên thận trọng trước những nhận định như trên. Tóm lại tôi đánh giá cao công sức của các tác giả, và nội dung bản thảo, bên cạnh đó tôi cũng xin góp một vài ý kiến để Văn phòng dự án tham khảo trước khi xuất bản.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính - Viện Nghiên cứu Văn hóa (20/08/2011)
1. Về bản thảo Hà Nội - danh thắng và di tích, tôi đã nhận được hồ sơ gồm: - Bài Tổng quan về địa lý, lịch sử, văn hoá và di sản văn hoá Hà Nội - Danh mục các danh thắng và di tích (sắp xếp theo địa bàn quận, huyện) - Mục lục và Tài liệu tham khảo. 2. Về bài Tổng quan, tôi không nêu ưu điểm, chỉ xin nêu những điều trao đổi để các tác giả cân nhắc thêm. + Trang 19, từ dòng 1 đến dòng 11: các văn nhân, thi nhân, danh tướng cần được xếp theo thứ tự thời gian. Thí dụ, Trương Hán Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm nên đặt trước Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Nguyễn Trãi cần đặt trước Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngô Văn Sở không thể đặt trước Lê Lợi. Quy Nhơn và Bình Định thực chất là một, ở đây đang nói đến đơn vị cấp tỉnh (hiện nay), vì vậy nên thay Quy Nhơn bằng Bình Định. + Trang 20, dòng 1: nên đổi Thừa Thiên thành Thừa Thiên - Huế (theo đúng tên gọi các tỉnh như hiện nay). Dòng 10: nên thay dấu - giữa Ngô Chi Lan và Phù Thúc Hoành bằng dấu phảy cho thống nhất với cách liệt kê tên người ở cuối trang 19 (ở cuối trang này, giữa các văn nhân, thi nhân là những dấu phảy). + Trang 21, dòng 11: ngõ Tô Tịch hay ngõ Tố Tịch? + Trang 22, dòng 1: sắc xảo là sai, cần viết là sắc sảo. + Trang 23, dòng 14: “đã được Long Vương trị tội” nên thay được bằng từ bị. Dòng 17: “cho vua xây thành Đại La” nên nói rõ vua nào? Dòng 1 và 2: nên để Chúa Chổm trước Ba Giai. + Trang 24, dòng 2: không nên viết hoa Xẩm trong Xẩm chợ. Từ dòng 14 đến dòng 18: là câu văn diễn tả đặc điểm của từng di tích. Vậy không nên chỉ viết “đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân” mà nên viết đền này có từ bao giờ hoặc là diễn đạt như sau: Đền Hai Bà Trưng toạ lạc khiêm nhường trên đất Đồng Nhân. + Trang 26, dòng 7 - 8: nên nói rõ đó là đèn kéo quân. + Trang 27: không nên viết “Nam Phong, Phong Hoá” mà nên viết “Nam phong, Phong hoá”. + Trang 28, dòng 11: “trài ngàn năm” là sai, phải là “trải ngàn năm”. + Trang 29, dòng 2: không nên viết “đọ sức đua tài dữ dội” mà nên thay “dữ dội” bằng “cần thiết”. Như thế mới phù hợp với cái ý sau đó: “(…) là nơi thu hút hội tụ tài và nghệ tứ chiếng trong sự chọn lọc của vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo”. Dòng 13 - 15: câu văn sai ngữ pháp. + Trang 70, dòng 3: có một từ đánh máy sai (thừa chữ s). Dòng 9: không nên chỉ nói đến trách nhiệm của ngành văn hoá - thông tin mà cần nói đến trách nhiệm của cả ngành du lịch. 3. Tài liệu tham khảo gồm 46 tài liệu. Ở đây có một số tác giả được ghi chức danh khoa học (Giáo sư, Phó giáo sư), học vị (Tiến sĩ), có một số không được ghi (thí dụ tài liệu 29, 30, đặc biệt ai cũng biết nhà sử học Trần Huy Liệu là Giáo sư, nhưng tài liệu 29 lại không ghi). Tài liệu 37 ghi không chính xác. Ông Vũ Ngọc Khánh là Phó giáo sư nhưng lại ghi là Giáo sư. Tôi hiểu rằng các soạn giả đã ghi theo các sách, sách nào không ghi thì họ không ghi, sách nào ghi sai (thí dụ tài liệu 37) thì họ cũng ghi như vậy. Tôi đề nghị đối với tất cả các tác giả ở tài liệu tham khảo đều nhất loạt không ghi chức danh khoa học (trước đây gọi là học hàm), học vị. Có nhiều tiêu chí để sắp xếp tài liệu tham khảo: tiêu chí theo thời gian công bố, tiêu chí theo trật tự chữ cái của tên tài liệu, tiêu chí theo trật tự chữ cái của tên tác giả, v.v… Ở đây, các tài liệu tham khảo không xếp theo một tiêu chí nào thống nhất. Đề nghị 46 tài liệu này nên sắp xếp theo trật tự chữ cái của tên tác giả. Nên thêm một số cuốn sách khác, thí dụ: - Hữu Ngọc (2007), Lãng du trong văn hoá Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội. - Vũ Tuân Sán (2007), Hà Nội xưa và nay, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 4. Tôi góp ý như vậy có lẽ hơi dài, xin nhường lời cho các vị khác và cho biên tập của Quý Nhà xuất bản. Ý kiến của chúng tôi chỉ là để các vị tham khảo thôi. Tán thành hay không là do các tác giả và Nhà xuất bản Hà Nội quyết định.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (18/08/2011)
Trước tiên tôi xin bày tỏ sự ủng hộ việc biên soạn cuốn sách Hà Nội -danh thắng và di tích để góp phần xây dựng “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Qua đọc bản đề cương tôi có mấy nhận xét sơ bộ như sau: Tôi tin rằng cơ quan chủ trì thực hiện và đặc biệt là chủ nhiệm đề án tiến sĩ Lưu Minh Trị sẽ hoàn thành tốt đề án. Vì đây là mảng đề tại tiến sĩ Lưu Minh Trị đã thực hiện từ nhiều năm qua. Trong ba năm 2004, 2005, 2006 Tiến sĩ đã biên soạn và xuất bản ba tập sách Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam giới thiệu danh thắng di tích và lễ hội trên 40 tỉnh thành phố trong cả nước trong đố có thủ đô Hà Nội. Tiến sĩ cũng đã chủ trì biên soạn một số sách giới thiệu về di tích và danh thắng của thủ đô. Thời gian thực hiện 12 tháng để cho ra đời bản thảo cuốn sách dày 1200tr ( khổ giấy in 16,5x 22cm) bao gồm cả ảnh, giới thiệu hơn 400 di tích và thắng cảnh theo tôi là hơi gấp, nếu tác giả hoàn thành được đúng thời gian thì rất đáng khích lệ. Nội dung cuốn sách gồm ba phần : Phần I ; Tổng quan về lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa Hà Nội; Phần II: Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử- Văn hóa Hà Nội, phần này giới thiệu hơn 400 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của thủ đô, trong đó có 180 di tích kiến trúc thành quách, đình, đền, phủ quán, miếu, lăng tẩm, nhà thờ; 120 chùa, 100 di tích cách mạng và một số danh lam thắng cảnh; Phần III: Phụ lục; Theo tôi, bố cục cuốn sách như vậy là hợp lý. Tuy nhiên đây mới là bản đề cương ban đầu nên các vấn đề đặt ra còn rất khái quát. Trên cơ sở những gì có trong đề cương tôi xin góp vài ý kiến nhỏ như sau: Di tích và danh thắng Hà Nội từ trước đến nay đã có một số cuốn sách và từ điển giới thiệu, tuy nhiên các xuất bản phẩm trước đây giới thiệu số lượng di tích thắng cảnh và lễ hội Hà Nội chưa nhiều, có sách giới thiệu chung về di tích danh thắng, có sách chuyên khảo về một loại hình kiến trúc như đình , chùa. Trước tình hình đó, cuốn sách này ngoài việc giới thiệu nhiều di tích danh thắng hơn, cần tránh lặp lại cách viết của các xuất bản phẩm trước đây đề người đọc khỏi nhàm chán ( vì đề cương chưa đề xuất trình tự giới thiệu một di tích, danh thắng như thế nào nên chưa thể góp ý cụ thể được).Theo tôi nên nhấn mạnh vào các giá trị nổi bật của mỗi di tích như: lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, vẻ đẹp cảnh quan.v.v. Cho đến nay thủ đô Hà Nội đã có 391 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia. Đây là những di tích tiêu biểu nhất của thủ đô và đã được nghiên cứu kỹ hơn các di tích khác trong quá trình lập hồ sơ di tích, đã qua nhiều cấp xét duyệt, trong số đó có những di tích rất tiêu biểu như khu phố cổ Hà Nội, đề nghị các tác giả nên ưu tiên giới thiệu các di tích này. Tóm lại tôi ủng hộ việc biên soạn cuốn sách, một vài ý kiến trên đây chỉ là những suy nghĩ ban đầu rất sơ lược qua đề cương cuốn sách để các tác giả tham khảo.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật (18/08/2011)
1. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, nơi có nhiều danh thắng và di tích văn hóa, lịch sử của riêng Hà Nội và của cả đất nước. Việc giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử và danh thắng không chỉ có ý nghĩa đối với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước mà còn có ý nghĩa đối với các du khách quốc tế khi tìm hiểu và tham quan Hà Nội. Do vậy, nếu công trình này được triển khai nghiên cứu và biên soạn một cách khoa học và đầy đủ sẽ có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tuy nhiên đến nay đã có nhiều sách viết về di tích văn hóa, lịch sử và danh thắng Hà Nội, vì vậy, việc chọn lọc, bổ sung, kế thừa cần được làm rõ. 2. Về nội dung công trình Theo các tác giả, công trình được cấu trúc gồm 3 phần nhìn chung là hợp lý, chuyển tải được những nội dung cần thiết khi giới thiệu về danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Quy mô gồm khoảng 1200 tr là vừa phải. 3. Một số góp ý - Phần 1: Tổng quan (120tr) là cần thiết nhưng sẽ khó trình bày vì nội dung là toàn bộ lịch sử Hà Nội từ xưa đến nay. Theo tôi, phần này nên gọn lại mang tính giới thiệu chung, sơ lược để người đọc hiểu những nét khái quát về Hà Nội. Do vậy, số trang nên chỉ khoảng 50tr. - Phần 2: Phần chính của cuốn sách (900tr) nội dung và cách trình bày nhìn chung hợp lý. Tuy vậy, cần chỉnh lại một số điểm sau: + Mục B. Thành quách... nên trình bày theo thứ tự: Thành quách; đình; phủ; đền; quán; miếu; lăng tẩm. + Nên tách mục "Nhà thờ" thành mục riêng như mục "Chùa" vì ở Hà Nội, nhà thờ có nhiều và nhà thờ có vị trí quan trọng cả về chính trị và tôn giáo. + Nếu được nên thêm nội dung "Cơ sở văn hóa" gồm Nhà hát, Viện Bảo tàng vì đây cũng là danh thắng và di tích văn hóa - kiến trúc, ví dụ: Nhà hát lớn, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử... Kết luận: Nhất trí để các tác giả triển khai biên soạn công trình trên.
PGS.TS. Phạm Mai Hùng (18/08/2011)
Về lĩnh vực di sản văn hóa: Với tư cách là một cán bộ khoa học, tôi đã từng là đồng tác giả của các công trình: Việt Nam di tích và thắng cảnh, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 1991; Chùa Hà Nội, NXB Văn hóa - Thông tin, ấn hành năm 1997; Bách khoa thư Hà Nội, tập 14 Bảo tàng - Di tích, NXB Từ điển Bách Khoa, ấn hành năm 2000. Tôi cũng đã đọc các công trình nghiên cứu, giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Hà Nội của các tác giả Hoàng Đạo Thúy, Hoa Bằng, Bùi Thiết, Nguyễn Vĩnh Phúc, Lưu Minh Trị... nhưng vẫn cảm thấy thiếu vắng một công trình quy mô có tính tổng hợp giới thiệu về di sản văn hóa Thủ đô tiện ích cho các nhà nghiên cứu, cũng như tiện ích cho những người có nguyện vọng muốn tìm hiểu về di sản văn hóa Thủ đô, đặc biệt là du lịch trong và ngoài nước. Nay được đọc đề cương sách: Hà Nội - Danh thắng và di tích của Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội làm chủ nhiệm. Tôi rất mừng, đọc kỹ bản đề cương tôi có mấy nhận xét như sau: 1. Ngoài lời giới thiệu và phụ lục, cấu trúc nội dung, sách " Hà Nội - Danh thắng và di tích" gồm 2 phần: Phần I: Tổng quan về lịch sử - văn hóa và di sản văn hóa Hà Nội Phần II: Danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Hà Nội Cấu trúc nội dung sách như vậy, theo chúng tôi là hợp lý. 2. Theo thống kê, phân loại, Hà Nội có khoảng 2500 danh lam - thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa. trong số đó, chỉ tính đến tháng 6 năm 2000 đã có 376 danh lam - thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng có giá trị quốc gia. Vậy mà sách di tích Lịch sử - văn hóa do Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội biên soạn với chủ biên là TS. Nguyễn Doãn Tuân, NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2000, dẫu đã có rất nhiều cố gắng song cũng mới chỉ giới thiệu được 36 di tích - nghĩa là còn quá ít so với các di tích đã được xếp hạng. Có lẽ nhận thấy đó là sự bất hợp lý nên ngoài các danh thắng, các tác giả tham gia nghiên cứu biên soạn sách "Hà Nội - Danh thắng và di tích" dự kiến sẽ giới thiệu 280 di tích, là một cố gắng lớn và hy vọng sẽ thành công. 3. Về thời gian Sách "Hà Nội - Danh thắng và di tích" là một công trình lớn đòi hỏi phải có sự sàng lọc tư liệu nghiên cứu, biên soạn công phu do vậy không thể thực hiện xong trong vòng 13 tháng mà chí ít cũng là 18 tháng.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (18/08/2011)
1. Văn bản được nhận xét là bản đề cương gồm 4 trang. 2. Chúng tôi tán thành lý do biên soạn và nội dung cuốn sách. Theo như đề cương cuốn sách sẽ gồm 2 phần: Phần I: Tổng quan về lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa Hà Nội Phần II: Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội Các tác giả sẽ dành số trang vượt trội cho phần II, đây là điều hoàn toàn hợp lý. 3. Đã có không ít cuốn sách giới thiệu danh thắng và di tích Hà Nội. Ở đây tác giả bản đề cương chưa cung cấp danh mục các cuốn sách đó và cũng chưa nêu được tập sách này sẽ khác những cuốn sách đã xuất bản ở những điểm nào và kế thừa người đi trước những gì? Điều này cần được nói rõ ở trong phương pháp biên soạn. Công trình này chỉ thực hiện vẻn vẹn trong một năm, ngoài ông Lưu Minh Trị, chúng tôi chưa rõ danh tính những người cùng tham gia. Một mình ông Trị thì chắc chắn không làm được. Những người tham gia sẽ đi khảo sát trực tiếp các danh thắng và di tích Hà Nội, sẽ trực tiếp tra cứu các nguồn thư tịch cổ hay là sẽ chủ yếu kế thừa những cuốn sách đã được xuất bản? Chúng ta không phản đối việc kế thừa. Nhưng trong việc kế thừa nếu không làm rõ vấn đề bản quyền, không rõ xuất xứ của tài liệu được sử dụng thì sẽ khó tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc. Vài năm gần đây, không chỉ riêng trong ngành văn học, văn hóa học mà ngay cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng đã có những việc đáng tiếc (đã được đưa lên công luận) về việc những công trình, những cuốn sách xuất bản sau có phần giống với những cuốn trước mà công lao của những người đi trước bị bỏ quên. 4. Sau khi băn khoăn như trên, chúng tôi vẫn tin rằng ông Lưu Minh Trị cùng tập thể soạn giả sẽ thực hiện tốt đề tài này, bởi vì ông đã có nhiều năm làm lãnh đạo chắc sẽ tập hợp được những cộng sự tốt và sẽ biết kế thừa có lý có tình những gì của những người đi trước. Đề nghị Hội đồng thông qua đề cương.
TS. Đặng Kim Ngọc (30/12/2009)
"Hà Nội - Danh thắng và di tích" thuộc loại sách phổ cập kiến thức, do đó, các tác giả ở đây đã thể hiện một lối văn phong trong sáng, rõ ràng, rất dễ hiểu. Điều này rất quan trọng và cần thiết. Đối tượng của sách là công chúng rộng rãu, có trình độ phổ thông, cho nên ban chủ nhiệm đề án và chủ biên đã chỉ đạo nhóm tác giả chọn cách thể hiện vừa trình bày vừa giới thiệu theo một bố cục định sẵn, khiến người đọc sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc và đầy đủ từ tính khái quát (phần tổng quan) đến tính cụ thể (phần danh thắng và di tích) của nền văn hiến truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Sách viết về Hà Nội từ trước đến nay là không ít, nội dung và thể loại rất phong phú, nhưng phải nói rằng "Hà Nội - Danh thắng và di tích" là tập bản thảo được biên soạn công phu và đầy đủ nhất về danh thắng và di tích cho đến thời điểm hiện nay. Nhóm tác giả bằng khả năng của mình về từng danh thắng, di tích, khiến cho cả tập sách trở nên sống động có hồn.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)