Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Ha Noi, who are you? (Hà Nội, bạn là ai)
Là bộ sách 10 tập khổ nhỏ 10 x 18 về Hà Nội. Mỗi tập là một chuyên đề về: Địa lý, Lịch sử, Khu phố cổ, Khu phố Tây, Khu Thành cổ, Ngoại ô, Ẩm thực, Các nhân vật qua tên phố, Đời sống tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, đền chùa…), Văn hoá nghệ thuật, Giáo dục.
Tác giả: Nhà văn hoá Hữu Ngọc
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 1196 trang/10 tập
Kích thước: 11,5 x 18,5 cm/1 tập
Bình chọn:
(Tổng số: 3 - Trung bình: 1.17) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

       Năm 1997, chủ biên đề tài đã viết tác phẩm tiếng Pháp và Anh Chân dung Hà Nội được Chính phủ dùng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia và ngoại trưởng các nước tham gia Đại hội cấp cao Pháp ngữ ở Hà Nội 1997.
      - Vừa thực hiện bộ sách Sweden, who are you?” (Thụy Điển, bạn là ai?), 10 tập bằng tiếng Việt.
      - Nhóm cố vấn và cộng tác viên nước ngoài có: nhà văn Mỹ Lady Boston, nhà xã hội học Úc Mamsay, một số thành viên hội Friends of Vietnam Heritage.
Ra một bộ sách lấy tên là: “Hanoi, who are you?” (Hà Nội, bạn là ai?), khổ nhỏ 10 x 18cm, cho vào hộp bìa mang đi mang lại rất tiện, mỗi cuốn đề cập một vấn đề cơ bản về Hà Nội; đi lại, ngồi máy bay hay tàu xe lấy rời ra từng cuốn rất tiện.
      Sơ bộ 10 cuốn tiếng Anh sẽ viết về các vấn đề:
      - Địa lý các khu có bản đồ
      - Lịch sử Hà Nội (là lịch sử Việt Nam thu nhỏ).
      - Khu phố cổ
      - Khu phố Tây
      - Khu thành cổ
      - Khu ngoại ô
      - Ẩm thực
      - Tìm hiểu các nhân vật qua tên phố.
      - Đời sống tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo, chùa đền, hội hè).
      - Văn hoá nghệ thuật, giáo dục (chèo, tuồng, rối nước, đại học).
      Mỗi tập khoảng 20.000 - 30.000 từ, gồm độ 15 - 20 bài, 100 - 150 trang chữ , 20 trang ảnh. Đây là những bài tản văn, ngắn gọn dễ đọc, dễ hiểu, có thể do tác giả trực tiếp viết hoặc sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Từ những bài tản văn này, người đọc sẽ hình dung một cách tổng thể về các lĩnh vực của Hà Nội.

 
 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2010

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
GS.TS. Phùng Hữu Phú (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
304 trang

Kẻ sỹ Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Nhà thơ Bằng Việt
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
300
16x24 cm

Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Phạm Quang Long và Ông Bùi Việt Thắng (Dồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
842 trang
16x24 cm

Chân dung Hà Nội truyền thống, thành phố Rồng nghìn tuổi

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
Nhà văn hoá Hữu Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
248 trang
16x24cm

Văn bia Tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long

Các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám khởi dựng năm 1484 là một quần thể di sản văn hoá rất nổi tiếng và quan trọng của lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. Qua việc giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của hệ thống bia Tiến sĩ, phân tích để nêu bật ý nghĩa quan trọng và nổi bật của hệ thống văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long để tôn vinh, lưu danh các nhà trí thức của dân tộc cho các thế hệ chiêm ngưỡng và học tập.
PGS.TS Ngô Đức Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
1000
16x24 cm
Ý kiến bạn đọc
Ông Việt Phương (20/08/2011)
Tôi thấy cuốn sách tốt, rất tốt. Đậm đà hương vị, màu sắc Thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Thấm thía tình yêu Việt Nam, tình yêu Thăng Long - Hà Nội. Nhận định tinh tế. Thái độ rất văn hoá, đặc biệt là khiêm nhường, đúng mức, không tô vẽ, không thổi phồng, không tự ngợi ca gây phản cảm. Đặt chủ đề, chọn nội dung, cách diễn đạt hợp với việc giới thiệu Thăng Long - Hà Nội cho người nước ngoài. Nhiều bài của Hữu Ngọc, một số bài của tác giả khác có chất thơ. Theo trình độ ngoại ngữ còn kém của tôi, tiếng Anh của cuốn sách là chuẩn và tao nhã. Có một số ít bài chưa cập nhật, mà nên cập nhật, xin xem đề nghị ở từng tập.
GS. Lê Hồng Sâm (20/08/2011)
Một bộ sách hay và hữu ích: - Cung cấp cho người đọc những kiến thức tổng quát, mang tính chất chung, có thể ứng dụng với nhiều miền trên đất nước, song lại là cơ sở cần thiết để tiếp cận Hà Nội (như phần lớn các bài trong tập 1: Tín ngưỡng và Tôn giáo, trong tập 2: Truyền thống và đổi thay, tập 4: Vật phẩm đẹp). - Đồng thời, giới thiệu được những nét đặc sắc, cụ thể, riêng của Hà Nội, về nhiều phương diện: lịch sử, địa lý, nghệ thuật, phong cách sống, ẩm thực … Có những chi tiết độc đáo, lý thú, mà rất nhiều người Hà Nội không hề biết: bản thân nghệ nhân đã đúc pho tựợng A Di Đà ở chùa Thần Quang cũng có tượng trong chùa, lò rèn cổ nhất Hà Nội, tên gốc của phố Chả Cá, v.v. - Cách đặt vấn đề hay, khiến sự kiện cụ thể có được tầm rộng và chiều sâu: huyền thoại và lịch sử (tập 3: Hà Nội, tấm gương phản chiếu lịch sử Việt Nam), cơ sở triết lý trong nghệ thuật ẩm thực (tập 6: Món ăn Hà Nội), trong nghệ thuật chăm sóc cây cảnh, bầy biện mâm ngũ quả (tập10: Cây và con vật nhiệt đới) v.v. - Có những lý giải giàu sức thuyết phục: thí dụ sự hiếu khách mang tính truyền thống (tập 2), niềm sùng kính và lòng yêu mến của nhân dân đối với Hai Bà Trưng (tập 3) v.v. - Những phát hiện mới được đề cập kịp thời: các bài Dấu vết các thời đại, Gốm cổ, Gạch cổ. - Đề xuất được những ý kiến riêng, đích đáng: về sự phiền toái trong tổ chức cưới xin (tập 8), về ý định tân trang Tháp Rùa, thay đổi Quốc ca (tập 9) v.v. Về phương thức thể hiện - Phối hợp được nhiều cách tiếp cận, nhiều góc độ nhìn khác nhau: nhà văn, nhà nghiên cứu, du khách, người trong nước, ngoài nước… do đó sự miêu tả cũng như các cảm nhận không đơn điệu, một chiều, mà đa dạng, phong phú. Đôi khi tính chất trái ngược trong nhận định cũng là một nét lý thú, khơi gợi ở người đọc ý muốn tự mình tìm hiểu để kết luận: thí dụ positive consequence trong bài Living in the Old Quarter và cách nhìn khách quan hơn trong bài Silk Stree ( tập 7 Khu phố cổ và khu phố Tây). - Nhiều sắc thái khác nhau trong các bài viết, phù hợp với đối tượng, với vấn đề được thể hiện: hài hước hóm hỉnh (thí dụ Confucius set free trong tập 2, The irony of Karma trong tập 1) trang trọng cảm động (như các bài vể Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hung Đạo… trong tập 9 Tên phố phản ánh đất Việt truyền thống) v.v. Một vài nhận xét và đề nghị - Chất lượng các bài viết không thật đều, một số bài còn sơ lược, mang tính thống kê, nhưng số đó không nhiều, và cũng là điều không tránh khỏi trong một bộ sách tập hợp nhiều tác giả. - Ở cuối một số bài viết có ghi năm tháng, số bài khác không ghi. Tất nhiên, điều này không cần thiết đối với những bài đề cập các sự kiện mang tính chung, khái quát. Thế nhưng, sự vật luôn đổi thay, nên ở một số trường hợp, lại cần có năm tháng của bài viết, thí dụ các bài về mốt trang phục cô dâu, về số tiền mừng thông thường cho đám cưới, trong tập 8 Không khí Hà Thành, có những chi tiết hiện nay không còn phù hợp nữa. - Cũng liên quan đến sự thay đổi của tình hình, hiện nay Hà Nội vừa mở rộng, vậy có cần thêm một vài địa danh tiêu biểu, thí dụ như làng nghề Vạn Phúc?
PGS.TS. Phạm Hồng Tung (20/08/2011)
Tôi cảm thấy rất vinh dự được Ban Quản lý Dự án - NXB Hà Nội mời tham gia đọc và nhận xét tập bản thảo tiếng Anh của bộ sách “Hà Nội, bạn là ai?” (Hanoi, who are you?) của tập thể tác giả do nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Hữu Ngọc - người được giải Vàng sách Việt Nam và nhữ nhà văn Mỹ Lady Boston - một người bạn vô cùng thân thiết của Việt Nam làm đồng chủ biên. Tuy cảm thấy rất vinh dự, nhưng tôi cũng ý thức được đầy đủ rằng đây là một công việc hết sức khó khăn, vì tầm quan trọng của cuốn sách đòi hỏi người thẩm định phải rất nghiêm cẩn, trong khi đó, thời gian lại khá gấp gáp, không đủ để đọc kỹ và suy nghĩ về 10 tập của bộ sách bằng tiếng Anh với dung lượng lên tới 574 trang. Sau một thời gian tìm hiểu tập bản thảo và suy nghĩ, tôi xin trình bày một số nhận xét sau đây về bản thảo của bộ sách. 1. Về tầm quan trọng, ý nghĩa và cách tổ chức bản thảo của bộ sách Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của nhóm tác giả và chủ trương của NXB Hà Nội trong việc tổ chức biên soạn một bộ sách giới thiệu về Hà Nội bằng tiếng Anh như bộ sách “Hanoi, who are you?”. Với tư cách là Thủ đô của nước Việt Nam, không chỉ là trung tâm hành chính - chính trị lâu đời, mà còn thực sự là nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”, tiêu biểu cho đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại - Hà Nội thực sự cần thiết phải có một bộ sách như vậy để giới thiệu mình với bạn bè, du khách nước ngoài. Điều này lại càng trở nên có ý nghĩa hơn khi Thủ đô của chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm tuổi. Tuy nhiên, ở đây tôi có một băn khoăn lớn: ý đồ và kết cấu nội dung của bộ sách đã được thông qua và tập bản thảo cũng đã được hoàn thành trước quyết định sáp nhập Hà Nội với Hà Tây và một số xã của Hòa Bình và Vĩnh Phúc, tức là trước khi “Hà Nội mới” ra đời. Vì vậy, bộ sách này chỉ tập trung giới thiệu những nét chân dung và tính cách của “Hà Nội cũ” chứ không phản ánh được chân dung văn hóa và con người của xứ Đoài vừa mới được sáp nhập vào. Vì vậy, tôi đề nghị Ban quản lý Dự án và NXB Hà Nội cùng nhóm tác giả cân nhắc giữa hai khả năng: hoặc là trong Lời mở đầu của bộ sách (ở đây, tập bản thảo chưa có hay không có Lời mở đầu) nên nói rõ tình hình rằng bộ sách này chỉ tập trung giới thiệu chân dung văn hóa của Hà Nội trong không gian Thăng Long - Hà Nội xưa. Hoặc là tổ chức biên soạn thêm một bộ sách khác giới thiệu chân dung xứ Đoài trong lòng “Hà Nội mới”. Tôi nghĩ khả năng thứ nhất hiện thực hơn. Tôi cũng đồng ý với bố cục của bộ sách. Cần nói ngay rằng bố cục của tập bản thảo có khác so với bố cục được nhà văn Hữu Ngọc đề xuất ban đầu. Tôi cho rằng việc chỉnh sửa và xác lập bố cục như tập bản thảo hợp lý hơn. Cụ thể, tập bản thảo được xây dựng gồm 10 cuốn, đề cập đến 10 chủ đề như sau: 1. Beliefs and Religion; 2. Tradition and Change; 3. Hanoi, The Mirror of Vietnam’s History; 4. Things of Beauty; 5. Festivals - The Rural Belt; 6. Hanoi Food; 7. The Old Quarter and Westerner’s Quarter; 8. Hanoi, Atmosphere; 9. Street Names tell about Traditional Vietnam; 10. Tropical Plants and Animals. Ở đây, tôi có một thắc mắc nhỏ: Bộ sách sẽ được in thành 10 cuốn nhỏ có đáng số thứ tự không? Nếu có thì nên xem lại thứ tự các tập; nên đảo tập 3 thành tập 1, tập 1 thành tập 3, tập 5 thành tập 4 và ngược lại. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận và trình bày của nhóm tác giả bộ sách là: Không biên soạn một bộ sách lớn theo kiểu “hàn lâm” mà là một bộ sách gồm 10 cuốn nhỏ, phác họa những nét chính, đặc sắc của chân dung văn hóa Hà Nội thông qua nhiều bài viết nhỏ theo lối tản văn. Nhờ cách tiếp cận và trình bày phù hợp nói trên, nhóm tác giả vừa một mặt hiện thực hóa được ý đồ của mình, vừa tạo cho người đọc cảm giác thú vị, nhẹ nhàng. Đọc 10 tập sách giới thiệu về Hà Nội được viết theo lối này, người đọc như được nghe một người bạn đường thân thiết, giản dị, thì thầm kể chuyện về Hà Nội một cách khá duyên. Có lẽ đây là một trong những thành công lớn nhất của tập bản thảo. Tuy nhiên, để cách tiếp cận và trình bày này đưa lại thành công như mong muốn của nhóm tác giả, từng bài viết của bộ sách này phải đảm bảo ít nhất hai yêu cầu là chân và duyên. “Chân” tức là giản dị nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học, xác thực; “duyên” tức là cách viết phải nhẹ nhàng, súc tích và cân đối và văn phong Anh ngữ phải sáng và hay, lôi cuốn người đọc, tránh nặng nề, gò bó trùng lặp... Nhìn chung các bài viết của cả 10 tập sách trong bộ bản thảo đã đáp ứng được yêu cầu nói trên. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát có thể thấy, tập bản thảo còn bộc lộ những hạn chế như sau: - Do là tập hợp của nhiều bài viết nhỏ do nhiều người viết nên điều không tránh khỏi là một số bài khá súc tích, ngắn trong khi một số bài thì lại khá dài; - Văn phong, cách trình bày, diễn đạt không nhất quán. Đôi khi cùng một hiện tượng hay sự kiện nhưng lại được diễn đạt bằng những thuật ngữ khác nhau, niên đại và cách lý giải khác nhau; - Các tác giả đưa vào tập bản thảo nhiều bài viết có sẵn, được hoàn thành từ cách đây khá lâu (1994, 1996, 1997…) nên thông tin không được cập nhật; - Cách sử dụng thuật ngữ bằng tiếng Anh đôi chỗ cần cân nhấc thêm để đảm bảo tính chính xác và nhất quán (xem góp ý cụ thể trong bản thảo); - Có bài viết không tập trung vào việc mô tả, phác thảo nét chân dung văn hóa Hà Nội mà lại về những nét, những đặc tính của địa phương khác hay của Việt nam; - Về phong cách (style) thì chọn cách viết tản văn, kể chuyện là đúng, nhưng đôi khi các tác giả lại cá nhân hóa sự tình của những câu chuyện, ví dụ giới thiệu ý kiến của ai đó với ý nghĩa là “my friend” hoặc kèm theo những cụm từ mang tính định giá, như “eminent Vietnamologist” hay dẫn lời một số nhà nghiên cứu, tờ báo… chưa hẳn đã quen biết với bạn đọc là người nước ngoài nói chung. Tôi nghĩ, nên vô nhân xưng những câu chuyện được kể, hoặc bỏ bớt những đề dẫn như vậy thì tập bản thảo sẽ “duyên” hơn chăng? - Còn thiếu các bài viết về một số danh thắng quan trọng của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu nhà sàn của Bác, đền Quán Thánh, nhà số 48 Hàng Ngang, Tháp Bút, thành Cổ Loa, đền Sái… nên cân nhắc để bổ sung thêm. 2. Về nội dung và hình thức của từng tập 2.1. Tập 1: “Beliefs and Religion” (Tín ngưỡng và tôn giáo) Tập này gồm 55 trang bản thảo, 18 bài viết. Nhìn chung các bài viết đều khá thành công đã cấp cho người đọc bức tranh chân thực, sinh động, nhiều màu sắc về tín ngưỡng và tôn giáo cùng những nét độc đáo về phong tục, nghi lễ và văn hóa tâm linh của người Hà Nội. Tuy nhiên, khi đọc tập này tôi thấy có một số điểm cần cân nhắc thêm: - Một số thuật ngữ bằng tiếng Anh nên có sự lựa chọn, cân nhắc. Ví dụ, có nên dung từ “God” để chỉ chung cho các thần linh, như Tản Viên, Thành hoàng, Vua bếp hay không? Tôi đề nghị nên dung từ “deity” để thay cho các thần, còn từ “God” chỉ nên dung để chỉ “ông trời” hay “Godless” cho các thánh mẫu. - Một số bài quá dài, thiên về mô tả di tích nên được cân nhắc, viết lại. - Một số bài không tập trung vào tôn giáo, tín ngưỡng ở Hà Nội, nên cân nhắc có đưa vào tập sách này không? - Có nên đưa bài về Cao Xuân Huy vào đây không? Tôi trộm nghĩ là không. - Có nhận định ở tr.4: cân nhắc lại xem có chính xác không? - Ở tr.9 (và một số nơi khác): không nên nhắc đến Freud. - Cách dịch tên Văn Miếu và Quốc Tử Giám cho nhất quán. 2.2. Tập 2: “Tradition and Change” (Truyền thống và đổi thay) Tập này gồm 66 trang với 28 bài viết. Các bài viết cố gắng đề cập đến những chuyển biến, đổi thay của đất nước va Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ từ 1945 đến nay. So với những tập khác, tập này - theo thiển kiến của tôi, là ít thành công nhất. Điều dễ hiểu là với lối viết tản văn thì khó đưa lại một bức tranh toàn cảnh về chủ đề trên. Nhưng để vượt qua khó khăn trên, thì lẽ ra các tác giả phải có một ý tưởng chủ đạo, rõ ràng, trên cơ sở đó lựa chọn ra những điểm nhấn để lựa chọn và sắp xếp các bài viết theo một trật tự nhất định. Cách trình bày và lựa chọn, sắp xếp các bài như đã làm ở tập này, tôi thấy bộc lộ một số điều bất cập như sau: - Bố cục và mạch ý của cả tập không rõ ràng, các điểm nhấn cũng không rõ, không làm nổi bật được những nét đổi thay của Hà Nội truyền thống trong khoảng thời gian hơn 6 thập kỷ qua. - Một số chủ đề, bài viết nên cân nhắc lại xem có liên quan trực tiếp tới những đổi thay của Hà Nội hay không? Ví dụ như các bài về hàng không dân sự Việt Nam, lính thợ trong thế chiến II nhớ lại sự kiện lịch sử quan trọng, thịt cừu gia nhập ẩm thực phố phường. - Một số bài có sự trùng lặp. Ví dụ: bài về thờ cúng tổ tiên (đã đề cập ở tập 1); bài về văn hóa ẩm thực (nên để ở tập 6 “Hanoian Foods”). - Nên cân nhắc có nên đưa bài viết về học thêm mà thực chất là luyện thi đại học vào đây để giới thiệu cho bạn bè quốc tế hay không? Ngoài ra còn một số điểm cần bổ sung hay chỉnh sửa tôi đã ghi trực tiếp vào bản thảo để các tác giả tham khảo. 2.3. Tập 3: “Hanoi, The Mirror of Vietnam’s History” (Hà Nội, gương phản ánh lịch sử Việt Nam) Tập này gồm 55 trang bản thảo với 20 bài viết, được chia làm 2 phần: “Myths and history” và “The Citadel”. Phần lớn các bài viết đều hay, hấp dẫn. Có thể nói đây là một trong những tập thành công nhất. Để giúp cho tập này thành công hơn, tôi xin góp một số ý kiến sau đây: Thứ nhất, tiêu đề của tập này là “Hà Nội, gương phản ánh lịch sử Việt Nam” nhưng nội dung các bài viết chỉ tập trung vào giai đoạn lịch sử trước 1882. Các tác giả nên cân nhắc có thể viết thêm một số bài phản ánh Thủ đô cho tới ngày nay. Tôi chắc phần tiếp theo này cũng sẽ rất hay, nhất là khi viết về Hà Nội với sự kiện lớn như Cách mạng tháng Tám và những ngày đầu của chế độ Dân chủ Cộng hòa, 60 ngày cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, sơ tán và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Bác Hồ sống và làm việc ở Hà Nội, Hà Nội thời bao cấp, Hà Nội thời kỳ đổi mới và hội nhập… có rất nhiều ý tứ hay để viết mà chỉ có thể viết theo lối tản văn mới viết hay được. Thứ hai, nên bỏ bài viết đầu tiên “A Difficult Choice”. Thứ ba, nên bỏ những đoạn dẫn ý kiến của một số người và tờ báo “Người cao tuổi”. Nên cân nhắc cách dùng tiếng Anh đối với một số thuật ngữ. 2.4. Tập 4: “Things of Beauty” (Vật phẩm đẹp) Tập này gồm có 49 trang bản thảo với 18 bài viết nhằm giới thiệu về một số loại hình nghệ thuật ở Hà Nội, như hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Đây cũng là một trong những tập được viết thành công nhất của bộ sách, với nhiều bài viết hay, sâu sắc. Để góp ý cho tập này, tôi xin nêu một số ý kiến: Thứ nhất, ngoài các loại hình mỹ thuật và nghệ thuật truyền thống, nên có một số bài viết về nghệ thuật hiện đại, như kịch nói, ca nhạc nhẹ, về một số bài hát hay về Hà Nội. Thứ hai, trong số các bài viết về nghệ thuật truyền thống nên cân nhắc có thể giới thiệu một số làng nghề như Bát Tràng (chuyển ở tập 5 lên), Ngũ Xã… 2.5. Tập 5: “Festivals - The Rural Belt” (Lễ hội - Làng ven đô) Tập này gồm 63 trang bản thảo với 29 bài viết, được chia làm 2 phần: “Festival” và “Rural Suburbs”. Nhìn chung tập này được viết khá thành công với nhiều bài hay. Để góp ý, tôi xin nêu một số ý kiến: Thứ nhất, trong phần 1 viết về lễ hội nên nói rõ đây là những lễ hội cổ truyền, nên giới thiệu thêm lễ hội của đền Sái, lễ hội ở Cổ Loa, làng Triều Khúc, hội đền Voi Phục. Đặc biệt là lễ hội đền Đô và lễ hội Chử Đồng Tử, tuy không thuộc Hà Nội nhưng lại có mối lien hệ mật thiết với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Về phần 2, “Rural Belt” bên cạnh các bài về làng nghề nên có thêm một số bài viết về làng nông nghiệp, làng rau ven đô, nhất là những làng có lịch sử lâu đời. Thứ ba cần chú ý đến tính cân đối của các bài viết. Có một số bài viết quá ngắn và có phần quá sơ lược. 2.6. Tập 6: “Hanoian Foods” (Món ăn Hà Nội) Tập này gồm 54 trang bản thảo với 27 bài viết. Đây cũng là một tập được viết rất thành công, hay và hấp dẫn. Nếu có thể được xin nhóm tác giả cân nhắc để viết thêm về văn hóa ẩm thực Hà Nội có gì đặc sắc. (Tôi từng nghe thầy Trần Quốc Vượng bảo: “Con gái hàng bạc cọng giá cắn làm đôi”). Đồng thời, có thể viết thêm về một số món ăn nước ngoài mới du nhập vào Hà Nội, như món ăn “Tây” (KFC, Pizza, Hotdog), món ăn Hàn Quốc, món ăn Trung Quốc… 2.7. Tập 7: “The Old Quarter and the Westerners’s Quarter” (Khu phố cổ và khu phố Tây) Tập này với 36 trang bản thảo với 19 bài viết. Nhìn chung đây là tập có chất lượng tốt, nhiều bài viết rất hay. Nếu có thể góp ý, tôi chỉ đề nghị các tác giả chú ý hơn đến tính cân đối của các bài viết. Có một số bài dài, trong khi có một số bài quá ngắn (như bài về ngôi nhà số 87 phố Mã Mây). 2.8. Tập 8: “Hanoi Atmosphere” (Không khí Hà thành) Tập này gồm có 46 trang bản thảo với 19 bài viết. Nhìn chung tập này viết đạt, tuy đọc xong vẫn còn cảm thấy có gì đó thiêu thiếu làm tôi chợt nhớ đến những dòng viết của Tô Hoài trong “Cát bụi chân ai”. Tuy vậy, nhưng thú thực là tôi thất cũng khó có thể viết gì hơn những gì đã có trong tập này. Một số góp ý nhỏ: Các tác giả nên cân nhắc xem bài viết về áo dài có trùng với một bài cũng về áo dài ở tập khác không? (tập 2) 2.9. Tập 9: “Street Names Tell about Traditional Vietnam” (Tên phố phản ánh đất Việt truyền thống) Tập 9 gồm 54 trang bản thảo với 27 bài viết, trong đó có 25 bài viết về tên và lịch sử các con phố và đường ở Hà Nội, 2 bài còn lại là phần phụ lục, viết về các địa điểm du lịch và tóm tắt lịch sử, địa lý Việt Nam. Nhìn một cách tổng quát, các bài viết trong tập này đạt chất lượng tốt. Để góp ý cho tập này, tôi xin nêu ý kiến như sau: Thứ nhất, nên bỏ phần phụ lục hoặc chuyển phần này thành phụ lục cho cả bộ sách. Thứ hai, chắc chắn khi xuất bản, tập 9 và các tập khác cần bổ sung ảnh và bản đồ. Riêng tập này thì cần có một bản đồ với tên đường phố các đường, phố chính. Thứ ba, nên cân đối dung lượng các bài viết cho đều nhau. Thứ tư, nên chú ý rằng văn hóa lấy tên anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa đặt cho đường phố là được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam. Người Việt Nam không có truyền thống tôn vinh anh hùng và danh nhân như vậy, họ thường thờ ở đình, miếu, đền. Sau ngày 9.3.1945 Nội các Trần Trọng Kim đã quyết định đổi tên các đường phố ở Hà Nội trước đây mang tên các quan chức thực dân thành tên các anh hùng, danh nhân Việt Nam. Sau 1954 chính quyền cách mạng mới đặt thêm tên đường phố mang tên các nhà cách mạng nổi tiếng. Điều này cũng nên có một bài viết cho rõ. Thứ năm, tại bài số 2 (tr.8) không nên phân loại đường phố như vậy, e rằng phản cảm về phương diện đối ngoại. Thứ sáu, nên có thêm một bài viết về các đường phố mới được đặt tên. Thứ bảy, nên tập trung viết trực tiếp về tiểu sử, hành trạng của nhân vật mà đường phố mang tên dưới dạng chuyện kể. Không nên viết như bài 8: Phố Ngô Quyền thì kể chuyện làng Đường Lâm hoặc bài 9: Phố Đinh Tiên Hoàng và phố Lê Đại Hành lại kể chuyện Dương Vân Nga, còn phố Trần Nhân Tông lại không chủ yếu kể chuyện về vị vua nổi tiếng này. 2.10. Tập 10: “Tropical Plants and Animals” (Cây và con vật nhiệt đới) Tập này dường như là bản thảo có sẵn của một booklet nào đó, gồm 96 trang với 23 bài viết. Nhìn chung các bài viết đều hay. Tôi chỉ xin góp thêm một số ý như sau: Thứ nhất, nên thêm một số bài viết về hoa sữa, hoa ban, hoa bằng lăng ở Hà Nội, khu vường quanh nhà Bác Hồ, hang cây sao ở phố Lò Đúc, Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Thứ hai, không nên nhắc đến tên đường phố thời Pháp thuộc ở đây (nếu có thì chỉ nhắc một lần ở tập 9), tôi thấy rất phản cảm. Thứ ba, khi viết về cây đa nên thống nhất cách dùng tên của cây này bằng tiếng Anh. Không nên nhắc tới cây đa ở Cổ Loa nữa vì cây này chết mất rồi. Ở tr.13, tôi nghi ngờ, không biết chim có làm tổ ở cây đa nhiều thế không? 3. Nhận xét tổng quát Mặc dù còn một số điểm cần được góp ý, bổ sung, chỉnh sửa như trên nhưng tôi vẫn cho rằng đây là tập bản thảo được biên soạn công phu, với chất lượng tốt, đáp ứng được những yêu cầu, mục đích đã nêu trong bản thuyết minh đề án và được Hội đồng xét duyệt thông qua. Xin nhiệt liệt cảm ơn và chúc mừng nhóm tác giả, đặc biệt là nữ nhà văn Mỹ Lady Boston và nhà văn hóa Hữu Ngọc. Kính đề nghị NXB Hà Nội sớm cho in bộ sách quý này.
TSKH. Phan Hồng Giang (20/08/2011)
1. Nhiều bài viết trong cuốn sách đã được công bố trên báo chí ở nước ta từ lâu và được độc giả trong và ngoài nước hồ hởi đón nhận. Tập hợp lại trong một cuốn sách theo bố cục hợp lý, tác giả Hữu Ngọc đã cho độc giả một hình dung khá đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc và tinh tế về Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa. Đây quả là một món quà quý chủ yếu dành cho bạn đọc nước ngoài muốn tìm hiểu thêm về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. 2. Đây là một cuốn sách thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, xuất bản sau thời điểm Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính sang Hà Tây và một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Vì vậy mà nên chăng cần bổ sung vào nội dung “Hà Nội” những nét văn hóa tiêu biểu (lễ hội, chùa chiền, ẩm thực... ) của cùng đất mới nhập về Hà Nội.
Bà Phạm Chi Lan (19/08/2011)
1. Hoàn toàn tán thành ý đồ của tác phẩm được trình bày ở mục I. 2. Hoàn toàn tán thành mục 1, 2 của phần II (thực hiện ý đồ). 3. Mục 3 của phần II về nội dung các cuốn sách xin đề nghị: - Thay cuốn “Đời sống tâm linh” bằng một cuốn với đề tài rộng hơn để ngoài những bài đã dự kiến trong đề cương (giới thiệu tín ngưỡng, ton giáo, chùa đền, hội hè), có thể thêm những bài giới thiệu các khía cạnh khác trong đời sống tinh thần của người Hà Nội: giữ gìn nếp nhà (quan hệ gia đình, họ tộc, làng xóm quê hương...), kết bạn bốn phương (quan hệ rộng mở với người các vùng miền khác, các nước gần xa...), những thú chơi tao nhã (thưởng thức thơ văn nhạc họa, cây cảnh, sưu tầm đồ mỹ nghệ, đồ cổ...). - Cuốn “Văn hóa, nghệ thuật, giáo dục”: ngoài các nghệ thuật biểu diễn truyền thống như chèo, tuồng, rối nước, đề nghị giới thiệu cả các nghệ thuật tạo hình truyền thống và đương đại như tranh (từ tranh Hàng Trống đến tranh lụa, các dòng tranh khác), tượng, thẩm mỹ và tài hoa thể hiện trong đồ thủ công “mỹ nghệ (chạm khắc sơn mài, gốm, thêu ren...) - Cuốn “Ẩm thực”: mở rộng đề tài để giới thiệu thêm các sản vật đặc sắc khác, các vật lưu niệm, quà tặng của Hà Nội.
GS.TS. Phạm Đức Dương (19/08/2011)
Nhận xét chung Tôi thấy đây là cuốn sách rất hấp dẫn để giới thiệu với người nước ngoài về Hà Nội - nhân dịp 1000 năm Thăng Long. Đây là một bộ sách được chọn lọc không những đảm bảo sự hiểu biết của chúng ta về Thăng Long cho đến ngày hôm nay, mà còn phù hợp với yêu cầu của ngành du lịch Việt Nam: giới thiệu cho người nước ngoài với cách viết nhẹ nhàng mà sâu sắc, có cái nhìn chung nhưng đậm phong cách của người Việt... Ngoài ra tác phẩm còn được minh họa bằng tranh ảnh, hình thức đẹp và gọn gàng, tiện lợi cho khách du lịch. Nhà xuất bản Hà Nội đã chọn đúng “thương hiệu” nhà văn Hữu Ngọc làm chủ biên, bởi lẽ ở Việt Nam, không ai hơn anh Hữu Ngọc làm cầu nối giữa nền van hóa Việt Nam với thế giới. Anh Hữu Ngọc đã có công trình được xuất bản và được bạn đọc quốc tế hoan nghênh. Năm 2005 anh đã được nhận giải nhất sách hay của Hội khoa học xuất bản. Với tư cách là người viết, nhà biên soạn với sự hợp tác của các bạn ngoại quốc, tôi tin rằng tập sách sẽ đạt được ý đồ tốt đẹp của Nhà xuất bản và đáp ứng mong mỏi của bạn đọc. Tôi hoàn toàn tán thành đề cương chi tiết bộ sách trên. Tôi coi đây là một ý tưởng hay và rất cần thiết để giới thiệu Hà Nội - một Việt Nam thu nhỏ, cung cấp cho người đọc những thông tin mới nhất để nhận diện Hà Nội. Tôi thấy hình thức quảng bá “thương hiệu” kiểu này đã được nhiều nước trên thế giới tiến hành: quảng bá thương hiệu quốc gia dưới hình thức văn hóa, hấp dẫn. Trong tay tôi có bộ sách 20 cuốn của Hàn Quốc “Korean heritage series”, trong đó người ta giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc: từ chữ Hàn, di sản sách, nghệ thuật trang trí truyền thống, tranh vẽ dân gian, mặt nạ, đến sâm Hàn Quốc, món Kim Chi... Mỗi cuốn sách gồm 16 trang, với nhiều tranh minh họa. Đọc xong, người du lịch có thể hình dung được điều cần biết, cần nhớ về văn hóa Hàn Quốc. Có 2 vấn đề đối với cuốn sách “Hà Nội, Bạn là ai?” - Có bao nhiêu vấn đề về văn hóa Hà Nội cần biết? - Nội dung mỗi tập sách nên viết những vấn đề gì là then chốt? Với tư cách là người nghiên cứu về văn hóa tôi thấy: di sản văn hóa Việt Nam thì chữ Nôm và chữ Hán là đồ sộ, trái lại di sản văn hóa Campuchia thì đền đài miếu mạo là di sản cực kỳ lớn. Do đó khi giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam không thể thiếu phần văn hóa Hán - Nôm. Nếu như các nước Đông Nam Á khác đều có quốc giáo cho đến ngày nay, thì ngược lại Việt Nam không có tôn giáo nào đóng vai trò quốc giáo. Vậy nên giới thiệu tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam như thế nào?... Theo tôi độ dài của mỗi tập (trong 10 tập) khoảng 100 - 150 trang chữ và 20 tranh ảnh là quá dày trong một bộ sách để đựng trong hộp cứng. Do đó đề nghị tăng số đầu mục sách và giảm lượng trang sách. Trên đây là một vài gợi ý nhỏ để Nhà xuất bản với các tác giả tham khảo.
GS. Lê Hồng Sâm (19/08/2011)
Vài ý kiến về đề cương hai bản thảo: Hanoi, who are you? Và Hanoi, the 1000 - year old city of the dragon - Mục đích các cuốn sách được xác định rõ. - Đối tượng được xác định rõ, và thich hợp. - Ý nghĩa thiết thực, đối với dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. - Việc thực hiện có nhiều thuận lợi: trình độ, uy tín, và kinh nghiệm của chủ biên; những tác phẩm đã xuất bản, với đề tài tương tự, có thể dùng làm cơ sở, v.v. - Trong cuốn Hanoi, who are you? về các khu vực được giới thiệu (khu phố cổ, khu phố Tây, khu thành cổ, khu ngoại ô), có nên giới thiệu thêm một hai khu chung cư hoặc khu đô thị mới được xây dựng, có tính chất tiêu biểu, để thấy sự thay đổi trong thời gian gần đây? (có thể tương tự mục 87 trong đề cương cuốn Hanoi, the 1000-year old city of the dragon chăng?)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)